Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Những bí ẩn về từ tâm


Lớn lên ở Hà Nội, từ bé đến lớn khi đi học, mình chỉ biết hạnh kiểm được tính bằng điểm và tử tế ngoan ngoãn được định giá trị bằng việc được đeo khăn quàng đỏ và lớn hơn là đeo huy hiệu đoàn. Làm đủ các “trách nhiệm” ấy rồi thì thấy là mình cũng “nên người” chứ chẳng kém ai! Khi đi làm thì cơ quan cũng đến hẹn lại lên bảo mình đi học lớp cảm tình đảng, nhưng thời đó đã có câu châm biếm “tuy đồng chí ấy là đảng viên nhưng là người tốt” nên mình cũng dửng dưng đến việc “phấn đấu”. Bảng giá trị cũng chỉ loanh quanh mấy thứ đó thôi.

Khoảng năm 1985, Việt Nam còn đói vô cùng, ở nhà ăn cơm độn khoai sắn, độn cả bo-bo mà bụng của sức trẻ này vẫn chẳng mấy khi được no, mình được giao việc đi dịch cho phái đoàn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) chủ yếu là để đánh giá tình trạng “đói khổ” của những vùng cần được cứu trợ và để họ định lượng lương thực cần cung cấp. Đoàn cần tới Đà Nẵng, mà hồi đó chưa có cả sân bay và không có cả chuyến bay bình thường, nên đoàn được chở đi trên chiếc máy bay riêng từ Hà Nội và đáp xuống Đà Nẵng ở một sân bay nhỏ không có hoạt động gì cả nên trông rất sơ sài. Trên chuyến bay mới có dịp nói chuyện với ông Bernard Becterlo, ông người Pháp, chuyên viên của FAO. Ông khẽ kể là ông có người em gái tên là Jean Becterlo, vốn là nữ tu dòng thánh Chúa Cứu thế bên Pháp, đã xin sang Việt Nam làm việc trong bệnh viện cứu chữa nạn nhân chiến tranh, bà ở tại nhà thờ trong Sài Gòn. Tới năm 1975, tuy có cơ hội hồi hương, nhưng bà xin ở lại Việt Nam vì còn nhiều các em bé bị thương bà đang thường xuyên chăm sóc, bà viết thơ cho gia đình nói bà sẽ ở lại với các em này. Ông Becterlo kể rằng từ đó tới giờ là 10 năm gia đình không nhận được tin tức, không biết bà còn sống không, nay có dịp sang Việt Nam, ông muốn tìm em. Ông hỏi mình “Can you help me?”

Mình bàng hoàng nghe câu chuyện kỳ lạ. Làm sao mà một cô gái người Pháp lại có lòng từ tâm đem tuổi trẻ xa rời nơi kinh thành ánh sáng tới nơi này để cứu giúp những người khốn khổ vì chiến tranh, rồi đến khi loạn lạc, khi ai cũng muốn ra đi thì cô ấy vẫn ở lại? Mình chỉ biết báo cáo nguyện vọng của ông Becterlo cho trưởng đoàn, và sau đó vài ngày phải buồn bã báo tin với ông ấy là “do hoàn cảnh thời gian không cho phép nên không thu xếp cho ông tìm em ông được”. Hai năm sau, ông Becterlo lại trở lại Việt Nam vẫn trong một chuyến đi của phái đoàn FAO, vẫn cùng việc “cứu trợ lương thực” cho Việt Nam và ông lại đề nghị việc tìm em gái. May mắn thay, lần này ông được thu xếp tới gặp em ở Sài Gòn. Mười năm sau lần gặp đó, khi bà đã già yếu, bà mới trở lại Pháp rồi mất ở Pháp với cả gần 50 năm một lòng từ tâm chăm sóc những người ốm đau và những đứa trẻ bất hạnh ở Việt Nam.

Do những mối liên hệ khác, mình trở thành người nhà của hai bà soeur người Philippin là hai chị em ruột, người chị hơn người em hai tuổi, họ cùng thế hệ U70 giống mình, nên dễ tâm tình với nhau. Hai chị em xuất thân trong gia đình thành thị khá giả và ngoan đạo. Cả hai đều xinh đẹp, thông minh và cả hai đều tốt nghiệp cao đẳng y tế, ngành điều dưỡng (tiếng Anh gọi là “nursing school”). Ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn biết tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Nhật. Một ngày đẹp trời, hai chị em khi mới ngoài 20 tuổi, một mực xin gia đình cho gia nhập dòng thánh làm “soeur” và tới nay họ đã có gần nửa thế kỷ làm việc chăm sóc những người đau ốm ở các nhà thương cho người nghèo, và người tỵ nạn ở các nơi trên thế giới. Bà chị giữ kỷ lục làm việc lâu nhất là ở Ethiopia, nơi bà đã lưu lại tới 38 năm. Bà em từng được cử trông nom khu làng người Việt tỵ nạn ở vùng đảo Palawan, Philippin. Khi mình hỏi điều gì thôi thúc hai bà đi làm “soeur” thì cả hai bà đều nhỏ nhẹ trả lời cùng nụ cười đầy bí ẩn là họ nghe theo “tiếng gọi thiêng liêng” và vốn sẵn lòng từ tâm, dòng thánh là nơi cho họ được làm việc thiện theo ý nguyện.

Ở các nước, các hình ảnh và câu chuyện bà soeur làm việc tại các nơi như bệnh viện cho người nghèo hay ở các trại trẻ mồ côi rất phổ biến, ở miền Nam trước năm 1975 cũng thế, các bà soeur “da trắng, mắt xanh” ở đây cũng bình thường. Còn ở Hà Nội mãi sau này nhờ có thông tin “thế giới” mà mình mới biết về những người ấy và nhất là chuyện Mẹ Têrêsa, xuất thân từ Albani, mà cả đời phụng sự người bất hạnh ở Calcutta, Ấn Độ.

Ở các nước, ở Hà Nội thời Pháp và ở miền Nam trước năm 1975 đều tồn tại các bệnh viện thiện nguyện, các nhà thương làm phúc, các cơ sở chăm sóc người bệnh miễn phí. Những nơi này, dù ít dù nhiều, cũng gánh đỡ phần nào bớt cho hệ thống bệnh viện công. Hệ thống công lập dù phát triển đến mấy cũng không một tay đảm nhiệm được tất cả nhu cầu y tế của xã hội. Đến các nước có phát triển cao đều vẫn tồn tại các cơ sở chăm sóc y tế từ thiện, phần nhiều là của các tổ chức tôn giáo.

Các soeur luôn được xã hội vì nể, họ là những người có học thức, có quyết tâm phụng sự vì mục tiêu cao cả, và có lòng từ tâm. Những người có tấm lòng trong xã hội tin tưởng họ, ưa việc thực hiện việc nhân đạo qua các bà soeur, vì các soeur là tấm gương về sự tận tụy cho con đường đã chọn mà không nề hà gian khổ và cuộc đời họ là minh chứng là không bị dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân mà bởi một đức tin mạnh mẽ. Được gần gũi những con người như thế quả là một hạnh ngộ mà mình sẽ không bao giờ quên.

Kim Chi 1923    29-09-2017