Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Phó tế có thể cho rước lễ bằng cách chấm bánh không?

Phó tế có thể cho rước lễ bằng cách chấm bánh không?

  Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi: Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) dường như nói rõ rằng việc cho giáo dân rước lễ bằng cách chấm bánh là được linh mục thực hiện, nhưng lại im lặng về khả năng của các phó tế làm như thế. Thưa cha, các phó tế có thể cho rước lễ bằng cách chấm bánh không? - G. P., Ann Arbor, Michigan, Hoa Kỳ.

  Đáp: Trước khi cố gắng trả lời, tôi muốn xem lại các văn bản chính thức nổi bật nhất liên quan đến sự chấm bánh. Trước tiên, tài liệu quan trọng nhất là Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM). Quy chế nói:

  “191. Thầy có thừa tác viên giúp lễ có thể giúp vị tư tế cho giáo dân rước lễ, nếu cần, với tư cách một thừa tác viên ngoại lệ. Nếu cho rước lễ dưới hai hình, mà không có thầy phó tế, thầy cho họ rước Máu Thánh; nếu giáo dân rước lễ theo cách chấm, thì thầy cầm chén thánh.

  "245. Có thể rước Máu Thánh hoặc uống trực tiếp chén thánh, hoặc bằng cách chấm, hoặc bằng thìa, hoặc bằng ống hút.

  “285. Ðể cho rước lễ dưới hai hình cần phải chuẩn bị:

  “a) Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống trực tiếp thì chuẩn bị một chén lớn cho đủ, hoặc nhiều chén, tuy nhiên luôn luôn dự kiến đừng để sau Thánh Lễ phải uống quá nhiều Máu Thánh còn dư lại.
  “b) Nếu rước bằng cách chấm, thì bánh thánh đừng quá mỏng hay quá nhỏ, nhưng dày một chút để khi chấm một phần vào Máu Thánh, có thể trao cho dễ dàng.

  “287. Nếu rước chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: "Mình và Máu Chúa Kitô", người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

  Thứ hai, bản văn được bạn đọc nêu ra trong Huấn thị năm 2004 Redemptionis Sacramentum:


  “103. Quy tắc Sách Lễ Rôma chấp nhận nguyên tắc theo đó, khi cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng”. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại trừ cách cho rước lễ với ống hút hoặc cái muỗng, trong những không có thói quen, nhưng duy trì luôn cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.

  “104. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

  Thứ ba, trước Huấn thị Redemptionis sacramentum, Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ đã cập nhật tài liệu năm 2002 về ‘Quy định cho rước lễ và rước lễ dưới hai hình trong các Giáo phận Hoa Kỳ’.

  “42. Trong số các cách cho rước Máu Thánh theo quy định của Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma, việc rước lễ từ Chén thánh nói chung là hình thức ưa thích trong Giáo hội Latinh, với điều kiện là nó có thể được thực hiện đúng theo quy chế, và không có bất kỳ rủi ro nào của sự bất kính đối với Máu Châu Báu Chúa Kitô
.

  “43. Chén thánh được trao cho người rước lễ với lời ‘Máu Chúa Kitô’ của linh mục, và người rước lễ đáp ‘Amen’.

  “44. Chén thánh không thể được đặt trên bàn thờ, hoặc một nơi khác, và người rước lễ lên cầm và tự rước lễ (trừ trường hợp các Giám mục hoặc linh mục đồng tế), cũng không thể chuyển Chén thánh từ người này sang người khác. Phải luôn có một thừa tác viên cầm Chén thánh.

  “45. Sau khi mỗi người rước lễ đã rước Máu Thánh, thừa tác viên cẩn thận lau cả hai bờ mép của Chén thánh bằng khăn lau chén. Hành động này là một vấn đề của cả sự tôn kính và vệ sinh. Vì lý do tương tự, thừa tác viên xoay nhẹ Chén thánh sau khi mỗi người đã rước Máu Thánh.

  “46. Chính người rước lễ chọn cách rước từ Chén thánh, chứ không phải thừa tác viên.

  “47. Trẻ em được khuyến khích rước lễ dưới hai hình, với điều kiện là các em được hướng dẫn đúng cách và các em đã đủ tuổi để rước lễ từ Chén thánh.

  “Các hình thức khác để rước Máu Thánh

  “48. Việc rước Máu thánh bằng thìa hoặc qua ống hút không phải là thông lệ trong các giáo phận Latinh của Hoa Kỳ.

  “49. Nếu rước Chén thánh bằng cách chấm, ‘người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: "Mình và Máu Chúa Kitô", người rước thưa Amen rồi nhận lấy bằng miệng, và lui gót.’

  “50. Người rước lễ, kể cả thừa tác viên ngoại thường, không bao giờ được phép tự rước lễ, thậm chí bằng cách chấm bánh. Việc Rước lễ dưới bất kỳ hình nào, bánh hay rượu, phải luôn được trao bởi một thừa tác viên thông thường hoặc thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ.”

  Như bạn đọc của chúng tôi nhận xét, phó tế hiếm khi được nhắc tới, ngoại trừ để lưu ý rằng trong trường hợp bình thường, thầy sẽ thực hiện vai trò là thừa tác viên cầm Chén thánh. Đây có lẽ là lý do tại sao các tài liệu chính thức chỉ coi linh mục là người cho rước lễ với Mình Thánh.

  Tuy nhiên, các quy định trên cũng tính đến thực tế rằng thường cần một số thừa tác viên ngoại thường, khi cho rước lễ dưới hai hình tại giáo xứ. Hiếm khi có nhiều hơn một phó tế có mặt ở đó. Vì vậy, thuật ngữ ‘thừa tác viên’ là ưu tiên dành cho phó tế để biểu thị người cầm Chén thánh cho việc chấm bánh.

  Các tài liệu là im lặng về cách tổ chức cho rước lễ dưới hai hình, khi cả phó tế và thừa tác viên ngoại thường đều có mặt.

  Quan điểm cá nhân của tôi là cả hai sự lựa chọn đều hợp pháp. Phó tế có thể đóng vai trò là thừa tác viên cầm Chén thánh đi cùng với linh mục. Điều này sẽ là bình thường nếu vị chủ tế là một Giám mục.

  Phó tế là một thừa tác viên thông thường của việc cho rước lễ. Do đó, cũng là hoàn toàn hợp lý, khi một số thừa tác viên ngoại thường phục vụ, rằng cả linh mục và phó tế đều phân phát Bánh Thánh và chấm bánh vào Chén thánh có Máu Thánh Chúa Kitô.

  Cuối cùng, mặc dù không có quy tắc cố định, nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi là: cách thực tiễn nhất của việc cho rước lễ chấm bánh là rằng thừa tác viên Chén thánh đứng bên trái linh mục, cầm Chén thánh hơi nghiêng một chút về phía linh mục. (Zenit.org 29-10-2019)

  Nguyễn Trọng Đa

717    30-10-2019