Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Sống những thử thách bằng cách ôm chặt Chúa Kitô

 


Thời tiết ở Rôma đang còn rất lạnh nên buổi tiếp kiến sáng nay, thứ tư 08/01/2020, được tổ chức tại hội trường Phaolô VI, lúc 9.10. Chủ đề sáng nay ĐTC tiếp tục suy tư về sách Công vụ Tông đồ, hành trình của Tin mừng từ Cesarea đến Rôma, trung tâm của đế quốc. ĐTC cũng mong muốn Kitô hữu, giống như thánh Phaolô,  sống những thử thách bằng cách để mình ôm chặt Chúa Kitô, để trưởng thành với “một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có khả năng hành động trong mọi tình huống” và “biết xác tín rằng tất cả những ai tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa trong tình yêu sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. EG số 279).

 

Giáo lý về Công vụ Tông đồ – 19.

“Không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tàu thôi” (Cv 27,22). Thử thách về vụ đắm tàu: giữa ơn cứu rỗi của Thiên Chúa và lòng hiếu khách của người Malta.

Anh chị em thân mến

Sách Công vụ tông đồ, trong phần cuối cùng, thuật lại rằng Tin mừng tiếp tục lộ trình của mình không chỉ bằng đường bộ mà còn bằng đường thủy, trên con tàu chở tù nhân Phaolô từ Cesare đến Rôma (x. Cv 27, 1-28,16), là trung tâm của đế quốc, để lời của Đấng Phục sinh được hiện thực: “Anh em sẽ làm chứng nhân cho Thầy […] cho đến tận cùng trái đất”. Anh chị em hãy đọc sách Công vụ tông đồ và anh chị em sẽ thấy Tin mừng đã đến với các dân tộc, nhờ sức mạnh Thánh Thần, đã trở nên phổ quát như thế nào. Anh chị em hãy cầm lấy và đọc đi.

Ngay từ đầu chuyến đi đã gặp điều kiện bất lợi. Chuyến đi trở nên nguy hiểm. Thánh Phaolô khuyên không nên tiếp tục hải trình, nhưng viên đại đội trưởng không tin lời Phaolô và giao phó cho tài công cũng như cho chủ tàu. Chuyến đi tiếp tục và một cơn gió dữ dội nổi lên khiến cho thủy thủ đoàn mất kiểm soát và để cho con tàu trôi giạt.

Khi cái chết dường như gần kề và tuyệt vọng đang xâm chiếm mọi người, thánh Phaolô đã can thiệp và trấn an những người cùng đi, khi nói về những điều chúng ta vừa nghe: “tôi xin được trình bày […] đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã nói với tôi: “Này ông Phaolô, đừng sợ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Cesare; vì muốn bảo vệ ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống” (Cv 27,23-24). Ngay cả trong thử thách, Phaolô cũng không ngừng là người bảo vệ cuộc sống của những người khác và là người hoạt náo cho niềm hy vọng của họ.

Do đó, thánh Luca cho chúng ta thấy rằng kế hoạch của Thiên Chúa hướng dẫn Phaolô đến Rôma không chỉ để cứu vị Tông đồ mà còn cứu những bạn đồng thuyền, và qua vụ đắm tàu, từ tình huống kém may mắn trở thành cơ hội quan trọng cho việc loan báo Tin mừng.

Con tàu bị nạn sau đó cập vào đảo Malta, người dân ở đó đã tỏ ra ân cần đón tiếp. Người Malta rất tốt, rất hiền từ, họ là những người hiếu khách từ thời đó. Trời mưa và lạnh thì họ đốt lửa trại để những người bị đắm tàu thêm chút ấm áp và nhẹ nhàng. Ở đây cũng vậy, Phaolô đích thực là môn đệ của Chúa Kitô, Ngài đã bắt tay phụ vào việc đốt lửa bằng những nhành lá khô. Trong khi làm việc này, Phaolô bị rắn độc cắn nhưng không hại gì, mọi người nhìn thấy điều đó và nói: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống”. Họ cứ đợi ông sẽ lăn ra chết; nhưng không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần – thay vì là kẻ sát nhân. Thực vậy, mối lợi đó đến từ Chúa Phục sinh, Đấng trợ giúp ông, theo lời đã hứa trước khi về trời: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,18). Lịch sử kể rằng từ đó trở đi không còn rắn độc ở Malta nữa : đó là phúc lành của Thiên Chúa dành cho sự đón tiếp rất nồng hậu của dân tộc này.

Thật vậy, lưu lại Malta trở thành một cơ hội thuận lợi cho Phaolô để đưa ra “cốt lõi” cho lời loan báo và từ đó thực thi sứ vụ của lòng thương xót qua việc chữa lành những người yếu đau. Đây là luật của Tin mừng: khi một tín hữu trải nghiệm được ơn cứu rỗi, người đó sẽ không giữ riêng cho mình, nhưng làm cho nó được lan tỏa. “Lòng tốt luôn có khuynh hướng lan toả. Tự bản chất, mọi kinh nghiệm đích thực về sự thật và lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta, và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa đều trở nên mẫn cảm hơn với nhu cầu của người khác. Khi lan toả, lòng tốt bén rễ và phát triển. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ” (Evangelii gaudium, 9).

Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng cách để mình ôm chặt Chúa Kitô, để trưởng thành với “một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có khả năng hành động trong mọi tình huống” và “biết xác tín rằng tất cả những ai tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa trong tình yêu sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. EG số 279). Tình yêu luôn sinh hoa trái, tình yêu dành cho Thiên Chúa luôn sinh hoa trái và nếu bạn để cho mình được Thiên Chúa bén rễ thì bạn sẽ nhận được ơn sủng của Thiên Chúa, điều này sẽ cho phép bạn trao những ơn đó cho người khác. Tình yêu dành cho Thiên Chúa luôn vượt xa.

Hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống mọi thử thách nhờ sự nâng đỡ của nghị lực đức tin; và biết nhạy cảm với những người bị đắm trong lịch sử, đang kiệt sức trên bờ biển của mình, để chúng ta cũng biết đón nhận họ bằng tình yêu huynh đệ, phát xuất từ cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều đó cứu chúng ta khỏi thái độ thờ ơ lạnh lùng và vô nhân đạo.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
 
 
v
v
v
v
v
v
v
v
 

 

802    09-01-2020