Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Những Nẻo Tâm Linh Ngoài Kitô Giáo - 2

2.2. LÃO GIÁO (ĐẠO GIÁO) (Taoism hay Daoism) :

a. Nguồn gốc :

Lão giáo hay Đạo giáo là một tôn giáo xuất hiện đồng thời với Khổng giáo trong địa bàn của nước Trung Hoa thời cổ đại thuộc vương triều nhà Chu bởi một nhân vật sống và hoạt động truyền đạo cùng thời với Đức Khổng Tử mà danh xưng gắn cho vị nầy là “LÃO TỬ”.

Chúng ta thử theo chân của nhà nghiên cứu Ruth Andersen tìm lại đôi nét lịch sử về nhân vật đặc biệt nầy :

“Theo một truyền thuyết của Đạo giáo thì Lão Tử được sanh ra tại làng Chujen, một làng ở huyện Hồ (Hồ Bắc) trong tỉnh Hà Nam, độ chừng năm mươi năm trước Khổng Phu Tử. Ông sống trong thời kỳ của Zoroaster tại Ba Tư (một nhà tiên tri của Ba-Tư - ND) và thời kỳ của các tiên tri Giêrêmi và Êxêchiên của người Hêbơrơ. Ông được chỉ định làm một học giả trông coi Kinh sách trong triều đình nhà Chu. Ông là một con người trầm tĩnh, ít tiếp xúc với xã hội. Ông được xem là một vị thánh hiền, và không bao lâu sau khi ông mất, ông được thờ phượng như một thần linh.

Lão Tử và Khổng Tử sống ở Trung Hoa trong thời kỳ đất nước loạn lạc. (…). Lão Tử đã cố gắng để khôi phục trật tự chính trị xã hội, nhưng ông đã không thành công. Truyền thuyết nói rằng ông đã để Kinh sách của Đạo giáo lại tại Vạn Lý Trường Thành của nước Trung Hoa và đi tìm sự sống vĩnh hằng, trở thành một với Đạo.”[32]

b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo :

Một phần nào giống như Không giáo, Lão giáo thiên về một học thuyết, một triết lý sống hơn là một tôn giáo đúng nghĩa. Theo nhận định của Ruth Andersen thì Lão giáo có thể định nghĩa như sau :

“Từ ngữ Đạo giáo có nghĩa là “một con đường”. Người Đạo giáo tin rằng mọi vật trong vũ trụ đều chuyển động và thay đổi. Nó chuyển động một cách hòa hợp và có trật tự. Con người bị lạc đường do không hòa hợp của mình và những chủ tâm của riêng mình. Con đường cần quay về con đường của sự đơn sơ và khiêm tốn bằng hành động thụ động và một con đường đạo đức đúng đắn. Trong thực tế, Đạo là một triết lý, một tôn giáo, một hệ thống nghi lễ có tính pháp thuật, tất cả đều gom vào thành một.”[33]

Tư tưởng của Lão giáo hay Đạo giáo tập trung trong một tác phẩm tương truyền do chính Lão Tử soạn tác đó là quyển ĐẠO ĐỨC KINH[34]. Sau nầy, có thêm một đồ đệ của Lão Tử là Trang Tử đã san định, bổ túc để làm cho học thuyết “Đạo giáo” mang tính thống nhất, đầy đủ và dễ thuyết phục hơn.[35](Xem thêm về sách ĐẠO ĐỨC KINH[36])

Sau đây là những điểm tích cực trong con đường tu thân tích đức (linh đạo) chúng ta tìm thấy trong Lão giáo :

b.1/. Giáo lý và quan niệm cốt lõi : ĐẠO

Nền tảng giáo lý và triết lý của Lão giáo có thể tập trung ở một từ duy nhất “ĐẠO” :

“Theo các tín đồ Đạo giáo thì Đạo giáo không thể mô tả được, bởi vì nó luôn luôn thay đổi. Nếu người ta có thể cắt nghĩa được, thì nó sẽ không còn là đạo nữa. “Đạo mà có thể luận giải được thì không phải là Đạo tuyệt đối” (Đạo khả đạo phi thường đạo). Người ta nói rằng nó thuộc về hình nhi thượng (métaphisical), vượt ngoài lãnh vực vật lý. Nó là vô hình, và siêu việt trên thế giới loài người (Danh khả danh phi thường danh). Một khía cạnh duy nhất mà con người có thể nhận biết về Đạo là tiến trình hữu hình của thiên nhiên mà theo đó mọi vật dời đổi biến hóa. Thấy những gì nó hoạt động thì một người có thể nói rằng Đạo hiện hữu.”[37]

Từ quan niệm đó. Lão giáo chủ trương thuyết “VÔ VI” :

“Đạo không chỉ là nguyên lý của vũ trụ mà cũng còn là một mẫu mực cho cách cư xử của con người. Trong sự thay đổi không ngừng của Đạo, người ta thấy sự tự do và năng lực. Đạo hứa hẹn hạnh phúc cho những ai chịu phó mình cho nó. Điều nầy xảy ra như thế nào? Bằng việc thực hành sự vô vi, nghĩa là “không hoạt động, không tranh đấu, sinh hoạt vô hoạt động”.[38]

Như vậy có thể tóm tắt học thuyết và linh đạo của Lão giáo qua những điểm sau :

- Một người có thể đạt đến sự kết hiệp với Hữu thể tối cao.

- Một người nên lấy thiện trả ác.

- Một người nên lấy lý trí khống chế cảm xúc.

- Sự sống quan trọng hơn tài sản vật chất.

- Phục vụ kẻ khác là lý tưởng.

- Để trọn vẹn con người phải đi theo ý trời.

c. Linh đạo và bài học từ Lão giáo :

Theo phân tích và đối chiếu của tiến sĩ Nguyễn Như Lai, thì có thể chọn trong giáo lý, học thuyết của Lão giáo 3 điều tương ứng với 3 nhân đức của Tin Mừng : KHIÊM NHƯỜNG, KHÓ NGHÈO VÀ CHIA SẺ BÁC ÁI.

- Khiêm nhường : “Ðạo Lớn tràn lấp, bên phải bên trái. Vạn vật nhờ Ðạo mà sinh ra, mà không một vật nào bị Ðạo khước từ, Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài, mà không làm chủ. Thường không ham muốn, nên có thể gọi tên là Nhỏ. Ðược muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là Lớn. Bậc Thánh Nhơn cho đến ngày cùng, không cho mình là lớn. Cho nên mới thành được việc lớn của mình” (Ch. XXXIV)[39]

- Khó nghèo : “Ăn mặc lộng lẫy, đeo đai và kiếm sắc, đồ ăn thức uống dư dật và của cải đầy tràn... đó chỉ là hang trộm cướp (đạo tặc) chứ đâu phải đường của đại Ðạo” (x.Ch. LIII). (…). Không thể giữ bưng mãi được bình nước đầy, có lúc nó sẽ vơi; Không thể giữ mãi được con dao sắc bén, chầy kíp nó sẽ cùn! Cũng vậy, dùng vàng bạc ngọc ngà chất chứa đầy nhà, chỉ là tự vời kẻ trộm đến. Phú qúy là điều thiên hạ ai cũng muốn, lại còn khoa trương thì không vời họa đến cho mình sao được” (x. Ch. 9)[40]

- Chia sẻ bác ái : “Bậc thánh nhơn không thu giữ, càng vì người mình càng thêm có, càng cho người mình càng thêm nhiều, Ðạo của Trời lợi mà không hại, Ðạo của thánh nhơn, làm mà không tranh” (Ch. LXXXI)[41]

3. Các tôn giáo độc thần thuộc Trung Đông :

3.1. DO THÁI GIÁO (Judaism) :

a. Nguồn gốc :

Do Thái giáo (Judaism) là tên của một tôn giáo độc thần cổ nhất tại vùng Trung Đông của một quốc gia cùng tên : nước Do Thái (Hay còn gọi là nước Giuđa – Jew). Nước Do Thái hay dân Do Thái còn mang nhiều tên gọi tuỳ theo các giai đoạn hay biến cố lịch sử ảnh hưởng sự hình thành, tồn tại được Kinh Thánh ghi lại[42].

Do thái giáo là một “tôn giáo mặc khải”, độc thần, vì tất cả cơ sở của đức tin và các truyền thống tập tục tôn giáo của Do Thái giáo bắt nguồn từ sự mạc khải của Thượng Đế dành cho Abraham, Môsê và các tiên tri. Chính vì thế, lịch sử của dân Do Thái chính là lịch sử của niềm tin tôn giáo; và Kinh Thánh của Do Thái giáo chính là câu chuyện lịch sử thuật lại mối tương quan giữa Đấng Thiên Chúa họ tôn thờ và dân tộc họ, một dân tộc mà họ xác tín, được Thiên Chúa tuyển chọn như một “Dân ưu Tuyển”.

Đặc biệt, Do thái giáo và Kinh Thánh của đạo nầy lại có liên quan mật thiết đến Kitô giáo; và có thể nói, Do Thái giáo chính là “tiền thân” của Kitô giáo. Công Đông Vatican II trong Hiến chế về Giáo Hội đã nhấn mạnh nội dung ý nghĩa nầy như sau :

“Trước tiên là dân tộc đã nhận lãnh giao ước và lời hứa, và từ dân tộc ấy, Đức Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quý bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ : Thiên Chúa không hối tiếc vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29)[43]

Riêng với Tuyên ngôn “Nostra Aetate”, Công Đồng đã dành cả số 4 để trình bày mối tương quan giữa Do Thái Giáo và Giáo Hội, đồng thời vạch ra lộ trình đối thoại, học hỏi và gặp gỡ :

“Vì người Kitô hữu và Do Thái cùng chung một di sản thiêng liêng thật cao quý, nên công đồng muốn cổ vũ và khuyên nhủ hai bên hãy tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đây là điều có thể thực hiện được đặc biệt qua việc học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như qua những cuộc đối thoại huynh đệ”[44]

Và câu chuyện “lịch sử đặc biệt” của dân Do Thái đã khởi đầu với “lời kêu gọi Tổ phụ Abraham” khoảng thế kỷ 18 trước Công nguyên (1800 TCN), diễn ra trên vùng đất Palestine bên bờ Địa Trung Hải và những vùng lân cận cho đến khi đất nước Do Thái hoàn toàn bị tan vỡ dưới gót giày của đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; và chỉ được tái lập sau gần 2000 năm lưu đày, ly tán, vào năm 1948, để hôm nay trở thành một quốc gia nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, văn minh mang tên It-ra-en, sánh vai với các quốc gia hùng mạnh nhất của thế giới. (Xem thêm khảo luận về Do Thái giáo của Ruth S. Anderson trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH” : DO THÁI GIÁO (JUDAISM) [45]

b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo :

Như đã nói trên, đối với dân Do Thái, lịch sử của dân tộc cũng là lịch sử của đức tin. Chính vì thế, toàn bộ sinh hoạt tâm linh (giáo lý, linh đạo, phượng tự…) của Do Thái giáo đều căn cứ vào một bộ sách lừng danh mà cho tới hôm nay, cả thế giới cũng đều gọi chung đó là KINH THÁNH.[46]

Bộ Kinh Thánh của Do Thái giáo không chỉ là “gia bảo thiêng liêng, kho tàng văn hoá…” cho riêng dân tộc, đất nước Do Thái mà còn là một phần căn bản không thể thiếu trong bộ “Kinh Thánh của Kitô giáo”[47] và trong “Kinh Coran của Hồi giáo”[48].

Kinh thánh Do thái giáo, theo quy điển chính thức, kết quả của hội nghị các rabbi Do thái tại Jamnia vào khoảng năm 100 sau CN[49], bao gồm 39 cuốn (theo tên từng cuốn) phân làm 3 nhóm loại sau :

- Nhóm luật pháp (Torah) : 5 cuốn (được gán cho Môsê) : Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật.

- Nhóm ngôn sứ (Nebhiim) : 6 cuốn tiền ngôn sứ : Giosuê, Thủ lãnh, Samuel (2), Các Vua (2); 12 cuốn hậu ngôn sứ : Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel và 12 ngôn sứ nhỏ.[50]

- Nhóm văn phẩm (Kethubhim) : 13 cuốn : Thánh vịnh, Châm ngôn, Gióp, Diễm ca, Rút, Ai ca, Giảng viên, Esther, Daniel, Esdras, Nêhêmia, Sử biên niên (2)

Ngoài bộ Kinh Thánh, Do Thái giáo còn một bộ sách sưu tập những luật lệ truyền khẩu gọi là Talmud mà uy thế chỉ đứng sau bộ Torah để làm kim chỉ nam cho các sinh hoạt sống đạo và ứng xử đức tin của dân Do thái.[51]

Nếu Kinh Thánh là “quy luật đức tin, luân lý, phượng tự…” thì cũng từ đó, Do thái giáo đã rút ra những luật lệ để áp dụng vào việc thể hiện đức tin, thiết chế lễ nghi thờ phượng, đời sống xã hội dân sự…Trong đó, phải kể bảng “Thập Điều” là quy luật tối thượng được chính Thiên Chúa ban cho dân Do thái qua trung gian vị lãnh đạo Môsê. Kitô giáo cũng chọn “bản Thập Điều” nầy là quy luật tối thượng của mình (Chỉ khác ở điều răn thứ 3 : thay vì “giữ ngày Sabat” là “giữ Ngày Chúa Nhật”).

c. Linh đạo và bài học từ Do thái giáo :

Trong viễn tượng lịch sử cứu độ, thì quả thật Do thái giáo chính là “khởi điểm, là tiền thân” của Kitô giáo : Do thái giáo chính là một sự chuẩn bị, tiên báo để Kitô giáo hiện thực hoá, thành toàn. Do thái giáo chính là “Cựu ước” và Kitô giáo chính là “Cựu ước và Tân ước”; cả Cựu lẫn Tân làm nên một “Giao ước duy nhất”, một lịch sử duy nhất, một kế hoạch duy nhất…”.

Vì thế, trân trọng các gái trị Do thái giáo chính là thái độ và đường hướng mục vụ đúng đắn xưa nay của Hội Thánh, như khẳng định của Công đồng chung Vatican II : “Giáo Hội tuyên xưng rằng tất cả các Kitô hữu, con cháu của Abraham theo đức tin, đã được tích chứa ngay trong ơn gọi của vị Tổ Phụ, và sự cứu độ của Giáo Hội đã được tiên báo cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành khỏi miền đất nô lệ của đoàn dân được tuyển chọn. Vì thế, Giáo Hội không thể quên rằng mình đã nhận được mặc khải Cựu ước nhờ chính dân tộc mà Chúa đoái thương ký kết Giao ước cũ do lòng thương xót vô biên của Ngài, và được nuôi dưỡng nhờ gốc rễ ôliu tươi tốt, trên đó những cành ôliu hoang dã là chư dân đã được tháp ghép vào…”[52]

Nếu phải ghi nhận những điểm tích cực mà Do thái giáo mang lại cho con đường hoàn thiện của Kitô giáo, thì đó chính là 3 điểm căn bản nầy : Lời Chúa, Lề luật và Phụng tự. Từ nền tảng căn bản đó, Do thái giáo còn cung cấp một con đường tâm linh sâu xa hướng con người sống hoàn thiện trong mối tương quan liên vị với Thiên Chúa hằng sống, một Thiên Chúa đồng hành với lịch sử của con người mà con người có thể đọc được qua các dấu chỉ như những “Giao ước”. (Xem thêm : Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Chương 13 : Giáo lý các tôn giáo, tr. 341-343)

3.2.. HỒI GIÁO (Islam) :

a. Nguồn gốc :

Cùng với Do Thái giáo và Kitô giáo, Hồi giáo là một tôn giáo độc thần, tôn thờ một Đấng Thượng Đế (God) mà tiếng Ả-rập gọi là Allah.

Tên “Hồi giáo” hay “Islam”, là từ có liên hệ tới từ gốc là “Salam”, một từ Ả-rập có nghĩa là “đầu hàng, phục tùng, bình an và uỷ thác”. Như vậy, Hồi giáo chính là sự “đầu phục Đức Allah”, và người tín hữu đạo Hồi gọi là “Muslims”, tức những người đặt trọn niềm thần phục dành cho Đức Allah.[53]

Đức Muhammad (còn gọi là Ma-hô-mét) sinh khoảng năm 570 sau công nguyên tại thành Mecca (tiếng Ả-rập là Makka) thuộc nước Ả-rập Xê-út, vào một thời mà thành phố nầy là trung tâm và giao điểm thương mại sầm uất giữa Đông Tây cùng với cuộc sống xô bồ, hổn tạp giữa các nền văn hoá và tôn giáo pha tạp. Chính trong bối cảnh đó, đức Muhammad, vốn là một doanh nhân (có vợ là bà chủ doanh nghiệp Khadija lớn hơn ông 15 tuổi, có với nhau được 2 trai 4 gái, trong đó có cô Fatima sống bên cha), sau một thời gian tịnh tâm suy niệm trong một hang động cách Mecca khoảng 5 km, đã nhận được khải thị mà ông xác tín đó là của thiên thần Gabriel. Từ đó, ông bắt đầu rao giảng những giáo lý được mặc khải, sau viết lại thành bộ kinh Koran (Qur’an), Kinh Thánh của Hồi giáo, và ông được tín đồ Hồi giáo truy nhận là vị Đại tiên tri.

Hồi giáo hiện nay có hai dòng chính (phát sinh từ sau cái chết của vị sáng lập với lý do cốt yếu liên quan đến “kế vị”) : Dòng Sunni chiếm khoảng 90%, chủ trương quyền kế vị thuộc các “đồng chí” của Muhammad. Dòng Shiites chủ trương kế vị thuộc dòng tộc của Muhammad.

Cùng với tài tổ chức, sức thuyết phục của một giáo lý mới phù hợp với tâm thức của người Ả-rập, kèm với những cuộc chiến quyết liệt khuất phục mọi người theo đạo, chẳng bao lâu Hồi giáo đã lan rộng ra toàn vùng Ả-rập, Palestine, Ai Cập, Bắc Phi, Ba Tư…

Vào thế kỷ 15 (1453) thủ đô phía đông của đế quốc Rôma là Constatinople lọt vào tay của đế quốc Hồi giáo Ottaman Thổ Nhĩ Kỳ và được đổi tên là Istanbul. Cũng đừng quên, nếu hải quân Hồi giáo chiến thắng trong trận chiến vịnh Lepanto (7.10.1571) thì ngày nay Âu châu đã bị Hồi giáo hoá.[54]

Ngày nay, Hồi giáo là một tôn giáo có số tín đồ đông thứ nhì (trên một tỷ rưỡi người) sau Kitô giáo (bao gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo); riêng nước Inđônêsia có khoảng 150 triệu tín đồ, quốc gia Hồi giáo đông nhất thế giới. (Xem thêm Ruth S. Anderson).

b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo :

b.1/. Nền tảng giáo lý :

- Kinh Qur’an (hay Koran hoặc Coran) : “Những lời phán truyền của Thượng Đế Allah là toàn bộ nội dung giáo lý Islam. Qur’an là kim chỉ nam đối với tín đồ Islam và là một trong những yếu tố tạo nên nề nếp sống của tín đồ Islam”.[55]

- Luật Sharia : Trích xuất từ kinh Qur’an trở thành các điều răn thực hành của Hồi giáo. Có các khoản dành riêng cho đàn ông và đàn bà.[56]

b.2/. Thực hành đức tin : 5 cột trụ :

1. SHAHADAH là sự tuyên xưng và đồng thời là điều cốt lõi trong đức tin của một tín đồ.

2. SALAT là việc cầu nguyện. Tín đồ Islam phải cầu nguyên năm lần một ngày, vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối.

3. ZAKAT là sự bố thí. Theo Kinh Koran, một người phải trao cho người khác "những thứ dư thừa".

4. SAWM là việc nhịn ăn. Mọi tín đồ Islam phải nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan, trừ trẻ em, người già và những người ốm đau bệnh tật. Những người đang có việc phải đi xa không phải nhịn ăn, nhưng họ sẽ nhịn bù sau đó.

5 HAJJ là việc hành hương. Ít nhất một lần trong đời, những tín đồ Islam có khả năng phải hành hương tới thánh địa Mecca..[57]

c/. Linh đạo và bài học từ Hồi giáo :

Trước hết, chúng ta thử nghe lại lập trường của Giáo Hội Công Giáo đối với Hồi giáo qua tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II :

“Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đố Hồi giáo, những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã ngỏ lời với con người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn, theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Abraham, người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn sùng Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria, và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và chay tịnh”.[58]

Qua những nhận định và thái độ như thế, cùng với những gì khám phá được trong thực hành đức tin của người Hồi giáo, chúng ta có thể rút ra những điểm tích cực sau đê vận dụng trong việc tài bồi cho con đường nên thánh :

- Với Chúa : Thiên Chúa luôn là đối tượng “ưu tiên một” để suy phục, yêu mến phụng thờ.

