Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Ơn gọi lãnh đạo mục vụ

       

Nghiên huấn tu đức của UB. Giáo dân: Ơn gọi lãnh đạo mục vụ

Bài nghiên huấn tu đức

Ơn gọi lãnh đạo mục vụ 

Lãnh đạo mục vụ là một hoạt động mới mẻ với hầu hết thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta. Hơn nữa, chúng ta đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo này không chỉ với tư cách cá nhân đảm nhận một chức vụ, nhưng còn với tư cách đoàn thể Hội đồng mục vụ giáo xứ. Khi thi hành trách nhiệm lãnh đạo như thế, không ít lần chúng ta kinh nghiệm về sự khác biệt giữa các thành viên và những thách đố mà sự khác biệt ấy gây ra. Thật ra, tương tự như nhóm Mười Hai, chúng ta không phải một nhóm đồng nhất, nhưng chúng ta được kêu gọi để xây dựng sự hiệp nhất trong nhóm, sự hiệp nhất vượt qua sự khác biệt, để tiếp tục ôm ấp và chuyển trao Tin mừng vào đôi tay và trái tim nhân loại. Chúng ta nhận ra nguyên lý và nền tảng sự hiệp nhất này ở ngay khởi đầu và nguồn cội ơn gọi lãnh đạo mục vụ.

Ơn gọi lãnh đạo mục vụ không phải là một lựa chọn chức vụ hay công việc phục vụ, nhưng trên hết là đáp lời mời gọi của Đức Giêsu: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.” (Mc 3,13). Ơn gọi ấy khởi đi từ ý muốn của Đức Giêsu; Người gọi “những kẻ Người muốn” và Người cầu nguyện trước khi chọn gọi họ: Chúa Giê-su đi lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Ơn gọi lãnh đạo mục vụ khi ấy là một tiến trình năng động xuyên suốt và liên tục “đến với” Đức Giêsu: “Và các ông đến với Người”. Từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta không được kêu gọi để đến với chức vụ hay công việc, dù là chức vụ hay công việc chính đáng và cao trọng, nhưng được kêu gọi “đến với” Đức Giêsu.

Đức Giêsu chọn gọi từng người “đến với Người” và chính Người tạo lập họ thành nhóm-thành cộng đoàn: “Người lập nhóm Mười Hai”. Nhìn vào danh sách các Tông đồ, chúng ta thấy các ngài khác nhau như thế nào (Mc 3,16-19). Hình ảnh nhóm Mười Hai có thể phần nào cho thấy hình ảnh của nhóm Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta. Mỗi người mỗi vẻ; mỗi người mỗi tính cách, mỗi cá tính. Xây dựng sự hiệp nhất trong một nhóm khác biệt nhau như thế hẳn là một thách đố lớn và có khi bất khả thi. Tuy nhiên, điều quan trọng là, hãy để cho Đức Giêsu “lập nhóm”. Chính Người gọi chúng ta đến với Người và cũng chính Người liên kết chúng ta thành nhóm-thành cộng đoàn.

Đến với Người” và “ở lại với Người”, đó là đòi hỏi đầu tiên của người, của từng thành viên Hội đồng mục vụ, vì có như vậy, tính môn đệ mới được liên tục và mãi gắn kết với Đức Giêsu. Đến được với Người thì mới đến được với nhau và để Người lập nhóm-lập cộng đoàn. Khi “đến với Người”, từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta tham dự vào sứ mạng cao trọng này. Lập nhóm hay xây dựng tương quan mục vụ chính là một sứ vụ “bản lề” của người lãnh đạo mục vụ, của từng thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ. Để thực thi sứ vụ “bản lề” này, từng người chúng ta cần “đến với Người” và cùng Người, đến với anh chị em.

Như thế, ơn gọi lãnh đạo mục vụ là một năng động xây dựng cộng đoàn môn đệ. Từ nhóm hay cộng đoàn, từng người chúng ta tiếp tục “đi ra” loan báo Tin mừng bằng lời nói, việc làm và đời sống; từ nhóm hay cộng đoàn này, Đức Giêsu tiếp tục thực hiện sứ mạng của Người, đó là phá đổ quyền lực bóng tối, xua trừ sự dữ và tất cả những gì làm cho con người trở nên tê liệt và lệ thuộc.

Hồi tâm

Tiến trình tôi đón nhận ơn gọi lãnh đạo mục vụ diễn ra như thế nào? Tôi có tăng tiến qua việc đảm nhận trách vụ lãnh đạo trong cộng đoàn giáo xứ không?

Tôi quan tâm tạo lập tương quan với các thành viên khác trong Hội đồng mục vụ không? Trong thực tế, tôi đã-đang làm gì để phát triển tương quan giữa các thành viên Hội đồng mục vụ?

 

Tôi thường làm gì để giải hoà những bất đồng trong Hội đồng mục vu? Khi đó, tôi có thường “đến với” Đức Giêsu không? 

UB. Mục vụ Giáo dân

1887    17-06-2018