Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Những hình ảnh vô thức ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta

 

 

Trong số tất cả những câu chuyện lớn lao trên thế giới, những câu chuyện phổ biến nhất, nổi tiếng nhất, và vĩnh viễn hấp dẫn, là những chuyện về các vị anh hùng. Những câu chuyện này mô tả một người nào đó, nam hay nữ (dù thường là nam), phải trải qua hành trình hiểm nguy, đau khổ, bị chống đối, hiểu lầm và xúc phạm, để đạt được một mục đích cao đẹp nào đó.

Những thể loại chuyện như vậy có khắp mọi nơi trong thần thoại cổ điển, trong thánh kinh, tiểu thuyết anh hùng ca, và phim ảnh bình dân. Chi tiết của các câu chuyện này rất khác nhau, nhưng chúng đều có một mô thức chung: Vì những lý do cao cả, nam hay nữ anh hùng này phải đi xuống thế giới tối tăm của khổ đau, chịu đựng khổ đau đó, thường là bị hiểu lầm và chống đối trầm trọng, để cuối cùng vươn lên trong chiến thắng, trở thành người chinh phục, vị anh hùng, đối tượng để ngưỡng mộ, và là một người mà giờ đây cách nào đó đã đứng cao hơn những người khác nhờ thành tựu này. Đồng thời, một điều rất quan trọng, trong các thần thoại và câu chuyện như thế, thế giới trở nên tốt đẹp hơn và cách nào đó đã được cứu rỗi nhờ lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng gánh chịu đau đớn, hiểu lầm, cách ly và bị hạ nhục của vị anh hùng này.

Phổ biến nhất, trong những câu chuyện này, người nam hay người nữ anh hùng đạt được một chiến công nào đó trên thế giới, một chiến thắng trong chiến tranh hay thể thao; nhưng, ở một cấp độ sâu sắc hơn, nhiều câu chuyện trong số này muốn nói về cuộc hành trình nội tâm và tinh thần của một người. Trong thần thoại, điều này được diễn đạt là cuộc săn tìm “chén thánh”, và cuối cùng “chén thánh” là điều gì đó tìm thấy vào cuối cuộc hành trình nội tâm, nghĩa là sự chính chắn và thánh thiện hiếm hoi của con người.

Trong cuốn sách mới của mình, Tự nhiên và Tâm hồn Con người (Nature and the Human Soul), Bill Plotkin chiêm nghiệm về việc cách hiểu của chúng ta về vấn đề này bây giờ đã bị méo mó tệ hại như thế nào, trên thực tế là tệ hại đến mức mà, đối với văn hóa của chúng ta, “chén thánh” được hình dung không hơn hào quang của chuyện trở thành thần tượng của tuổi “teen”.

Ông viết như thế này: trong những thập niên gần đây, văn hóa bình dân đã làm suy yếu hình thức chính chắn của hành trình người anh huong, phá hỏng nó bằng hình ảnh kỳ khôi của thanh thiếu niên vị kỷ. Tất cả chúng ta đều quá quen thuộc với mô thức câu chuyện của Hollywood: vị nam hay nữ anh hùng quả cảm – từ John Wayne đến James Bond, từ Siêu nhân đến Chú chuột Hùng mạnh, từ Người Dơi đến Người Đàn bà Điện tử – không tiếc mạng sống, sức khỏe hay tài sản của mình, trong thể thao, chinh chiến, điệp vụ hay một nhiệm vụ bất khả thi nào đó, để cứu lấy thời gian, hay cứu một thiếu nữ, hay cứu hành tinh này, và nhận về những phần thưởng chiến thắng và khen ngợi cá nhân. Trong cách biểu đạt non nớt này về cuộc hành trình của người anh hùng, nhân vật chính tìm cách đánh lừa cái chết và trở nên “người hùng” hoặc phô trương lòng tự tôn, giống kiểu của một biểu tượng người nổi tiếng hay một thần tượng tuổi “teen” hơn là người đã trưởng thành. Người hùng thiếu niên này trở về với vài vết trầy xước nhưng căn bản vẫn không thay đổi gì. Mặc dù người ta thường lấy làm vui thích, nhưng đó chỉ là câu chuyện Ngục tối và Rồng ác, chứ không phải hành trình của một vị anh hùng chính chắn.

