Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Nỗi niềm những chàng ở rể


Đâu đó trong các gia đình có con ở rể, cách đối xử của đôi bên đã xảy ra chuyện vui buồn khác nhau.


Nỗi niềm những chàng ở rể - Ảnh 1.

Những chàng ở rể luôn có nỗi niềm riêng

Con gái kết hôn, nếu vẫn ở chung nhà với cha mẹ, cha mẹ vợ có thêm con cháu sẽ thêm niềm vui tuổi xế chiều. Các cặp vợ chồng trẻ ngoài những gắn kết tình cảm gia đình, còn được cha mẹ chăm sóc con cái, lo cơm nước cho gia đình nhỏ của mình.

Những khác biệt và rạn nứt

Một đêm nọ, trong lúc đang đi bộ, tôi gặp một anh lái taxi sau khi thả khách xuống trước một phòng trà, vội lấy điện thoại ra nghe. Nói chuyện với ai đó một hồi, anh ta trở nên to tiếng, vung xáng chiếc điện thoại xuống vỉa hè vỡ tan tành.

Giữ nguyên thái độ ấy, anh ta toan bước lên xe. Thấy cần cầm chân người tài xế trong cơn giận dữ, tôi bước tới gợi chuyện: "Có chuyện gì không ổn phải không em?". Anh ta quắc mắt nhìn tôi. Có lẽ nhận ra tôi là người có tuổi, anh ta dịu giọng: "Đời ở rể, khổ lắm bố ơi! Cứ mỗi lần bàn với vợ chuyển ra khỏi nhà bố mẹ vợ là y như rằng cãi nhau vì hắn không chịu".

Có lẽ tâm tư bị dồn nén lâu ngày nên Liêm (tên người tài xế ấy) đã mở lòng với tôi. Quê Liêm ở Đồng Tháp lên TP.HCM lập nghiệp. Phải duyên với cô gái là con một, cha mẹ đã già nên ra điều kiện Liêm phải ở rể.

Liêm tâm sự: "Ông già vợ sống phong kiến lắm. Con cái đã lớn nhưng bắt phải đi thưa về trình. Khách đến nhà chơi, ông bắt ra chào và không được ở trần. Tôi bảo vợ chuyển ra ngoài thì vợ cứ lải nhải nào là cha mẹ già đêm hôm có chuyện gì không xoay xở kịp, nào là mất tiền thuê nhà, ai trông coi con cái, cơm nước cho gia đình để đi làm".

Chuyện của Liêm có lẽ không hiếm gặp khi ở chung một nhà, văn hoá giao tiếp khác biệt, đâu dễ dung hòa.

Nhưng vợ chồng ông bà Ngân ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) lại "éo le" theo kiểu khác. Ông bà có cô con gái út ở riêng từ ngày lấy chồng. Ngày con gái sinh nở, ông bà thương con đưa về nhà mình chăm sóc. Thế nhưng con gái ông bà vừa sinh em bé vài ngày, chàng rể không quấn quýt bên vợ con, lấy cớ đi làm mà thường xuyên vắng nhà.

Biệt bóng mấy ngày, tối ấy anh ta về nhà nồng nặc mùi rượu. Để nguyên áo quần bụi bặm, anh ta ẵm đứa con lên hôn tới tấp. Thấy vậy ông Ngân nói: "Sức đề kháng nó còn yếu lắm con ơi. Tắm rửa sạch sẽ rồi chơi với nó con". Nghe vậy anh con rể không kiềm chế: "Trời ơi, sao bố tàn nhẫn thế. Bố đã làm gián đoạn giây phút thiêng liêng tình phụ tử của hai cha con con rồi".

Như giọt nước tràn ly, ông Ngân bực dọc: "Anh nói như thương vợ con lắm. Nếu thế thì tôi hỏi anh đi đâu cả tuần nay không về để cho vợ anh mới sinh thao thức lo cho anh cả đêm?". Giọng anh con rể đanh lại: "Con đi đâu mặc xác con. Con cấm bố can thiệp vào chuyện gia đình con đó. Bố nghe rõ chưa?". Ông Ngân chết lặng người.

Tình thương kết nối

Một bận đến nhà người bạn khác chơi, giữa lúc khách đang cụng ly thì một chàng trai ăn mặc lịch sự ra nói nhỏ với chủ nhà: "Ba cứ thoải mái chơi nhé. Nội tè tùm lum, con đã tắm và thay áo quần, thay tã cho nội rồi. Con chuẩn bị đi làm đây".

Chủ nhà giới thiệu với khách đây là con rể. Nghe vậy tôi ngạc nhiên hỏi: "Sao, con rể lại làm được việc ấy cho mẹ anh?". Anh trả lời: "Đúng, mẹ tôi bị bệnh mất trí mấy năm nay không đi được. Vệ sinh cho bà chỉ có tôi và nó mới bế được bà vào nhà vệ sinh. Thương tôi, nó làm việc ấy suốt à".

Rồi anh tiếp lời: "Mình thương yêu, quan tâm con rể như con ruột. Con cũng coi mình như cha mẹ ruột của nó".

Tôi nói: "Tui thấy có nhiều chàng rể chưa xoá hết định kiến trong đầu. Đứa không ở rể khi đến nhà cha mẹ vợ chơi thì cho mình là khách. Người lại tự ti".

Anh đáp: "Tùy đứa anh ơi. Thằng rể nhà tôi quan niệm đã là tứ thân phụ mẫu thì xem gia đình hai bên như nhau, nhà có công việc gì nó xắn tay áo làm tuốt. Cháu có nhà riêng nhưng lại thích ở nhà cha mẹ vợ cho vui. Tôi hỏi nó giúp ba tắm nội như vậy có ngại không. Nó bảo hồi ở quê con cũng thường xuyên giúp ba mẹ chăm sóc nội con mà, ngại chi...".

Nhìn anh con rể chào cha vợ đi làm với vẻ mặt tươi tắn, tôi thầm phục chàng rể này quá, và nhớ tới câu nói của một nhà văn nào đó: "Giá trị con người không phải anh ta là ai, mà sống như thế nào mới đáng nói!".

Sau buổi nói chuyện với người tài xế trên, tôi nhận thấy khúc mắc giữa ông bố vợ và anh con rể một phần là do va chạm văn hóa sống vùng miền. Người Nam bộ như chàng rể ấy khi khách đến nhà chơi, nếu chủ nhà đang ở trần cũng để vậy cười ha hả tiếp khách, khách lại coi đó là sự chân tình.

Với người miền ngoài như ông bố vợ, thể hiện sự tôn trọng khách là phải ăn mặc lịch sự... Vấn đề là con dâu hay con rể cần biết "nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc", ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế thì chẳng có chuyện gì xảy ra.

 

TRẦN KIÊM HẠ
1559    17-12-2018