Những Bức Tranh từ Kinh Thánh

Bạn có bao giờ nghĩ về hình ảnh quan trọng như thế nào khi nói đến sự hiểu biết đức tin Công giáo của chúng ta? Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta cần hiểu những chân lý và giáo lý của Giáo Hội. Nhưng không có những hình ảnh, phép ẩn dụ và minh họa, những chân lý này có thể dường như lạnh lùng và xa xôi.

Chẳng hạn, bạn hãy suy nghĩ về việc tưởng tượng Chúa Thánh Thần như chim bồ câu hay ngọn lửa cháy hay một cơn gió mạnh mẽ ích lợi như thế nào. Hoặc suy nghĩ về cách Chúa Giêsu sử dụng các hình ảnh trong cuộc sống hàng ngày – từ công việc trồng trọt, câu cá, hôn nhân và gia đình – để dạy chúng ta về cuộc sống mới mà Người đã đến để ban cho chúng ta. Ngay cả cụm từ “nước Thiên Chúa” cũng là một hình ảnh dạy chúng ta về sự bình an, sự bảo vệ và ý thức của cộng đoàn mà Thiên Chúa muốn ban cho những người đi theo Người.

Khi nói đến tình yêu giao ước của Thiên Chúa đối với chúng ta, Kinh Thánh vẽ hai hình ảnh rất sinh động: hình ảnh của hôn nhân và hình ảnh của gia đình. Vì thế, hãy tìm hiểu những hình ảnh này để xem những gì chúng ta phải học từ chúng.

Hình Ảnh của Gia Đình. Trong bản tường thuật đầu tiên về sự sáng tạo, chúng ta có thể thấy quan niệm về gia đình được gắn vào trái tim của Thiên Chúa một cách sâu sắc như thế nào. Thực ra, mệnh lệnh đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho cho nam và người nữ là “khả năng sinh sản và gia tăng nhân số” nghĩa là, dĩ ​​nhiên, để có một gia đình (St 1,28). Sau đó, khi câu chuyện mở ra, chúng ta học không chỉ về cặp đôi đầu tiên mà còn về con cháu của họ nữa. Rồi những câu chuyện này đặt nền tảng cho những gì sắp xảy ra.

Khi Thiên Chúa gọi Ápraham là “cha của một dân tộc thánh”, Người đã có một chương trình lớn hơn trong tâm trí cho ông chứ không chỉ chúc lành cho một tộc trưởng duy nhất (x. St 17,5). Qua công việc của mình với Ápraham và dòng dõi của ông, Thiên Chúa đã cho thấy Người muốn đối xử với tất cả mọi người như con cái của mình như thế nào. Người đã cho thấy rằng Người muốn chúng ta trở thành “dân của Người” theo cách sâu xa hơn là chỉ đơn giản tuân theo luật pháp của Người. Người muốn chúng ta trở thành con cái của Người để chúng ta phản ánh hình ảnh của Người, “triết lý gia đình” của Người cho toàn thế giới.

Trong khi hình ảnh gia đình Thiên Chúa này được nói đến nhiều trong Kinh thánh Do Thái, nó trở nên rõ ràng hơn nhiều khi Chúa Kitô đến. Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nói lại nhiều lần về Thiên Chúa như Cha trên trời của Ngài – và cũng là Cha trên trời của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha” trong lời cầu nguyện và khuyên nhủ chúng ta tha thứ cho nhau như Cha chúng ta tha thứ cho chúng ta (x. Mt 6 6.15). Ngài hứa rằng Cha chúng ta muốn ban cho chúng ta những ơn ban tốt lành (x. 7,11). Ngài thậm chí còn nói với Maria Madalêna: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Kho Báu Của Một Người Cha. Hình ảnh của Thiên Chúa như một Cha yêu thương chúng ta và chỉ muốn những điều tốt lành cho chúng ta có thể giúp chúng ta hiểu được giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta. Nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa trân trọng chúng ta theo cùng cách mà bất cứ cha mẹ tốt nào quý trọng con cái của họ. Nó cũng nói với chúng ta rằng Cha của chúng ta đã gắn kết chính Người với chúng ta bằng một giao ước thân thiết và vĩnh cửu như mối liên kết giữa cha mẹ và con cái.

