Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Sống lòng mến, cách truyền giáo hiệu quả

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Lời Chúa: Is 60,1-6; 1Tm 2,1-8; Mc 16,15-20

SỐNG LÒNG MẾN, CÁCH TRUYỀN GIÁO HIỆU QUẢ

 

ÔBACE thân mến, sau khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin cho các ông, thì Ngài truyền cho các ông là hãy đi khắp mọi nơi mà loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”  Vì thế, sau khi nhận sứ điệp từ Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã ra đi để rao giảng về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu độ nhân loại. Và để tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ đã lãnh nhận từ Đức Giêsu Kitô, trải qua hơn 20 thế kỉ, Giáo Hội vẫn không ngừng rao giảng về Nước Thiên Chúa, rao giảng về Đức Giêsu Kitô – Đấng đã yêu thương con người để đến nỗi phải chết và sống lại để mọi người được sống. Thành ra, bên cạnh việc lưu truyền đức tin cho con cháu từ thế này đến thế hệ khác, Giáo Hội vẫn tiếp tục ra đi để loan báo Tin mừng.

Biết bao lần, chúng ta đã nghe nói nhiều về Truyền giáo, hay về Loan báo Tin mừng, vậy Truyền giáo là gì? Loan báo Tin mừng là gì? Và khi Truyền giáo hay Loan báo Tin mừng là chúng ta loan báo điều gì?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, Tin mừng là chính Đức Giêsu Kitô. Loan báo tin mừng là nói cho người khác biết về chính Đức Giêsu Kitô, Ngài chính là Thiên Chúa đã đến trần gian, Ngài yêu thương con người nên đã chết vì tội lỗi con người, và Ngài đã sống lại để cứu độ con người. Thế nên, trong đời sống mỗi ngày, tôi đã có kinh nghiệm gì về việc Đức Giêsu Kitô đã yêu thương tôi? Tôi đã có cảm nghiệm gì về việc Đức Giêsu Kitô đụng chạm đến cuộc đời của tôi? Đối với chính bản thân tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Ngài đã cứu tôi như thế nào?... Tất cả những trải nghiệm mà tôi có về Ngài, thì giờ đây tôi xin chia sẻ, tôi xin nói cho mọi người biết về Đức Giêsu Kitô; đồng thời, ngang qua đời sống của tôi, hình ảnh Đức Giêsu Kitô sẽ được thể hiện một cách rõ rệt nhất. Và một khi làm được như thế thì cũng chính là lúc tôi đang truyền giáo, tôi đang Loan báo tin mừng.

Khi nhận lãnh Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trao 3 nhiệm vụ: Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Thế nên, nhiệm vụ Ngôn Sứ, hay nói cách khác nhiệm vụ Loan báo Tin Mừng chính là 1 trong 3 trọng trách mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao cho mỗi người kitô hữu ngang qua Giáo hội. Cho nên, việc Loan báo Tin mừng chính là bổn phận của mỗi người Kitô hữu và trọng trách này sẽ không là của riêng ai, và cũng không phải là một việc làm tùy sở thích, thích thì làm không thích thì thôi, nhưng đây lại là một bổn phận, là một nhiệm vụ bắt buộc, không ai có quyền trốn tránh và cũng không một người nào tự cho mình cái quyền miễn chuẩn được. Từ một em bé đến một cụ già, từ một bệnh nhân đến người khỏe mạnh, từ một người buôn bán đi khắp đó đây đến một người nội trợ trong gia đình, từ một người bình dân đến một người trí thức... trong mỗi hoàn cảnh và môi trường sống, ai ai cũng đều có bổn phận truyền giáo, và người nào cũng có thể tìm thấy cách thức truyền giáo sao cho thích hợp với khả năng của mình.

Do đó, sẽ thật sai lầm khi ta cho rằng, công việc truyền giáo là chỉ dành cho người này, người kia chứ không phải tôi; nhưng hơn hết, chúng ta cần phải xác định lại rằng, truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, truyền giáo là bổn phận và trách nhiệm của người Kitô hữu. Bởi lẽ, việc tôi có kinh nghiệm về Chúa, Chúa đã yêu tôi, Chúa đã cứu tôi như thế nào thì tôi nói điều đó cho anh, cho chị, cho em biết ngang qua đời sống bác ái và phục vụ của tôi thì sẽ không là chuyện được giành riêng cho một ai hay một nhóm người nào. Vì vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu năm xưa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” vẫn luôn là lời nhắc nhở và mời gọi cho hết mọi người chúng ta.

Chúng ta đừng nghĩ rằng, ta phải làm những công việc to lớn, vĩ đại hoặc đi đây đi đó thì mới gọi là truyền giáo.

Nhìn chung con người ngày hôm nay thường cứ thích to lớn, hoành tráng. Nhiều người luôn xem việc nhỏ là tầm thường mà quên rằng việc lớn là do tích tiểu thành đại. Cụ thể là xã hội hôm nay không có những công trình thế kỷ mà chỉ có những kiến thiết hợp thời, hợp model nhưng lại mau qua. Và phải chăng Giáo hội hôm nay, mà đặc biệt là Giáo hội Việt Nam cũng đang bị cuốn vào trào lưu thích hoành tráng, thích rầm rộ, thích phô trương hơn là sống đạo mến yêu như Chúa dạy? Xem ra các lễ nghi, rước xách, chào đón thật long trọng, những câu chúc tụng, cám ơn xem ra thật sáo ngữ nhưng điều đó không quan trọng bằng việc loại bỏ cái tôi để sẵn sàng ra đi và sống đời phục vụ, quan tâm, chăm sóc cho nhau. Giáo xứ này xây dựng nhà thờ, giáo xứ kia nhìn thấy cũng cố gắng kêu gọi giáo dân trong xứ xây dựng nhà thờ to hơn, hoành tráng hơn. Tháp chuông của nhà thờ tôi phải to hơn tháp chuông của thà thờ bên cạnh. Các cha xứ cố gắng “tuyên truyền” để giáo dân đóng càng nhiều thì cái bằng ân nhân sẽ càng to hơn, càng đẹp hơn. Phong bì gửi đến từng nhà xin quyên góp liên tục. Có nơi còn cho chuộc tượng các thánh, thánh nào to thì tiền lớn, thánh nào nhỏ thì tiền ít hơn.. Tôi không biết nhà thờ đó còn chỗ nào để cho các thánh “cư ngụ” không? Nhiều lúc, tôi suy nghĩ, và có lẽ suy nghĩ của tôi sẽ động chạm đến các đấng các bậc trong Giáo Hội: không biết khi nhìn xuống, Chúa hỏi: tụi mày đang làm cái gì vậy? Và không biết các đấng các bậc trong hội thánh Chúa sẽ trả lời như thế nào đây!

Giáo hội luôn nói mình có sứ mạng truyền giáo và mời gọi các tín hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo, nhưng xem ra chẳng có kết quả, bởi vì ai cũng muốn làm việc lớn nhưng những việc bình thường là làm mới đời sống bản thân, là sống công bình bác ái, là phục vụ yêu thương… những điều đó được khởi đi từ chính mình, từ chính gia đình mình, từ chính xứ đạo mình lại bị xem thường!

Ông bà ta vẫn thường nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nên làm sao có thể truyền giáo khi lòng ta chưa biết sám hối, chưa biến đổi? Làm sao có thể truyền giáo khi gia đình ta còn lục đục xào xáo?

Truyền giáo không phải là một lễ hội để đánh trống khua chiêng rầm rộ, nhưng truyền giáo là đem đạo vào đời qua nhiều cách thế khác nhau. Thế nên, truyền giáo đòi hỏi từng người phải biết trở thành nhân chứng cho Chúa, phải mang tin mừng vào trong chính trái tim của mình để từ đó có thể trao tặng cho người khác. Truyền giáo phải như chút muối, chút men, chút ánh sáng để làm cho thế gian nồng thắm Tin mừng.

Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian để loan tin vui và cứu độ nhân loại, giúp cho mỗi người chúng con biết sống và rao giảng về Chúa cho người khác bằng chính cuộc sống đầy lòng mến thương của chúng con. Amen.

1240    21-10-2017