Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về việc cử hành Lễ Kính nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo hội trong lịch Phụng Vụ chung của Giáo hội Rô-ma

Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
về việc cử hành Lễ Kính nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo hội
trong lịch Phụng Vụ chung của Giáo hội Rô-ma

Trong khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Ki-tô cũng như chiêm ngưỡng bản thể Giáo hội, việc mừng kính Mẹ Thiên Chúa trong Giáo hội của thời đại chúng ta không thể lãng quên hình tượng người phụ nữ (xc. Gal 4,4), Đức Trinh Nữ Maria, Đấng vừa là Thân Mẫu Chúa Ki-tô và đồng thời cũng là Mẹ Giáo hội.

Trong những suy tư của Giáo hội, một cách nào đó, điều này cũng đã có sẵn trong những lời có tính tiên đoán của Thánh Augustinô cũng như của Thánh Lê-ô Cả. Thánh Augustinô nói rằng, Đức Maria là Mẹ các chi thể của Chúa Ki-tô, vì với Tình Yêu của mình, Mẹ đã cùng hoạt động trong công cuộc tái sinh các tín hữu trong Giáo hội. Còn Thánh Lê-ô Cả thì nói, việc sinh ra đầu cũng là việc sinh hạ thân thể. Ngài quả quyết rằng, Đức Maria vừa là Thân Mẫu của Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa, và đồng thời cũng là Mẹ của các chi thể thuộc thân mình mầu nhiệm, tức Giáo hội. Những suy tư đó bắt nguồn từ tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria và từ sự kết hiệp của Mẹ với hoạt động của Đấng Cứu Độ, mà hoạt động ấy đạt tới tột đỉnh trong giờ Thập Giá.

Vì khi đứng dưới chân Thập Giá của Chúa Ki-tô (xc. Ga 19,25), Mẹ đã lãnh nhận bức di chúc Tình Yêu của Con mình, mà thông qua việc lãnh nhận bức di chúc đó, Mẹ đã đón nhận tất cả nhân loại, được thể hiện nơi người Môn Đệ Chúa Yêu, với tư cách là những người con, để họ được tái tạo hầu đạt tới được sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ trở thành Mẹ nuôi đầy Tình Yêu của Giáo hội mà Chúa Ki-tô đã sinh ra trên Thập Giá qua việc thổi Thần Khí. Về phía mình, trong người Môn Đệ được yêu, Chúa Giê-su đã tuyển trọn tất cả những người khác mà Ngài trao phó Thân Mẫu của Ngài cho họ với tư cách là những người đại diện cho Tình Yêu của Ngài đối với Mẹ, để họ tôn kính Mẹ với Tình Yêu con thảo.

Với tư cách là người ủi an và dậy dỗ Giáo hội đang phát triển, Đức Maria đã đảm nhận sứ mạng từ mẫu của mình trong nhà Tiệc Ly, trong lúc Mẹ cùng với các Tông Đồ cầu nguyện và đợi chờ sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần (xc. Cv 1,14). Trong ý nghĩa ấy, niềm đạo đức Ki-tô giáo trong suốt nhiều thế kỷ đã tôn kính Đức Maria với nhiều tước hiệu khác nhau, nhưng theo một cách nào đó thì đều có tầm quan trọng ngang nhau, chẳng hạn như Thân Mẫu của các môn đệ, của các tín hữu, của những người tin, và của tất cả những ai được tái sinh trong Chúa Ki-tô, nhưng cũng với tước hiệu “Mẹ Giáo hội”, mà tước hiệu này xuất hiện trong các bản văn của các văn sĩ Ki-tô giáo lẫn trong Giáo huấn của Đức Bê-nê-đíc-tô XIV, cũng như của Đức Lê-ô XIII.

Dựa vào nền tảng rõ ràng đó, trong buổi bế mạc phiên họp thứ ba của Công Đồng Vatican II, Chân Phúc Phao-lô VI đã tuyên bố Rất Thánh Trinh Nữ Maria là “Mẹ Giáo hội, có nghĩa là Mẹ của toàn dân Ki-tô giáo, tức các tín hữu, các Mục Tử mà họ gọi Mẹ là Thân Mẫu đáng mến nhất của mình”, và Ngài quyết định rằng, “với tước hiệu này, từ nay trở đi, toàn dân Ki-tô giáo sẽ làm cho Mẹ Thiên Chúa nhận được một sự tôn kính lớn hơn, và hướng lời cầu khẩn của họ lên Mẹ.”

Vì thế, trong khi tiến tới việc cử hành Năm Thánh Giao Hòa (1975), Tòa Thánh đã giới thiệu một bản Lễ tôn kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội, mà sau đó, bản Lễ này đã được bổ sung vào trong Sách Lễ Rô-ma, và đã đưa đến việc cho phép bổ sung một lời kêu cầu dưới tước hiệu này vào trong Kinh Cầu Đức Bà (1980), cũng như đã dẫn tới việc soạn thao ra các bản mẫu Thánh Lễ khác trong một tuyển tập các Thánh Lễ về Đức Mẹ, và đã được công bố (1986). Một số quốc gia, kể cả các Giáo phận và các Cộng Đoàn Dòng Tu, đã xin phép để được bổ sung ngày Lễ này vào trong lịch riêng của mình.

Sau khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã cẩn thận cân nhắc về việc thúc đẩy lòng tôn kính này sẽ có thể làm tăng thêm niềm hiểu biết nơi các vị Mục Tử, nơi các Tu Sĩ và nơi các tín hữu về tư cách làm mẹ của Giáo hội cũng như về lòng tôn sùng Đức Maria cách chân chính, như thế nào, thì Ngài đã quyết định rằng, ngày Lễ Kính Nhớ Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, Mẹ Giáo hội, sẽ được ghi vào trong Lịch của Giáo Hội Rô-ma, và được cử hành hằng năm vào ngày thứ Hai sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Việc mừng kính này sẽ giúp nhắc nhớ chúng ta rằng, để có thể phát triển, đời sống Ki-tô giáo phải được neo chặt vào trong mầu nhiệm Thánh Giá, trong sự trao hiến của Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, và trong sự hy sinh của Đức Trinh Nữ, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ của tất cả những ai được cứu chuộc.

Vì thế, ngày kính nhớ nêu trên sẽ được bổ sung vào trong tất cả các bộ lịch và trong các sách Phụng Vụ để cử hành Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ; những bản văn Phụng Vụ tương ứng sẽ được đính kèm với sắc lệnh này: việc phiên dịch các bản văn nêu trên và việc xét duyệt các bản dịch ấy, sẽ được thực hiện bởi các Hội Đồng Giám Mục, và sẽ được công bố sau khi Thánh Bộ này đã phê chuẩn.

Nhưng ở đâu, ngày Lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, đang được cử hành vào một ngày khác với bậc Lễ cao hơn chiếu theo luật đặc quyền đã được chuẩn thuận, thì trong tương lai, ngày Lễ này vẫn có thể tiếp tục được cử hành ở đó trong cùng một cách thức như từ trước tới nay.

Tất cả những gì ngược lại với những quy định của Sắc Lệnh này đều bị bãi bỏ.

Từ Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Ngày 11 tháng 02 năm 2018

Nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ-đức

Đức Hồng Y Robert Card Sarah

Tổng Trưởng Thánh Bộ

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư Ký Thánh Bộ

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

975    13-03-2018