Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Nói chuyện với Linh mục René-Luc Giran

“Chúa cũng gọi người không có khả năng và những đứa con hoang như tôi!”

Câu chuyện gia đình của cha cũng câu chuyện của nhiều bạn trẻ ngày nay: các câu chuyện khá gập ghềnh.

Mẹ tôi xuất thân trong một gia đình trưởng giả ở Nîmes mà tài sản bay theo mây khói qua nhiều đời thừa kế và qua các bất đồng trong gia đình. Bà lập gia đình năm 1962 khi bà vừa mới 19 tuổi. Hai anh lớn tôi kế nhau ra đời. Vì nhiều lý do khác nhau, hai vợ chồng sớm chia tay nhau. Hai năm sau mẹ tôi bỏ chồng và gần như ngay lập tức mẹ tôi lập lại gia đình. Vì thế tôi ra đời và sau đó là hai em gái tôi. Cha chúng tôi bỏ nhà ra đi trước khi em gái út “Galinette” của tôi ra đời một thời gian ngắn, nhà chúng tôi ai cũng có một tên gọi ở nhà, tôi là “Lulu”. Từ đó chúng tôi không bao giờ gặp lại ông và tôi không giữ một kỷ niệm nào về ông.

Còn mẹ của cha?

27 tuổi, mẹ tôi một mình nuôi dạy năm con ở trang trại Camargue, bà không có một lợi tức. Tôi nhớ chúng tôi luôn sống trong cảnh nghèo. Một ngày nọ, vào một ngày cuối tháng, sau khi đã vét hết tủ chẳng còn gì, mẹ tôi đã phải nấu bột nhão thức ăn chó cho chúng tôi ăn; nhà chỉ còn một ít si-rô bạc hà cho bữa ăn tối. Mẹ tôi mượn tiền chỗ này chỗ kia. Trong các lần cơ quan xã hội khám xét, bà giấu chúng tôi nhưng bà không tránh được thảm kịch đáng sợ: năm con của mình bị đưa vào Trung tâm Tiếp nhận Y tế Xã hội (Ddass). Dạ dày chúng tôi khóc vì đói, đúng vậy, nhưng quả tim chúng tôi khóc vì đau đớn. Mẹ tôi làm mọi cách để đưa chúng tôi về.

Và bà thành công?

Nhờ hưởng gia tài, bà có thể quản lý một tiệm ăn-khách sạn ở một làng nhỏ vùng Cévennes. Đó là năm 1971, tôi lên 5 và tôi rất tự hào được phục vụ ở phòng ăn vào cuối tuần, các anh lớn của tôi thì làm trong bếp! Đó là bốn năm hạnh phúc. Các năm tháng này biến mất theo mây khói: ngày 21 tháng 3 năm 1975, một mạch điện bị chập và ngôi nhà bị cháy. Căn nhà biến mất trong ngọn lửa. May mắn là không có ai bị thương. Nhưng chúng tôi không có bảo hiểm. Và chúng tôi đi lại từ số không. 

Chúa hiện diện trong đời sống của cha lúc đó?

Không. Khi đó tôi không chống Chúa: nhưng tôi không biết Ngài. Mẹ tôi làm đám cưới ở nhà thờ nhưng bà không giữ đạo. Sau khi ly dị, mẹ tôi cảm thấy mình bất xứng, thậm chí bà nghĩ mình bị ruồng bỏ, dù sao thì cũng là một hình thức sống bên lề. Bà cho chúng tôi rửa tội nhưng bà không đưa chúng tôi đi học giáo lý. Tôi không có một kỷ niệm nào về đạo với mẹ tôi ngoài Kinh Kính Mừng chúng tôi hát khi đi bộ 4 cây số đến trường để quên đường dài.

Làm thế nào mẹ của cha vực dậy qua bao nhiêu thử thách này?

Mẹ tôi làm hầu bàn trong một tiệm ăn. Tại đây có một người đàn ông quyến rũ mẹ tôi, ông ta tên là Martial. Ông người cao lớn, luôn ăn mặc chỉnh tề; tôi như thấy ông trong một phim của tài tử Alain Delon. Chẳng mấy chốc ông về nhà chúng tôi ở. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi có đôi cặp như một vợ chồng. Hai anh tôi ở nội trú, tôi là đứa con trai duy nhất ở nhà. Martial tỏ ra có cảm tình với tôi. Ông thiện cảm – ông dạy tôi câu cá, cho tôi một con chó và muốn cho tôi lấy tên họ của ông. Nhưng ông có các thói quen đặc biệt: ông thức ban đêm và ngủ ban ngày. Thỉnh thoảng ông vắng nhà mấy ngày. Ông rất ít khi ra khỏi nhà, có vẻ như ông muốn trốn.

