Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Ở lại trong Tình Yêu

Ngày 14 tháng Tám Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục, tử đạo

        Kn 3, 1-9 hay1Ga 3, 14-18; Ga 15, 9-17

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

Trong một bức thư gởi cho một người bạn, thánh  Maximilianô Maria Kolbê viết: “Thiên Chúa đã muốn ủy thác việc ban phát lòng thương xót của Ngài cho Đức Maria. Điều hiển nhiên là Đức Maria chỉ muốn cho chúng ta những gì Thiên Chúa muốn. Khi chúng ta hiến mình cho Mẹ, thì trong tay Mẹ, chúng ta sẽ trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để thực thi lòng thương xót của Ngài, như chính Mẹ là khí cụ trong tay Thiên Chúa.”

Maximilianô Kolbê sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1894 tại Ba Lan. Với tấm lòng sùng kính Đức Mẹ Maria từ thuở ấu thơ, có lần thánh nhân kể: “Đêm đó tôi nài xin Đức Mẹ cho tôi được trở thành đứa con ngoan. Đức Mẹ hiện ra mang theo hai triều thiên sáng chói, một màu trắng và một màu đỏ. Đức Mẹ hỏi tôi thích chọn triều thiên nào? Màu trắng nghĩa là tôi sẽ được trở nên trong trắng và màu đỏ tôi sẽ trở thành một vị tử đạo. Tôi trả lời tôi thích cả hai.”

Năm 1907, Maximilianô gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn (còn được gọi là dòng Phanxicô). Ngài được gởi qua Rôma tu học.  Năm 1914 khấn tạm với tên thánh Maximilianô Maria và năm 1918 thụ phong linh mục. Trong thời gian ở Rôma, ngài đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình kịch liệt do Hội Tam Điểm tổ chức chống lại Đức Giáo Hoàng  Piô thứ 10 và Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 15. Để đối phó với làn sóng này, ngài thành lập hội “Đạo Binh Đức Maria Vô Nhiễm”  với ý nguyện qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, những ai tội lỗi chống phá Giáo Hội Công Giáo sẽ quay về đường ngay nẻo chính. Maxilianô còn phát hành bán nguyệt san “Hiệp Sỹ của Đức Mẹ Vô Nhiễm” để cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ và truyền bá đức tin Công Giáo.

Năm 1930 linh mục Maximilianô Maria Kolbê qua Nhật Bản và ở lại truyền giáo nơi đây trong vòng sáu năm dưới sự bảo trợ và che chở của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngài xây dựng nhiều cơ sở Công Giáo và tu viện, trong đó có một tu viện trên sườn núi ngoại ô thành phố Nagasaki. Năm 1945 khi thành phố này bị ném bom nguyên tử, tu viện được cứu thoát nguyên vẹn như một phép lạ Đức Mẹ ra tay che chở.

Đức Mẹ luôn đồng hành và chúc lành cho những công đức của thánh nhân.  Năm 1938 có tới hơn 800 tu sỹ Dòng Anh Em Hèn Mọn sống và truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Thánh Mẫu hay còn gọi “Đô Thành Đức Mẹ Vô Nhiễm” do ngài thành lập gần thủ đô Warsaw, Ba Lan. Ngài còn thành lập một đô thành tương tự ở Ấn Độ. Trong một bức thư gởi cho một anh em Dòng Anh Em Hèn Mọn, ngài viết: “Chúng ta hãy để Mẹ hướng dẫn, hãy đưa tay cho Mẹ dìu dắt, hãy sống yên hàn dưới sự che chở của Mẹ. Chính Mẹ sẽ chăm sóc và tiên liệu mọi sự cho chúng ta. Mẹ sẽ mau cứu giúp, đáp ứng những nhu cầu hồn xác, đẩy lùi những khó khăn phiền toái cho chúng ta.”

Một bài viết tựa đề “Những ‘thay cho’ mà Chúa muốn” của đức cha GB. Bùi Tuần có đoạn: “ Chúa Giêsu muốn mọi môn đệ của người: hãy cẩu nguyện thay cho người khác, hãy đền tội thay cho người khác và hãy chết thay cho người khác. Mong muốn đó của Chúa Giêsu được kể như một sự sai đi.  Tôi hiểu như vậy khi nghe Người cầu nguyện với Chúa Cha: ‘Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian’ (Ga 17,18). Đến thế gian, Chúa Giêsu đã luôn cầu nguyện thay cho nhân loại, luôn đền tội thay cho nhân loại, đã hy sinh mạng sống thay cho nhân loại.” 

Maximilianô Maria Kolbê đã sống và có một tình yêu tuyệt đẹp với tha nhân: chết thay cho một bạn tù. Đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Năm 1939, Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan. Linh mục Kolbê và một số tu sỹ bị bắt nhưng ba tháng sau được thả vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tuy nhiên, ngài bị bắt trở lại vào trại tập trung lao động nổi tiếng cực khổ Auschwitz  ngày 17 tháng Hai năm 1941.

Ngày 31 tháng Bảy năm đó một tù nhân trốn thoát. Theo quy định của trại, viên sỹ quan quản lý trại bắt mười tù nhân khác chết thay trong đó có Phanxicô Gazowniczed. Anh kêu van khóc lóc không muốn chết vì còn mẹ già con thơ không ai nuôi dưỡng. Trước cảnh tượng bi thảm này, Maximilianô Maria Kolbê dõng dạc tuyên bố tình nguyện xin chết thay: “Tôi muốn thế chỗ ông kia. Ông ấy còn có gia đình vợ con!” Thánh nhân bị giam chung với các tù nhân khác trong một căn hầm chật chội tăm tối. Các tù nhân chết dần cho đến áp ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 14 tháng Tám năm 1941 chỉ còn bốn người sống sót. Viên cai ngục kết liễu đời ngài bằng mũi thuốc độc. Thi hài ngài được thiêu cháy vào ngày hôm sau, đúng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Một trong những lý do Đức Quốc Xã tìm bắt bỏ tù linh mục Maximilianô Maria Kolbê là bởi những hoạt động truyền thông của ngài nhằm truyền bá đức tin Công Giáo. Năm 1927, ngài thành lập nhà xuất bản Công Giáo tại Ba Lan, in ấn và phổ biến sách báo tài liệu Công Giáo. Cùng với anh em tu sỹ Dòng Anh Em Hèn Mọn hàng tháng xuất bản  bán nguyệt san về Đức Mẹ phát hành khắp thế giới. Kể cả thời gian những năm  ở Nhật Bản ngài cũng sử dụng báo chí như là phương thế truyền giáo của mình. Ngoài ra,  ngài còn thành lập đài phát thanh và truyền hình để rao truyền Tin Mầng của Chúa cho mọi người.

Ngày 10 tháng Mười năm 1982, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn phong linh mục Maximilianô Maria Kolbê, Dòng Anh Em Hèn Mọn, lên hàng hiển thánh tử đạo. Lễ kính ngài hằng năm vào ngày 13 tháng Tám, áp ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Âu cũng là một vinh dự vô cùng trọng đại dành cho một vị thánh lúc sinh thời đã hết mình tôn sùng và bằng mọi cách cổ súy lòng sùng kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thánh nhân là bổn mạng của giới truyền thông và các tù nhân chính trị.

Với trang Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời xác quyết của Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu cho loài người: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy (Ga 15:9). Vậy ta thử xét coi Chúa Giêsu yêu mến loài người như thế nào. Và ta cũng chỉ giới hạn cái việc Ðức Giêsu yêu mến loài người theo như Phúc âm hôm nay ghi lại mà thôi. Nếu xét tất cả những việc Chúa Giêsu làm vì yêu mến loài người trong toàn bộ Phúc âm, thì không biết bao giờ ta mới nói hết. Chúa Giêsu đã yêu mến loài người bằng cách chấp nhận cuộc tử hình thập giá để chuộc tội loài người. Ðó là lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15:13). Thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thẩy đã cho anh em biết (Ga 15:15).

Bạn hữu nhất là bạn cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu là người quan tâm đến ta, và ta quan tâm đến bạn. Bạn hữu là người gắn bó với ta khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ. Bạn hữu là người ta có thể tin cậy. Bạn hữu thường trung thành với nhau, giúp đỡ nhau, sống chết có nhau. Trong một xã hội phong kiến hay dưới một thể chế quân chủ, khi một người nhỏ tuổi hoặc cùng đinh mà gọi người lớn tuổi hay phú quí là bạn, có thể bị coi là chơi trèo, hỗn xược, vì cha ông ta dạy kính lão đắc thọ. Chúa Giêsu còn cao trọng hơn ta gấp bội phần, nhưng Người đã tự hạ mình xuống làm bạn với ta. Chúa bảo các tông đồ và qua các tông đồ, Chúa cũng bảo ta: Anh em là bạn hữu của Thầy (Ga 15:14).

Vậy được gọi là bạn hữu với Chúa, là một ân huệ lớn lao dường bao! Ðiều thắc mắc ở đây là ta có thực sự tin rằng Ðức Giêsu là bạn với ta không? Ta có thể tin, vì Chúa nói như vậy. Tuy nhiên ta có cảm nghiệm được tình yêu và tình bạn với Chúa hay không lại là chuyện khác.

Ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong tình bạn hữu với Chúa. Cảm nghiệm ta có về tình bạn với Chúa giống như cảm nghiệm của hai người yêu. Hai người yêu luôn cảm thấy gần gũi nhau. Khi xa nhau, họ vẫn tưởng nhớ đến nhau, nhớ bóng dáng người yêu, ánh mắt của người yêu và cả tiếng thì thầm của người yêu. Nói cách khác, họ cách mặt mà không xa lòng. Cảm nghiệm của ta có được về tình yêu và tình bạn với Chúa cũng tương tự như vậy.

Khi và chỉ khi ta có được cảm nghiệm về tình yêu/ tình bạn với Chúa, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong ta, bên ta và xung quanh ta. Khi ăn uống, làm việc, giải trí và cả khi ngủ nghỉ, ta cũng cảm nghiệm sự diện diện của Chúa. Có được cảm nghiệm như vậy, ta không còn cảm thấy thiếu thốn chi trong lòng, không còn muốn đổi chác lấy gì khác, mà bị mất cảm nghiệm thần linh này. Ở lại trong tình yêu của Chúa là muốn được gần gũi với Chúa, muốn đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa, muốn Chúa làm chủ đời sống và làm lẽ sống cho cuộc đời.

1205    14-08-2020