Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Phương pháp ba bước của cố Hồng Y Carlo Maria Martini khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội và Giao hoà

Phương pháp ba bước của cố Hồng Y Carlo Maria Martini khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội và Giao hoà

 

 Lm. Xuân Hy Vọng lược dịch bài viết của Cha Gio-an Lu-ca “Carlo Maria Card. Martini’s Threefold Method in Approaching The Sacrament of Penance and Reconciliation” (tạm dịch: Theo Hồng Y Carlo Maria Martini, Phương pháp ba bước khi Lãnh nhận Bí tích Giải tội và Giao hoà)

Tác giả cuốn sách “Thừa Tác Viên Phúc Âm” luôn khởi đầu bằng Lời Chúa, và chỉ sau khi suy niệm, cầu nguyện thâm sâu thì mới chia sẻ những suy tư của bản thân về các chủ đề khác nhau. Thiết nghĩ, cách thức này rất thích hợp cho chúng ta khi bàn thảo đề tài “cảm thức về tội lỗi”. Và thật sự, đây cũng là lời mời gọi mở đầu trong Nghi Thức Sám Hối: 
(...) Qua Lời Chúa, Ki-tô hữu lãnh nhận ánh sáng hầu nhận ra tội lỗi của mình và cũng được mời gọi hoán cải, tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tin Mừng: Sức Mạnh Thứ Tha cho Tất Cả Những Ai Tin

Chúng ta thử lướt qua những trưng dẫn Kinh Thánh mà ĐHY Mar-ti-ni dùng trong phương pháp của Ngài. Dưới đây là 3 trưng dẫn trích từ Tin Mừng theo Thánh Lu-ca nói về tác vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su, tuy nhiên chúng ta hãy chú ý đến nét tương đồng:

 Chúa Giê-su gọi ông Phê-rô: Lc 5, 1-11

 Chúa Giê-su chữa lành người bất toại: Lc 5, 17-26

 Chúa Giê-su tha tội cho người phụ nữ tội lỗi khi dùng tiệc tại nhà ông Si-mon: Lc 7, 36-50.

Điểm tương đồng trong 3 trưng dẫn trên đó là cảm thức về tội lỗi hoặc ơn được tha tội.

Ở trình thuật thứ nhất, quyền năng và sự thánh thiện của Chúa Giê-su lột tả con người tội lỗi của ông Phê-rô (“Hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”). Phê-rô cảm nhận được có quá nhiều bất ổn trong cuộc sống của bản thân. Và đây, Chúa Giê-su muốn đưa đường chỉ lối cho Phê-rô đến việc tẩy luyện tinh tuyền, lòng khiêm nhu, và nhận ra nhu cầu cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, để rồi ông được thấu hiểu sự bao dung của Tin Mừng và Lời Cứu độ. Chẳng chút bối rối và hà khắc, Chúa Giê-su đã dẫn ông đến con đường hoàn toàn tự do và mang tính nhân vị. Đoạn trần thuật này dạy chúng ta ý thức về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, về quyền năng và sự trọn lành của Ngài hầu giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối, nghèo hèn của mình, cũng như khát khao ơn cứu độ.

Trong trình thuật thứ hai, Chúa Giê-su được xem như là Đấng tha thứ và chữa lành khi Ngài chứng kiến hành động dũng cảm và đầy lòng tin tưởng của những người khiên kẻ bại liệt đến với Ngài bằng việc dỡ mái nhà, thòng người bại liệt xuống trước mặt Ngài.

Sau cùng, đoạn trình thuật thứ ba kể về người phụ nữ tội lỗi dám tiến đến Chúa Giê-su van xin ơn tha thứ qua cử chỉ rửa chân cho Ngài, bất chấp mọi quy định và có thể làm những người xung quanh khó chịu. Hành vi của người phụ nữ này trở nên mẫu gương hoàn thiện cho tất cả những ai đang tìm đến sự thanh luyện và khao khát ơn thứ tha của Thiên Chúa qua hành động yêu thương cảm hoá cả cuộc đời họ. Trên hết, ngôn từ tình yêu chính là trung tâm điểm của trình thuật này: “Cô được tha thứ nhiều vì đã yêu mến nhiều.”

Cả ba trình thuật này nhắc nhở chúng ta rằng rao truyền Tin Mừng, nghĩa là sự tự do nội tại thâm sâu của con người, mà nó hệ tại nơi tiềm năng hay khả năng đích thật của bản thân, giúp họ diễn tả chính mình và vượt lên trên gánh nặng của tội lỗi.

Cách Thức Hoán Cải Cá Nhân

Chúng ta đã nhận thấy ông Phê-rô bị đánh động và nhanh nhẹn thưa “Hãy rời xa con vì con là kẻ tội lỗi”, cũng như người bại liệt nghe lời Chúa Giê-su nói “Tội của anh được tha rồi”, và sau cùng Ngài tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi “Cô được thứ tha nhiều vì đã yêu mến nhiều.”

Giờ đây, chúng ta xem xét kỹ lưỡng về cách thức ăn năn, hối cải của bản thân chúng ta. Cố Hồng Y Car-lô Ma-ri-a Mar-ti-ni đã từng cảm nghiệm “đối thoại hoán cải”, mà hiệu quả là khôi phục lại những giá trị của việc xưng tội theo lối truyền thống, nhưng cũng ảnh hưởng sâu đậm trên chiều kích cá nhân. Vậy đối thoại hoán cải là gì? Nghĩa là cuộc đối thoại với vị đại diện Giáo Hội, cụ thể là linh mục. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm được ơn giao hoà trọn hảo hơn khi chỉ mất chút ít thời gian xưng thú tội lỗi của mình. Nếu có thể được, tốt nhất chúng ta nên khởi sự cuộc đối thoại này bằng việc đọc một đoạn Kinh Thánh, ví dụ Thánh Vịnh chẳng hạn, hay một đoạn trưng dẫn phù hợp với tình trạng tâm linh của mình, sau đó cầu nguyện, có thể cầu nguyện tự phát để giúp chúng ta tạo nên bầu khí tĩnh nguyện. Vì vậy, chúng ta có thể theo 3 bước cụ thể mà ĐHY Mar-ti-ni đưa ra như sau: xưng tụng (confessio laudis), giãi bày cuộc sống (confessio vitae) và tuyên xưng đức tin (confessio fidei).

Xưng Tụng: nhắc lại cảm nghiệm của thánh Phê-rô (Lc 5). Thoạt tiên, ông nhận ra Chúa Giê-su vĩ đại dường bao, vì Người thực hiện biết bao nhiêu điều kỳ diệu cho ông, cũng như ban cho ông những ơn hơn cả mong đợi. Điều này có nghĩa là chúng ta tự vấn khi bắt đầu cuộc đối thoại hoán cải này, ví như: “kể từ lần xưng tội trước, tôi nên cảm tạ Chúa vì những điều gì? Khi nào Thiên Chúa gần gũi tôi một cách đặc biệt? Và lúc nào tôi cảm nhận được sự hiện diện và ơn trợ giúp của Ngài? Khởi đầu bằng việc tán tụng và cảm tạ Thiên Chúa giúp chúng ta đặt cuộc sống của chính mình vào chiều kích đúng đắn. Thật ra, bước một này lột tả lòng bất trung của cá nhân tôi, nhưng mặt khác, nó cũng diễn tả cảm thức tín thác đích thực và lòng thư thái cho việc xưng tội nên.

Giãi Bày Cuộc Sống: ở bước này, chúng ta tự vấn như sau: kể từ lần xưng tội trước đến này, tôi hối tiếc điều gì nhất trước Chúa? Điều gì làm tâm tư tôi nặng trĩu? Sau đó, thay vì cố gắng đưa ra một loạt tội lỗi đã phạm – nặng hay nhẹ – chúng ta nên nhìn lại những sự kiện khác nhau làm bản thân bận tâm và những gì chúng ta ước ao giá mà nó đừng xảy ra. Và chính vì lí do này, chúng ta dâng hết tất cả sự việc ấy cho Chúa, xin Ngài thanh luyện và giải thoát chúng ta. Trong cách thức này, chúng ta nhìn lại chính mình cũng như cảm nhận được con người thật của mình. “Tôi muốn điều gì diễn ra? Trước nhan thánh Chúa, điều gì khiến tôi bận tâm? Và tôi ước ao Chúa giải thoát tôi cụ thể từ sự việc gì?” Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa giải thoát chúng ta nhờ quyền năng cứu rỗi của Ngài. Chúng ta hãy dẹp bỏ cách sống luân lý bằng việc cân đo đong đếm với Chúa! Ngài muốn ban ơn bình an và một tâm hồn mới cho chúng ta để chúng ta bắt đầu lại hoàn toàn mới mẻ, thanh thoát.

Tuyên Xưng Đức Tin: đây là bước chuẩn bị để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta nên thưa chuyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết những yếu đuối của bản thân, nhưng con tin rằng Chúa quyền năng, mạnh mẽ hơn chúng. Con tín thác vào sức mạnh của Chúa trải rộng xuyên suốt cuộc đời con, và con tin rằng Ngài sẽ cứu chuộc con như chính con người con.” Đây là lời kinh nguyện tha thiết sau cùng, đặt hết niềm cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Hết sức cần thiết cho chúng ta cảm nghiệm được ơn cứu độ với cả lòng tín thác, hân hoan, vì trong giây phút này Thiên Chúa bước vào cuộc sống của ta và trao ban Tin Mừng: “Con hãy về bình an, Cha đã vác trên mình gánh nặng tội lỗi của con, sự yếu nhọc của con, sự thiếu vắng niềm tin, nỗi đau khổ nội tâm, và thập giá của con. Cha đã vác lấy tất cả những gánh nặng trên mình Cha để con được giải thoát.”

Trong vô số phương pháp, đối thoại này là cách thức hữu hiệu đáng kể cho chúng ta. Xưng tội không chỉ là nghĩa vụ, mà chính là một cơ hội vui mừng cần nhắm tới. Những câu hỏi mà tác giả đề nghị ở trên hàm ý đặt cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với hối nhân ở cấp độ thân mật, khác biệt hơn, hầu giúp cha giải tội bước vào đời sống thật của hối nhân. Vì thế, việc xưng tội được hiểu theo một cuộc đối thoại hoán cải gồm 3 phần, giúp chúng ta tiến đến sự thật về cuộc sống cá nhân, đem lại sự bình an nội tâm nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi cuộc đối thoại này trở nên “bí tích” đích thật của tình yêu bao dung và lòng vị tha của Thiên Chúa. 
Carlo Maria Martini

Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ

1631    20-09-2020