Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Quân bình trong cuộc sống

Thứ Ba Tuần XXVII TN

Gl 1, 13-24;  Lc 10, 38-42

QUÂN BÌNH TRONG CUỘC SỐNG

Chúa Giêsu đến một làng kia và vào thăm nhà của chị em Matt, Maria và Lazarô. Trong trang Tin Mừng hôm nay, thánh Luca muốn nói đến điều quan trọng nhất của người môn đệ đích thực là biết lắng nghe lời của Chúa Giêsu. Maria đã tiếp đón Chúa Giêsu bằng cách ngồi dưới chân Người, lắng nghe lời Người như một môn đệ trước Thầy của mình. Maria đã đặt toàn tâm toàn ý của mình trước Thầy để học biết cách sống. 

Matta và Maria là hai chị em tính tình rõ ràng khác nhau. Họ có một người em tên là Lazarô mà Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại, ra khỏi huyệt. Có lẽ đó là một trong những gia đình được Chúa Giêsu đi lại nhiều. Và hôm nay cũng như mọi lần. Matta muốn tỏ ra không những hiếu khách mà còn quý thầy. "Bà bận rồn với những công việc phục dịch bộn bàng".

Ta thấy Thánh Luca đã dùng những lời như vậy để diễn tả con người của bà lúc ấy. Và nếu chúng ta quan sát bà trong câu chuyện Chúa Giêsu làm cho em trai bà là Lazarô sống lại, chúng ta cũng vẫn thấy bà hoạt động, đảm đang và để mắt đến hết mọi công việc. Cũng vì vậy mà tuy bận rộn với bao việc làm ở dưới bếp, mắt bà vẫn còn nhìn thấy thái độ của cô em là Maria. Cô này cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người và chẳng màng chi đến việc phục dịch giúp đỡ chị một tay.

Tương phản với hình ảnh của Maria là Matta. Matta lo lắng, bận rộn với việc tiếp đón Chúa Giêsu. Bà muốn lòng hiếu khách của mình phải được đánh giá tốt. Bà muốn được sự giúp đỡ : "Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao ? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với" (c.40). Martha tìm cách để Chúa Giêsu và cô em Maria nhìn nhận sự hy sinh của mình. Dường như Matta muốn nói "Thưa Thầy, Thầy không thấy sao, Thầy không nhận ra những gì tôi đã làm cho Thầy sao, Thầy chẳng cảm thông với những lo lắng của tôi sao ?"

Maria là hình ảnh của người lắng nghe lời Chúa. Matta là hình ảnh của người phục vụ Thiên Chúa, nhưng theo cung cách riêng của mình. Và câu kết luận của Chúa Giêsu đã làm cho mọi việc được rõ ràng "Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất" (c.43).

Tại sao lắng nghe Lời Chúa lại là phần tốt nhất ?  Không lắng nghe, làm sao biết được ý Chúa ?  Ý Chúa là lương thực nuôi sống Chúa Giêsu.  Lời Chúa làm cho ý Chúa hoạt động và thể hiện các mục đích của Thiên Chúa trong trần gian.  Lời Chúa làm cho Chúa hoàn thành những gì Thiên Chúa muốn trong hoàn cảnh đặc biệt.  Tất cả lịch sử Dân Chúa chỉ là đường biểu diễn Lời Chúa ngang qua các thời đại.

Ta thấy tâm lý của Matta và dựa vào câu bà phàn nàn với Chúa: "Em tôi để tôi một mình phục vụ", có tác giả ngày nay cho rằng việc phục vụ của bà chưa quảng đại đủ vì chưa quên mình đủ. Khác với Abraham. Vị tổ phụ ngày xưa chỉ biết phục vụ, chỉ nhìn đến khách và không mảy may nghĩ đến mình. Matta thì không. Bà phục vụ nhưng nhìn thấy mình đang phục vụ... Bà chưa dồn hết mắt, hết lòng, hết linh hồn cho Chúa và cho việc tiếp rước. Bà còn thấy mình ở giữa những sự đó và còn muốn so sánh tìm cho được chỗ xứng đáng của mình. Cũng có thể bà sợ Chúa không để ý đến bà và không biết được các nỗi vất vả của bà.

