Các con thân mến,

Chào anh em trong Chúa Kitô,

Các nhà truyền giáo rất quí mến,

Với những lời này, Đức Thánh Cha đang nói với mọi người, vì nhận thấy nỗi lo lắng liên quan đến phẩm giá tông đồ mà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã thực hiện và trao cho mỗi người trong các môn đệ của Ngài, từ người lớn nhất cho đến người nhỏ nhất.

Khi sứ điệp này đến vào ngày Thế Giới Truyền Giáo, chắc chắn anh chị em sẽ hiểu rằng sứ điệp này không chỉ đến từ Đức Giáo Hoàng, như từ một người bị cô lập và phải gánh lấy một mình tất cả gánh nặng về trách nhiệm truyền giáo; trái lại, ngay từ đầu đã xuất hiện một sự “dấn thân thuộc về trách nhiệm của Giáo Hội” (AG 5). Thật vậy, lệnh truyền của Đức Kitô là : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15) được trao cho các tông đồ và “hàng Giám mục được thừa hưởng với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Ðấng kế vị Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội” (AG 5).

Vì vậy, trong ngày Thế giới Truyền giáo này, chúng tôi nói với anh chị em, không chỉ nhân danh chúng tôi, mà còn như phát ngôn viên của anh em chúng tôi trong hàng giám mục trên toàn thế giới; cùng với các anh em đó, chúng tôi vui mừng vì được gắn bó mật thiết với nhau và niềm vui trong tình liên đới.

Các mục tử chăn chiên của Chúa Kitô, tôi tớ của mọi tôi tớ Thiên Chúa, mong rằng ngày hôm nay anh chị em sẽ chia sẻ với họ ý tưởng tuyệt vời này : rằng họ và anh em đều là phần tử của một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo hội tồn tại để làm cho toàn thể nhân loại nhận biết Tin Mừng cứu độ.

Dân của Thiên Chúa là một dân truyền giáo.

Đức Kitô có thể cầu xin với Cha của Ngài và ngay lập tức Người sẽ ban cho Ngài một sự xắp đặt “nhiều hơn 12 đạo binh các thiên thần” (Mt 26, 53) để loan báo cho thế giới ơn cứu chuộc của Ngài. Nhưng ngược lại, Đức Kitô đã ban công việc và đặc quyền này cho chúng tôi; đối với chúng tôi, “những kẻ rốt hết trong toàn thể các thánh” (Eph 3, 8), chúng tôi thực sự không xứng đáng là những người được mời gọi làm tông đồ (x. 1 Cor 15, 9). Về việc này, ngài đã không muốn dùng tiếng nói nào khác hơn là chúng tôi để loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Thật vậy, ân sủng này được ban cho chúng tôi “để loan báo cho dân ngoại sự giàu có khôn lường của Đức Kitô” (Eph 3, 8).

Sau đó, đối với chúng tôi, việc loan báo Tin Mừng thuộc vào thời điểm đặc biệt này của lịch sử nhân loại, một thời điểm thực sự chưa từng có, trong đó, đỉnh cao tiến bộ chưa bao giờ đạt tới, kể cả vực thẳm bối rối và thất vọng liên kết với nhau cũng chưa từng có. Hơn bao giờ hết, nếu đã có lúc các Kitô hữu được mời gọi trở nên ánh sáng chiếu soi cho thế giới, trở nên thành được đặt trên ngọn đồi, hoặc trở nên muối mang hương vị cho đời sống của con người (Mt 5, 13-14), thì điều này, không còn nghi ngờ gì nữa, đó là thời đại của chúng ta. Thật vậy, chúng ta làm chủ tình thế giải quyết tính bi quan, những điềm đen tối, chán nản và sợ hãi mà chúng gây đau khổ cho thời đại của chúng ta.

Chúng ta có Tin Mừng !

Và mỗi người chúng ta, chính vì là kitô hữu nên chúng ta phải cảm thấy mình được thúc đẩy để truyền bá Tin Mừng này cho đến tận cùng thế giới. « Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra » (Cv 4, 20).

Không một kitô hữu nào, dù đó là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, có thể từ chối trách nhiệm của mình liên quan đến bổn phận thiết yếu này của kitô hữu. Chắc anh chị em còn nhớ đề nghị cấp bách mà Công Đồng đại kết mới đây đã ghi nhớ điểm này : « mỗi môn đệ của Chúa Kitô (không trừ một ai) có bổn phận phải quảng bá đức tin khi có thể » (AG 23). « Mọi con cái của Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có một tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Tin Mừng » (AG 36).

BỔN PHẬN THIẾT YẾU

Về điểm này, cần có những ý tưởng thật rõ ràng: Chúa Kitô đã ban cho các môn đệ lệnh truyền cụ thể như thế và rõ ràng để tránh bất kỳ khả năng không chắc chắn về ý muốn của Ngài. Các môn đệ phải đi khắp thế giới (không loại trừ bất kỳ nơi nào) để công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người (không phân biệt chủng tộc hay thời đại).

Tin Mừng ở đây chính là : Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài đã làm người để có thể chia sẻ đời sống của chúng ta và để chúng ta có thể tham dự vào đời sống của Ngài. Ngài đồng hành với chúng ta – trên khắp nẻo đường chúng ta đi – Ngài gánh mọi lo âu của chúng ta, bởi vì Ngài chăm sóc chúng ta (1 Pr 5, 7). Vì vậy, con người không đơn độc một mình vì Thiên Chúa luôn hiện diện trong tất cả lịch sử của chúng ta, trong dân tộc của chúng ta và trong từng cá nhân; và Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta, nếu chúng ta để cho Ngài dẫn dắt đến hạnh phúc vĩnh cửu vượt trên mọi niềm hy vọng của con người.

Anh chị em chắc chắn sẽ nghe thấy sự phản đối được lặp đi lặp lại bởi những người có thiện chí: và còn những người nghèo đói, những kẻ bất hạnh, những nạn nhân bị áp bức và bất công không? Nghĩa là, trước tiên, có làm theo đức ái không? Có hoàn toàn không có sự chống đối nào không? Có nói với họ về những điều tốt đẹp sẽ đến không? Sẽ không tốt hơn khi các Kitô hữu giúp họ đạt tới tầm mức của đời sống “con người” trước khi mạnh dạn nói cho họ biết về đời sống trên trời vẫn còn đang đến không?

Nhưng Đức Kitô, Dấng hoàn toàn “được thánh hiến để công bố Tin Mừng cho người nghèo… và trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18) không muốn chúng ta loại trừ những người nghèo và những người bị bỏ rơi – nhưng thay vào đó, càng nhiều càng tốt, không một người nào thuộc bất kỳ chủng tộc nào, mầu da nào, bộ lạc hoặc tình trạng con người nào – tách khỏi niềm vui lắng nghe Tin Vui của Tin Mừng.

Trung thành với tinh thần của Ngài, các nhà truyền giáo của chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tách tình yêu của Thiên Chúa ra khỏi tình yêu của con người, càng không chống đối người này với người kia. Trong khi xây dựng Nước Thiên Chúa, họ làm việc cùng một lúc để cải thiện các điều kiện của con người trên trái đất. Thậm chí, phải khẳng định kiên quyết rằng sứ điệp ngọt ngào của Tin Mừng, trong kinh nghiệm của Giáo Hội, chưa bao giờ được nghe từ những người nghèo và những người bị áp bức một sự xúc phạm nào.

LOAN BÁO TIN MỪNG, CHẤT MEN ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nếu không có khao khát can thiệp “đề xuất các mô hình tiền chế” của nền văn minh (tông thư Bát Thập Niên 42), mà các sứ giả Tin Mừng mang đến cho mỗi dân tộc (với lòng trung thành thích đáng đối với di sản của giáo huấn của Chúa Kitô và với sự tôn trọng xứng đáng đối với các nền văn hoá khác nhau) nền văn minh mà họ tin rằng có “một sự giải thích duy nhất, đích thực và cao hơn về đời sống của con người theo thời gian và vượt thời gian : đó là lời giải thích kitô giáo” (chỉ dẫn Quốc hội ở Uganda, 1 ag. 1969, ASS 61, tr. 582). Thật vậy, họ tin rằng “Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mọi người. Vì thế, qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình” (GS 10). Như thế, việc loan báo Tin Mừng đáp ứng những khát vọng cao quí nhất của con người, cũng trở thành chất men cho sự phát triển.

Đây là cách chúng ta nhìn thấy nhu cầu muôn thuở để rao giảng Tin Mừng, nhằm mục đích cống hiến cho con người những lý do tối thượng để dấn thân phát triển không ngừng : « nhìn nhận những giá trị tối cao, và nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích … đức tin, tức là đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, và hòa hợp các tâm hồn trong tình thương yêu của Đức Kitô, Đấng đã gọi chúng ta để được làm con, tham gia vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, Cha của mọi người” (Populorum progressio, số 21).

THẾ GIỚI CẦN CÁC GIÁ TRỊ TINH THẦN

Có lẽ chưa bao giờ như ngày nay, thế giới có nhu cầu lớn như vậy về các giá trị tinh thần, và như chúng tôi xác tín, nó chưa bao giờ sẵn sàng tiếp nhận lời loan báo như thế. Trên thực tế, ngay cả các quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, họ tự khám phá và cho rằng hạnh phúc không tồn tại trong việc sở hữu nhiều của cải; họ học hỏi từ “kinh nghiệm cay đắng của cái chân không” khi họ thực sự có những lời của Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Chúng ta phải nói cho con người, và tiếp tục lặp lại cho họ rằng : “chìa khóa, trung tâm và cùng đích của toàn bộ lịch sử con người” tìm thấy trong Đức Kitô, là Chúa và là thầy của chúng ta (GS 10).  Chúng ta phải nói cho họ rằng điều này là sự thật, không chỉ cho các tín hữu mà thôi, nhưng còn áp dụng cho tất cả mọi người, bởi vì họ mà Đức Kitô đã chết và ơn gọi cuối cùng của họ là để phù hợp với chương trình của Đức Kitô, đấng “qui tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Eph 1, 10).

Chúng tôi phải mời gọi tất cả mọi người kết hợp với Dân Thiên Chúa, Giáo hội của Người, một xã hội của niềm hy vọng đang tiếp tục phát triển, có khả năng tự tin nhìn về tương lai mà không nhắm mắt trước thực tại. Thật vậy, xã hội tìm thấy một thực tại có ý nghĩa nào đó, một hiệu lực và một giá trị đúng đắn nào đó bởi vì nó có liên quan đến tương lai đó, và vì vậy xã hội có thể dấn thân vào trong hiện tại với năng lực và niềm tin lớn hơn bao giờ hết.

Không, “chúng tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1, 16). Giáo Hoàng và các Giám mục của anh chị em không hổ thẹn để xin sự giúp đỡ cho việc truyền bá Tin Mừng. Do đó, anh chị em đừng ngạc nhiên cũng đừng thấy gương xấu nếu trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo này các con nhìn thấy họ ngửa tay xin các con bố thí vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân.

Chẳng phải chính Chúa Kitô đã thường xuyên hỏi những người thân cận với ngài về những phương tiện để ngài làm một điều tốt lành nào đó sao? Chẳng phải Ngài đã hóa bánh ra nhiều với mấy cái bánh từ một cậu bé trong đám đông đó sao? Ngài đã không mượn chiếc thuyền của những người đánh cá để có thể loan báo cho dân lời hằng sống đó sao? Chẳng phải ngài đã sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp của cải mà các phụ nữ dâng cho ngài và các môn đệ của ngài đó sao? Ngài đã không mượn con lừa để cưỡi nó mà đi tới nơi vượt qua của Ngài hay sao? Và Ngài đã không muốn tùy thuộc vào một người giàu có để có một ngôi mộ mà sống lại từ đó hay sao?

Chúng tôi tin tưởng nơi anh chị em, nơi tất cả các tín hữu – những người cộng tác với chúng tôi trong sứ vụ cao cả mà Thiên Chúa đã trao cho chúng tôi để loan báo Tin Mừng – điều mà chúng tôi không có lý do gì để xấu hổ và từ chối. Chúng tôi cảm thấy bản thân không thể cung cấp cách thỏa đáng về  các nhu cầu của các nhà truyền giáo của Giáo Hội và cung cấp đầy đủ cho các chương trình tốt đẹp của tôn giáo và từ thiện mà họ liên tục thực hiện.

Những nhà truyền giáo này đã tận hiến cho Tin Mừng « toàn bộ cuộc đời của họ ». Họ đến với muôn dân với tư cách của chúng tôi. Thay mặt chúng tôi, họ hoàn thành lệnh truyền của Thầy chí thánh “hãy đi rao giảng Tin Mừng” (Mt 16, 15). Không có gì hơn là khả năng dâng hiến của mình có thể đền đáp nghĩa vụ mà chúng tôi hướng tới những người nam người nữ này; nhưng ít ra chúng tôi phải cung cấp cho họ lương thực hằng ngày và cho những nhu cầu cần thiết của công việc truyền giáo của họ.

Nhiều người trong chúng ta không thể mang Tin Mừng đến cho con người thuộc mọi dân tộc trên trái đất, đây thường là cách duy nhất mà chúng tôi có cách sắp xếp để thực hiện nghĩa vụ truyền giáo mà mọi kitô hữu đều có trách nhiệm. Những lời cầu nguyện liên lỉ của chúng ta làm cho ân sủng của Thiên Chúa xuống trên công việc của các nhà truyền giáo; những hy sinh mà chúng ta đặt ra cho mình cách tự do và những đau khổ mà chúng ta đón nhận với niềm vui, đã mở rộng cho nhiều cánh cửa tâm hồn.

SỰ CẦN THIẾT CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO

Đối với những trợ cấp tinh thần này chúng ta phải thêm những bố thí quảng đại, bởi vì trong những điều kiện hiện tại của cuộc sống tại thế của chúng ta, sự cứu trợ vật chất cũng là điều cần thiết.

Từ hơn một thế kỷ rưỡi, tổ chức viện trợ này của các tín hữu đã được trao trách nhiệm cho một tổ chức bác ái được gọi là các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo (đôi khi được gọi là sự trợ giúp của Đức Giáo Hoàng cho các xứ truyền giáo). Trong mỗi quốc gia, qua các Hội Giáo Hoàng này, dưới sự chỉ đạo của các Giám đốc Quốc gia đại diện các Đức Giám mục, thu hoạch mỗi năm những của dâng cúng của Dân Chúa, đặc biệt trong những dịp lạc quyên các giáo xứ vào ngày lễ Khánh Nhật Truyền giáo.

Những tiền lạc quyên này được gom lại trong một quỹ duy nhất và rồi được phân phối cho các xứ truyền giáo. Do đó, việc đóng góp tự nguyện và quảng đại của anh chị em, được cung cấp xứng với lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng, ngay lập tức được thực hiện, cung cấp cho nhu cầu hằng ngày của các nhà truyền giáo, để xây dựng nhà thờ, trường học, bệnh viện, chủng viện, tập viện; cho những người đói ăn, an ủi những người đau khổ và giúp đỡ những ngôi nhà trong trường hợp khẩn cấp.

Thật không may, chúng tôi phải thừa nhận rằng các Hội Giáo Hoàng ngày nay chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ trong vô số các yêu cầu viện trợ, nhưng điều này thực sự không phải do món quà của anh chị em ít hào phóng, mà là do tốc độ và công việc truyền giáo tiến triển và mở rộng mạnh mẽ các chương trình phát triển xã hội được thực hiện do các nhà truyền giáo. 

Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy bổn phận phải thúc đẩy mọi người và mỗi tín hữu công giáo phải hy sinh nhiều hơn nữa vì đức tin; và không chỉ với những ai có điều kiện thịnh vượng, mà kể cả những người như bà góa được Chúa khen cũng phải cho đi “sự nghèo túng của mình” (Mc 12, 44). Khi làm như vậy, chúng ta thực hiện giống như cộng đoàn các tín hữu đầu tiên, họ nói : “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng” (Cv 4, 32).

CỘNG ĐOÀN HY VỌNG, ĐỨC TIN VÀ ĐỨC ÁI

Giống như cộng đoàn của những người được biến đổi chỉ có một lòng một ý vào mùa xuân của Kitô giáo, nên cộng đoàn các tín hữu ngày nay cũng phải như vậy ; không chỉ là một cộng đoàn của niềm hy vọng, mà còn là một cộng đoàn của đức tin và đức ái. Và trên hết, chúng ta phải cảm thấy mình nên một với những nhà truyền giáo, những tông đồ trong thời đại của chúng ta, những người thay mặt chúng ta đi đến tận cùng trái đất để làm nổi bật trước mặt mọi người kế hoạch quan phòng của mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa (Eph 3, 9) và để “tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu” (Eph 2, 7).

Chúng ta phải trở nên gần gũi và liên kết với họ trong sự khẩn cấp của người tông đồ kitô giáo, để họ có thể “nhờ quyền năng mạnh mẽ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 4, 33). Như vậy, chúng ta cũng sẽ nhận ra, không bao giờ suy giảm, điều mà mọi tâm hồn kitô hữu luôn phải khao khát muốn cho anh chị em mình “nhận biết tình thương của Đức Kitô” để họ được “đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Eph 3, 19).

Các con rất thân mến, trong khi chúng tôi bày tỏ cho các con tất cả những suy nghĩ này của chúng tôi, chúng tôi cầu xin ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa xuống trên các con, để các con có thể trung thành với ơn gọi của mình trong Giáo Hội truyền giáo. Và đối với các con, những nhà truyền giáo rải rác khắp nơi trên thế giới rất yêu quí, chúng tôi gửi lời chào thăm đặc biệt và trìu mến trong Chúa Giêsu Kitô, đấng mà các con phục vụ với tình yêu, hy sinh và niềm vui. Với tất cả anh chị em, những người cộng tác với Chúa trong việc xây dựng Vương quốc của Ngài “Vương quốc của sự thật và sự sống; sự thánh thiện và ân sủng, sự công chính, tình yêu và hòa bình” (kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua) – với cả tấm lòng, chúng tôi ban cho anh chị em phép lành Tòa  Thánh trong ngày Thế giới Truyền giáo.

Từ Vatican, ngày 25 tháng 6 năm 1971.

GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP