Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Những thách đố của gia đình trẻ

NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA GIA ĐÌNH TRẺ

TRONG VÀ NGOÀI GIÁO HỘI

 

 Chủ đề năm mục vụ năm 2018 của Giáo hội Việt Nam là Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình, cách riêng là Đồng Hành Với Các Gia Đình TrẻGia đình là gì và tại sao Giáo hội quan tâm cách đặc biệt như vậy? Để trả lời cho vấn nạn trên chúng ta cùng nhìn lại đôi nét về định nghĩa của gia đình trong và ngoài Giáo hội.

Định nghĩa gia đình

Theo xã hội, gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Theo Công đồng Vatican II – Ánh sáng muôn dân số 11 ‘Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia, là Hội Thánh thu nhỏ’ và thánh Gioan Phaolô II viết trong Tông huấn ‘Đời sống Gia đình’ tức Familiaris Consortio, số 21 cũng khẳng định như trên. Khi nói rằng mỗi gia đình là một Hội thánh thu hẹp, Giáo hội muốn nêu bật tính cách thánh thiêng của gia đình. Gia đình không chỉ là một tổ hợp sinh sản hay lao động. Gia đình không chỉ là một tổ ấm tình thương. Gia đình còn là nơi Chúa ngự, nơi rao giảng và lắng nghe lời Chúa, nơi cầu nguyện, nơi chứng tá cho tình yêu lân tuất, (Fc số 38; 48; 49; và được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lược trong các số 1655-1657.)

Tại sao Giáo hội cần quan tâm đến các gia đình trẻ? Có nhiều lý do nhưng bài viết xin trình bày những lý do chính dựa trên nền tảng Thánh kinh, trào lưu xã hội và giáo huấn của Giáo hội.

  1. Nền tảng Thánh Kinh.
  1. Gia đình trẻ dễ bị cám dỗ.

Dựa vào sách Sáng thế, gia đình đầu tiên của nhân loại là ông Adam và bà Eva, gia đình còn ‘rất trẻ’. Họ chưa có con nhưng được sống hạnh phúc trong vườn địa đàng với sự hiện diện của Chúa. (St 3,8) Tuy nhiên đời sống hạnh phúc của họ không trọn vẹn khi bà Eva bị con rắn cám dỗ dẫn đến hoài nghi về Thiên Chúa và nhất là kiêu ngạo muốn bằng Chúa, nên họ ăn trái cấm. (St 3,6)

Có thể nói có nhiều gia đình trẻ thành công và sống đạo đức, giáo dục con cái nên người. Nhưng cũng không thiếu những gia đình trẻ bị cám dỗ về danh vọng, quyền bính nên họ không ngằn ngại thờ ơ với đạo hay thậm chí chối bỏ đức tin để tiến thân và tiến xa trên đường danh vọng. Họ không coi việc thờ phượng Chúa là trên hết – điều răn 1. Ngày Chúa nhật là ngày kiếm ra tiền hoặc là ngày mà họ cùng gia đình nghỉ ngơi hay đi du lịch. Ngoài ra, gia đình trẻ dễ bị cám dỗ nên họ không ngằn ngại ăn những ‘trái cấm’ của thời đại như ngoại tình, lừa dối, bạo hành… dẫn đến những hậu quả xấu về sau.

  1. Gia đình trẻ dễ bị thiếu hụt về vật chất.

Theo Tin Mừng Gioan, tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria và Chúa Giê-su đã chứng kiến sự thiếu thốn về vật chất ‘Họ hết rượu rồi.’ Vì thế, Đức Mẹ đã can thiệp để xin Chúa Giê-su làm phép lạ giúp gia đình trẻ ấy vượt qua sự khó khăn đó. (Ga 2,1-12)

Ngày nay có nhiều gia đình trước khi làm đám cưới họ đã có nhà lầu xe hơi nhưng cũng không ít gia đình trước và sau khi cưới họ khởi sự từ hai bàn tay trắng. Họ phải hy sinh rất nhiều. Họ cũng muốn thực hành đức tin nhưng do ảnh hưởng trào lưu thực dụng và xã hội quá đề cào vật chất nên dần dần họ quên chiều kích thiêng liêng dẫn đến nguội lạnh, xa nhà thờ và xa cách Thiên Chúa.

  1. Gia đình trẻ dễ bị hiểu lầm.

Thật vậy, theo Tin Mừng nhất lãm diễn tả sự hiểu lầm nơi thánh Giuse sau khi Đức Mẹ thưa hai tiếng ‘xin vâng’. (1,26-38) Nếu không có ơn Chúa qua giấc mộng thì chắc chắn thánh Giuse sẽ lìa bỏ Mẹ Maria và có thể dẫn đến tan vỡ gia đình. (Mt 1,18-25)

Ngày nay, nhiều gia đình trẻ dù trước khi đi đến hôn nhân họ đã tìm hiểu và yêu nhau nhưng không ít đôi bạn trẻ quá vội vàng dẫn đến những hiểu lầm về nhau. Có những hiểu lầm rất đơn giản như viết tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hay ánh mắt giao tiếp làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình trẻ. Sự hiểu lầm về sử dụng tiền bạc; mua sắm và thậm chí cả quà biếu… Sự hiểu lầm có thể bắt nguồn từ phong tục và tôn giáo của đương sự hoặc của hai gia đình dẫn đến hậu quả không tốt của những gia đình trẻ.

  1. Hiện trạng xã hội ngày nay.

Theo một nghiên cứu mới đây của UBMVGĐ, thì hiện nay có 4 nguyên nhân đang tạo nên “tâm bão ly hôn”. Đó là: mâu thuẫn về lối sống: 27,7%; ngoại tình: 25,9%; kinh tế: 13%; bạo lực gia đình: 6,7%. Theo tác giả An Hoa: “Yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa” là thực trạng đáng buồn của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay, mà nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu kỹ năng sống trước khi bước vào tuổi kết hôn. Con số báo động theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Đáng lưu ý là 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi từ 18 - 30; trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1 - 5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng nên được gọi là ‘ly hôn xanh’.

  1. Giáo Huấn của Giáo hội.

Theo thánh Gioan Phaolô II viết trong Tông huấn “Đời sống Gia đình” tức Familiaris Consortio được tóm lại những điểm nhấn sau đây:

- Số 21 gọi gia đình là Giáo tại gia bởi vì nó là nhiệm tích (dấu chỉ hữu hiệu) của sự thông hiệp của Giáo hội: nó bao gồm bởi các phần tử được liên kết với nhau trong bí tích rửa tội và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

- Số 38 gọi gia đình là Giáo hội, bởi vì thi hành một sứ mạng mẫu tử như Giáo hội qua việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo.

- Số 48 so sánh gia đình với Giáo hội bởi vì cùng mang một thiên chức ở giữa trần thế, tức là dấu hiệu của sự hợp nhất và hòa bình.

- Những đoạn văn súc tích hơn cả là từ số 49 trở đi, (số 49); gia đình một môi trường cần được Phúc âm hóa (số 50) ngõ hầu trở thành môi trường truyền bá Phúc âm (số 51). Gia đình đôi khi là nơi duy nhất mà các thiếu nhi có thể lãnh nhận Tin mừng và được huấn giáo (số 52). Qua số 54, Thánh Gioan Phaolô II không ngần ngại thúc đẩy các gia đình hãy ra khỏi bốn bức tường nhà để mang Tin mừng đi xa hơn, tới những người không biết Chúa hoặc tới những gia đình sống xa Chúa do đời sống không phù hợp với luân lý.

- Từ số 55 trở đi, gia đình được gọi là Giáo hội tại gia dưới khía cạnh là cung điện cầu nguyện, nơi gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa: qua việc cầu nguyện, những hy sinh, những nhân đức (số 59). Gia đình là nơi sống bí tích hôn nhân, nơi chuẩn bị cho con em vào đời sống phụng vụ bí tích (số 61). Dĩ nhiên, dưới khía cạnh này, gia đình góp phần đắc lực vào việc kiến tạo Giáo hội thánh thiện (số 65).

  1. Định hướng tương lai.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam liệt kê với 12 danh xưng trong Tâm Thư ngày 20.11.2016 gửi các gia đình Công giáo và nhấn mạnh đến các gia đình cần có và đủ tình yêu chân thật. Trong thông điệp “Niềm Vui Tình Yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành phần lớn chương bốn để giới thiệu tình yêu đích thực trong hôn nhân, dựa vào Bài ca đức ái trong chương 13 thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô.

Thư Mục vụ năm 2018 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hướng về các đôi bạn trẻ. Từ linh mục tu sĩ đến hội đồng mục vụ muốn được đồng hành với các gia đình trẻ để chia sẻ những vui mừng và hy vọng, những ưu tư và thao thức, những khó khăn và thử thách mà các đôi bạn trẻ gặp phải trong đời sống hôn nhân gia đình. Giữa biết bao lo toan, vật chất lẫn tinh thần, các gia đình trẻ vẫn được mời gọi thắp sáng gia đình họ bằng chứng tá sống động đầy niềm vui tình yêu của cuộc sống lứa đôi.

Các gia đình trẻ hãy nhìn lên Thánh Gia Thất như mẫu gương của mọi gia đình Kitô hữu. Thánh Gia Thất đã sống khiêm tốn, khó nghèo, đã từng chịu thử thách, từng bị bắt bớ, từng tha hương, nhưng các Ngài đã vượt qua nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa. Các Ngài vẫn luôn bảo trợ và giúp đỡ các gia đình. Hãy năng cầu nguyện cùng các Ngài và thường xuyên chạy đến Chúa qua Bí tích Thánh thể, Bí tích Hòa giải để gia đình trẻ luôn được an vui, hạnh phúc và tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Lm. Biển Xanh.

1026    11-05-2018