- Với mình : Cầu nguyện và chay tịnh phải là “kỷ luật”, là “quán tính” gắn liền với cuộc sống.

- Với người : Chia sẻ, bố thí : thực thi đức ái.

Chúng ta mới vừa lược qua 6 tôn giáo lớn của Á Châu cùng với một số điểm nhấn trong nội dung giáo lý, linh đạo và việc thực hành đức tin của các tôn giáo nầy như những “giá trị tích cực” có thể rút tỉa cho hành trình nên thánh của người Kitô hữu.

Thật ra, tại Á Châu hay nhiều nơi trên thế giới, còn rất nhiều các tôn giáo khác, các truyền thống tâm linh, các học thuyết, triết lý, việc thực hành niềm tin, linh đạo…mà chúng ta không thể tìm hiểu hết.

Cách riêng tại Á Châu, những niềm tin sâu sắc của Thần Đạo (Shintoism) đã ảnh hưởng sâu đậm trên văn hoá và lịch sử cũng như toàn bộ đời sống của người Nhật Bản, khiến dân tộc nầy cảm thấy “không cần tiếp nhận thêm” tôn giáo nào khác; cũng vậy, đối với người Việt Nam hay Trung Hoa, việc thờ kính tổ tiên, tuy rằng có ảnh hưởng lai tạp bởi các tôn giáo Phật, Lão, Khổng, nhưng gần như đã trở thành một thứ “Đạo Ông Bà” gần như chi phối và ảnh hưởng rất tích cực trên rất đông những người tự nhận không theo tôn giáo nào.

Chính vì thế, việc chúng ta nỗ lực tìm hiểu giáo lý và các thực hành tâm linh của các tôn giáo, tín ngưỡng ngoài Kitô giáo chẳng những không uổng công chút nào mà còn rất ích lợi trong việc khám phá, học hỏi và tài bồi cho chính con đường hoàn thiện của mình, như nhận xét của Cornelis E. trong tác phẩm Valeurs chrétiennes des religions non chrétiennes mà linh mục Mai Đức Vinh đã chuyển ngữ trong bài viết ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO :

“Ðôi khi người ta đã tìm cách giải thích thế giới tôn giáo ngoài Kitô giáo như một sự loan báo trước ”những hòn đá chờ đợi”, bị đổ bừa bãi trên công trường của thế giới. Họ miệt mài tìm kiếm cho tới khi tìm thấy trong ”Viên Ðá Góc” một nguyên tắc hay một kỹ thuật kiến trúc gắn bó được hết mọi hòn đá... Ðối với những ai chuyên tìm ý nghĩa Kitô giáo tích cực trong các tôn giáo lớn của Nhân Loại, thì giả thuyết trên thật hấp dẫn. Vậy cần phải phát hiện giá trị của việc mạo hiểm tìm kiếm này”[59]

Phải chăng đó cũng cính là thái độ “biết lắng nghe” để “phân định” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý trong tông huấn gọi mời nên thánh “Gaudete et Exsultate”, một sự “lắng nghe” để được phong phú và để bổ túc những giới hạn, bất toàn của chính mình :

“cần nhớ rằng việc phân định trong cầu nguyện phải được khởi đi từ một sự sẵn sàng lắng nghe: lắng nghe Chúa, nghe người khác, và nghe chính thực tại, vốn luôn chất vấn chúng ta với những cách mới mẻ. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để chối từ quan điểm phiến diện và không đầy đủ của mình, nhũng thói quen riêng và cách nhìn sự vật của mình. Như thế, chúng ta thực sự mở ra để đón nhận một tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của mình, nhưng dẫn ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi lẽ cũng không đủ khi mọi sự đều ổn thỏa và bình an. Thiên Chúa có thể đang trao ban cho chúng ta một cái gì đó hơn thế, mà nếu thiếu chú tâm, chúng ta không nhận ra được.”[60]

LM. Giuse Trương Đình Hiền
(Tháng 11/2018)

1023    08-11-2018