Sự thật là, Thiên Chúa trân quý hết mọi người, ngay cả những người không tin vào Người hoặc không thực hành đức tin của họ. Tất cả họ đều là thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy điều này trong dụ ngôn của Ngài về đứa con hoang đàng. Người thanh niên trẻ trong chuyện ngụ ngôn này có thể cảm thấy không xứng đáng để gia nhập lại gia đình của cha mình, nhưng cha anh lại không suy nghĩ nnhư thế. Ngay sau khi con trai hoang đàng trở về nhà, người cha đã chào đón con trai mình trở lại với gia đình bằng vòng tay rộng mở. Thậm chí, người cha còn tổ chức một bữa tiệc lớn cho anh ta. Cứ như thể con trai ông chưa bao giờ bỏ đi!

Việc biết rằng Cha chúng ta đã tự ký kết giao ước với chúng ta và gọi chúng ta là con cái Người có thể là điều rất an ủi. Càng an ủi hơn nữa để biết rằng những người đi sai đường lạc lối sẽ luôn được chào đón trở lại! Chúng ta không bao giờ nên mất hy vọng. Chúng ta không bao giờ nên từ bỏ việc cầu nguyện cho những người bạn đó hoặc cho những thành viên trong gia đình chúng ta có thể đã mất phương hướng. Cha trên trời đã không mất hy vọng vào họ – và chúng ta cũng không nên như thế.

Hình Ảnh của Hôn Nhân. Sách Sáng Thế nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho người đàn ông đầu tiên một người bạn đồng hành, một người đàn bà, để hợp tác với anh ta trong nhiệm vụ chăm sóc khu vườn. Như một dấu hiệu về mục đích kết hôn của Thiên Chúa, Sách Sáng Thế nói với chúng ta rằng hai người này trở thành “một thân thể” (St 2,24) – một hình ảnh cho thấy cốt lõi của giao ước hôn nhân giữa một người chồng và vợ. Khi hai người đứng trước một linh mục và tuyên bố lời thề của họ với nhau, họ bắt đầu một lối sống hoàn toàn mới. Họ hứa hẹn sẽ sống trong sự hiệp nhất. Họ hứa hẹn sẽ yêu thương, phục vụ, an ủi và chăm sóc lẫn nhau trong suốt quãng đời còn lại của họ.

Nhưng ngày cưới, đẹp như nó có thể, chỉ là khởi đầu. Những lời thề hứa mà hai vợ chồng này trao đổi bây giờ thì họ phải sống ngày này qua ngày khác. Thánh Phaolô đã giải quyết thách thức này khi ngài nói với người chồng và vợ để “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5,21). Ngài viết: Mỗi người phối ngẫu phải có tình yêu vô điều kiện cho người kia. Mỗi người phải giúp người kia trở nên thánh thiện và không tì vết. Mỗi người phải phục vụ người kia và cố gắng duy trì lẫn nhau, “vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người” (5,30).

Chúng ta hãy đối diện với nó, những tuyên bố phải làm như thế này có thể khó theo kịp. Tất cả chúng ta đều cố hết sức, nhưng chúng ta thất bại. Nhiều như chúng ta muốn hiệp nhất, đôi khi chúng ta có thể chiến đấu. Nhiều như chúng ta muốn làm điều đúng đắn, có những lúc chúng ta bị cám dỗ. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ phá vỡ trật tự trong nhà của chúng ta.

Tuy nhiên, Phaolô đã lấy hình ảnh hôn nhân này – bất kể người ta có thể sống nó không hoàn hảo như thế nào – và áp dụng nó cho Chúa Giêsu và sự cam kết của Ngài đối với Giáo Hội. Chắc chắn, Phaolô đã thực hiện việc so sánh này để làm nổi bật một sự khác biệt có ý nghĩa: Chúa Giêsu là người phối ngẫu hoàn hảo. Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ ngừng phục vụ chúng ta và cố gắng giúp chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Chúa Giêsu sẽ không bao giờ phá vỡ giao ước của Ngài với chúng ta!

Nếu chúng ta nhìn vào danh sách những việc phải làm của Phaolô và áp dụng nó cho Chúa Giêsu, thì những kết quả thật đáng chú ý. Là người chồng và người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu đã ban sự sống của mình để chúng ta có thể trở thành một cô dâu thuần khiết và thánh thiện. Qua thập giá của mình, Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi đã làm chúng ta xa lìa khỏi Ngài. Thông qua máu của Ngài – máu của giao ước mới và vĩnh cửu – Ngài rửa sạch chúng ta và cho chúng ta một khởi đầu mới. Đồng thời, nhờ sự sống lại của Ngài và nhờ ân sủng Thánh Thần của Ngài, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để sống thánh thiện.

Hình ảnh hôn nhân này chứng tỏ Chúa Giêsu yêu thương Giáo Hội của Ngài sâu sắc đến chừng nào – Giáo Hội ấy là chính mỗi cá nhân chúng ta cũng như tất cả chúng ta nói chung. Bất kể tất cả những yếu điểm và thất bại của chúng ta, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta bằng tình yêu hoàn hảo và chân thành và vô biên. Chúng ta càng hiểu được chiều sâu của tình yêu này, thì chúng ta càng hiểu sâu hơn về giao ước của Thiên Chúa ký kết với chúng ta.

Được Ngụp Lặn Trong Tình Yêu của Thiên Chúa. Hôn nhân và gia đình: đây là hai mối quan hệ quan trọng nhất mà mọi người đều có thể có. Không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa sử dụng hai mối quan hệ này để giúp chúng ta hiểu tình yêu giao ước của Người đối với chúng ta. Cả hai đều liên quan đến một mức độ của sự thân mật, cam kết và lâu dài có thể nói khối lượng/nhiều với chúng ta về cách Thiên Chúa muốn liên hệ đến chúng ta. Người không muốn chúng ta nghĩ về giao ước của Người như một hợp đồng pháp lý nào đó được soạn thảo để bảo vệ lợi ích của mỗi bên liên quan. Người không muốn chúng ta kiểm tra giao ước của Người bằng một chiếc kính lúp, cố gắng tìm ra kẽ hở hoặc để thoát khỏi những điều khoản. Cốt lõi giao ước của Người là tình yêu, không phải là nghĩa vụ; là lòng thương xót, không phải sự cưỡng bách.

Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn thấy giao ước của Người về những gì nó thực sự là: một sự cam kết vĩnh cửu của một người Cha yêu thương con cái mình sâu sắc và chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng. Đó là sự cam kết của một người chồng sẽ đi đến tận cùng để lo liệu cho cô dâu của mình và bảo vệ cô khỏi mọi nguy hiểm.

Những hình ảnh về hôn nhân và gia đình cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không phải là một “Đấng tối cao” vô danh, không ai biết đến. Người là Thiên Chúa Ba Ngôi. Toàn bộ cuộc đời của Người là một sự hiệp thông, một sự liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hơn thế nữa, cuộc sống của sự hiệp thông này vượt ra ngoài bản thân Người để bao trùm mỗi và mọi người trên mặt đất. Đó là lý do tại sao Người đã thiết lập giao ước với chúng ta.

Bạn thuộc về Chúa! Giống như mọi người cha trần thế tốt lành, Cha trên trời của chúng ta muốn chúng ta vui hưởng cuộc sống trong gia đình Người. Vì thế, chúng ta hãy dành thời gian để tạ ơn và ca ngợi Chúa vì đã thiết lập một giao ước sống động, vĩnh cửu với chúng ta. Chúng ta hãy nói với Chúa rằng chúng ta muốn sống như những đứa con yêu dấu của Chúa. Hãy nói với Chúa rằng chúng ta muốn biến Giáo Hội thành cô dâu xinh đẹp, không tỳ vết cho Chúa. Và trên hết, chúng ta hãy nhớ mọi điều Chúa đã ban cho chúng ta trong giao ước của Người. Chúa đã gắn bó chính mình với chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa và chúng ta là kho báu của Người!

Theo the Word Among us
Marriage & Family Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương