Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

“Phong chức các ông đã có vợ có nguy cơ củng cố nạn giáo quyền”

 

Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng về vùng Amazzonia là dịp suy nghĩ về khả thể phong chức cho các ông đã có vợ ở những vùng xa xôi hẻo lánh này. Xin cha cho biết cha nghĩ gì về chuyện này?

Linh mục François Glory: Tôi có cảm nhận đây không phải là một vấn đề thật. Ở Amazzonia phải suy nghĩ khởi đi từ các cộng đoàn. Chỉ ở nước Ba Tây, nơi tôi sống ba mươi năm có 70 000 người không có thánh lễ chúa nhật. Các cộng đoàn nào còn sống được là các cộng đoàn làm được liên kết giữa Lời Chúa và hành động của họ. Các cộng đoàn khác bị Giáo hội tin lành nuốt chửng.

Phong chức cho các ông đã có vợ có nguy cơ củng cố nạn giáo quyền. Trong khi căn bản các cộng đoàn hoạt động nhờ sự phân phối các sứ vụ khác nhau: như thời Giáo hội sơ khai, mỗi người nhận mỗi ơn khác nhau và họ đặt để các ơn này lại với nhau để phục vụ cho tất cả. Còn với hệ thống giáo sĩ thì họ tập trung tất cả vào một người.

Phải suy nghĩ lại, dĩ nhiên là không làm giảm giá trị chỗ đứng của Thánh Thể trong các cộng đoàn này. Chúng ta thường hay nghĩ, không có thánh lễ thường xuyên thì cộng đoàn không tồn tại. Nhưng có phải chỉ cách này mà chúng ta thành lập cộng đoàn không? Giáo hội nhỏ địa phương không phải chỉ duy nhất sống nhờ khía cạnh bí tích, nhưng họ còn sống với chiều kích xã hội và ngôn sứ. Nếu có một số cộng đoàn sẵn sàng phong chức cho các ông đã có vợ, chúng ta sẽ nghiên cứu các trường hợp này.

Theo cha việc thiếu các linh mục trong các vùng này không phải là một vấn đề?

Vấn đề không phải bổ sung việc thiếu linh mục, nhưng cần hỏi xem loại cộng đoàn nào mình muốn. Đã có lúc tôi nghĩ phong chức linh mục cho các ông đã có vợ là một giải pháp nhưng với kinh nghiệm sống của tôi, tôi đã thay đổi ý kiến. Giáo sĩ “người ban bí tích” thống trị và đó là mô hình có nguy cơ kéo dài. Trong 80 % các cộng đoàn tôi đến thăm, phụ nữ là chủ chốt. Họ dạy giáo lý, ho chuẩn bị các lễ rửa tội, chuẩn bị hôn nhân và họ quan tâm đến ý nghĩa xã hội.

Nhưng khi có một linh mục, một phó tế đến thì người này có khuynh hướng nắm quyền. Cộng đoàn phục vụ linh mục thay vì linh mục phải phục vụ cộng đoàn. Theo tôi, các linh mục truyền giáo nên đến để đào tạo giáo dân để họ làm việc và đảm trách đặc sủng của mình. Linh mục không được là khuôn mặt chính. Thêm nữa nếu họ được đặt trên bệ thờ và thường là như vậy, thì đây là một chuyện nguy hiểm.

Vấn đề này có làm che các thách thức khác mà vùng Amazzonia phải đương đầu không?

Tôi sợ. Vào thời công đồng Vatican II, việc khôi phục lại chức phó tế vĩnh viễn trước hết là cho các vùng xa xôi hẻo lánh này. Và chính vì thế mà Âu châu được nhờ theo. Do đó tôi sợ chuyện này cũng sẽ giống như thế. Chúng ta đưa ra một khả thể phong chức cho các ông đã có vợ ở vùng Amazzonia. Nhưng cuối cùng lại mở một cánh cửa khác, đó là các vấn đề của Âu châu mà chúng ta đang nói đến.

Trở lại vùng Amazzonia, các cộng đoàn tồn tại, họ sống với nhau không có linh mục là những cộng đoàn sống mạnh nhờ Lời Chúa. Và đây là chuyện chúng ta cần phát triển. Vùng Amazzonia không thiếu linh mục nhưng thiếu chứng nhân. Các vùng này cần các ông, các bà được đào tạo để rao giảng, làm việc trong các sứ vụ khác nhau. Như thế Giáo hội phải tháp tùng và nâng đỡ trong các hoạt động, các tiến trình của họ.

Linh mục François Glory, tác giả quyển Ba mươi năm ở vùng Amazzonia Ba Tây, phục vụ các cộng đoàn nền tảng (Mes trente années en Amazonie brésilienne, au service des communautés de base. Karthala, 2015)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

453    21-06-2019