Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Noi gương thánh Stephano tử đạo

Thứ Ba

Mt 10, 17-22

NOI GƯƠNG THÁNH STEPHANO TỬ ĐẠO

          Chúa Giêsu đến để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, sứ mệnh người Tôi Tớ đau khổ của Giavê. Vì thế, con đường Chúa Giêsu đi là con đường thập giá. Môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải đi con đường của Thầy mình: Con đường "chết vì yêu". Người môn đệ đích thực của Ðức Giêsu phải đối đầu với những khó khăn, phải dám chiến đấu cho chân lý, phải can đảm chết đi những lợi danh, ích kỷ, để chỉ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài.

Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.

Hôm nay phụng vụ lại giới thiệu cho chúng ta gương mặt Thánh Stephanô, vị thánh tử đạo tiên khởi của Giáo Hội, đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu của Hài Nhi vừa chào đời này. Khi cử hành như thế, Giáo hội muốn chúng ta nhận ra rằng: Thập giá luôn gắn liền với Chúa Giêsu và những ai theo Người. Người môn đệ đích thực của Chúa sẽ được đồng phận với Ngài, chịu hiểu lầm, chịu bách hại vì đi ngược với thế gian. Khi nỗ lực đạt đến sự trọn lành, người ngay chính phải chịu nhiều đau khổ vì sự ngay chính của mình, bởi kẻ thù của Chúa gây nên. Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ” (Mt 10, 22a); “nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.” (Ga 15, 18).

Trong thực tế, lời tiên tri này không chỉ được ứng nghiệm ngay từ buổi đầu của Giáo Hội, mà còn tiếp tục trong thời đại hôm nay khi các Kitô hữu vẫn không ngừng chịu đau khổ vì sống và làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Thánh Phaolô chia sẻ trải nghiệm này với môn đệ Timôthê khi nói: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3,12).

"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội  đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.  Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Thập giá là phương thế Thiên Chúa chọn để cứu độ và đưa con người đến hoàn thiện. Nếu chúng ta muốn nên thánh, thì hiển nhiên chúng ta phải biết đón nhận thập giá trên bước đường theo Chúa. Là môn đệ Chúa Giêsu và được mời gọi nên hoàn thiện (Mt 5, 48), chúng ta có sẵn sàng đón nhận những hy sinh, thử thách, thua thiệt, bất công… vì sống theo giáo huấn và giá trị của Tin mừng không? Nếu chúng ta đón nhận thập giá với tất cả lòng mến, tuy phải chịu những thiệt thòi ở đời này, chúng ta sẽ được nên giống Chúa và vui mừng hân hoan lãnh phần thưởng trọng đại ở trên trời (x. Mt 5, 12).

Lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy” (c. 18). Và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thực vậy, Đức Giê-su nói: “Thần Khí của Cha anh em sẽ nói trong anh em”, và “ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát”.

Ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ vị Thánh Tử Đạo không chỉ bị một hòn đá ném vào đầu, nhưng đã bị ném đá cho đến chết, đó là Thánh Stephano Tử Đạo tiên khởi. Cuộc sống và cái chết anh dũng vì Đạo của Thánh Stephano đã ứng nghiệm mọi lời Đức Giesu Kitô tiên báo trong bài Phúc Âm hôm nay. Đồng thời cuộc sống và cái chết ấy cũng đã họa lại theo đúng từng chữ , từng chi tiết cuộc sống và cuộc tử nạn của Đức Kitô, Thầy Chí Thánh.

Hơn thế nữa, trước lúc lâm chung , Thánh Stephano đã noi gương Thầy mình, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ném đá mình. Bởi đâu Thánh nhân có được sức mạnh thần kỳ ấy? Phải chăng bởi sức riêng của Ngài ? Thưa không. Vậy bởi đâu ? Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay : “Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con mọi sự…”Vâng, chính Thánh Thần dạy ta mọi sự, không chỉ dạy phải nói cách nào mà hơn nữa dạy ta phải sống thế nào và phải chết ra sao để đúng với danh nghĩa là một Kito hữu.

Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thánh Stephano đã có đức tin và tình yêu như thế, đến mức tận dụng những giờ phút tại pháp trường để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Stephano có đủ can đảm chấp nhận cuộc tử đạo? Ai giúp cho ngài? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên ngài tràn đầy “Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6, 3).

Chúa Thánh Thần đã ngự đến trên các Tông Đồ với hình lưỡi lửa, cũng ngự đến trên Stephano các tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên ông (Cv 6, 6). Chúa Thánh Thần đến với Stephano cũng là Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đấng đã thúc đẩy Stephano nhiệt tình loan báo về Thiên Chúa trong cơn khốn khó. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Kitô hữu ngày hôm nay trung thành với đức tin, không phải bán thời gian, nhưng là toàn thời gian.

Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giêsu, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giêsu nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.

 

Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”!

1754    24-12-2017