Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Sẵn lòng tha thứ cho người khác !

Thánh Aloysius Gonzaga, Tu Sĩ


Hc 48:1-14; Tv 97:1-2,3-4,5-6,7; Mt 6:7-15

SẴN LÒNG THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC

Thánh Aloysius là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.

Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí.

Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.

Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.

Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.

Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.

Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.

Thánh Luy Gonzaga là một tấm gương cho chúng ta, nhất là các bạn trẻ, về sự quảng đại từ bỏ vinh hoa phú quý để bước theo Đức Giêsu Kitô nghèo khó, chịu sỉ nhục, khiêm hạ và hiến thân phục vụ cho anh chị em mình.

Và rồi, là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng Kinh Lạy Cha. Một ngày sống chúng ta có nhiều dịp để đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện. Chúng ta đọc trong thánh lễ, trước mỗi bữa ăn, khi khấn nguyện cho bản thân hay cho những công việc chung. Thậm chí các bà mẹ còn dạy các em nhỏ khi bập bẹ biết nói lời kinh này. Nhiều em bé đọc lời kinh với thái độ hồn nhiên, thật đẹp.

Tuy nhiên từ lời đọc thuộc lòng đến thực hiện lời kinh ấy quả không dễ dàng. Khi các Tông đồ không biết phải cầu nguyện thế nào. Chúa Giêsu đã dựa vào kinh nghiệm của Ngài kết hợp với Thiên Chúa Cha mà Phúc âm vẫn thường ghi lại, sáng sớm tinh sương hay chiều tối. Chúa Giêsu thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.

Các nhà tu đức cho rằng “Bước vào đời sống cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu”. Có người cầu nguyện thật nhiều. Nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng như Chúa chẳng nghe lời, rồi chán nản, bỏ cầu nguyện, thậm chí bỏ nhà thờ, vẫn nghĩ rằng cầu nguyện như một dịch vụ “xin cho”. Được thì tin, không thì thôi.

Ta thấy trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói rõ : "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”, (Mt 6, 7-9).

Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại là một mạc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.

Bộc lộ cho cho chúng ta một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ chính chúng ta là ai. Phẩm giá của con người chính là được làm con Thiên Chúa, và bởi vì là con của cùng một cha, nên chúng ta là anh em với nhau. Tình Cha con (chiều dọc) và tình em (chiều ngang) được Chúa Giêsu mạc khải cách hài hòa qua kinh lạy Cha.

Đặc biệt trong mối tương quan chiều ngang đối với anh em. Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh trong lời kinh: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. (Mt 6, 12).

Khi chúng ta có lỗi với Chúa. Chúng ta thường đến với Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ. Thế nhưng, khi chúng ta có lỗi với anh em, hay anh em xúc phạm đến mình, chúng ta khó có thể tha thứ. Cũng chính vì thế mã xã hội hôm nay hận thù gia tăng, đưa đến tình trạng trả thù, giết người. Trong gia đình, vợ chồng không thể tha thứ cho nhau đưa đến tình trạng đổ vỡ, ly thân ly dị. Anh chị em ruột không thể tha thứ cho nhau, coi nhau như người dưng nước lã.

Do vậy, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Ngài không tha cho những ai không biết tha thứ : “Sao ngươi chẳng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”. Bởi thế, tha thứ không còn là hành vi tự nguyện, mà là điều kiện bắt buộc. Đó cũng làm phẩm tính của Kitô hữu con một Cha trên trời.

Và rồi ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng ta về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng ta đều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng ta càng được Chúa thứ tha.

 

 

 

727    21-06-2018