Tài liệu mới đây của Bộ Tu Sĩ “Rượu Mới Bầu Da Mới”(2017) khi bàn về “Ơn Gọi và Căn Tính” có nhắc đến sự phân ly trong đời tu đưa đến một sự khủng hoảng về ơn gọi: “Số lượng lớn các hoạt động quá mức và khẩn cấp không cho phép một đời sống thiêng liêng vững chắc có khả năng nuôi dưỡng và trợ giúp khao khát sống trung thành” (số 12).

Một sự phân ly căng thẳng giữa đời sống Martha và Maria trong đời tu lúc nào cũng mời gọi bản thân cá nhân chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi Tôi là ai? Đang là Martha hay Maria? Làm sao để sống hài hòa đời tu thỏa mãn sự khao khát lòng trung thành?

Sự hiếu khách là vô cùng quan trọng trong thế giới Kinh Thánh Châu Á nói chung và Tin Mừng Thánh Luca nói riêng. Khi Đức Giêsu đến Bêthania, Martha thể hiện lòng hiếu khách bằng cách chào đón Đức Giêsu vào nhà mà cô chia sẻ với các em Maria và Lazarô (Ga 11,1).

Sau đó, Martha bận rộn nhiều với nhiệm vụ phục vụ khách của họ. Mặc dù chúng ta không được cho biết chính xác những nhiệm vụ đó là gì, nhưng chúng ta cũng đoán chắc không sai lệch lắm là cô đang bắt đầu chuẩn bị bữa ăn cho nhiều người vừa ghé nhà Bêthania của cô.

Trong khi đó, em gái Maria ngồi dưới chân Đức Giêsu, lắng nghe những lời Ngài giảng dạy. Thay vì đảm nhận vai trò mong đợi của phụ nữ trong văn hóa Á đông của mình khi khách đến, cô lại ở vị trí của mình dưới chân Đức Giêsu. Cô đảm lãnh một tư thế của một người môn đệ dưới chân của một Rabbi, một người Thầy, một vai trò truyền thống dành riêng cho nam giới.

1. Phân Tâm và Lo Lắng

Câu chuyện thú vị này chuyển qua một bước ngoặt lớn, khi Martha, bị phân tâm bởi nhiều nhiệm vụ của mình, đến gặp Đức Giêsu và ngõ lời, “Lạy Chúa, Ngài có quan tâm rằng em gái con đã để mặc con tự mình làm tất cả mọi việc không? Xin Ngài nói với em ấy đến giúp con một tay” (10,40).

Nhiều người chúng ta đọc hoặc nghe câu chuyện này có thể cổ vũ cho Maria khi cô đảo ngược vai trò truyền thống Á đông của một cô gái trong nhà. Nhiều người cũng có thể đồng cảm với sự trách móc nhẹ nhàng của Martha với em gái vì đã bỏ mặc cô làm tất cả công việc. Phản ứng của Đức Giêsu về Martha có vẻ như ít thấu cảm hơn, nhắc nhớ rằng cô mất tập trung và lo lắng nhiều sự và ca ngợi Maria biết chọn phần hơn, một điều duy nhất và sẽ không bị lấy đi khỏi cô ấy (10, 41-42).

Vấn đề ở đây với Martha không phải là việc cô ấy bận phục vụ và đảm nhận sự hiếu khách. Chắc chắn Đức Giêsu đã từng luôn khen ngợi loại phục vụ này khi chúng ta thực hiện muốn giúp đỡ cận nhân, đặc biệt là trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (10,25-37) ngay trước câu chuyện của Maria và Martha, hoặc câu chuyện người bạn quấy rầy đêm khuya tiếp theo sau (11, 5-10).

Vấn đề với Martha không phải là sự phục vụ tiếp khách của cô, mà là cô lo lắng và mất tập trung. Sự mất tập trung và lo lắng của Martha không còn chỗ cho khía cạnh quan trọng nhất của lòng hiếu khách, sự quan tâm và ân cần đến vị khách đang ở trong nhà mình. Trong thực tế, ít nhiều cô đã phá vỡ mọi quy tắc của lòng hiếu khách bằng cách cố gắng làm khó khăn cho em gái mình trước mặt Thầy Giêsu, thực khách quý của mình, và lại còn yêu cầu Ngài can thiệp vào một chuyện gia đình riêng tư. Thậm chí Martha còn đi xa đến mức than phiền Đức Giêsu không quan tâm đến mình.

Sự lo lắng và mất tập trung của Martha đã ngăn cản cô thực sự hiện diện với Đức Giêsu, và khiến cô tạo ra một ngăn trở giữa em gái với chính mình, và giữa Chúa Giêsu với chính cô. Cô đã bỏ lỡ “Chỉ thật sự một điều cần thiết” cho lòng hiếu khách thực sự. Không có lòng hiếu khách nào lớn hơn là lắng nghe và quan tâm đến vị khách mình đang tiếp rước trong nhà. Và nhất là vị khách quý này là Chúa Giêsu! Vì vậy, Đức Giêsu nói rằng Maria đã chọn phần tốt hơn, và nó sẽ không bị lấy đi từ cô ấy.

Lời nói của Đức Giêsu, đối với Martha có thể được xem như một lời mời gọi chứ không phải là một lời quở trách. “Martha, Martha, cô lo lắng và bị phân tâm bởi nhiều thứ quá, chỉ cần một điều, một điều cần thiết thôi.” Một điều cần thiết cho Martha, đó là nhận được sự hiện diện yêu thương của Đức Giêsu, lắng nghe những lời Ngài dạy, để biết rằng cô có giá trị không phải chỉ vì những gì cô ấy làm hay cô ấy làm tốt như thế nào, mà vì cô ấy là con của Chúa Cha.

