Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Sám hối để được cứu độ.

26/01/2020

Chúa Nhật Tuần III Mùa Thường Niên 

Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b - 9, 3);  1 Cr 1, 10-13. 17;  Mt 4, 12-23 (bài dài); Mt 4, 12-17

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

          Qua Thánh Mát-thêu, ta thấy  ngay từ khởi đầu bước đường rao giảng, Đức Giê-su đã lấy miền đất Ga-li-lê, đặc biệt thị trấn Ca-phác-na-um, làm trung tâm hoạt động. Một trong các lý do đưa ra là vì tại Giu-đê Gio-an tẩy giả đã bị bắt cho nên Đức Giê-su phải lẩn tránh. Tác giả sẽ cho biết sau, cách khá chi tiết, tại sao Gio-an rơi vào cảnh tù đầy (Mt 14,1-12 và Mc 6,17-29): vì ông đã can gián vua Hê-rô-đê đừng phạm tội loạn luân, là kết hôn với Hê-rô-đi-a, vợ của ông anh Phi-líp-phê. Việc trốn lánh của Đức Giêsu đã được biện minh, nhưng tôi vẫn thấy có điều chi không ổn: tại sao Đức Giêsu lại không tích cực hơn nữa trong việc ủng hộ Gio-an, khi mà hành động của ông thật quang minh chính đại và có phần anh hùng khí khái đến thế?

          Và rồi Ta thấy Gio-an vẫn đáng được người đời lưu truyền và ca tụng. Người đời sẽ còn mãi mãi chờ mong, thậm chí đòi hỏi, các bậc hiền triết – quân tử phải có thái độ đó. Trong bất cứ cuộc đấu tranh công lý nào, tiếng nói đơn độc của một người là không đủ, luôn cần có sự tiếp tay của các ‘đồng chí’. Vai trò càng lớn, tiếng nói càng có thế giá, thì lại càng bị đòi hỏi mạnh.

          Sự dấu mặt trốn lánh của Đức Giêsu cũng có thể bị cắt nghĩa theo chiều hướng đó. Sau này cho dầu Người đã dùng những lời cao đẹp nhất để hết lời ca ngợi Gio-an (xem Lc 7,24-30), hoặc đã tỏ ra khá khảng khái trước các đe dọa của Hê-rô-đê (xem Lc,31-33), nhưng xem ra vẫn chưa mạnh đủ; người ta còn mãi mãi chờ đợi nơi Người nhiều hơn thế, xét theo khía cạnh công lý trần gian.

          Kế đến, ta đọc được sứ điệp Tin Mừng khi Chúa Giêsu rao giảng tại Ga-li-lê: “Anh em sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” là quan trọng nhưng cũng đầy bí ẩn như thế nào. Vì không đơn giản làm cái việc cải tà qui chính, sứ điệp mời gọi đón nhận Nước Trời kèm theo một đòi hỏi vượt xa mục tiêu khảng khái bảo vệ luân lý cho tới cùng của Gio-an.

          Sám hối là đề tài xuyên suốt lịch sử cứu độ từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước và có lẽ được tiếp tục mãi cho đến Tận Thế. Thật vậy, các ngôn sứ luôn kêu gọi con người sám hối. Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng bằng việc kêu gọi con người sám hối và lãnh nhận phép rửa thống hối.

          Và hôm nay, Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng Cứu thế của mình cũng bằng việc rao giảng sự sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4.17). Lời rao giảng mời gọi mọi người sám hối vẫn được tiếp tục nơi các Tông đồ và nơi Giáo hội mãi cho đến Tận thế. 

          Nước Trời hay Tin Mừng chính là tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đang được Đức Giê-su công bố và thực hiện. Tin Mừng này không chỉ cổ súy công lý chính trực, mà còn ôm lấy cả tội lỗi và lầm lạc để đưa vào sự sống. Nước Trời này, như lời ngôn sứ I-sai-a mà Mát-thêu trích dẫn, có khả năng làm cho “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy được ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

          Nước Trời này không hề kết án hay nguyền rủa nhân loại lầm lạc hay tội lỗi, không vạch mặt xỉa xói những sai trái của con người, nhưng sẵn sàng ban cho tất cả mọi người lòng xót thương vô bờ và ơn cứu độ, chỉ với một điều kiện đơn giản là mở lòng đón nhận. Gọi địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li là ‘miền đất của dân ngoại’ lại càng làm nổi bật tính phổ quát và nhưng không của Nước Trời. Dân ngoại là những người không thuộc số được tuyển chọn và thanh lọc như dân Híp-ri, dân riêng của Đức Chúa; họ chưa từng ký kết với Ngài giao ước sòng phẳng nào dựa trên luật pháp. Đơn giản họ bị người Do Thái liệt vào hàng tội lỗi và nhơ bẩn. Thế rồi chính cái đoàn dân còn đang ‘ngồi’ trong bóng tối và sự chết đó đột nhiên được ánh sáng rọi tới, được chứng kiến ánh sáng của tha thứ và cứu độ bừng lên!

          Ðức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần bên. Ðể đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán cải. Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động, là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu, để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ. Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi. Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh. Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi… Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại. Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?

          Đức Giêsu gọi các môn đệ của mình "Hối cải". Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, dù thuộc về Phaolô, Phêrô hay Apôlô cũng chỉ có một Đức Kitô. Mọi con mắt phải hướng về Ngài, chính Ngài cứu chuộc chúng ta. Vì thế, khi gọi các môn đệ, là để các ông trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, nên thánh Phaolô có thể nói: "Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không". Phaolô được chọn, để loan báo một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh cho thế gian.

          Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Ngài. Chúng ta hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu nguyện xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng.

 

          Và mãi cho đến ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta qua Lời Chúa, qua các biến cố trong cuộc sống, chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn để sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa mời gọi.

 

 

640    23-01-2020