Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Những đợt truyền chức trong âm thầm tại phòng U8 thờ Đức hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - tt

“Đức cha Quảng được tấn phong giám mục trong thầm lặng và kín đáo nên ít người biết đến. Mọi người chỉ được biết rõ khi Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt là Giám quản giáo phận Bắc Ninh công khai công bố tại nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh vào dịp lễ giỗ lần thứ 18 của Đức cha Đa Minh.”[40] “Đức cha Đa Minh lấy khẩu hiệu Giám mục: ‘Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả’ (1Cr 13,7). Và quả thật, ngài đã sống khẩu hiệu ấy bằng cả cuộc đời của mình, nhất là những năm về sau.”[41]

  

– Thánh lễ tấn phong Giám mục cho Đức cha Vinh sơn Phaolô Phạm Văn Dụ (Giám mục gp Lạng Sơn) ngày 1–5–1979:

 

Cuốn “Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh” cho biết: “năm 1979 do chiến tranh biên giới Trung Hoa, đức cha Vinh sơn Phạm Văn Dụ phải sơ tán đến Bắc Ninh. Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục chính tòa tiên khởi của Lạng Sơn từ năm 1961[42], nhưng chính quyền không cho ngài ra khỏi Thất Khê, và cũng không cho giám mục nào đến đó, nên không tổ chức lễ tấn phong được. Trong phòng nguyện nhỏ bé (nay gọi là “phòng U8”) của Tòa giám mục Bắc Ninh, ngài đã được Đức cha Tụng tấn phong âm thầm năm 1979.“[43]

 

Cha Giuse Trần Đăng Can kể về đêm lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Dụ như sau: “khi ấy phòng tôi ở kề bên nhà nguyện nhỏ của Đức cha Tụng, phòng tôi có cửa thông sang nhà nguyện đó. Đức cha Tụng truyền chức Giám mục cho Đức cha Dụ ở Lạng Sơn vào đêm mồng 1 tháng 5 năm 1979. Đêm đó tôi đang ngủ thì Đức cha Tụng gọi tôi dậy, ngài nói là ngài truyền chức giám mục cho Đức cha Dụ, và bảo tôi vào thánh lễ ngay. Tôi thức dậy là vào lễ luôn. Việc ngài định truyền chức giám mục cho Đức cha Dụ trong đêm ấy tôi cũng không được biết trước, chỉ đến lúc ngài đánh thức tôi và nói thì mới biết. Lúc đó tôi cũng bị buộc phải giữ kín, sau này được các đấng hỏi lại và cho phép tôi mới dám kể lại. Trong lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Dụ đêm đó cũng chỉ có 3 người: Đức cha Tụng, tôi, và Đức cha Dụ.” Trong cuốn “Kỷ Yếu 100 Năm Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng” của giáo phận Lạng Sơn cũng viết: “Tại Bắc Ninh, ngày 01-5-1979, Đức cha Phạm Văn Dụ được Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng – Giám mục Bắc Ninh tấn phong giám mục với tước hiệu: “Theo Chúa Trong Mọi Trường Hợp.”[44]

 

d, Thánh lễ truyền chức Phó tế rạng sáng ngày 01-12-1979:

 

Cha Phêrô V. C.Q.T là một người từng bị nhà nước bắt tù đày 14 năm chỉ vì đi tu. Cha kể lại biến cố chịu chức Phó tế của mình tại “phòng U8” vào rạng sáng ngày 01-12-1979 như sau: “lúc bấy giờ, tôi được Đức cha Tụng gọi lên Tòa giám mục để chịu chức Phó tế, nhưng vì hoàn cảnh xã hội khó khăn nên phải giữ kín, không được để lộ ra ngoài. Vào rạng sáng ngày 1-12-1979 tại phòng U8 trong Tòa giám mục cũ, trong căn phòng duy chỉ có Đức cha Tụng chủ tế Thánh lễ phong chức, và tôi là người nhậm chức. Trong Thánh lễ ngài đặt tay phong chức Phó tế cho tôi.

