Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Nỗi lo trong mùa Tết

 1212

Tết Nguyên đán là Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nói đến Tết, các em nhỏ đều náo nức trông mong, đếm từng ngày. Tết được mặc đồ mới đi chơi thoải mái, được tiền lì xì v.v… Người lớn được nghỉ ngơi, có thời gian sum họp gia đình, trở về thăm quê, ông bà, cha mẹ, bà con họ hàng, thông gia trong ba ngày Tết.

Nhưng các bậc làm cha mẹ, Tết đến là canh cánh những nỗi lo, nhất là các gia đình nghèo nào ai có biết? Lo dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới, chuẩn bị thức ăn bánh trái cho gia đình con cái và tiếp đãi khách nữa. Lo không có tiền ăn Tết! Nhìn chung khung cảnh dân quê đầy ấp những nỗi lo như thế. Đặc biệt hơn, dân miền quê sống nghề buôn bán cây kiểng như Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre. Cả đôi ba tháng trước đó, cả vùng bà con đã náo nhiệt, tất bật lo cho hoa kiểng. Đôi khi ăn Tết này chuẩn bị cho mùa Tết sau.

Hằng năm vào tháng 10 âm lịch, dân làng hoa kiểng đã bàn tán xôn xao, nào là: mua hạt bông, phân thuốc, nào là lo thuê mặt bằng để chuẩn bị buôn bán hoa kiểng khắp các chợ trên mọi miền đất nước. Năm nào bán được thì hí hửng trở về quê ăn Tết. Năm nào ế ẩm thì lo nợ nần và trước mắt lo tìm nơi vứt bỏ chớ ai “chở củi về rừng” bao giờ.

Trong bầu khí rộn ràng, xe cộ tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển hàng hoa kiểng đi đến các phố chợ thì những gia đình yếu vốn họ hy vọng năm nay sẽ buôn may bán đắt để có tiền trang trải cho gia đình, cùng vui xuân với xóm làng.

Mùa Tết này nhiều gia đình mừng xuân trong tâm trạng băn khoăn lo lắng, không phải chỉ lo chăm sóc cho vườn hoa kiểng mà nỗi lo còn đến từ thời tiết mưa nắng bất thường, không mưa thuận gió hòa … khiến nhà vườn mất ăn mất ngủ. Vì bao công sức dãi nắng dầm mưa, tiền vay bạc hỏi vốn liếng đổ vào vườn hoa kiểng nếu chẳng may thì sẽ tay trắng tay lâm cảnh nợ nần, thử hỏi không lo sao được.

Hãy lắng nghe lời tâm sự của vài cư dân địa phương: “Ở đây không làm nghề nầy (hoa kiểng) thì biết làm gì sống bây giờ. Nhưng nghề nầy rất bấp bênh, nào là phụ thuộc thị trường rồi phụ thuộc thời tiết gió mưa. Rất khổ Dì ơi!!!”. Điều giúp cho người dân cố bám víu với nghề là HY VỌNG. Hy vọng mùa sau sẽ thành công hơn mùa trước.

341Có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với những người dân nơi đây, tôi đã hoc được từ nơi họ nhiều điều: học được niềm tin, sự kiên nhãn, cần cù và lòng phó dâng cho ơn Trời qua chính giọng nói và còn thể hiện rõ nét trên khuôn mặt của họ nữa. Tin tưởng Ơn trên phù hộ. Ơn Trời sẽ làm cho cuộc sống lầm than cơ cực hôm nay mai ngày giúp họ khấm khá hơn. Đây không phải là niềm tin và hy vọng ảo, kiểu ăn bánh vẽ mà là với sự tích cực cần cù lao động sáng tạo, tuyệt đối tin tưởng vào Ơn trên phù trợ thì họ sẽ đạt được.

Chia sẻ phần tâm linh, vào mùa Tết xứ đạo Cái Mơn có những Thánh lễ cầu nguyện cho giáo dân có đức tin, niềm hy vọng và sống đạo tốt, buôn bán Tết được thuận lợi, để có được cuộc sống an bình khỏi phải tha phương cầu thực.

11123

“Tận nhân lực, tri thiên mạng”, tôi tin rằng người dân nơi đây sẽ vươn lên.

 

Văn phòng Caritas Vĩnh Long

1140    03-03-2017