Trong thời khắc đen tối nhất của anh, Chúa đã ở đó nhẹ nhàng hướng dẫn Anthony Federico trên một con đường hoàn toàn mới.

Năm 2012, Anthony Federico, một phóng viên thể thao trẻ tuổi cho kênh ESPN, theo dõi trận bóng rổ giữa đội New York Knicks và New Orleans Hornets. Federico tường thuật sau bảy bàn thắng liên tục, Knicks bị thua do sự thể hiện kém của một trong những cầu thủ trụ cột của họ là Jeremy Lin. Khuya hôm đó, khi Federico chọn một đề tựa cho bản tường thuật của mình, anh đã dùng cụm từ “a chink in the armor” (tạm dịch: một yếu điểm), và ngay lập tức làm bùng nổ những cáo buộc về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Federico giải thích lý do đằng sau sự lựa chọn từ ngữ nghèo nàn của mình cho John Ourand của tờ Sports Business Daily nói rằng ý nghĩa của chúng là để “mô tả sự thể hiện mở màn quá yếu của Jeremy Lin.” Nhưng người khác lại xem đó như là một cú tấn công về sắc tộc đối với dòng máu Trung Hoa của Lin (ND: chink là một từ chỉ về người Trung Hoa một cách khinh bỉ). Khi bản tin với đề tựa sử dụng từ ngữ nghèo nàn lan truyền, người phóng viên 28 tuổi “ruột gan nóng như lửa” và ngay nửa đêm đi thẳng về nhà để xin lời khuyên của cha mẹ.

Dù mẹ và cha của anh nghĩ rằng vụ này rồi cũng nhanh chóng chìm lắng, nhưng nó không như vậy. Sự nghiệp vừa mở màn của Federico bị tiêu tan, anh và cha mẹ bị báo chí bám sát, và cuối cùng anh bị ESPN sa thải. Chẳng có gì ngạc nhiên khi biến cố này đưa Federico bước vào “tháng tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi.”

Sự nghiệp của Federico lại tìm được một cơ hội khác với công việc tại một công ty truyền thông, LiveClips ở Stamford, Connecticut. Đồng thời anh cũng có cơ hội gặp gỡ ăn trưa với Lin, một hành động mà Federico tin rằng sẽ cho thấy Lin không cảm thấy đề mục kia là một sự nhục mạ cố ý chống lại anh.

Một trong những lợi điểm của vị trí công việc mới của Federico là anh làm việc giờ hành chính, có nghĩa là anh có thể ra ngoài ăn trưa. Trong khi ra ngoài và một ngày kia anh tình cờ đi đến một nhà thờ Công giáo, Vương cung thánh đường Thánh Gioan Thánh sử. Trong ngày thứ ba anh đi ngang qua anh đã bước vào trong nhà thờ, và lần bước vào đó cuối cùng đã thay đổi cuộc đời anh.

Federico bắt đầu đi lễ tại nhà thờ này mỗi giờ nghỉ ăn trưa. Anh thậm chí khuyến khích những đồng nghiệp khác — cả người không Công giáo — cùng đi với anh và sau đó thảo luận về những nghi thức khác nhau. Anh dành các buổi tối để học hỏi thêm về các giáo huấn Công giáo cho đến thời điểm chín mùi, 18 tháng sau, anh cảm nhận được tiếng gọi đến với chức tư tế.

Anh tìm những hướng dẫn trên Google về những bước đi cần thiết, và rồi anh nhận được sự hướng dẫn từ giám đốc ơn gọi tại tổng giáo phận Hartford. Khi anh hỏi không biết đó có phải là một bước đi đúng không, anh liền hỏi ý kiến mẹ anh, và bà cho anh những lời khôn ngoan này: “Con cảm thấy sợ vào chủng viện? Cứ thực hiện điều đó với sự sợ hãi,” bà nói. “Hãy đối mặt với những sự sợ hãi vì con sẽ luôn luôn tự hỏi nó sẽ diễn ra như thế nào nếu ít nhất con không thử một cơ hội.”

Federico trải qua sáu năm trong một chủng viện ở Washington, D.C. và vào tháng Sáu năm 2019 anh đã được truyền chức linh mục và được bổ nhiệm về một giáo xứ ở Cheshire, Connecticut.

Thật là đẹp khi người cựu phóng viên cuối cùng tìm được ơn gọi của mình, nhưng điều thật sự truyền cảm hứng đó là câu chuyện của anh là một câu chuyện của hy vọng — cũng như thật an lòng biết bao khi tình cờ bước vào một nhà thờ địa phương! Trong những thời khắc mà anh mô tả là những ngày đen tối và tồi tệ nhất trong đời của anh, thì Chúa ở đó, sẵn sàng hướng dẫn anh trên con đường mới. Federico đồng ý rằng toàn bộ sự cố của đề mục thật sự lại là một ơn lành: “Có một điều gì đó mách bảo với tôi rằng nó đã là con đường tôi được kêu gọi để đi. Đây là con đường Thiên Chúa dùng để gây sự chú ý cho tôi — là chương trình của Ngài cho đời sống của tôi.”

Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện tại Sports Business Daily.

[Nguồn: aleteia]
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN