Chúng ta có thể có đức tin chuyển núi dời non

Con cầu nguyện … cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con (Ga 17,9.20)

Chúa Giêsu nói những lời đơn giản này vào đêm trước khi Người chết. Người chia sẻ bữa ăn Vượt Qua với các môn đệ của mình và ngay trước khi đi ra Vườn Giệtsimani, Người đã hướng về cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Trên bề mặt, không có gì đặc biệt nổi bật về việc Chúa Giêsu cầu nguyện. Người cầu nguyện liên tục. Người luôn ở gần Chúa Cha để có thể tiếp tục mở lòng với ý muốn của Chúa Cha và tin tưởng vào tình yêu của Cha. Điều nổi bật là cách Chúa Giêsu cầu nguyện. Người cầu nguyện cho các môn đệ của mình – và Người cầu nguyện cho mỗi người chúng ta!

Chúng ta thường không nghĩ Chúa Giêsu như đang dâng những lời cầu nguyện chuyển cầu. Xét cho cùng, Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Vì thế, nếu Chúa Giêsu hoàn toàn biết ý muốn của Thiên Chúa Cha như vậy, tại sao Người lại cảm thấy cần phải cầu nguyện cùng Chúa Cha, phải chăng vì lợi ích của chúng ta?

Đây là sự huyền bí của việc cầu nguyện chuyển cầu. Một mặt, chúng ta tin rằng Thiên Chúa biết tất cả mọi sự và Người có một kế hoạch hoàn hảo cho chúng ta, vì vậy, không cần Chúa phải thay đổi tâm trí của Người. Nhưng mặt khác, ngay cả Chúa Giêsu cũng dùng sự cầu nguyện chuyển cầu để cầu xin Chúa Cha hành động theo một cách nào đó. Trong tháng này, chúng ta hãy khám phá sự huyền bí này. Chúng ta muốn thấy những lời cầu nguyện của chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ và hiệu quả như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu như thế nào và tại sao chúng ta cần phải cầu nguyện cho mọi người.

Chúa Giêsu: Đấng Đấng Hòa Giải của Chúng Ta. Ở Israel cổ đại, vai trò của linh mục là hòa giải và can thiệp cho người dân. Linh mục phải bênh vực hoặc can thiệp trước mặt Thiên Chúa thay mặt cho dân chúng. Vị linh mục thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách dâng nhiều sự hy sinh như một phương tiện chuộc tội và cầu thay cho dân (x. Ed 44,15-16).

Sau đó, trong Tân Ước, Thư gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta rằng: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (9,11). Điều đó nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (9,12). Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của các tư tế Cựu Ước, và bây giờ Người ngự bên hữu Thiên Chúa, nơi Người “hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (7,25).

Nơi mà từng chỉ có các linh mục thuần túy là con người, bây giờ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, chuyển cầu cho chúng ta. Giờ đây, ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giêsu mang chúng ta cùng với tất cả tội lỗi và nhu cầu của chúng ta đến trước mặt Thiên Chúa. Cũng giống như một luật sư có uy thế làm trung gian cho khách hàng của mình, Chúa Giêsu đứng bên cạnh chúng ta và cầu xin cho trường hợp của chúng ta. Vì Chúa luôn ở bên chúng ta, chúng ta không bao giờ phải sợ mang nhu cầu của mình đến với Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể tiến lại gần ngai Thiên Chúa với lòng tin tưởng và mở lòng chúng ta ra với Chúa. Và nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ “nhận được lòng thương xót và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,16).

Như Những Đứa Trẻ Nhỏ. Trong bài giảng trên Núi, Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Với câu chuyện ngụ ngôn nhỏ bé này, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy mang các nhu cầu của mình trước mặt Thiên Chúa như những đứa trẻ nhỏ mang nhu cầu của chúng cho cha mẹ chúng. Trẻ em mang tất cả mọi thứ cho Mẹ và Cha: đầu gối trầy xước, đau cổ họng, khó khăn về bài tập về nhà và những rắc rối về tình bạn. Trong cùng một cách, Chúa Giêsu mời chúng ta mang tất cả các nhu cầu của chúng ta đến với Cha của chúng ta. Chúng ta không phải giữ lại điều gì. Chúng ta đừng nghĩ rằng các nhu cầu của chúng ta quá nhỏ bé để Thiên Chúa quan tâm.