 

Rồi một tuần sau đó, tôi được Đức cha Tụng gửi đến giáo xứ Giang Xá, thuộc giáo phận Hà Nội để chịu chức linh mục. Chiều ngày mồng 7 tháng 12 năm đó tôi đến nhà thờ Giang Xá, và Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã truyền chức linh mục cho tôi ngay tại căn phòng ngài bị quản chế. Thánh lễ truyền chức linh mục cho tôi từ lúc 23 giờ đêm mồng 7 kéo dài sang 01 giờ sáng ngày 8 tháng 12 thì kết thúc. Trong Thánh lễ hôm đó cũng chỉ có tôi và ngài. Và dạo ấy tôi cũng phải giữ kín, không được phép nói với ai.”[45]

 

đ, Thánh lễ truyền chức linh mục hồi 4 giờ sáng ngày 01-4-1987:

 

Đức cha Gioan Maria Vũ Tất – Giám mục giáo phận Hưng Hóa từng được Đức cha Tụng truyền chức linh mục ngày 01 tháng 4 năm 1987 tại “phòng U8”. Ngài kể về hành trình học tập tại Tòa giám mục Bắc Ninh và chịu chức linh mục tại U8 như sau:

 

– Hành trình học tập dài 15 năm: “từ năm 1972 cho đến năm 1987, Đức cha Tụng dạy học cho chúng tôi tại Tòa giám mục Bắc Ninh. Vì thế mỗi tháng một lần, tôi và cha Thọai đạp xe trên 70 km từ nhà quê ở Thạch Thất – Hà Tây đến Bắc Ninh để học. Với chặng đường trên chúng tôi phải đạp xe hết 6 giờ đồng hồ (từ 3 giờ sáng đến 9 giờ sáng) mới tới nhà thờ Bắc Ninh. Mỗi khi đến nhà thờ, chúng tôi thường đi lẫn vào đoàn người đi lễ 10 giờ ngày Chúa nhật. Sau đó chúng tôi đi lẩn vào Tòa giám mục, lên phòng Đức cha Tụng, và ngài chờ chúng tôi ở đó. Ngài dạy chúng tôi tới trưa thì nhà bếp đem cơm trưa lên phòng, đồ ăn làm theo kiểu cơm hộp. Chúng tôi ăn bữa trưa như kiểu người ta ăn khi đi “picnic”cách mau chóng. Sau đó nghỉ khoảng 30 phút, rồi Đức cha tiếp tục dạy đến 15 giờ chiều. Vì 14 giờ chiều mỗi Chúa nhật thường có Thánh lễ, và lễ kết thúc lúc 15 giờ, nên Đức cha cũng cho kết thúc buổi học lúc 15 giờ để chúng tôi trở ra và nhập vào đòan người đi về cho kín đáo.”

 

– Đêm lãnh nhận chức linh mục tại “phòng U8”: “Đức cha Tụng đã kín đáo truyền chức linh mục cho tôi và thầy Thoại (bây giờ là cha Thoại) vào lúc 4 giờ sáng ngày 01 tháng 4 năm 1987, tại phòng nguyện của ngài trong ngôi Tòa giám mục cũ mà không có phép của chính quyền, nên hay gọi là “truyền chức chui”. Trong Thánh lễ truyền chức đêm đó không có người nào khác được dự, chỉ có Đức cha chủ sự và hai người chịu chức là tôi và cha Thoại. Vào lễ, chúng tôi nằm sấp, gối đầu lên cái sập chân bàn lễ, và ai nấy lấy hai chân đạp vào cánh cửa của phòng có ý để giữ cửa nữa, đề phòng lỡ có ai đẩy cửa thì họ không đẩy được, để không bị lộ việc truyền chức.

 

Chịu chức xong, chúng tôi về và không được phép nói với ai ngoài bề trên của chúng tôi là Đức cha và cha Tổng đại diện của giáo phận Hưng Hóa.”[46]

 

4.   Góc suy tư:

 

Các Thánh lễ tấn phong giám mục, truyền chức linh mục và phó tế diễn ra tại “phòng U8”: vừa là đỉnh cao của việc tôn thờ Thiên Chúa và sản sinh ra các giám mục, linh mục, phó tế cho giáo hội; vừa mang tính “biến cố lịch sử có một không hai” đáng để cho hậu thế suy gẫm và học hỏi. Những sự kiện phong chức tại “phòng U8”: Một mặt, qua nhãn quan đức tin ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa đã hướng dẫn Đức cha Tụng cùng các tiền nhân để làm nên một lịch sử thánh thiêng cho giáo phận ngay giữa buổi đen tối của thời cuộc. “Sau cơn mưa trời lại sáng,” qua bàn tay Đức cha Tụng, Thiên Chúa đã ban thêm các nhân sự để dẫn dắt và nuôi dưỡng giáo phận trong bối cảnh khó khăn khốc liệt của lịch sử. Nhờ thế, giáo phận Bắc Ninh đã và đang lớn mạnh không ngừng, Tin Mừng được rao giảng và ơn thánh qua các Bí tích của Chúa được ban phát nhiều nơi, góp phần làm cho nhiều người được cứu độ; Mặt khác: ta còn nợ các bậc tiền nhân trong các sự kiện tại phòng U8: tình thương và sự dấn thấn phục vụ của các ngài đối với giáo phận. Vì trong bối cảnh cam go của xã hội ngày đó: Đức cha Tụng và các cha đã dám phong chức và lãnh nhận chức thánh, thì đồng nghĩa với các ngài dám tử đạo nơi tù đày bắt bớ vì đức tin, vì giáo phận. Ta cũng không chỉ suy ngẫm về dấu ấn quá khứ mà tiền nhân đã để lại; nhưng ta còn phải làm thế nào để loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh, cho dù họ thuộc thể chế chính trị hay ý thức hệ nào. Vì “những con người đang ở chung quanh ta, hay đã ẩn khuất vào bóng tối quá khứ, vẫn là một thành phần của đời ta. Họ cần được Thiên Chúa cứu độ.”

 

Sau cùng, phần nào giáo phận có thể tự hào rằng: “ta là ta như hôm nay chính vì được nhào nặn trong lịch sử.”[47] Là tín hữu sống trong giáo phận, ta hãy tạ ơn Thiên Chúa luôn, vì qua các biến cố lịch sử nói trên Người đã gìn giữ và ban muôn ơn cho giáo phận, tri ân Đức cố Hồng y Phaolô Giuse và quý đấng bậc đã hy sinh cho giáo phận để góp phần làm cho “đất chúng ta trổ sinh hoa trái” như ngày hôm nay.

 

5.  Danh sách 18 vị được phong chức tại phòng U8:

 

a, Hai Đức giám mục:

 

Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng ngày 4/5/1975.

 

Đức cha Vinh sơn Phaolô Phạm Văn Dụ (gp. Lạng Sơn) ngày 1/5/1979.

 

b, Mười hai linh mục:

 

Cha Giuse Phạm Sĩ An ngày 29/6/1964.

 

Cha Giuse Nguyễn Tiến Giản ngày 13/7/1964.

 

Cha Giuse Nguyễn Minh Hải ngày 16/9/1974.

 

Cha Giuse Trần Bá Hạnh ngày 16/9/1974.

 

Cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu ngày 16/9/1974.

 

Cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh ngày 16/9/1974.

 

Cha Giuse Nguyễn Huy Tảo ngày 16/9/1974.

 

Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến ngày 16/9/1974.

 

Cha Giuse Trần Quang Vinh ngày 16/9/1974.

 

Cha Gioan Maria Vũ Tất ngày 1/4/1987 (Giám mục gp Hưng Hóa).

 

Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại (gp. Hưng Hóa) ngày 1/4/1987.

 

Cha Giuse Nguyễn Văn Thành (Sài Gòn).

 

c, Bốn thầy phó tế:

 

Thầy Phêrô V. Chu Quang Tòng ngày 1/12/1979.

 

Thầy Anphongsô Trần Quang Khải (gp Hà Nội).

 

Thầy Phê rô Phan Văn Hiền (gp Huế).

 

Thầy Phê rô Phan Văn Lợi (gp Huế).

 

 

Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm 2019

Lâm Văn Trung
(WGP.Bắc Ninh 06.09.2019)

 

[1] Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Những Câu Chuyện Về Một Thời, tập 3, 2009, 113.

 

[2] Theo ước đoán thì ngôi Tòa giám mục cũ này được xây dựng vào giai đoạn sau năm 1950, chứ chưa chắc là xây trong năm 1950. Vì ngày 12-3-1950 đức cha Đa minh Hoàng Văn Đoàn được Tòa thánh bổ nhiệm làm giám mục Bắc Ninh, nhưng mãi đến ngày 3-9-1950 (tức cuối năm rồi) mới được tấn phong Giám mục. Sau đó Đức cha Đoàn mới đi Hoa kỳ quyên góp tiền hai lần để xây dựng (xem cuốn Giáo Phận Bắc Ninh của tác giả Đinh Đồng Phương, trang 105 đến 107).

 

[3] X. Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 82. Và xem trong cuốn Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh xb 2009, tr 63.

 

[4] Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 63.

 

[5] Đức cha Phao lô Lê Đắc Trọng, Những Câu Chuyện Về Một Thời, tập 3, 2009, 113.

 

[6] Có thể xem các chi tiết trong cuốn “Những Câu Chuyện Về Một Thời” các tập 1,2,3 của Phao lô Lê Đắc Trọng.

 

[7] Đức cha Phao lô Lê Đắc Trọng, Những Câu Chuyện Về Một Thời, tập 3, 2009, 157.

 

[8] Đức cha Phao lô Lê Đắc Trọng, Những Câu Chuyện Về Một Thời, tập 3, 2009, 124.

 

[9] Thí dụ các linh mục tham gia các tổ chức của chính quyền như: “Hội Liên lạc Công Giáo yêu nước và hòa bình” vv và vv chẳng hạn

 

[10] Có thể xem chi tiết vấn đề trong những cuốn: “Những Câu Chuyện Về Một Thời, tập 3, 2009 của Đức cha Trọng, hay cuốn Chứng Từ Của Một Mục Tử của Hội Thân Hữu Giáo Phận Hải Phòng, 2018…

 

[11] X. Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 50.

 

[12] Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh, tr 110.

 

[13] Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 17

 

[14] Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo, Chứng Từ Của Một Mục Tử, Hội Thân Hữu Giáo Phận Hải Phòng, 2018, 42

 

[15] X. cuốn “Chứng Từ Của Một Mục Tử” của Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo do Hội Thân Hữu Giáo Phận Hải Phòng xuất bản 2018, các trang: 31-32, 38, 43, 52-54, 73-74, 81-81-86, 107-109, 111-117…

 

[16] Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 152.

 

[17] X. Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 81.

 

[18] Phạm Sĩ An, lm,  Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 221.

 

[19] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh

 

[20] Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 65.

 

[21] Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 221.

 

[22] Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 65-66.

 

[23] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu

 

[24] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh

 

[25] Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 63.

 

[26] Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 245.

 

[27] Lúc đó trần nhà có “lỗ kỹ thuật” để leo lên sửa chữa trên mái nhà mỗi khi cần, và cũng là lỗ để hút gió lên trần nhà

 

[28] Phạm Sĩ An, Lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, tr 191.

 

[29] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu

 

[30] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh

 

[31] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu

 

[32] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh

 

[33] Trích lời kể của cha nguyên Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu

 

[34] Lúc đó đức Trịnh Như Khuê đang là Tổng giám mục Hà Nội, và sau được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phong tước hiệu Hồng y ngày 28 tháng 4 năm 1976.

 

[35] Trích lời kể của cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu.

 

[36] Trích lời kể của cha Giuse Trần Quang Vinh.

 

[37] Nguyễn Xuân Trường, Lm. Lễ giỗ Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng. Nguồn: http://hdgmvietnam.org

 

[38] Nguyễn Xuân Trường, Lm, Lễ giỗ Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng. Nguồn: http://hdgmvietnam.org

 

[39] Trích lời kể của cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu.

 

[40] Nguyễn Xuân Trường, Lm, Lễ giỗ Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng. Nguồn: http://hdgmvietnam.org

 

[41] Giáo Phận Bắc Ninh, TRE NGÀ SỐ 3, 2014, 91.

 

[42] Trong cuốn Kỷ Yếu 100 Năm Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng có ghi rõ: “ngày 05-3-1960 Tòa thánh đặt cha Dụ lên chức Giám mục” (tr 42). Và sau đó có sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam được công bố tại Việt Nam ngày 08-12-1960.

 

[43] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa giám mục Bắc Ninh, 2009, tr 67 – 68.

 

[44] Tòa giám mục Lạng Sơn, Kỷ Yếu 100 Năm Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng, nxb TG, 2013, tr 42.

 

[45] Trích lời kể của cha Phêrô V. Chu Quang Tòng.

 

[46] Trích lời kể của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất tại Tòa giám mục Hưng Hóa, ngày 28-5-2019.

 

[47] Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

829    08-09-2019