Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Rick và Mark Armstrong: “ Mẹ chúng tôi nói: ‘Cha các con sẽ đi trên Mặt Trăng’ ”

Khi được hỏi, là con của một huyền thoại có khó không, Rick, người con cả cảm thấy không thoải mái mấy, ông cười nhẹ: “Ông hỏi đúng…” Bỗng nhiên bầu khí trở nên nhẹ nhàng. Cha của họ là phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đi trên Mặt Trăng, ông rất ghét nói về mình. Mark, người nói nhiều nhất trong các con của ông thỉnh thoảng ướt nước mắt khi nhớ lại kỷ niệm xưa. Bài phỏng vấn độc quyền.

Paris Match. Các ông còn giữ lại kỷ niệm nào về ngày 20 tháng 7 năm 1969, ngày lịch sử vĩ đại của nhân loại không?

Mark Armstrong. Tôi còn nhớ rất rõ, khi đó tôi 6 tuổi còn anh tôi 12. Thật lạ lùng, tôi không sợ. Mẹ tôi thì quá sợ hãi, nhưng bà không lộ ra. Bà chỉ nói với chúng tôi: “Cha của các con sẽ đi trên Mặt Trăng.” Cả hai chúng tôi náo nức xem truyền hình. Chúng tôi hiểu rất rõ vấn đề, nhưng chúng tôi không lượng định được nguy hiểm.

Rick Armstrong. Sau này chúng tôi biết, trước khi bay cha chúng tôi đã cẩn thận ký trên các bức hình nhằm để bán phòng khi gia đình cần nếu ông bị tai nạn… Bởi vì dĩ nhiên không có bảo hiểm nhân thọ cho các phi hành gia.

Ông nói gì với các con về sứ mạng lịch sử này?

Mark. Ông đã nói rất nhiều với các người khác nên chúng tôi không dám đặt nhiều câu hỏi cho ông. Cũng vậy với các hình ảnh. Cuối cùng rồi tôi cũng hỏi ông có thật hay không, khi chỉ còn mười lăm giây nữa là đáp xuống Mặt Trăng thì hết nhiên liệu (chất propergol, một loại nhiên liệu dành để đáp xuống Mặt Trăng) không. Ông chỉ đơn giản trả lời: “Con biết đó, kim đồng hồ di chuyển không ngừng, nên rất khó để biết.” Ông nói không hăng hái mấy, như đáng lẽ ông phải nói: “Khi mặt đồng hồ loan báo cạn nhiên liệu thì lúc nào cũng còn một ít…” Tuy nhiên, thông tin là chính xác.

Cha của các ông là “hình ảnh anh hùng bất đắc dĩ”, ông sống ẩn dật và không thoải mái mấy với sự nổi tiếng. Các ông có thấy vậy không?

Mark. Không. Đúng là ông điềm đạm, kín đáo và ông nghĩ rằng mình không xứng đáng hưởng sự nổi tiếng. Ông không để mình bị thao túng bởi những người tìm cách lợi dụng tên tuổi của ông. Đối với ông, Apollo 11 là công trình của 400 000 người làm việc rất gay go. Ngoài ra cha tôi là người thích vui chơi, thích hài hước nhưng mặt ông tỉnh khô, rất say mê công việc và ông làm việc kinh khủng. Trong các bữa ăn thịt nướng ông tổ chức mời các bạn phi hành gia để thảo luận về những chuyện rất kỹ thuật, chúng tôi chơi với các con của phi hành gia Buzz Aldrin, Michael Collins và các bạn trong nhóm của họ.

 

Ngày 16 tháng 7 năm 1969. Bà Jan, vợ của phi hành gia Armstrong và hai con trai của họ, Rick, 12 tuổi và Mark, 6 tuổi dự buổi phóng hỏa tiển. Bà nói với các con: “Ba của các con sẽ đi trên Mặt Trăng.” © The LIFE Picture Collection via Getty Images

Cha của các ông là người cha như thế nào?