Nhưng ta thấy buồn cười rằng Matta lầm. Chúa Giêsu biết rõ mọi việc. Người không phán đoán bà một cách ngặt như các nhà phân tích tâm lý chúng ta vừa nói đâu. Người luôn dùng mọi hoàn cảnh để đưa người ta vào Nước Trời. Thế nên, nghe Matta phàn nàn về cô em, Chúa Giêsu âu yếm gọi "Matta, Matta". Rồi Người hé cho bà thấy mầu nhiệm Nước Thiên Chúa: "Con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt rồi; và sẽ không bị lấy mất".

Khi quở trách Matta lo lắng xôn xao nhiều chuyện, Chúa Giêsu lấy lại đề tài đã được trình bày nhiều lần trong các bài giảng dạy của Người về sự lo lắng : lo lắng bênh vực khi bị bắt (Lc 12,11 ; Mt 10,19), lo lắng về của ăn áo mặc (Lc 12,22-26 ; Mt 6,25-34), lo âu làm chết ngạt hạt giống Lời Chúa (Lc 8,14 ; Mt 13,22 ; Mc 4,19) và lòng trí nặng nề (Lc 21,34). Sự lo lắng ấy bị lên án vì làm tín hữu quên mất điều chính yếu : tuyên xưng đức tin vào Con Người (Lc 12,7-9), tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Lc 12,31), đón nhận Lời (Lc 8,11-15), trông đợi ngày của Con Người (Lc 21,34-36).

Biết lắng nghe, đó là một nghệ thuật khó hơn người ta tưởng, rất ít người biết lắng nghe thật sự, bởi vì người ta thích nói hơn là thích nghe. Đa số chúng ta đều mắc phải một lầm lẫn lớn là trong mọi việc giao thiệp, thảo luận với mọi người, chúng ta thích nói mà quên mất người đối thoại, chúng ta quên mất một điều là chúng ta có hai tai và một miệng, như vậy, đáng lẽ chúng ta phải nghe nhiều hơn nói. Nhưng sự thực thì phần đông chúng ta đều nói nhiều hơn nghe, nhất là chúng ta không biết nghe. Biết nghe là cả một nghệ thuật, vừa tế nhị vừa khó khăn, mà chỉ những người nào đã từng sống, từng kinh nghiệm mới thấu triệt được.

Câu Chúa trả lời có thể đau cho Matta, nếu chúng ta nghĩ đây là lần duy nhất Người nói những lời tương tự. Nhưng ngược lại, nếu đọc lại các sách Tin Mừng và nhất là tác phẩm của Luca chúng ta sẽ thấy ở đây Chúa Giêsu chỉ áp dụng một giáo huấn mà Người không ngớt dạy dỗ. Ðã nhiều lần Người căn dặn môn đệ: đừng lo lắng quá mức về của ăn áo mặc, đừng lo mang tiền mang bị khi đi đường, đừng xao xuyến sẽ phải ăn nói thế nào... vì chỉ có một điều cần mà thôi là hãy tìm Nước Thiên Chúa trước đã.

Nói thế, không có nghĩa là Chúa Giêsu coi thường việc tiếp đón có tính cách vật chất, nhưng nồng hậu của Mátta, nhưng Người muốn xếp lại giá trị, mà quan trọng nhất là lắng nghe Lời Chúa như Maria đã làm.

Chúa Giêsu cũng có thừa tác vụ hoạt động của mình, nhưng Người vẫn dành thời gian để cầu nguyện và Người hằng kỳ vọng các môn đệ cũng làm như vậy. Và ta thấy Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm việc. Chúng ta không phải chỉ đơn thuần được kêu gọi để trở nên như cô Matta không ngớt lo việc phục vụ, hay nên như cô Maria chỉ biết ở yên một chỗ để lắng nghe Lời, nhưng phải là cả hai. Chúng ta được kêu gọi lắng nghe Lời Chúa và tiếp sau đó là đem ra thực hành trong những hoạt động tích cực.

778    07-10-2018