Một ngày nọ mẹ tôi kêu tôi ra, bà nhìn vào mắt tôi và xin tôi không bao giờ được nhắc đến tên Martial ở trường. Mẹ tôi giải thích ông bị cảnh sát tìm vì ông không trả trợ cấp cho người vợ đầu tiên của mình. Sau này tôi mới biết Martial ở trong giới “trộm cắp”. Thực tế là ông ở ẩn ở nhà chúng tôi. Khi đó tôi hiểu vì sao ông luôn có súng trong người.

Đó là một bí mật khó giữ?

Đúng. Điều này làm cho tôi không phải là một đứa bé “bình thường”. Bên ngoài thì cuộc sống tuổi vị thành niên của tôi không khác gì với các bạn cùng làng: đánh đấm nhau với nhóm bạn làng bên cạnh, tán tỉnh một chút, đá banh rất nhiều và đạp xe đạp ăn cắp… Sau này sẽ là xe mô-tô. Nhưng tình trạng trong gia đình thì ngày càng căng thẳng. Mọi sự trở nên xấu với Martial vì ông thay đổi tính tình. Có khi nhiều ngày liền ông ở rịt trong phòng hút thuốc lá, uống bia, ông để nguyên cả áo quần không thay. Ông không nói chuyện với chúng tôi nữa, ông la hét mẹ tôi. Ông tát mẹ tôi tới tấp. Càng ngày càng cãi vã nhiều hơn, càng hung bạo hơn. Không những về mặt thể xác, người đàn ông này còn phá hủy cả về mặt tâm lý. Ông đuổi hai anh tôi đi. Mẹ tôi tan nát cõi lòng. Cho đến ngày ông dùng dao đâm mẹ tôi bị thương, khi đó mẹ tôi mới quyết định bỏ trốn. Chúng tôi dọn về Nîmes. Martial bị chặn trong một vụ kiểm tra lưu thông, ông bị tống giam. Mẹ tôi không bỏ ông: mỗi tháng vài lần, bà đi với tôi vào thăm ông. 

Martial đóng vai người cha thay thế?

Một cách nào đó là như vậy… Và kéo dài cho đến cuối tháng 3 năm 1979. Khi đó tôi 13 tuổi. Một buổi tối nọ, mẹ tôi thốt ra một câu: “Người mà con nghĩ là cha của con, người đó không phải là cha của con”. Cho đến lúc đó tôi vẫn nghĩ tôi cùng cha với hai em gái tôi. Mẹ tôi cho tôi biết tôi là con của một người Đức tên là Günter, một người vừa xuất ngũ sau bảy năm ở Binh đoàn Lê dương tác chiến ở nước ngoài. Một chiều mùa xuân năm 1965, ông đến gõ cửa nhà mẹ tôi xin một nơi trú chân. Một người đàn ông tốt mà mẹ tôi muốn làm lại cuộc đời với ông. Nhưng không được. Người đàn ông này bị tổn thương bởi những xung đột ông trải qua trong cuộc đời. Ngắn gọn, hai người chỉ ở chung với nhau vài tháng ở Đức. Nhưng họ còn để lại một cái gì đó… tôi. 

Mẹ của cha không bị cám dỗ “bỏ” cha à?

Nhiều người khuyên mẹ tôi phá thai: “Dù sao, đứa con hoang này cũng không biết cha của nó”, “Cô có hình dung cô sẽ ở trong tình huống nào không?”… Đúng vậy, tất cả các điều kiện quy lại để “cho tôi vào bẫy”: mẹ tôi đang ly dị, mẹ tôi đã có hai đứa con, bây giờ mẹ tôi lại có thai với một người mà bà đã chia tay… Ít nhất là người ta khuyên mẹ tôi phá thai vì những lý do đó. Tôi ngưỡng phục mẹ tôi biết bao, mẹ tôi đã giữ tôi – tôi không có một phán xét nào đối với các phụ nữ đã phải ở trong cảnh phá thai. Đó là một hành vi yêu thương mà cũng là một hành vi hy vọng: tôi đã bị kết án tử hình với lý do tôi là đứa bé bất hạnh, nhưng ai có thể biết được? Mọi thứ gần như đã quá tệ ngay từ khi mẹ tôi thụ thai, nhưng dù sao họ cũng để cho chúng tôi một cơ hội…

May mắn, mẹ tôi được “dì Odile” giúp đỡ rất nhiều, dì gởi mẹ tôi đến dì Lucie, một người chị của dì. Dì Lucie người công giáo, gốc gia đình Versaille và dì có mười người con, dì cho mẹ tôi và hai anh tôi ở nhà dì trong mấy tháng. Người ta nói rất ít đến các gia đình tiếp nhận như gia đình dì, họ cực kỳ rộng lượng, họ giúp cho các phụ nữ có hoàn cảnh cùng cực, và giúp cho các em bé như tôi sống!

Làm thế nào cha biết tin về mối liên hệ phụ tử của cha?

Tôi thoát được một gánh nặng khổng lồ: cha tôi không bỏ tôi như tôi nghĩ. Ông không biết là mẹ tôi mang thai tôi… Nhưng một vấn đề khác rơi xuống trên đầu tôi: cha tôi ở đâu? Làm sao tìm ra ông? Và rồi tôi nhận ra tôi chỉ là đứa con hoang. Một đứa bé mà bà mẹ phải che giấu nguồn gốc của nó không cho người chung quanh biết. Từ giờ trở đi, chữ “con hoang” làm cho tôi đau nhói mỗi khi nghe. Tôi cũng đau nhói như vậy khi điền vào hồ sơ ở trường: “cha vô danh”.

Cũng may là hai anh và hai em gái tôi đoàn kết chung quanh tôi. Tình thương anh em trong gia đình đã giúp tôi đương đầu với thực tế mới này trong đời.

Như vậy là bắt đầu một cuộc đời mới?

Một cuộc đời không như tôi mơ… Martial ra khỏi tù tháng 5 năm 1979. Ông chỉ ở tù một thời gian ngắn vì ông không cấp dưỡng tiền ăn. Do không có bằng chứng, ông không bị kết án vì các vụ “vỡ” trong các nhà kho. Khi đó tôi còn hy vọng việc ông ở tù sẽ giúp ông cải thiện, nhưng ngược lại: ông lại trở nên thô bạo, lầm lì hơn. Cảnh gia đình chào xáo lại bắt đầu. Mẹ tôi đi trốn. Mẹ phải vào bệnh viện để trốn. Tôi và hai em gái phải vào Trung tâm Tiếp nhận Y tế Xã hội ở  Nîmes. Tôi ở đó với các trẻ vị thành niên khó trị, có cá tính thấy rõ là đã hung bạo và đồi trụy. Martial tìm lại mẹ tôi và đánh mẹ tôi gãy ba xương sườn. Lúc đó cảnh sát phải bảo vệ chúng tôi.

Trong vài tuần chúng tôi không có tin tức của ông, cho đến một chiều tháng 11 năm 1979. Chúng tôi ở nhà. Có người gọi cổng. Trời tối đen nhưng ánh sáng đèn đường cho chúng tôi nhận ra người khách tối nay: Martial… Ông tìm ra chúng tôi! Mẹ tôi ngần ngại, nhưng rồi bà cũng xuống nói chuyện với ông. Họ trao đổi với nhau vài câu. Mẹ tôi lên nhà; còn ông thì đi xa xa. Chúng tôi hỏi tin, mẹ tôi trả lời, bà rất giao động: “Ông không được khỏe, ông đến chào từ giã mẹ. Mẹ sợ ông làm một cái gì ngu xuẫn…” Đột nhiên, một tiếng nổ vang lên. Anh tôi chạy ra cửa sổ nhìn, tôi chận mẹ tôi không cho bà đi xuống. Tôi thấy Martial trên vỉa hè.

Ông ngồi dưới chân cột đèn trước mặt nhà. Đầu cúi xuống. Ông vừa bắn một phát vào ngực.

Cha cảm thấy như thế nào?

Vừa buồn bã vừa nhẹ nhõm. Như vậy là chấm hết, sẽ không còn cảnh đánh nhau, hoảng sợ, bỏ trốn, vào bệnh viện… Cái bóng của Martial không còn lởn vởn trên mái nhà. Khi đó tôi chưa biết còn có một găng-tơ khác ở đâu đó sẽ cứu đời tôi.

Bằng cách nào?

Vài tháng sau khi Martial tự tử, tôi sắp được 14 tuổi và tôi đang có các biến chuyển xấu: mẹ tôi không còn kiểm soát được tôi, tôi bỏ nhà đi hoang với các bạn, tôi hung dữ với mẹ, cả bằng lời lẫn bằng hành động. Vì thế bà Marie-Dominique, bạn của mẹ tôi đề nghị đưa chúng tôi đi nghe lời chứng của một cựu sếp găng-tơ ở New York. Ông có buổi nói chuyện ở thành phố Montpellier. Mẹ tôi rất lo cho tôi: Martial là mẫu gương đàn ông duy nhất trong đời tôi. Tôi bị ảnh hưởng và khổ thay tính tình tôi nhanh chóng đi theo con đường giống như vậy. Khi đó bà nghĩ gặp một người đã thoát ra khỏi hoàn cảnh đó như ông Nicky Cruz sẽ giúp được tôi. Tôi rất phấn khích trước lời đề nghị của bà Marie-Dominique. Mẹ tôi cố tình không nói với tôi rằng tên vô lại này bây giờ là mục sư… 

Cha khám phá khi đến nghe?

