Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Sao phải tôn trọng các giám mục và giáo hoàng? Làm sao để nhận diện bài viết mang lại ích lợi thiêng liêng?

 


Giữa anh em đừng để có sự chia rẽ, nhưng hãy hiệp nhất với giám mục của mình, và những người lãnh đạo anh em, như là thể thức và bằng chứng cho thấy sự trường sinh bất tử của anh em.
— Thánh Inhaxiô Antiôkhô.

Giám mục hay giáo hoàng thì cũng chỉ là những con người. Như nhiều bạn, tôi đã từng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước thực tế là những bất toàn, khiếm khuyết đầy tính con người của các vị mục tử trong Giáo hội.

Khi rời bỏ Giáo hội, tôi thấy mình thực sự rất muốn nổi loạn chống lại mọi thứ quyền lực, mọi thứ thẩm quyền. Tôi cảm giác rằng, chẳng có lý do gì để tôi phải sống dưới sự kềm toả của bất cứ ai – tôi không muốn, dù đó có là giáo hoàng, giám mục, và hay bất kỳ vị Chúa tưởng tượng nào đó.

Nhưng, sau khi sống theo những quy tắc riêng của bản thân, tới độ cực đoan, tôi đã quay trở về cùng Giáo hội. Việc nhất nhất sống theo ý riêng đã không còn nơi con người của tôi nữa. Tôi nhận ra là, trong tư cách là một con người, tôi cần chấp nhận quyền bính của Đức Kitô. Tôi ước ao hiệp nhất tâm trí, hành vi, và trái tim của tôi với cách sống giúp tôi được hạnh phúc.

Thánh Augustinô có lần viết, “Tôi đã chẳng tin vào Tin Mừng, nếu như tôi đã chẳng được huấn quyền của Hội Thánh hướng dẫn như vậy.” Như thánh Augustinô, tôi đã tìm thấy cho mình sự hài hoà đời sống và sự bình an khi chấp nhận suy phục quyền bính hợp pháp của Hội Thánh.

Từ khi trở về cùng Hội Thánh, Chúa đã giúp tôi nhận ra là, Ngài luôn luôn hành động, không chỉ nơi hệ thống phẩm trật nhưng còn nơi hết thảy chúng ta nữa. Bất chấp những sai lạc, những lầm lỗi, đôi khi là lầm lỗi khủng khiếp của chúng ta; dầu thế, theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta vẫn ở trong Hội thánh, chúng ta vẫn thuộc vào Nhiệm Thể Đức Kitô.

Thánh Robert Bellaimine có lần viết: “Giáo hoàng và các giám mục thực sự là những nhà lãnh đạo, những thầy dạy và những nhà giảng thuyết, thực sự là những con mắt và tấc lưỡi của Nhiệm Thể Đức Kitô, ngay cả khi họ đánh mất ân sủng của Thiên Chúa. Vì dẫu cho, đúng là, nhờ đức bác ái, một Kitô hữu sẽ trở thành một chi thể sống động của Thân Thể Đức Kitô. Tuy thế, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, những công cụ hoạt động trong Hội Thánh được thiết lập bởi quyền bính của các đấng bậc và bởi quyền lực pháp lý, điều này có thể có được, và được thực hành, thậm chí bởi một người, mà trong tư cách cá nhân, người ấy đích thị là kẻ thù của Thiên Chúa.”

May thay, Thiên Chúa không chờ đợi cho đến khi Hội Thánh toàn là thánh hết thì Người mới hiện diện trong và giữa chúng ta. Ngài hoạt động nơi toàn thể Hội Thánh, bao gồm cả cơ cấu phẩm trật, bất chấp tội lỗi của chúng ta. Đức Giêsu Kitô luôn luôn ở với Hội Thánh của Ngài.

Thế nhưng, chúng ta đã loại trừ Đức Giêsu trong Hội Thánh của Ngài khi chúng ta không tôn trọng và chấp nhận quyền bính hợp pháp mà Ngài đã thiết lập.

Thật dễ thấy việc phủ nhận quyền bính này giữa những người Công Giáo vô tư gạt bỏ giáo huấn của Hội Thánh. Nhưng giờ thì việc này cũng thấy ở những nơi khác nữa. Việc khước từ quyền bính bén rễ từ tính kiêu ngạo, là điều mà sách Huấn Ca gọi là “đầu mối của mọi thứ tội lỗi” (10,13). Bởi vậy, chúng ta không lấy chi làm ngạc nhiên khi thấy thái độ này, một cách nào đó, nơi mỗi người chúng ta.

Sự thiếu tôn trọng quyền bính thường xuất phát từ nỗi lo rằng, người nắm quyền bính đang hoặc là lem nhem, thiếu đạo đức, hay là có thói ăn nết ở trái ngược với Tin Mừng. Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp đúng là như vậy. Và có nhiều khi, chính Thánh Thần thúc đẩy, gọi mời người ta, bất kể giai tầng, địa vị xã hội, đứng lên bày tỏ những mối quan tâm, âu lo của mình một cách thẳng thắn và thiết thực.

Thế nhưng, đặc biệt trong nhiều vấn đề về đức tin và phong hoá, thường thì chúng ta được mời gọi để đặc biệt ưu tiên hướng tới sự thánh thiện, tinh thần phục vụ và sự tin cậy rằng Chúa Thánh Thần vẫn hằng đang hoạt động.

Đã nhiều phen, lịch sử Hội Thánh gặp cơn khốn cùng, mọi sự xem ra sụp đổ, hư hoại. Trong các cuộc tranh luận về mầu nhiệm Ba Ngôi, lạc giáo nhan nhản, ngay trong hàng ngũ giám mục. Thánh Gioan Fisher là vị giám mục duy nhất ở Anh phản đối vua Henry VIII; còn hết thảy các vị khác đều câm nín. Thế nhưng dẫu nhiều phen nguy khốn, gieo leo, Thánh Thần luôn giành phần thắng (và Người chẳng cần các blogger và hay các phương tiện truyền thông xã hội trợ giúp).

Lịch sử Hội Thánh và mạc khải thánh cho thấy rằng, chúng ta có thể cậy dựa vào sự bảo bọc của Thánh Thần trong những vấn đề đức tin và phong hoá. Khi chúng ta hoài nghi sức mạnh Thánh Thần, đóng kín, thu mình lại, để rồi đặt cược tất cả năng lực canh tân của bản thân nơi “các đấng bậc”, mà quên mất rằng chúng ta cũng có trách nhiệm, chúng ta cũng được mời gọi để canh tân chính mình, và để trao ban Đức Ki tô cho thế giới này.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI có lần nói: người giáo dân được mời gọi “sống hài hoà giữa việc nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (sống kết hiệp với Người) với việc dấn thân cho Hội thánh của Người (hiệp nhất với các giám mục, quảng đại phục vụ cộng đồng và thế giới)”.

Tâm niệm điều này, tôi có sẵn cho mình một vài câu hỏi giúp biện biệt, để nhận diện ra đâu là những bài viết trực tuyến mang lại ích lợi thiêng liêng (cách riêng là thế, nhưng không chỉ khu biệt trong vấn đề này mà có thể áp dụng cho cả các lĩnh vực khác nữa):

1. Bài báo/tác giả/trang web có quá ưu ái, thiên vị đề cao những người khác, những đối tượng, đoàn hội khác, mà lại khắt khe, thiếu khách quan, vội vàng quy chụp khi nhận định về các giám mục, hay giáo hoàng?

2. Bài báo có công kích cá nhân một cách tế nhị hoặc công khai hay không?
• Việc gọi tên hay sử dụng những biệt danh thiếu tôn trọng.
• Công kích vào tính cách của một người (chẳng hạn, xét đoán về đời tư người ta dựa trên những hành động bên ngoài của người ấy).
• Những xét đoán tiêu cực về một người, tỏ ra một sự trịch thượng, cay nghiệt hoặc khinh miệt.

3. Ý kiến hay sự kiện trong bài viết có cơ sở không? Nếu là một ý kiến, liệu tác giả có chia sẻ suy nghĩ của mình một cách khiêm tốn, đồng thời không vội vàng quy kết hay chụp mũ những người liên quan? Hay là những nhận định chắc như đinh đóng cột của tác giả thực ra có phải do bởi tác giả đã cố gán những gì xấu xa nhất cho những người liên can?

4. Bài báo này có ác ý, có vẽ vời, thêu dệt đời tư, có quy kết, suy luận dựa trên những phỏng đoán chứ không phải dựa trên những sự kiện xác thực?

5. Bài viết có dùng lối văn vẻ báo chí mà cố tỏ ra là đang chia sẻ những thông tin khách quan, nhưng lại khéo léo thòng thêm những câu dẫn dắt gây nghi ngờ để hướng người đọc tới những kết luận nào đó?

6. Bài báo/tác giả/trang web có tỏ ra “kính cẩn” với những giáo huấn nào đó của Hội Thánh, nhưng đồng thời lại cho là không cần thiết, hay phủ nhận những giáo huấn khác? Bài báo/tác giả/trang web có thêm thắt vào các giáo huấn của Hội Thánh hoặc là khéo léo xuyên tạc, bẻ cong chúng, vì những giáo huấn này bị cho là quá nghiêm khắc hay là không được số đông ủng hộ?

7. Tiêu đề của bài báo này có giật gân hay không? Nó có ám chỉ về những chuyện giật gân, gây tò mò đang khi chẳng có bằng chứng xác thực gì cả? Một người ngoài Công Giáo sẽ nghĩ gì khi đọc thấy tiêu đề này? Có phải tiêu đề đã mô tả sự kiện theo chiều hướng tồi tệ, tiêu cực nhất?

8. Bài báo có dùng các trích dẫn hàm hồ nhằm định hướng và lôi kéo độc giả, để họ đón nhận thông tin hay lời nói của một người nào đó theo một chiều hướng nhất định, hơn là để cho độc giả tự suy xét về những gì được nói ra?

9. Bài báo có sử dụng nhiều lập luận ngụy biện? (Những bài báo công kích thường có nhiều luận cứ không cơ sở).

10. Có phải bài báo/tác giả/trang web đứng lên công kích hàng giáo phẩm trong vai “người bảo vệ tính chính truyền” hay như một thứ Huấn quyền thay thế bán chính thức? Có phải trang web được lập nên để công kích hàng giáo phẩm, trong tư cách một tiếng nói ngôn sứ nhằm cảnh báo, và gióng lên tiếng nói lương tâm con người?

Tôi hy vọng những câu hỏi này giúp ích cho một số bạn.

Xin Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, khi chúng ta cùng nhau nhận diện những dòng nước đổi chiều đang đánh vào Con Thuyền Thánh Phêrô.

Sr. Theresa Aletheia Noble 861    27-02-2017