Mark. Tôi rất ấn tượng bởi sự bình tĩnh của cha tôi. Tôi nhớ trong chuyến đi dài mười lăm giờ từ Ohio là bang chúng tôi sống đến Colorado là nơi chúng tôi đi trượt tuyết. Dù đường dài nhưng chúng tôi đi xe hơi vì đi máy bay bốn người thì quá đắt. Chúng tôi đi ban đêm, trời mùa đông và tuyết rơi. Tôi đã thiu thiu ngủ nhưng đột nhiên tôi thức dậy vì thấy xe đi loạng choạng trên xa lộ. Chúng tôi đang bị trơn trượt vì tuyết đóng đá. Cha tôi nắm vững lộ trình, ông bình tĩnh nói: “Nếu cha đạp thắng thì xe sẽ trượt.” Và rồi mọi sự đâu vào đó. Cha tôi đã điều khiển tên lửa, nên không thể nào ông hoảng hốt vì trời tuyết trơn trợt!

Đời sống của các ông đã thay đổi sau chuyến bay Apollo 11 phải không?

Rick. Có và không. Phải nhớ là vụ thám hiểm Mặt Trăng là sự kiện duy nhất trong lịch sử nhân loại gần đây đã làm cho tất cả mọi người, mọi dân tộc say mê theo dõi. Chúng tôi đi học trường công. Dĩ nhiên lúc đầu tất cả các bạn tôi đều nói về chuyện này. Nhưng cũng may rồi mọi chuyện cũng chóng qua. Cha mẹ tôi thì làm mọi cách để không có gì thay đổi. Ở nhà thì cha mẹ tôi vẫn vậy. “Các con lo làm bài. Hãy biết tôn trọng. Phải sống đúng với các giá trị, các xác tín của các con. Các con phải nghe lời mẹ. Nếu có điều gì tốt đẹp và tích cực thì hẳn nói, bằng không thì im lặng.” Câu nói đó, chúng tôi nghe hàng chục lần.

Buzz Aldrin là người thứ hai đi trên Mặt Trăng. Ông được Neil Armstrong chụp hình vì Neil Armstrong đã xuống nửa giờ trước đó. © NASA

Ông có nói làm thế nào ông trở thành phi hành gia không?

Mark. Không. Chúng tôi chỉ biết đó là một quyết định rất khó khăn vì cha tôi có nhiều cơ hội khác mà ông rất thích. Trước đó ông là phi công thử nghiệm trong quân đội. Đặc biệt ông ở trong chương trình X-15 (máy bay-hỏa tiển thử nghiệm có khả năng bay trên độ cao 90 000 mét với tốc độ vượt Mach 6), đó là thành công lớn nhất từ trước đến nay. Không có gì bảo đảm rằng Apollo sẽ có thể đưa người lên Mặt Trăng. 

Nếu ông có một hình thức nhớ nhung nào đó thì có thể đó là những năm ông làm phi công thử nghiệm. Ông không bao giờ bỏ một buổi họp nào của các cựu sinh viên Hải quân.

Rick. Khi ông mới 19 hoặc 20 tuổi, ông không hình dung khi mình còn sống, con người có thể đặt chân lên Mặt Trăng. Ông thường hay nói như vậy.

Ông có nhớ đời sống phi hành gia không?

Mark. Không. Ông luôn nhìn đàng trước, ông không bao giờ nhìn lại sau. Nếu ông có một hình thức nhớ nhung nào đó thì có thể đó là những năm ông làm phi công thử nghiệm. Ông không bao giờ bỏ một buổi họp nào của các cựu sinh viên Hải quân, cho đến khi ông không thể đi được. Hàng không, đó chính là tình yêu hàng đầu của ông. Khi chúng tôi xem phim chiến tranh hoặc phim khoa học giả tưởng thì thật khó chịu: sự thật phải chính xác được tôn trọng. Chỉ nghe tiếng động cơ máy bay là ông biết đó là loại máy bay nào. Ngay khi ông thấy một lỗi lầm, ông rất bực. Ông hỏi: “Vì sao chiếc phi thuyền con thoi này bị chao đảo?” hoặc: “Các bánh xe này không phải bánh của B-52”, “Cú bắn này không phải từ máy bay, góc cạnh không đúng.” Chúng tôi phải nói: “Bố ơi, bố đừng chỉ trích nữa, mình xem phim mà.” Cũng may là ông thường ngủ thiếp đi trước màn hình.

 

 

11 tháng 8 năm 1969, Armstrong (ở giữa) và các bạn Aldrin và Collins trong nhóm sắp rời khỏi “ca-bin cách ly”, nơi họ phải ở mười lăm ngày để được theo dõi khi trở về trái đất: các bà vợ của họ, Pat, Jan và Joan (từ trái qua phải) là những người đầu tiên đến mừng họ! © Getty Images

Ông có khuyến khích các con theo bước chân của mình?

Mark. Không, ông thật sự để cho chúng tôi tự do. Ông đã mất nhiều bạn trong chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến ông có tham gia. Có thể vì vậy mà ông không khuyến khích chúng tôi vào quân đội. Cuối cùng chúng tôi là kỹ sư giống ông. Cha chúng tôi không phải là người ra lệnh. Ông tin mãnh liệt vào sức mạnh của làm việc và nhất là phải kiên trì. Tôi còn nhớ có một lần chúng tôi cãi nhau. Ông lên giọng, tôi về phòng. Sau đó ông vào phòng xin lỗi tôi, ông nói: “Theo lẽ ba không nên nói chuyện với con như vậy.” Cha tôi đòi hỏi chúng tôi phải xem xét sự việc, không được để xúc cảm chi phối… Ông thích các cuộc tranh luận chứ không thích cãi vã. Và phải luôn giữ sự hợp lý.

Các thú tiêu khiển chính của ông là?

Mark. Ông theo sát thời sự và nghe nhạc rất nhiều. Ông chơi kèn baryton và tuba. Ông là người rất sáng tạo dù nghề nghiệp kỹ sư không cho ông nhiều cơ hội để diễn tả. Ông thích chơi golf nhưng ông chơi thường thôi. Ngược lại ông chơi ném dao rất xuất sắc, ông thích các sinh hoạt có tính chính xác. Kỷ niệm đẹp nhất tôi có với cha tôi là tuần lễ câu cá hồi ở Iceland. Lúc đó tôi 15 tuổi và chỉ có hai cha con đi. Một tuần lễ hiếm hoi vì ông đi rất nhiều và cha con chúng tôi ít gặp nhau.

Cha tôi sinh vào thời kinh tế suy thoái của những năm 1930, ông vẫn giữ nếp sống đạm bạc, gần như suốt cuộc đời ông vẫn ở bang Ohio quê hương 

Tháng 11 vừa qua các ông tổ chức bán sưu tập của cha các ông và đã mang lại 7,5 triệu đôla. Vì sao? 

Mark. Vì gia đình chúng tôi không giàu! Khi còn là quân nhân trong Quân đội Mỹ, lương của cha tôi là lương công chức, sau này cha tôi là giáo sư. Cha tôi sinh vào thời kinh tế suy thoái của những năm 1930, ông vẫn giữ nếp sống đạm bạc, gần như suốt cuộc đời ông vẫn ở bang Ohio quê hương. Vụ bán đấu giá này chính yếu là những gì chúng tôi được thừa hưởng. Một phần chúng tôi dành cho việc học của các con, vì tiền học ở Mỹ rất đắt, một phần chúng tôi giúp các cơ quan từ thiện do chúng tôi chọn…

Cha của ông có mơ lên Sao Hỏa không? 

Rick. Triết lý của ông là: “Hãy sẵn sàng, đừng bao giờ tránh cơ hội tốt.” Cho đến cuối đời, ông luôn theo dõi các chương trình của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như các chương trình của tư nhân như chương trình SpaceX (do nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk khởi xướng). Một ngày nọ có người hỏi ông, ông có mơ điều khiển sứ mạng lên Sao Hỏa không? Ông trả lời: “Tôi không nghĩ tôi lên đó khi tôi còn sống. Nhưng dù sao tôi luôn sẵn sàng!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

518    22-07-2019