Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Niềm tin và lý trí

11/04/2019

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay 

St 17, 3-9; Ga 8, 51-59

NIỀM TIN VÀ LÝ TRÍ

          Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.

          Và rồi ta thấy trang Tin mừng của thánh Gioan hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu khẳng định Người là Con Thiên Chúa (x. Ga 8,54) và là Đấng Hằng Hữu (x. Ga 8,58). Thuật ngữ “Ta Hằng Hữu” cho thấy Chúa Giêsu luôn hiện diện cách siêu việt thời gian và không gian như lời Thánh sử Gioan đã viết “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Người không những hiện diện cách siêu hình mà còn hiện diện cụ thể trong lịch sử nhân loại “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14a).

          Chính Chúa Giêsu đã mặc khải về thân thế của Người, Người là con Thiên Chúa. Điều này dường như gặp phải sự phản kháng của người Do Thái, bởi họ còn có những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ nên họ không chấp nhận về thân thế của Người. Khi Chúa Giêsu giảng giải về Nước Trời thì họ đóng kín con mắt đức tin không chịu nghe theo những giáo huấn của Người. Chính vì thế nên Chúa Giêsu đã nói: “Ai tuân giữ Lời Tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”. Họ còn cho Người là bị quỷ ám. Thực ra Chúa Giêsu muốn cho mọi người biết những ai đặt niềm tin vào Chúa và chấp nhận Chúa bằng cách tuân giữ Lời Chúa thì được sự sống vĩnh cửu, đó chính là sự sống của Thiên Chúa.

          Ðược sống mãi không phải chết là ước mơ muôn thuở của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: "Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay sao?" Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do Thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài.

          Chúa Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa? Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham. Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56). Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình, mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới. Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham. “Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58). 

          Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14). Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó. Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi. Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18), bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm. Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá. 

          Chúa Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy. Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình. Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54). Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương, và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). 

          Với biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời là Thiên Chúa vô hình đã hiện diện cách hữu hình khi trở nên người phàm. Người nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại, mạc khải cho con người về Ơn Cứu Độ. Tất cả những gì con người phải làm để được Ơn Cứu Độ là tin vào Chúa Giêsu, xem những gì Người làm, lắng nghe và tuân giữ những gì Người nói.

          Tuy nhiên, không phải mọi người đều nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu và tin vào Người. Nhiều người Do Thái trực tiếp được thấy và nghe Chúa Giêsu giảng dạy nhưng đã không tin Người và cho rằng Người bị quỷ ám. Hình ảnh những người Do Thái không tin Chúa Giêsu chính là hình ảnh của nhiều người hôm nay. Họ không nhận ra sự hiện diện của Người vì những lý do khác nhau: hoặc vì thượng tôn khoa học, hoặc vì bám víu nơi vật chất, hoặc vì theo các lý thuyết vô thần. Như vậy, bổn phận của mỗi người Kitô hữu là làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa thế giới.

          Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.

          Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1, 9-11).

           Niềm tin của người Kitô hữu đó là: Phép Rửa làm cho chúng ta được tháp nhập vào thân thể của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Đấng đã toàn thắng sự chết và không bao giờ chết nữa. Như thế, người Kitô hữu cũng sống bằng chính sự sống của Đức Giêsu, sự sống muôn đời. Cuộc sống của chúng ta hôm nay chỉ là tam thời để chuẩn bị cho cuộc sống trường sinh mai sau trên Thiên Quốc.

          Nếu chúng ta có con mắt của Chúa Kitô, chúng ta sẽ nhận ra anh chị em sống chung quanh ta là chi thể Đức Kitô, chúng ta sẽ yêu mến họ như Đức Kitô mong muốn. Nếu vì lý do hiểu lầm nào đó, chúng ta làm hại anh em, Chúa sẽ bênh đỡ họ như đã bênh đỡ Đức Kitô, Con Một yêu Dấu của Người.

447    11-04-2019