Bạn có thể đã nghe câu nói cũ xưa: “Bạn hãy cầu nguyện như thể tất cả mọi sự phụ thuộc vào Thiên Chúa. Bạn hãy làm việc như thể tất cả mọi thứ phụ thuộc vào bạn”. Đó không phải là cách những đứa trẻ suy nghĩ và hành động sao? Đa số trẻ em cố gắng giải quyết vấn đề của riêng mình, chúng chạy đến cha mẹ của chúng để được giúp đỡ khi mọi thứ trở nên quá phức tạp đối với chúng. Là cha mẹ, chúng ta biết rằng nếu con cái dựa vào bản thân mình quá nhiều, chúng có thể gặp phải ngõ cụt hoặc bỏ lỡ một số giải pháp tốt. Đó là lý do tại sao chúng ta cố gắng giúp họ. Đồng thời, chúng ta biết rằng nếu con cái của chúng ta quá phụ thuộc vào chúng ta, chúng sẽ không học cách trưởng thành.

Tương tự, Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ân huệ – trí thông minh, lý luận, trí tưởng tượng và trực giác – để chúng ta có thể học cách suy nghĩ và hành động theo cách riêng của mình. Thiên Chúa ban cho chúng ta những món quà này vì Người muốn chúng ta cố gắng giải quyết những thách thức mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống. Nhưng đồng thời, Người muốn chúng ta mang những vấn đề này cho Người để Người có thể giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta. Đôi khi Người sẽ làm mọi thứ cách tốt đẹp. Còn những lúc khác, Người sẽ để cho chúng ta làm việc qua vấn đề rắc rối để chúng ta có thể lớn lên và trưởng thành.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nói rằng bạn cần một công việc mới. Tất nhiên, bạn nên cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ. Nhưng bạn vẫn phải điền vào các đơn xin việc, đặt lại hồ sơ của bạn và đi phỏng vấn. Phúc lành của sự chuyển cầu là bởi vì bạn đã mời Thiên Chúa vào trong tiến trình của bạn, bạn có thể làm tất cả những điều này với sự bình an và tự tin hơn. Bạn biết rằng Thiên Chúa ở cùng bạn và rằng Người sẽ giúp bạn và hướng dẫn bạn trên hành trình bạn đi.

Với Niềm Tin Tưởng. Có nhiều sự chuyển cầu hơn là chỉ ra những nhu cầu của chúng ta và chờ đợi Thiên Chúa làm việc. Tại cốt lõi của nó, sự chuyển cầu là một hành động của đức tin. Đó là một hành động tin cậy vào Đấng mà chúng ta đang cầu nguyện là tất cả tình yêu thương và tất cả quyền uy.

Tin cậy có nghĩa là chúng ta tin rằng Thiên Chúa có quyền trả lời tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta trong sự khôn ngoan của Người và theo tình yêu thương và sự quan phòng của Người. Nó có nghĩa là chúng ta tin rằng Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta những điều tốt đẹp – trong mọi hình thức và mọi phương diện. Nó có nghĩa là chúng ta tin tưởng rằng Cha chúng ta sẽ không bao giờ quên con cái của mình.

Chúng ta có thể không bao giờ hiểu tại sao những lời cầu nguyện chuyển cầu của chúng ta đôi khi dường như không được trả lời. Đó là một phần lý do tại sao Kinh thánh nói về “sự huyền bí” liên quan đến kế hoạch cứu rỗi đời đời của Thiên Chúa. Kế hoạch của Người thì quá lớn lao đến mức chúng ta không thể nắm bắt đầy đủ chiều cao, chiều dài và chiều sâu của nó.

Đôi khi chúng ta đơn giản phải tin cậy vào Thiên Chúa như một đứa trẻ tin tưởng cha mình. Chúng ta chỉ phải tin rằng Thiên Chúa đang làm mọi việc vì lợi ích của chúng ta (x. Rm8,28). “Sự huyền bí” về những lời cầu nguyện không được trả lời của chúng ta không bao giờ nên bị nhầm lẫn với sự thờ ơ, từ chối, hoặc thiếu tình yêu thương của Thiên Chúa.

Trong Niềm Tin Tưởng. Khi Susan được chẩn đoán bị ung thư, cô đã ở một giai đoạn của cuộc đời mình khi niềm tin của cô ở mức yếu kém. Một số người trong giáo xứ của cô đã cầu nguyện với cô, và khi làm điều đó, họ đã củng cố cho cô một số chân lý đơn giản và cơ bản về đức tin: Thiên Chúa vẫn sống động, Người yêu thương chúng ta và Người biết điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả tình yêu và lời cầu nguyện mà Susan nhận được đã giúp cho đức tin của cô phát triển mạnh mẽ hơn. Cô bớt lo lắng hơn khi tiếp tục chiến đấu với căn bệnh này.

Susan cũng phát triển mạnh mẽ hơn về thể chất trong thời gian này. Hôm nay, hai mươi năm sau, mặc dù bệnh ung thư của cô đã trở lại hai lần và cô ấy hiện đang thuyên giảm, Susan là một người hạnh phúc và bình an hơn nhiều. Và tất cả bắt đầu khi một số người tiếp cận với cô ấy khi cô ấy bị bệnh.

Chúng ta không cần đức tin anh hùng nếu chúng ta muốn thấy lời cầu nguyện của chúng ta được trả lời. Nhưng chúng ta cần phải có đức tin và chúng ta cần mang theo đức tin đó với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Trên thực tế, điều quan trọng là chúng ta sử dụng tất cả đức tin mà chúng ta có – bất kể đó là bao nhiêu. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa với tất cả những gì chúng ta có, theo mức độ đầy đủ của đức tin của chúng ta, Thiên Chúa sẽ gặp chúng ta ở đó và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta.

Thiên Chúa luôn muốn chúng ta chọn đức tin, sự tin cậy và sự tự tin vượt trên sự lo lắng, hoài nghi và sợ hãi. Tất nhiên, có những lúc điều này sẽ khó khăn, nhưng luôn luôn nhớ điều này: đức tin là một quà tặng từ Thiên Chúa. Nó không phải là thứ mà chúng ta tự phù phiếm lên. Đó là một ân sủng đầy sức mạnh có thể giúp chúng ta đối phó với những khó khăn của cuộc sống. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể mang những lời cầu nguyện của chúng ta đến với Chúa, đặt chúng dưới chân Người và tin tưởng rằng Người sẽ tập hợp chúng lại và giữ chúng gần với trái tim của Người.

Chúng ta hãy bắt đầu. Lời cầu nguyện chuyển cầu không chỉ dành cho những vấn đề khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Chúng ta nên cảm thấy tự do để cầu nguyện cho vợ/chồng và gia đình của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta nên cầu nguyện cho các nhu cầu của thế giới mỗi ngày. Chúng ta nên cầu nguyện cho bạn bè và hàng xóm của mình. Đây là những gì Chúa Giêsu nói chúng ta làm khi Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho lương thực hằng ngày của chúng ta và được cứu thoát khỏi điều ác. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu ngày hôm nay. Bạn hãy tập hợp một danh sách những lời cầu nguyện chuyển cầu, và kiên trì cầu nguyện cho những nhu cầu này mỗi ngày. Không có lời cầu xin nào quá nhỏ hoặc quá không xứng đáng để thưa lên cùng Chúa.

Theo the Word Among us
November 2018 Issue
 Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương