Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Niềm tin của Toma

 

Thánh Tôma (còn có tên gọi là Điđimô) là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu. Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tân Ước là: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra với họ sau khi chịu chết, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Ngày khác, khi Giêsu lại hiện ra với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Gioan 20, 24-28). Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô Hữu có được lời nhận định của Đức Giêsu: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Gioan 20,19).

 Khi xưa, Chúa đã đáp ứng “yêu cầu” chính đáng này của thánh Tôma, nhưng Ngài không hiện ra với một mình ông, nhưng là với cộng đoàn các môn đệ có Tôma ở đó. Điều này có nghĩa là hành trình tìm kiếm niềm xác tín cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng phải được thực hiện trong cộng đoàn và nhờ sự trợ giúp của cộng đoàn. 

Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Tôma cũng như các môn đệ khác đều sợ sệt, nhát đảm và trốn tránh vì sợ khó khăn, sợ chết. Khi Chúa Giêsu sống lại, Tôma vì là người thực tế đã muốn thấy Chúa cách nhãn tiền Ông đã nói với các tông đồ bạn một cách rất chân thành và thực tế:” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”( Ga 20, 25 ). Đức tin của Tôma phải được kiểm chứng rõ ràng, Ông rất thực tế và đây là bài học cho muôn thế hệ. Đứng trước sự thực hiển nhiên của biến cố sống lại chỉ sau tám ngày sau lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Tôma đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn, Ngài chỉ biết thốt lên với tất cả con tim:”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20, 28 ).

Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con. Tôma không ở với các tông đồ khác khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra lần đầu với các ông. Vì thế, sau đó Tôma từ chối không tin Đức Giêsu sống lại từ kẻ chết. Nhưng một tuần lễ sau, Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ và lần này có Tôma. Ông đã có một lời tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất vào Đức Giêsu trong Tin mừng Gioan “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Người đến sau và nghi ngờ lại trở thành người xuất sắc trong đức tin.

Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến có Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đi rao giàng khắp nơi, và thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Độ, đem đức tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaca, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô hữu của thánh Tôma". Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự cố đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.

Chúa Giêsu đã nói với các một đệ khi Người còn sống với các ông:” Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”( Lc 9, 23). Chúa cũng đã cảnh cáo là các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét:” Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các ngươi cho công nghị và họ đánh đòn các ngươi trong các hội đường của họ. Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua Chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta, nhưng ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được rỗi”( Mt 10, 17-22 ). Sau khi Chúa phục sinh về trời và sau khi các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, theo lệnh truyền của Chúa sống lại:” Anh em hãy đi khắp mọi nơi...”( Mt 28,19 ) Thánh Tôma, tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư. Thánh nhân cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó. Thánh nhân là một người thu thuế nhưng khi đã có Chúa Thánh Thần và khi đã được đổi mới, Ngài đã hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.

Thánh Tôma chia sẻ số phận của thánh Phêrô, thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét"), thánh Philipphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha - thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyế điểm này, vì Đức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Đức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.

Tôma đã không tin lời chứng của các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã sống lại qua việc Ngài hiện ra với họ. Đức tin của cộng đoàn các môn đệ, những người bạn thân thiết đã cùng ông theo Chúa nhiều năm tháng, không giúp ông tin vào sự sống lại của Chúa. Ông khẳng định mình chỉ có thể tin nếu chính ông được gặp Chúa hiện ra, để xác nhận rằng đó chính là Chúa Giêsu thật qua các vết thương của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa hiện ra với ông, Tôma đã không cần thực hiện việc ‘xác nhận’ đó nhưng vẫn tin Chúa đã thực sự sống lại.

Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…

Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.

 

Ngày nay, có lẽ Chúa sẽ không hiện ra cách tỏ tường với mỗi cá nhân để đáp lại mọi yêu cầu phải nhìn thấy Chúa thì mới tin vào Ngài, nhưng Chúa chắc chắn cho ta gặp được Ngài qua những gương sáng sống đức tin ngay trong chính cộng đoàn: đó có thể là một cụ già ít học, lọm khọm chống gậy đến nhà thờ mỗi ngày dù trời mưa gió; hay đó cũng có thể là một người đồng trang lứa, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để làm việc bác ái.

1995    01-07-2017