2. Điều Nào Cần Thiết Trong Nền Văn Hóa Đầy Bận Rộn Của Đời Nữ Tu Chúng Ta?

Trong một nền văn hóa toàn cầu hóa của lịch trình đầy bận rộn và chạy theo năng suất không ngừng, đời tu cũng bị áp lực không ngơi như những thành viên khác của xã hội. Lúc nào chúng ta cũng rất muốn đo lường giá trị của chúng ta, bằng cách chứng tỏ chúng ta bận rộn như thế nào, bao nhiêu công việc chúng ta đã hoàn thành, và sẽ phải hoàn thành, hoặc bằng cách chúng ta đã đáp ứng được sự mong đợi của tha nhân, của lãnh đạo, của Bề Trên. Đoạn văn Tin Mừng trên có thể cung cấp một cơ hội phong phú để nhìn rõ và giải quyết tình trạng bất ổn của nền văn hóa chúng ta ngày nay.

Nhiều người trong các cộng đoàn chúng ta có vẻ đồng cảm với Martha. Cảm giác bị phân tâm lo lắng, bị lôi kéo theo nhiều hướng khác nhau, đây dường như là những chủ đề chung của cuộc sống trong thế giới nhịp độ nhanh của chúng ta.

Tuy nhiên, như Đức Giêsu nói trong Luca 12.25, “Có ai trong số các bạn có thể lo lắng làm tăng thêm khoảnh khắc vào vòng đời của mình không?” Chúng ta biết rằng âu lo khắc khoải là không tốt, và phần lớn những gì chúng ta lo lắng không quá quan trọng nếu dám đặt để chúng trong tổng thể lớn hơn, nhưng dường như chúng ta không thể dập tắt những suy nghĩ lo lắng và hoạt động cuồng nhiệt của mình.

Đúng là phần lớn sự bận rộn và mất tập trung của chúng ta bắt nguồn từ ý hướng cao quý nhất, vì Dòng, vì Giáo Hội, vì các linh hồn…Chúng ta muốn cung cấp cho Hội dòng hay Cộng đoàn  của chúng ta, chúng ta muốn cho những người chúng ta chăm sóc, các trẻ em, các bệnh nhân mọi cơ hội để làm phong phú cuộc sống của họ, chúng ta muốn phục vụ những cận nhân như một Samari nhân hậu, và chính xác, chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa. Đích thật, Hội dòng, cộng đoàn , giáo xứ sẽ ra sao nếu không có những Martha? Những người trung thành, thực hiện các nhiệm vụ hiếu khách và phục vụ rất quan trọng để biến Hội dòng, cộng đoàn, Giáo Xứ thành những cộng đồng hiếu khách, chào đón và hoạt động tốt?

Tuy nhiên, nếu tất cả các hoạt động của chúng ta khiến chúng ta không còn thời gian để ở trong sự hiện diện của Đức Chúa và lắng nghe thấy tiếng của Ngài, chúng ta dần dà có thể sẽ lo lắng và gặp rắc rối. Chúng ta có khả năng kết thúc với một loại phục vụ không còn tình yêu và niềm vui và trở thành buồn phiền với người khác. Và cảnh báo của “Rượu Mới và Bầu Da Mới” sẽ không xa.

Việc lắng nghe và hành động, đón nhận Lời Chúa và phục vụ tha nhân, đều rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu và đặc biệt đời tu chúng ta, giống như việc hít vào và thở ra là để thở. Tuy nhiên, làm thế nào thường xuyên chúng ta quên hít thở sâu? Cố gắng phục vụ mà không được nuôi dưỡng bởi từ Lời Chúa tựa như mong đợi trái tốt sẽ mọc lên từ một cây đã bị bật gốc.

3. “Hãy Là Martha trong Maria và Maria trong Martha”

Câu chuyện Luca thì dừng ngang ở giữa. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo, liệu cô Maria và Martha có được hòa giải hay không, liệu tất cả nhiều người họ có thể thưởng thức bữa ăn mà Martha đã chuẩn bị với hết tình hay không, và liệu cuối cùng Martha có thể ngồi xuống chân Thầy Giêsu và dành sự quan tâm đầy đủ cho Ngài không.

Chúng ta không biết. Nhưng điều chúng ta biết, đó là Đức Giêsu cũng mời gọi tất cả chúng ta, những người lo lắng và bị phân tâm bởi nhiều điều với những lo toan của cuộc sống, phải biết ngồi và nghỉ ngơi trước sự hiện diện của Ngài, để nghe những lời ân sủng và sự thật của Ngài, để biết rằng chúng ta luôn được yêu thương và coi trọng như con cái của Chúa Cha, được đổi mới trong đức tin và tăng cường cho những trách nhiệm hằng ngày.

Chỉ cần một điều duy nhất mà thôi: Đó là quan tâm đến người khách quý của chúng ta. Cuối cùng người khách quý đó của chúng ta, lại chính là Chủ Nhà, Đức Chúa của chúng ta, với bao quà tặng phong phú sẵn sàng ban cho mỗi người, cho dù ta đang là Martha hay Maria.

Nữ tu Têrêsa Ngọc Dung, OP