Chúng ta nên cầu nguyện và đừng bao giờ bỏ cuộc

“Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người” (1 Tm 2,1)

Phaolô đưa ra lời đề nghị này cho người bạn trẻ Timothy, người đang lãnh đạo hội thánh ở Êphêsô. Phaolô biết tính cấp thiết của việc ngài đã cầu xin ân sủng của Thiên Chúa, cho chính mình và cho những người mà ngài đang hướng dẫn. Và vì thế, ngài đã khuyến khích Timothy dâng các nhu cầu của người dân cho Thiên Chúa “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4).

Cốt lõi của lời cầu nguyện chuyển cầu là tin chắc chắn rằng Thiên Chúa “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” đang mời gọi chúng ta tham gia với Người trong kế hoạch cứu rỗi của Người bằng cách mang những lời cầu nguyện của chúng ta đến trước nhan Người. Người yêu thích điều đó khi chúng ta nói với Người những gì có trong trái tim chúng ta: những nhu cầu quy mô lớn, chẳng hạn như bảo vệ và hòa bình trên thế giới, và nhiều nhu cầu cấp thiết hơn. Người muốn chúng ta đến với Người và tin tưởng rằng Người là một vị Thiên Chúa tốt lành, Đấng muốn giúp đỡ chúng ta.

Vì vậy, chúng ta không bao giờ bỏ lỡ một ngày cầu nguyện cho gia đình và bạn bè của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng gộp luôn vào mạng lưới rộng rãi hơn của chúng ta bao gồm những người hàng xóm, Giáo Hội, thành phố và thế giới của chúng ta. Cũng giống như Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha trong Bữa Tiệc Ly để hướng dẫn chúng ta và bảo vệ chúng ta, chúng ta cũng hãy xin Thiên Chúa hướng dẫn và bảo vệ ngày hôm nay và mỗi ngày.

Hãy Kiên Trì. “Đức Giêsu kể cho các môn đệ một dụ ngôn về sự cần thiết phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc18,1).

Câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể là gì? Đó là câu chuyện về một góa phụ, bà đã kiên trì xin ông quan tòa bất lương để ông xét xử có lợi cho bà. Cuối cùng, góa phụ đã chiếm ưu thế, không phải bởi vì thẩm phán cuối cùng cũng trở nên công chính, mà vì sự kiên trì của người phụ nữ đã khiến ông phải chịu thua. Nếu một thẩm phán cuối cùng sẽ chịu thua, Chúa Giêsu nói, thế thì Thiên Chúa sẽ còn hơn thế nhiều, bởi Người là Đấng hoàn toàn công chính và thương xót, Người sẽ lắng nghe và trả lời chúng ta! “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18,7).

Một lần khác Chúa Giêsu nói: “Ai trong anh em có một người bạn và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được’? Thầy nói cho anh biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó… Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,5-8, 9-10).

Những chuyện dụ ngôn này không thể rõ ràng hơn. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một thẩm phán bất lương. Người cũng không phải là một người bạn nhất thời như thời tiết mà không muốn bị quấy rầy. Người là Cha trên trời của chúng ta. Người là vốn công chính và tốt lành. Người chào đón chúng ta khi chúng ta tìm kiếm Người và Người xúc động khi chúng ta kiên trì trong những lời cầu nguyện chuyển cầu của chúng ta.

Điều này có thể hơi khó hiểu. Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta và nếu Người tận tụy để làm tất cả những gì có thể để giúp chúng ta, tại sao chúng ta phải lo lắng cầu nguyện? Người không cần những lời cầu nguyện của chúng ta, đúng không? Rõ ràng, cha mẹ luôn luôn cố gắng để giúp đỡ con cái của họ, bởi lẽ con cái của họ không luôn luôn đến xin cha mẹ giúp đỡ. Nên khi con cái đến xin cha mẹ giúp đỡ, thì đó là một cơ hội tuyệt vời cho cha mẹ tiếp tục dạy dỗ và uốn nắn chúng.

Chúng ta không thể trả lời đầy đủ câu hỏi này. Chúng ta biết rằng chúng ta có các thiên thần bản mệnh đang bảo vệ chúng ta. Chúng ta biết Cha của chúng ta cũng chăm sóc chúng ta. Nhưng trong những dụ ngôn này, Chúa Giêsu đang tích cực nói với chúng ta hãy mang những nhu cầu và lời thỉnh nguyện của chúng ta cho Cha của chúng ta. Người nói rằng những lời cầu nguyện của chúng ta có thể mang thêm ân sủng cho chúng ta mà nếu không chúng có thể không được ban cho chúng ta.

Khi Nào Chúng Ta Dừng Lại? Francis và Judith MacNutt có bốn mươi năm kinh nghiệm cầu nguyện cho mọi người và dạy họ tự cầu nguyện cho mình. Trong tiến trình công việc của mình, họ đã thấy nhiều sự chữa lành và biến đổi sâu sắc. Họ thường nói về cha của Judith, Joe. Trong nhiều lần, Joe lâm bệnh nặng và gần kề cái chết. Nhưng mỗi lần sau khi Francis và Judith cầu nguyện cho ông, ông lại hồi phục. Trường hợp này cứ tiếp tục gần mười năm trước khi Joe cuối cùng đã chết vì không chịu nổi bệnh tật.

Francis tin rằng Joe sống lâu hơn vì lời cầu nguyện dai dẳng của họ đối với ông. Điều này và cũng như nhiều kinh nghiệm khác giống như thế đã giúp cho MacNutts nhận ra rằng chúng ta không bao giờ nên từ bỏ việc cầu nguyện cho ai đó cho đến giây phút cuối cùng khi Thiên Chúa mang người đó về với Người mãi mãi. Bạn không bao giờ biết rằng sự chữa lành vào giờ thứ mười một có thể kéo dài cuộc sống của ai đó.

Bên cạnh đó, còn có câu chuyện của Bob, người đã phải chiến đấu với những rắc rối về tim trong nhiều thập kỷ. Khoảng hai mươi năm trước, các bạn trong giáo xứ của Bob đề nghị với Bob rằng một ngày Chúa Nhật sau Thánh Lễ sẽ cầu nguyện với anh để cầu xin Chúa chữa lành cho anh. Bob đồng ý và họ đã đặt tay lên vai anh và cầu nguyện. Lời cầu nguyện chỉ kéo dài năm phút, nhưng hiệu quả thật tuyệt vời. Bob cảm thấy một cảm giác yêu thương từ bạn bè của mình và anh bắt đầu cảm thấy tốt hơn ngay lập tức. Được thêm sức bởi điều đã xảy ra, họ quyết định gặp nhau ít phút mỗi tuần sau Thánh Lễ để tiếp tục cầu nguyện cho Bob. Bob vẫn kiên trì và các bác sĩ của anh ngạc nhiên trước tình trạng của anh đã được cải thiện.

Nếu bạn đang cầu nguyện cho một ý định đặc biệt, nếu đó là xin chữa lành cho một người bạn, cho việc ngưng phá thai, hoặc xin cho chính bạn có công việc, đừng ngừng cầu nguyện cho đến khi bạn biết rằng Thiên Chúa đã trả lời bạn. Đừng nghĩ rằng lời cầu nguyện của bạn là không quan trọng hoặc bị thất lạc. Cứ duy trì nó và xem cách Thiên Chúa hành động. Người có thể không ban cho bạn chính xác những gì bạn muốn, nhưng hãy quan sát và hãy nhìn xem. Người sẽ ban cho bạn thứ gì đó rất, rất tốt.

Sự Thương Lượng với Thiên Chúa. Trong sách Sáng Thế, có một câu chuyện về Ápraham cố gắng thương lượng với Thiên Chúa (x. St 18,16-33). Thiên Chúa đến thăm Ápraham và tiết lộ kế hoạch của Người để tiêu diệt Sôđôm vì sự gian ác của dân chúng. Cố gắng thay đổi ý định của Thiên Chúa, Abraham hỏi: “Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?”(18,24). Trong thực tế, Ápraham đang chuyển cầu cho dân thành Sôđôm. Thiên Chúa đã đồng ý tha cho thành ấy vì lợi ích của năm mươi người lành. Ápraham tiếp tục nài nỉ: Thế khoảng bốn mươi người? Ba mươi người? Cuối cùng, ông giảm xuống còn mười người, và với điều đó, Chúa đã để Ápraham lại.

Thiên Chúa không đáp lại lời cầu nguyện của Ápraham chính xác theo cách Ápraham xin, nhưng Thiên Chúa đã cứu ông Lót, cháu trai của Ápraham và con cái của ông Lót – tất cả những người vô tội. Trên thực tế, sách Sáng Thế nói với chúng ta rằng Thiên Chúa “đã nhớ đến ông Ápraham và đã cứu ông Lót khỏi cuộc tàn phá” (19,29). Câu chuyện này nói với chúng ta rằng chúng ta không thể luôn luôn có được câu trả lời cho điều chúng ta cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa vẫn nghe những lời cầu nguyện của chúng ta và giữ chúng ta trong kế hoạch của Người.

Vì thế, bạn đừng sợ phải mặc cả với Chúa. Nhiều lần một người lính trong khi chiến đấu đã thưa với Thiên Chúa: “Xin gìn giữ cho con sống thì con sẽ không bao giờ bỏ Thánh lễ một lần nào nữa trong suốt phần còn lại của cuộc đời con”. Và họ đã giữ lời hứa của họ. Hoặc suy nghĩ của ông sĩ quan cảnh sát New York khi đang thi hành nhiệm vụ trong thời gian quân khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông nói với Chúa: “Xin hãy để cho con sống qua thảm họa này và con hứa tôi sẽ phục vụ Chúa”. Ngày nay, ông điều hành chương trình RCIA trong giáo xứ của ông và làm tình nguyện viên tại ngân hàng thực phẩm địa phương. Những sự thương lượng (thỏa thuận) này có thực sự hoạt động không? Chúng ta có thể không bao giờ biết. Nhưng chúng ta biết rằng họ đã cầu nguyện, Thiên Chúa đã đáp lời và cuộc sống của họ dư tràn.

Không Có Lời Thỉnh Cầu Nào Quá Nhỏ. Chúng ta nên cảm thấy tự do để cầu xin Thiên Chúa bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống. Những lời cầu nguyện của chúng ta có thể vượt qua các ngăn trở về địa lý, văn hóa và chính trị. Những lời cầu nguyện có thể mang sự đụng chạm chữa lành của Chúa vào vô số những cuộc sống và những tình huống. Nhờ lời cầu nguyện chuyển cầu, chúng ta có thể tiếp cận những người nam và người nữ đang chiến đấu trong chiến tranh cũng như các nạn nhân của chiến tranh. Chúng ta có thể tiếp cận với những đứa trẻ dễ bị tổn thương trong bụng mẹ cũng như những người coi thường quyền được sống của đứa trẻ. Chúng ta có thể giúp đỡ con cái và chăm sóc cho cha mẹ già của chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi bầu khí trong một gia đình và trong mối quan hệ giữa những người bạn bị xa lánh – tất cả nhờ lời cầu nguyện chuyển cầu.

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hãy lấy thái độ của những người lính gác, “những người lính gác” được mô tả trong Sách Isaia. Trên thực tế, chúng ta hãy diễn giải đoạn văn này và áp dụng nó cho chúng ta: “Trên tường thành Giáo hội Công giáo của chúng ta, Chúa đã yêu cầu chúng ta làm người canh gác. Ngày cũng như đêm, bạn đừng bao giờ nên im lặng trong lời cầu nguyện chuyển cầu của bạn. Không, hãy liên tục nhắc nhở Chúa. Không có thời gian cho chính mình nghỉ ngơi và cũng đừng để cho Thiên Chúa nghỉ ngơi. Hãy cầu nguyện cho đến khi Chúa đáp lại những lời cầu nguyện của bạn và làm cho Giáo Hội của Ngài trở thành niềm tự hào của trái đất” (x. Is 62,6-7).

Theo the Word Among us
November 2018 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương