Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (3/8)

 

Cô đơn có thể là một sức mạnh giúp chúng ta nhạy cảm với những nhu cầu và mong mỏi của tâm hồn.

Bài hát “Hãy ngồi xuống hỡi người lạ trẻ tuổi”, của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Gordon Lightfoot ở thập niên 70, đã kể câu chuyện về cuộc đi lang để tìm ý nghĩa cuộc sống của một thanh niên. Mô tả những lúc vui lúc buồn, ông nói: “Đôi khi có thể bị cô đơn, nhưng nó dạy cho tôi biết khóc!” Trong các lợi điểm của cô đơn, nó có thể dạy cho chúng ta khóc, và đó không phải là một điều nhỏ bé đơn giản tầm thường.

Trong chương trước, tôi đã giới thiệu Hagar Shipley, nhân vật bi kịch chính trong tác phẩm Thiên thần đá của Margaret Laurence. Vì không thể khóc được, Hagar khốn khổ sống và chết trong tội không thể tha thứ là tội chống lại Chúa Thánh Thần, một lòng kiêu ngạo không lay chuyển. Nếu bà có thể bỏ niềm kiêu hãnh qua một bên để nhỏ một giọt nước mắt, tình yêu cứu rỗi và sự sống sẽ tuôn đổ trên bà, mang lại cho sự sống và cái chết của bà một ý nghĩa.

Tâm trạng cô đơn có thể làm cho chúng ta được như vậy. Cô đơn có thể dạy chúng ta biết khóc, và nhờ đó, chúng ta nhạy cảm với tất cả những gì thâm sâu nhất, dịu dàng nhất và đáng giá nhất trong con người mình. Vì sự cứu rỗi được xây trên những giọt nước mắt, nên tâm trạng cô đơn có giá trị hữu ích dẫn chúng ta đến với sự cứu rỗi. Tôi sẽ giải thích điều này qua việc so sánh hai nhân vật: Studs Lonigan, trong tiểu thuyết kinh điển cùng tên của James T. Farrell, và Caleb, nhân vật “Cain” trong tiểu thuyết Phía Đông vườn địa đàng (East of Eden) của John Steinbeck. Cách họ phản ứng với nỗi cô đơn, và khả năng hay bất lực của họ để rơi lệ, làm nên sự khác biệt giữa cứu rỗi và khốn khổ trong nỗi cô đơn.

Studs Lonigan là câu chuyện về sự phát triển của một con người, William Lonigan từ lúc còn là cậu bé cho đến khi anh chết ở tuổi mới trưởng thành. William được bạn bè gọi là “Studs” vì anh rất ngoan cố.

Ngoan cố là từ duy nhất mô tả đúng về anh. Lớn lên trong khung cảnh sống thô lỗ ở Chicago, lúc giao thời của thế kỷ 20, Studs là người ngoan cố nhất trong những kẻ ngoan cố. Anh là một tay đánh đấm, chè chén, thích các động điếm hơn là hôn nhân, hơn là những giây phút tươi đẹp với đời sống gia đình. Khắc nghiệt như phiến đá, nơi anh không có một điểm dịu dàng nào. Và trong lòng anh cũng không có nỗi cô đơn. Anh sống nhanh, sống cho chính mình. Những người khác có thể khóc than sụt sùi, nhưng Studs thì không bao giờ; anh thuộc về chính anh, và biết cách chăm lo cho mình. Không thể tìm thấy một giọt lệ nơi anh.

