Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Niềm vui thói cũ

Trong cuốn sách rất hay, cuốn Sức mạnh của cá tính, James Hillman chia sẻ câu chuyện sau: Một buổi chiều nọ, chàng thanh niên trẻ ngồi nghe ông bác già kể chuyện, anh không khỏi bực mình khi nghe ông bác kể câu chuyện mà anh nghe cả trăm lần, Hillman càu nhàu: “Bác kể  chuyện này rồi.” “Bác thích kể câu chuyện này!” ông bác vặn lại, và thì thầm qua hởi thở, “kể lại thì có gì sai đâu!”

Lúc đó, khi nghe bác vặn lại, Hillman chỉ tức thêm. Chỉ sau này, khi đã hiểu cuộc đời và cá tính con người sâu đậm hơn, Hillman mới cảm kích vì sao bác mình có nhu cầu kể đi kể lại một chuyện như vậy: “Ông hiểu niềm vui của thói cũ!” Và thói cũ chính là niềm vui, chính là quà tặng!

Chúng ta không thể nuôi dưỡng mình và người khác bằng những gì tươi mát và mới lạ. Nó chỉ là cung cấp nhất thời và thường thì không với tới được. Nếu chúng ta chỉ nói với nhau những chuyện mới hay những chuyện thích thú thì chắc chúng ta sẽ im lặng trên bàn ăn. Chúng ta cũng không có bao nhiêu chuyện châm biếm, hài hước, và dí dỏm trong các buổi chuyện trò. Chúng ta không những chỉ nuôi dưỡng nhau bằng các chuyện mới lạ và thú vị, nhưng còn và cũng rất quan trọng chúng ta nuôi dưỡng đời sống gia đình, quan hệ bạn bè, tình đồng nghiệp bằng cách kể đi kể lại cho đến cuối đời chuyện đời xưa, chuyện hài hước cũ, giai thoại cũ, mãi cho đến khi câu chuyện lặp đi lặp lại đó thành chuyện riêng, thành dí dỏm riêng, và thành giai thoại riêng của nó. Hillman gọi tên điều này rất xuất sắc: Niềm vui của thói cũ.

Từ câu chuyện này Hillman đi đến một suy tư triết học nghiêm túc hơn, làm sáng tỏ giá trị của hành động lặp lại trong các nghi lễ. Ông trích dẫn lời của triết gia người Pháp, Gilles Deleuze, cho rằng sự lặp lại có thể là cách để chúc tụng một điều gì đó qua việc nhấn mạnh đến đặc tính của nó: Bằng cách lặp đi lặp lại từ lần đầu cho  đến vô hạn lần, lặp lại là vinh danh một cách có nghệ thuật. Một sự kiện được lặp đi lặp lại là vinh danh và nhấn mạnh đến nguồn gốc của nó; sự lặp lại này khác với sao chép, sao chép chỉ làm cho sự lặp lại thành tiếng dội lại yếu hơn, một bản sao mờ nhạt ngày càng xa cách bản gốc.

Với điều này, Hillman thêm một bài ca ngợi nho nhỏ tán dương sự lặp lại: Không gì buồn tẻ hơn tập gam khi học đàn, giọng đọc lần chuỗi rì rầm. Tuy nhiên, thành tựu của nghệ thuật, hiệu lực của cầu nguyện, vẻ đẹp của nghi lễ, và sức mạnh của cá tính phụ thuộc vào những hành vi nho nhỏ lặp đi lặp lại vô tận, mà nếu tách riêng nó ra thì hoàn toàn vô dụng.

Đa số chúng ta biết rõ điều này. Chúng ta có những người bạn, người quen hoặc anh chị em, họ nhẫn tâm đón chúng ta và làm chúng ta bực mình với những câu chuyện xưa rích, những câu chuyện hài nghe nhàm tai, những giai thoại xưa như quả đất mãi cho đến khi mỗi câu chuyện lặp lại đó thành câu chuyện riêng, thành dí dỏm riêng, và thành giai thoại riêng. Họ làm theo thói cũ. Đôi lúc nó làm chúng ta bực mình và muốn chống đối, nhưng, cũng như Hillman, cuối cùng rồi chúng ta cũng cảm kích và thấy nó mang đến cho cuộc sống gia đình, bạn bè và cộng đoàn một sự nuôi dưỡng cần thiết để có sắc thái, cá tính, nét hóm hỉnh, một phong cách riêng mà chỉ có các câu chuyện mới mang lại được. Chúng ta không chỉ sống với những gì mới lạ, mà còn với những câu chuyện được kể đi kể lại, những câu chuyện nhấn mạnh nét châm biếm dí dỏm và sắc thái trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Gia đình tôi nổi tiếng về chuyện bực mình này, một cá tính không phải lúc nào tôi cũng hãnh diện nhưng chung chung tôi rất thích. Gia đình tôi yêu niềm vui của thói cũ. Cứ mỗi lần sum họp bên bàn ăn, năm này qua năm khác, chúng tôi kể đi kể lại rất nhiều chuyện. Và không phải lúc nào chúng cũng được thích nghe. Không ít lần có bộ chân mày nhíu lên “Lạy Chúa, bác ấy đừng kể câu chuyện đó nữa!” hay, như chàng thanh niên Hillman càu nhàu “Bác  kể câu chuyện này rồi!” Nhưng, chung chung, những câu chuyện, những kiến thức, những lời châm biếm, dí dỏm cũ vẫn được mọi người thích thú theo lối mới cho cả người kể và người nghe. Chung quanh bàn ăn, những chuyện cũ và nhạt nhẽo cũng như  những chuyện mới và thú vị vẫn có tác dụng nuôi dưỡng đời sống gia đình, đôi lúc chuyện cũ còn nuôi sống mạnh hơn vì các câu chuyện xưa này có tác dụng nhấn mạnh đến lịch sử và các nét đặc thù của chúng ta.

Mùa hè vừa qua chúng tôi mất một người em yêu quý, trong buổi lễ canh thức, ba người con đã lớn của anh đọc một điếu văn làm mọi người xúc động. Họ nhấn mạnh đến ước ao của người cha đối với con cái, cam kết của anh với giáo hội, với công lý (sinh thái, quyền sinh sống, nữ quyền), óc dí dỏm, đặc biệt là nhu cầu lúc nào cũng muốn lặp đi lặp lại một câu chốt, như thể vì lý do nào đó mà chưa ai nghe: “Các con không tránh được đâu! Cha tôi lặp đi lặp lại câu đó cho đến khi ông chắc chắn mọi người đã nắm vững nó!”

Nhưng đó chưa phải là lý do thật sự chúng ta lặp lại câu chốt. Giống như lý do của ông bác Hillman khi ông kể lui kể tới một câu chuyện, chúng ta lặp lại câu chốt vì: Chúng ta thích nói về nó! Chúng ta thích niềm vui của thói cũ. Rồi ra, vượt qua nỗi bực mình ban đầu, người khác rồi cũng sẽ thích thú làm theo.

J.B. Thái Hòa dịch

1366    28-10-2017