Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Sứ Điệp và Các Phép Lạ Fatima - tt

2. Một hiện tượng lịch sử

Ở đây ần ghi nhận một biến cố, một hiện tượng quan trọng trong lịch sử nhân loại hiện đại. Ðồng thời người ta cần tự hỏi: Phải chăng đây chỉ là một sự kiện lịch sử thuần tuý nhân loại chứ không do sức mạnh siêu nhiên từ Trời Cao can thiệp? Phải chăng đây không phải là một phép lạ Fatima?


Khi vào năm 1989/90, bảy mươi hai năm sau lời Mẹ Maria tiên báo ở Fatima: "Nước Nga sẽ ăn năn trở lại và trái tim Mẹ sẽ thắng" đã hoàn toàn ứng nghiệm. Toàn khối Liên Sô, trong đó có nước Nga, đã trở lại. Ðảng cộng sản vô thần quá khích, chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng các cuộc đàn áp đẫm máu ở Nga và các nước thuộc Liên Sô cũng như ở các nước Ðông Âu đã hoàn toàn cáo chung, đã tự đào thải trước cao trào tự do dân chủ tiến bộ của nhân loại ngày nay, trả lại cho các dân tộc liên hệ những quyền tự do con người, đặc biệt các quyền tự do thuộc lãnh vực tinh thần, như tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo.


Hiện nay trên thế giới, tuy còn 4 nước duy nhất vẫn áp dụng đường lối chính trị của đảng cộng sản, đó là Trung Hoa Lục Ðịa, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn. Nhưng ngoài Bắc Hàn ra, ba nước còn lại đã bắt đầu canh tân đổi mới, loại bỏ từ từ các hình thức cai trị quá khích và lạc hậu buổi sơ khai.

 

Ðặc biệt nhất là trường hợp Việt Nam, Nhà Nước cộng sản chẳng những bắt đầu đổi mới đường lối chính trị trong nước mà còn mở cửa giao lưu với tất cả các nước tự do dân chủ trên khắp thế giới, hội nhập vào đời sống văn minh tiến bộ của toàn thể nhân loại. Từ đầu năm 1986 tới nay Nhà Nước đã từ từ loại bỏ chính sách "kinh tế bao cấp" hay "kinh tế kế hoạch" khắt khe bảo thủ, do Nhà Nước qui định và áp dụng chính sách "kinh tế thị trường" tự do, theo đúng phương thức "dân giàu nước mạnh". Mọi người công dân tương đối được hưởng các quyền tự do cơ bản, nhất là được tự do lựa chọn và sống theo một tôn giáo thích hợp, đúng với lương tâm của mình. Chính trong bộ dân luật của Nhà Nước XHCN Việt Nam công bố năm 1992, khoản 70 đã ghi là mỗi người công dân đều được tự do tin theo một tôn giáo. "Vì tôn giáo chính là nhu cầu tinh thần đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc", như đã được ghi rõ trong nghị quyết của hội nghị lần VII của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam, khóa IX; hay, vì "tôn giáo là một yếu tố cơ bản của đời sống con người", như cựu tổng thư ký đảng cộng sản Liên Sô Michail Gorbatschow đã từng nhận định. Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định quan điểm xã hội chân chính của mình là một Nhà Nước văn minh dân chủ tự do không được phép lấy tôn giáo làm quan điểm chính trị, hay nói đúng hơn, không được phép lấy một tôn giáo làm quốc giáo và ép buộc mọi người dân phải chấp nhận tôn giáo đó, hay ngược lại, không được phép chủ trương vô thần, đàn áp tôn giáo, kỳ thị và chia rẽ lương - giáo giữa cộng đồng dân tộc mình. Một Nhà Nước tân tiến phải có đường lối trung lập trong vấn đề tín ngưỡng, tôn trọng và tạo điều kiện cho mọi người dân có thể sống và thực hành lòng tín ngưỡng của họ. Vào ngày 25.01.1998, trong bài giảng tại thánh lễ ở thủ đô Havanna, nước Cuba cộng sản, trước sự hiện diện của chủ tịch nước Fidel Castro và của hàng trăm ngàn người tham dự, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thẳng thắn tuyên bố: "Một Nhà Nước hiện đại không được phép lấy chủ thuyết vô thần hay tôn giáo để làm quan điểm chính trị. Nhà Nước cần tránh các chủ nghĩa quá khích và tục hóa cực đoan, đồng thời cổ võ một bầu không khí hài hòa trong xã hội và một luật pháp hợp lý, hầu cho mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng tôn giáo có thể tự do sống đạo và hành đạo cách công khai." (2). Bởi vì "sự hạn chế quyền tự do tôn giáo của các cá nhân cũng như của các cộng đồng chắc hẳn không chỉ là một kinh nghiệm đau thương, nhưng còn chạm đến nhân phẩm con người nói chung, độc lập với tôn giáo. Sự hạn chế quyền tự do tôn giáo và sự xúc phạm đến quyền tự do tôn giáo là đi ngược lại phẩm giá và các quyền lợi khách quan của con người" (3).


Thật vậy, tâm thức tín ngưỡng hay sự thâm tín tôn giáo của con người không những là "yếu tố cơ bản" đã ăn rễ sâu vào tâm khảm con người, hướng dẫn lương tri và cả cuộc sống con người, nhưng còn là chính đời sống tinh thần con người, như dòng huyết quản lưu chảy và nuôi sống cơ thể con người vậy. Niềm tin tôn giáo có tính cách nội tại chứ không mang tính cách ngoại tại như một ý thức hệ, một quan điểm triết học, xã hội hay chính trị. Trong đức tin Kitô giáo, câu hỏi được đặt ra không còn phải là 'hữu' hay 'vô hữu' như trong lãnh vực triết học, xã hội, chính trị hay văn hóa, nhưng là chấp nhận và tìm hiểu cái 'hữu' khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của trí năng con người. Nói cách khác, mục đích hay đối tượng của thần học Kitô Giáo không phải là luận bàn về có hay không có Thiên Chúa, nhưng là tìm hiểu các chân lý minh nhiên về Thiên Chúa, để sự xác tín về sự hiện hữu của Người thêm vững mạnh hơn. Vì không một ai có thể phủ nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hóa, Ðấng Toàn Năng tuyệt đối, nếu không muốn đi ngược lại lương tri và trí năng của mình. Một người có trí năng lành mạnh và khách quan, bao giờ cũng nhận ra được sự hiện hữu của Thiên Chúa, mặc dù mọi phạm trù luận lý của nhân loại hoàn toàn bất lực không thể giải thích trọn vẹn được bản thể của Người.


Bởi vậy, con người có thể làm áp lực để thay đổi được một nhân sinh quan, một hệ thống chính trị hay một ý thức hệ, nhưng không bao giờ có thể loại bỏ được niềm tin vào Thiên Chúa nơi lòng người. Người ta có thể ngạo mạn phủ nhận hay chối từ Thiên Chúa, nhưng người ta không thể khai tử hay loại bỏ được sự hiện hữu của Thiên Chúa, không thể xóa bỏ được niềm tin của lòng người vào Thiên Chúa. Máu của 130,000 Kitô hữu đã nhuộm đỏ ba miền đất nước Việt Nam trong bao thế kỷ qua là một minh chứng hùng hồn cho sự khẳng định đó. Những Kitô hữu can trường đó thà chết chứ không thể chối bỏ một sự thật khách quan hiển nhiên: Sự hiện hữu và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Ðấng đã dựng nên con người và vũ trụ muôn vật. Do đó, Kinh Thánh đã khẳng định: "Phúc cho dân tộc nào có Thiên Chúa làm Chúa mình và phúc cho quốc gia nào được Người chọn làm gia nghiệp" (Tv 33,12). Họ có được Giáo Lý của Người soi sáng hướng dẫn hầu trước hết là biết "úy Thiên mệnh", biết kính sợ Thượng Ý của Chúa và tiếp đến là biết tôn trọng nhân vị và phẩm giá của đồng loại với tất cả các quyền tự do căn bản của họ, vì mỗi người đã được dựng nên giống Thiên Chúa và mang trong mình hình ảnh của Người (x. St 1,26-27), và là con Thiên Chúa (x. Mt 5,45; Lc 11,2-4; Ga 20,17b). Ngược lại, khốn thay cho dân tộc nào chối bỏ Thiên Chúa, bắt bớ và sát hại các tín hữu của Người! Họ là những kẻ sống trong đêm tối của vô tri, không có ánh sáng của lương tri ngay chính phát xuất từ Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối. Vì thế họ đã xúc phạm đến Ðấng Toàn Năng và chà đạp các quyền tự do cơ bản và chính đáng nhất của đồng loại. Và hậu quả đương nhiên là họ sẽ không thể thoát khỏi án phạt nghiêm minh của Thiên Chúa. Lời công bố long trọng của Ðức Kitô, Quan Án chí công, không chỉ có giá trị cho từng người mà còn cho từng xã hội và cho từng dân tộc: "Ai tin vào Phúc Âm và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu rỗi. Còn ai không tin, thì sẽ bị luận phạt" (Mc 16,16).


Bởi vì con người không chỉ được sinh ra, lớn lên, rồi chết là hết như các tạo vật khác, nhưng sau khi từ giã cõi đời này để bước vào cuộc sống vĩnh hằng, tất cả mọi người không phân biệt giai cấp thứ bậc, không phân biệt tín ngưỡng, có tin ngưỡng hay vô tín ngưỡng, đếu phải ra đứng trước tòa Thiên Chúa để trả lẽ về cuộc sống trần thế đã qua của mình, về các phúc tội đã làm đối với nhân loại (x. Mt 25,31 - 46), hầu để được trọng thưởng hay bị luận phạt muôn kiếp, vì trước mặt Thượng Ðế mọi người đều bình đẳng, đúng như lời đức Khổng Tử dạy: "Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị thụ: Thượng Ðế không thân riêng ai, chỉ kẻ có đức là Trời giúp", hay: "Duy Thiên vô thân, khắc kính duy thân: Trời không thân riêng ai, chỉ thân với người hay kính" (Kinh Thư). Vì thế, "tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thi giai dĩ tu thân vi bản: từ Vua cho đến người dân, ai ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc" (Ðại Học). Nhất là sự minh xét của Thiên Chúa không hề bị ảnh hưởng bởi sự đồng tình hay phản đối của người đời. Những gì người đời đề cao có thể trước mặt Thiên Chúa lại không có giá trị, trái lại những gì con người kết án lại có thể là điều công chính trước mặt Thiên Chúa. Bởi lẽ "con người chỉ đoán xét theo những điều họ thấy trước mắt, còn Thiên Chúa lại thấu suốt lòng dạ con người" (1Sam 16,7b) vì "lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên và những việc họ làm Người đều thông suốt cả" (Tv 33,15). Con người chỉ có thể lừa gạt được đồng loại, còn trước mặt Thiên Chúa mọi hành vi và tư tưởng tốt xấu của mỗi người đều được vạch trần và được phân xét một cách công minh.


Ðàng khác, nếu con người có tâm thức tín ngưỡng và tin theo một tôn giáo để biết "ăn ngay ở lành", xét theo phương diện tinh thần và luân lý là một điều tốt, nhưng chưa đủ. Con người còn phải biết tìm hiểu và tin đúng "Chánh Ðạo" nữa. Nói cách khác, con người không chỉ lo sống đức hạnh, lo ăn ngay ở lành, nhưng trước hết còn phải biết tôn thờ và cảm tạ Thiên Chúa, Ðấng Tối Cao duy nhất đã dựng nên mình và cả vũ trụ cùng với muôn vật, hữu hình và vô hình. Hầu tránh được cảnh tượng thương tâm như người ta thường nói là "mồ cha không khóc, đi khóc tổ mối", Ðấng Tạo Hóa, Chúa Tể càn khôn thì không tôn thờ, nhưng lại chạy theo cúng bái thờ lạy các thần nhân là các tạo vật do chính bàn tay Chúa dựng nên. Trong khi đó, Ðạo Công Giáo, một tôn giáo đã được chính Ðức Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể, sáng lập dựa trên nền tảng Phúc Âm Tình Thương của Người, dạy cho con người biết "sự thiên và ái nhân", biết thờ kính Thiên Chúa và yêu mến tha nhân như chính mình. Hơn thế nữa, Ðạo Công Giáo không những dạy cho con người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa toàn năng, và là nguồn mọi chân thiện mỹ tuyệt đối, nhưng còn chỉ cho con người biết Người là Cha Chung Nhân Từ của toàn thể nhân loại và tất cả mọi người là anh em với nhau, không phân biệt màu da, chủng tộc, tín ngưỡng, vô thần hay hữu thần. Vì thế, một người công giáo thâm tín đích thực luôn dành chổ đứng cho hết mọi người trong thẩm cung tình yêu của mình, chứ không hề coi bất cứ ai là kẻ thù "bất cộng đái thiên" hoặc loại trừ bất cứ ai. Vâng, Thiên Chúa là tình yêu nên các con cái Chúa cũng phải sống trong tình yêu và đem san sẻ tình yêu đó cho hết mọi anh em đồng loại của mình. "Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12), lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của Ðức Kitô vẫn luôn ghi đậm mãi trong tâm thức của mỗi kitô hữu.

 

Nói tóm lại, qua Sứ điệp của Ðức Maria và các phép lạ Fatima, Thiên Chúa muốn nói cho nhân loại biết rằng Người vẫn luôn hiện diện và đồng hành với họ, nhất là Người hằng yêu thương họ và muốn chỉ cho họ con đường dẫn tới sự sống chân thật.

 

- - - - - - - - - - - -

 

Ghi Chú:

(1) Die Wunder von Fatima, của tác giả Werner Forster.

(2) Ðức Gioan Phaolô II, Lương Tâm Nhân Loại, bản dịch của Lm. Nguyễn Hữu Thy, 2005, trang 116.

(3) Lương Tam Nhân Loại, trang 54.

 

( Trích trong: Lm Nguyễn Hữu Thy, Ðức Maria trong Kinh Nguyện Giáo Hội, Trier 2006, trang 219-238)

 


LM Nguyễn Hữu Thy

550    15-05-2019