Đó là những gì người khác thấy ở Studs Lonigan. Và đó cũng là điều mà anh thấy anh như vậy, cụ thể là, không có điểm yếu, không thực sự cần ai, hoàn toàn tự chủ. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác trong con người Studs. Thỉnh thoảng khi anh ở một mình, không cần phải đóng kịch, không cần người khác và không cần ai quan tâm đến mình, anh gỡ bỏ vỏ bọc của tính ngoan cố. Anh đang mấp mé ở bờ của những giọt nước mắt cứu rỗi. Bất hạnh thay, chẳng bao giờ anh khóc được. Tính ngoan cố đã thắng vượt tâm trạng mềm yếu, và William vẫn cứ là Stubs. Cũng vậy, anh đã từng yêu hai lần. Nhưng cả hai lần, tình yêu có thể đưa anh ra khỏi chính mình, đã bị hụt hẫng vì anh không muốn trở nên nhẹ nhàng, mềm yếu, và rồi tình yêu đó mất đi. Stubs không bao giờ từ bỏ, không bao giờ thừa nhận với chính mình và với người khác rằng anh cô đơn và anh cần người khác. Chẳng bao giờ khóc, và kết quả là Studs đã thắng vượt William, con người ngoan cố đã thắng vượt con người thật, và khi anh chết đau thương vì viêm phổi ở tuổi 38, anh đã chết như một người bị xa lánh, cô đơn, không bao giờ khóc và không bao giờ yêu thật sự.

Thật là một câu chuyện bi kịch và đầy thương cảm. Tuy nhiên có nhiều tính chất của Studs Lonigan trong mỗi chúng ta. Chúng ta là một Studs Lonigan đối với chính mình đến mức nào? Chúng ta thường mang chiếc mặt nạ ngoan cố, không điểm yếu, không cô đơn, và không bao giờ khóc đến mức nào? Và rồi dưới tất cả những thứ đó, chúng ta vẫn còn là một đứa trẻ sợ hãi và cô đơn như thưở bé. Sau rốt, chúng ta không đến nỗi là những người quá ngoan cố. Tất cả những gì chúng ta muốn là được người khác yêu thương và đón nhận. Vẻ ngoài ngoan cố không thể lừa phỉnh ai, ít nhất là đối với chính mình. Lầm lỗi nghiêm trọng và xu hướng cố định của chúng ta là không để cho người khác thấy mình cô đơn và dễ tổn thương, thực sự chúng ta tuyệt vọng muốn nói với người khác rằng, chúng ta cần họ biết bao. Hy vọng câu chuyện cuộc đời của chúng ta sẽ không kết thúc như Studs Lonigan hay Hagar Shipley. Có lẽ tâm trạng cô đơn của chính mình, sẽ dạy chúng ta biết khóc, và rồi câu chuyện của chúng ta có thể kết thúc như Caleb Trask.

Caleb Trask là nhân vật chính có thật trong tiểu thuyết Phía Đông vườn địa đàng của John Steinbeck. Mặc dù anh và người anh em song sinh Aaron, không xuất hiện trong suốt hai phần ba đầu truyện, nhưng câu chuyện thật sự là nói về họ. Cha của họ, Adam Trask, là một con người cô đơn nhưng có tình thương. Mẹ của họ, Kate là một cô gái điếm, đã bỏ cha và hai anh em khi mới sinh ra.

Ngay từ lúc chào đời, Caleb và Aaron đã giống Cain và Abel. Aaron là Abel. Tóc thẳng và dễ nhìn, hấp dẫn tự nhiên, anh được mọi người yêu thích, đặc biệt là người cha. Dường như tốt lành và đức hạnh là những điều tự nhiên có trong người anh, và tất cả những gì anh làm đều đẹp lòng mọi người. Calep là Cain. U ám, mặc cảm, lầm lì, bản tính ưa thu mình, thiếu khả năng để kết bạn. Dường như người ta tự nhiên xa lánh anh. Từ nhỏ, anh là người thui thủi một mình, u ám.

Gần như từ trong bản chất, Caleb đã cảm thấy cô đơn và bị ruồng bỏ. Đầu tiên, anh để những cảm giác đau đớn điều khiển làm cho anh trở nên hèn hạ. Anh cố để làm tổn thương người khác, đặc biệt là Aaron; tuy nhiên mỗi lúc làm như vậy anh đều thấy mình tệ mạt và tội lỗi.

Một ngày nọ, anh biết được câu chuyện của mẹ mình, bà đã bỏ hai anh em lúc chào đời và bây giờ đang làm điếm trong thành phố. Khám phá ra chuyện này, anh giữ kín không cho Aaron biết, và anh càng yêu cha mình hơn. Với nhiệt huyết sôi sục, anh lên kế hoạch để kiếm năm đồng làm quà cho cha vì ông vừa mất khoản số tiền đó trong lần đầu tư thất bại mới đây. Kế hoạch của anh thành công, khi trao quà cho cha, Caleb bồn chồn và phấn khích, tự hỏi cha sẽ phản ứng như thế nào.

Đáng buồn thay, người cha chối từ món quà của anh. Dù có món quà như thế, người cha vẫn thích Aaron hơn anh. Cũng như lễ vật của Cain bị chối từ vì lễ vật của Abel được yêu mến hơn, Caleb cũng bị chối từ vì người cha thiên vị Aaron.

Tổn thương và giận dữ, Caleb ra đi và gặp em trai. Anh nói với Aaron anh muốn cho cậu xem một thứ, và trong hằn học, anh dẫn Aaron đến gặp mẹ. Chuyến thăm này mang lại quá nhiều điều cho Kate và Aaron. Cả hai đều đau khổ vì việc này. Sau chuyến đi đó, Kate tự vẫn, để hết tiền bạc lại cho Aaron. Sau khi đánh Caleb, Aaron bỏ đi và gia nhập quân đội. Còn Caleb sa vào rượu chè và hôm sau, anh đem đốt hết số tiền mà anh muốn đem tặng cha.

Một thời gian sau, một bức điện tín gởi đến người cha báo tin Aaron đã tử trận. Nghe tin này, Adam bị đột quỵ nặng. Gánh nặng từ cái chết của người em và cơn bệnh của người cha giờ đây ở trên vai Caleb. Và gánh đó quá nặng với anh; anh nhận ra tội lỗi này sẽ nghiền nát anh. Anh sợ phần đời còn lại của mình sẽ không thể nào tránh nhìn vào đôi mắt cha, nhìn thẳng và nói với ông chính anh đã giết đứa em của mình.

Nhưng không như bản sao trong kinh thánh, Cain đã phải lang thang trên mặt địa cầu suốt phần đời còn lại, bị đóng dấu bởi chính tội lỗi của mình và liên tục nghe tiếng khóc của em trai bị mình sát hại. Caleb đã tìm kiếm sự cứu rỗi. Tội lỗi và khốn nạn do cô đơn và bóng tối trong tâm hồn, anh khóc than, xin được chấp nhận và tha thứ.

Khi Caleb bước vào và xin tha thứ, cha anh đang hấp hối trên giường. Cố gắng hết mình, Adam nói khẽ timshel, một từ Do Thái cổ cho anh một cơ hội, con có thể. Khi dùng từ này, ông đã cho Caleb biết rằng con đường vẫn rộng mở, và quyết định là ở chính anh.

Tiểu thuyết kết thúc với một lưu ý tích cực. Không như Cain, không như Studs Lomgan, không như Hagar Shipley, ngược với tất cả những bất hòa chống lại mình, Caleb mở rộng quả tim để yêu thương và để tha thứ. Được thúc đẩy bởi cô đơn và tội lỗi của mình, anh chọn việc tìm kiếm tình yêu và tha thứ hơn là cám dỗ biến mình thành chua cay và nhẫn tâm. Sự cứu rỗi đã đến với những giọt nước mắt của anh. Kết thúc câu chuyện, chúng ta có thể đoan chắc rằng, không như Cain, nhân vật tương đồng trong kinh thánh, Caleb sẽ đến đất hứa.

Tâm trạng cô đơn có thể dạy cho chúng ta biết khóc, không thiên vị. Cũng như Caleb Trask, trong tâm trạng cô đơn của mình, chúng ta được trao cho cơ hội để biến chua cay thành nước mắt, tội lỗi thành khát mong được tha thứ. Và thường thường khi điều đó xảy ra, sự cứu rỗi sẽ không còn xa nữa.

J.B. Thái Hòa dịch  

416    18-10-2019