Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Phế truất Tổng thống Park: vị trí trong lịch sử Công giáo Hàn Quốc

Người Công giáo có thể là những người cương quyết nhất trong việc lên tiếng phản đối tổng thống Park Geun-Hye
Phế truất Tổng thống Park vị trí trong lịch sử Công giáo Hàn QuốcPhế truất Tổng thống Park vị trí trong lịch sử Công giáo Hàn Quốc

Hai ngày sau khi tòa án tối cao Hàn Quốc phế truất Tổng thống Park Geun-hye, vị cựu tổng thống 64 tuổi rời khỏi dinh thự nguyên thủ quốc gia vĩnh viễn. Khoảng 900 người ủng hộ tập trung trước Nhà Xanh để chia tay bà.

Cũng vào lúc đó những người chống đối bà Park ăn mừng dọc khu Gwanghwamun Plaza ở trung tâm Seoul, đây cũng chính là nơi họ phản đối bà từ tháng 10 năm ngoái. Thật ra ngay sau ngày bà Park bị cách chức nửa triệu người dân Hàn Quốc tập trung tại quảng trường này để ăn mừng tin tòa đưa ra phán quyết.

Thứ Bảy tới này có thể chứng kiến một cuộc diễu hành khổng lồ nữa tại Seoul và trong đó sẽ có hàng ngàn người Công giáo có lẽ là những người cương quyết nhất trong việc lên tiếng phản đối vị tổng thống bị luận tội.

Người Công giáo tham gia các cuộc biểu tình chống bà Park mỗi thứ Bảy từ mùa thu năm ngoái, phản đối việc cựu tổng thống thông đồng với người bạn Choi Soon-sil, người thao túng bà để tiếp cận các tài liệu mật và biển thủ tiền quỹ thông qua các tổ chức phi lợi nhận, theo tin đã đưa.

Ngoài ra, người Công giáo còn dâng Thánh lễ mỗi ngày thứ Hai tại trung tâm Seoul kể từ khi thảm họa chìm phà Sewol hồi tháng 4-2014 cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, đa số là học sinh Hàn Quốc bị chết đuối ở vùng biển lạnh giá Hoa Đông.

“Tổng thống có thể bị mất chức nhưng chúng ta vẫn cần thực hiện công lý và tìm ra ai là người thật sự chịu trách nhiệm về thảm kịch đó”, Yeon, một người mẹ Công giáo đến quảng trường cùng chồng và con ngay sau ngày tòa đưa ra phán quyết, nói. Những người chỉ trích bà Park nói nếu bà phản ứng nhanh hơn thì có thể cứu được số người đó.

Đối với nhiều người Công giáo, việc Nhà Xanh hiện đang để trống chẳng có gì quan trọng. Họ sẽ tiếp tục dâng Thánh lễ mỗi ngày thứ Hai đến khi nào đưa ra xét xử thỏa đáng với hy vọng làm sáng tỏ thảm họa này và vai trò của cựu tổng thống bị luận tội gần đây trong thảm họa đó.

“Chúng tôi ăn mừng cùng anh em đồng đạo ngay sau khi nghe tin tòa ra phán quyết”, một linh mục trẻ thuộc dòng Tận Hiến Hàn Quốc tham gia các cuộc biểu tình, phát biểu.

“Một điều mà người Công giáo có đó là khả năng chịu đựng, chúng tôi đã chứng kiến suốt quá trình lịch sử tại Hàn Quốc”, ngài nói, có ý muốn ám chỉ 10.000 vị tử đạo Hàn Quốc, trong đó có 123 vị được Đức Thánh cha Phanxicô phong chân phước hôm 16-8-2014 trong thời gian diễn ra Đại hội Giới trẻ Á châu tại quảng trường, cũng là nơi người dân bày tỏ bất đồng chính kiến hiện nay.

Danh tiếng

Khác với các tôn giáo khác ở Hàn Quốc, người Công giáo tiếp tục duy trì danh tiếng tốt. Theo khảo sát cách đây vài năm, Công giáo là tôn giáo được người Hàn Quốc xem là đáng tin cậy nhất, hơn cả Phật giáo.

Mặc dù giảm nhẹ về tỷ lệ phát triển trong vài năm gần đây, số người Công giáo vẫn đang tăng. Cuối thế kỷ 19 chỉ có vài ngàn người. Hiện nay có hơn 5 triệu người, và tính chung thì cộng đồng Kitô hữu ở Hàn Quốc chiếm khoảng 30% trong số 50 triệu dân nước này

Cộng đồng Công giáo Hàn Quốc không chỉ lớn trong khu vực châu Á mà còn là tấm gương truyền giáo duy nhất được thúc đẩy bởi giáo dân Hàn Quốc chứ không phải các thừa sai.

Kitô giáo đến Hàn Quốc đồng nghĩa với “minh triết phương Tây” dưới hình thức văn bản khoa học được các tu sĩ dòng Tên viết và dịch sang tiếng Trung Quốc. Chỉ sau khi tiếp cận những kiến thức này – địa lý, thiên văn và quân sự – người ta mới bắt đầu nghiên cứu các chiều kích tôn giáo của đạo Công giáo.

Sau khi đạo Công giáo xâm nhập vào cấu trúc văn hóa của xã hội Hàn Quốc, nó thách thức các giá trị của quốc gia này, vốn cho đến lúc đó vẫn còn dựa trên tư tưởng phân biệt địa vị xã hội và giới tính theo văn hóa Nho giáo.

Nhưng mãi đến sau Chiến tranh Triều Tiên ơn gọi mới phát triển. Trong giai đoạn đó người dân sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ. Giáo hội nhạy cảm với thực trạng này và luôn dạy rằng đau thương và thống khổ không hề vô ích.

Ghi nhớ những nguyên tắc này, trong nửa sau của thế kỷ qua, người Công giáo và Tin lành thành lập nhiều nhóm đoàn kết giáo dân giúp nâng cao nhận thức sâu sắc về cộng đồng trong một xã hội lẽ ra phân tán và đang nhanh chóng hướng đến tư duy hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân của văn hóa đương thời.

Trong các thập niên “thịnh vượng” 70 và 80, đạo Công giáo đi đến chỗ được xem là tôn giáo của phong trào dân chủ phản đối chế độ độc tài quân sự cai trị đất nước lúc đó.

Một thế hệ sau người Công giáo bị cuốn vào một thách thức chính trị nữa, lần này không xuất phát từ một chế độ chuyên chế độc tài mà từ nạn tham nhũng trong một chính quyền được bầu theo hình thức dân chủ. Nhưng theo một nhà hiền triết người Anh trước đây từng nói: “Thật ra có người từng nói dân chủ là hình thức chính quyền tồi tệ nhất không kể những chế độ khác thỉnh thoảng được đem ra thử nghiệm”.

Cristian Martini Grimaldi từ Seoul, Hàn Quốc

Nguồn tin: UCAN

591    19-03-2017