Con đường đi đến sự trưởng thành đích thực của người nam hay người nữ đều khác hẳn chủ nghĩa anh hùng vị thành niên, thường là kiểu nam tính vai u thịt bắp. Vị nam anh hùng trưởng thành đã lâm vào thế giới tối tăm, trải qua một trận bại chiến quyết định đối với tính cách thiếu niên (một cái chết tâm lý hay tổn thương tâm lý nặng nề), đã đón nhận thiên khải về vị trí chân chính của mình trên thế gian, và khiêm tốn trở về với nhân dân của mình, sẵn sàng phục vụ nhãn quan của mình. Điều này cũng đúng hoàn toàn với vị nữ anh hùng.

Cuộc hành trình của vị anh hùng có ý nghĩa chuyển hóa từ thiếu niên sang người trưởng thành, để biến một người thành Người Lớn, và điều này được thành tựu không hẳn bằng cách chinh phục những kẻ xâm lược xa lạ, đánh bại những kẻ xấu bằng sức mạnh cơ bắp, hay bằng cách đoạt được Giải thưởng Hàn lâm viện hay một cúp vô địch. Quá thường xuyên, những cuộc chinh phục kiểu đó có tác dụng ngược lại, đó là đậm thêm tính vị kỷ, coi mình là trung tâm mọi việc, và khóa chặt con người lại, thậm chí còn khóa kín hơn trong tình trạng chưa trưởng thành, bằng cách tăng cường kiểu mơ mộng hão của thiếu niên là trở thành một vị anh hùng đứng tách biệt và cao hơn.

Điều cần để giết chết tính cách thiếu niên chính là bị đánh bại hay bị làm nhục, khiến cho tính chất thiếu chính chắn của những giấc mộng hão thiếu thời của chúng ta bị vỡ toang, bị phô bày ra, những giấc mộng hão mà trong đó chúng ta luôn luôn là siêu sao, là thần tượng được hâm mộ, vị anh hùng chinh phục, người sáng giá hơn và hùng mạnh hơn người khác, và là người mà bằng cách nào đó miễn nhiễm ốm đau, cái chết và những yếu đuối đời thường của con người. Một hành trình của vị anh hùng chân chính, hành trình chuyển hóa chúng ta từ lòng tự tôn và vị kỷ không lành mạnh trở thành khiêm nhường và hào hiệp lành mạnh, sẽ luôn luôn là một cuộc hành trình quá hải, trong đó chúng ta, giống như Chúa, uống ly sỉ nhục, mà vẫn không vì thế trở nên cay đắng hay tuyệt vọng. Một vị anh hùng chân chính thường giống một người ông hay người bà nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng và khiêm nhường (người mà mỗi một nếp nhăn đều là một câu chuyện về nỗ lực, nỗi lo lắng, muộn phiền, và nước mắt), hơn là một người đang vẻ vang sung sướng giương cao cúp vô địch thể thao hay giải thưởng Viện hàn lâm.

Trong văn hóa ngày nay của chúng ta, những người nổi tiếng là những vị thánh mới – và các tạp chí, chương trình truyền hình, trang mạng internet đầy ảnh của họ và những chi tiết sâu kín của đời sống họ giờ là thức ăn tinh thần của thời đại chúng ta – đối với nhiều bộ phận lớn trong nền văn hóa của ta. Tình hình là như vậy, cả hay và dở; nhưng chúng ta cần nhận ra mình đang chịu ảnh hưởng sâu sắc như thế nào bởi những hình ảnh thiếu niên này hơn là lòng nhân chính chắn.

J.B. Thái Hòa dịch

779    13-12-2017