Không ngay lập tức. Hôm đó Dinh Thể Thao của thành phố Montpellier đông nghẹt người: hàng ngàn người đến nghe. Bắt đầu chương trình là các bài hát, nhẹ có, mạnh có, rất tình cảm – điều này làm cho tôi phải nói, các buổi nói chuyện với người trẻ 60% thành công là nhờ âm nhạc. Rồi đến phần trình bày của Nicky Cruz. Một người đứng lên và nói bằng tiếng Anh. Ông mặc đồ vét, tóc đen, có thể nói ông như tài tử đóng trong phim Scarface.

Ông kể cuộc sống của ông: đúng là ông rơi vào cảnh hung bạo và địa ngục. Ông là người Portorica đến New York lúc 13 tuổi, vào băng đảng Mau Mau và sau một vài cú đâm đúng đích, ông trở thành sếp. Tôi say sưa nghe ông nói. Ông kể trong những giờ đen tối của đời mình, tay ông đã giết người khi ông mới hơn tuổi tôi một tí. Rồi ông nhiệt tình nhắc đến mục sư David Wilkerson, mục sư đến Bronx để làm chứng cho Chúa (1). Nicky chống cự dữ dội khi mục sư David nói với ông rằng “Chúa Giêsu yêu ông”, cho đến ngày ông chấp nhận Chúa Kitô là Đấng đã cứu đời ông. Cuộc đời của ông hoàn toàn thay đổi. Bây giờ ông là mục sư. Vậy ông mặc vét… là hợp lý.

Các lời của mục sư làm cha xúc động?

Ở nhiều chỗ, tôi thấy đời tôi giống câu chuyện của ông, dù đời tôi không có gì giống để so sánh. Nhưng đúng là : vì tôi đã sống các sự kiện ít đau đớn hơn, và chuyện này đã tốt cho ông, vậy thì sao nó lại không tốt cho tôi? Tôi có thể sẽ phải đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời tôi như ông đã đón nhận. Vì thế khi ông đề nghị ai muốn thay đổi đời sống thì tiến lên bục. Tôi đi lên. Ban nhạc trổi lên các bài hát rất nhẹ. Tôi chen để có thể đến gần mục sư Nicky nhất có thể. Ông nhắm mắt – gương mặt của ông mang các vết sẹo hung bạo của thời quá khứ -, ông cầu nguyện, hai tay đưa cao, “Lạy Chúa Giêsu, con cầu xin Chúa, xin Chúa ngự đến chữa lành các quả tim bị tổn thương. Nếu Chúa đã thay đổi con, thì Chúa có thể thay đổi cho tất cả những ai đang ở đây trước mặt Chúa…” Các bài hát tiếp tục hát, mọi người cầu nguyện chung quanh tôi.

Và cha cũng cầu nguyện?

Đúng, có thể đây là lần đầu tiên trong đời tôi: một tiếng kêu thốt ra từ quả tim. Với giọng thầm thì, tôi nói: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thay đổi đời ông Nicky Cruz. Con muốn biết Chúa. Con mở lòng ra với Chúa. Con cũng vậy, con muốn bắt đầu một đời sống khác.” Và các giọt nước mắt tuôn ra. Cũng may không ai biết tôi và mẹ tôi thì không thấy tôi! Tôi để cho nước mắt chảy… Sau này tôi mới biết, nước mắt thường biểu lộ hành động của Chúa khi Ngài thay đổi quả tim bằng đá của chúng ta thành quả tim bằng thịt. 

Từ lâu cha đã không khóc?

Từ rất lâu. Các đau khổ đã làm chai cứng tâm hồn tôi. Tôi không nhỏ một giọt nước mắt khi Martial tự tử. Ngày hôm sau khi đi theo mẹ tôi đến nhà xác, mẹ tôi khóc bên cạnh xác ông, tôi sờ má xác chết. Rất lạnh. Tôi còn nói với mẹ tôi: “Mẹ xem, giống như con gà đông lạnh”. Đó là sự nhạy cảm của tôi. Và đó là điều mà Chúa đang phá vỡ…

403    09-11-2019