Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Sự Ô Trọc Dưới Dáng Vẻ Thanh Cao

          Sự Ô Trọc Dưới Dáng Vẻ Thanh Cao

          Được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ, như các môn đệ khác, Giuđa cũng đã từ bỏ mọi sự mà theo thày, được chọn là một trong Nhóm Mười Hai thân cậnđược giao cho việc toàn quyền chi tiêu cho cả nhóm.

          Như các môn đệ khác, ý hướng ngay lành ban đầu dần trở nên biến dạng, mỗi người đều ôm ấp một tham vọng riêng tư và trần tục khi theo Đức Giêsu. Giuđa với khao khát hưởng thụ vật chất, đã trở thành tên ăn cắp quỹ chung để tiêu xài cho riêng mình (x.Ga 12,6)

          Cái khao khát thấp hèn ấy được ẩn dấu dưới dáng vẻ trong sạch cao thượng. Giuđa chỉ phục vụ mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân; thích chiều theo những ham muốn hơn cố gắng kiềm chế bản thân; luôn khắt khe, đòi hỏi người khác, nhưng lại dễ dãi với chính mình; tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi; đàng sau khuôn mặt dễ mếnsự vô cảm và tham lam; bên dưới những lời vị tha nhân ái là sự ích kỷ và đố kỵ; thích soi mói người khác hơn soi xét bản thân; tìm kiếm giá trị bên ngoài, chứ không tìm chân lý nơi lời dạy của thày (x.Ga 12,5)

          Cứ thế, Giuđa lún dần vào sự hư hỏng và trở thành kẻ phản bội. Sự phản bội của Giuđa không đơn thuần là sự yếu đuối, bởi ông đã chọn theo sự khôn ngoan thế gian. Thứ khôn ngoan dạy những kẻ thuộc về nó những chiêu trò, những lối hành xử cốt để mình sở hữu nhiều hơn, có nhiều quyền lực hơn, vẻ vang hơn. Thứ khôn ngoan làm người ta thích vun vén hơn là cho đi, thấy cái lợi trước mắt hơn là phúc đức lâu dài, chẳng cần nghĩ đến hậu quả tai hại sau này. Đấy là thứ khôn ngoan của Con Rắn xưa, gọi là Satan.

          Satan biết điểm yếu của Giuđa, đã khéo léo cám dỗ mời mọc và ông đã rước nó và lòng. Giuđa đã phản bội Thầy mình.

          Các thượng tế khi ấy muốn giết Đức Giêsu nhưng chưa tìm ra cơ hội, Giuđa đã chủ động tìm tới họ để ngả giá cho việc nộp Người. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.

          Số tiền ít ỏi ấy chẳng đáng là bao, ngang với một tháng lương, bằng một phần mười lọ dầu thơm mà cô Maria đã đổ ra xức chân cho Đức Giêsu. Các thượng tế trả cho Giuđa ba mươi đồng là có ý coi thường ông, coi thường việc phản bội của ông, như thể Đức Giêsu đã nằm trong tay họ, bắt lúc nào là tùy ở họ. Nhưng Giuđa vẫn chấp nhận cái giá rẻ mạt ấy và cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.

          Nếu chỉ với cái giá đó mà Giuđa quyết ý nộp Đức Giêsu cho các thượng tế, ông là kẻ nô lệ cho tiền bạc cách kinh khủng. Nhưng đó là sự thật hiển nhiên và ông không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc đẩy Đức Giêsu đến cái chết.

          Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông. Lương tâm chai lỳ và lòng dạ ngoan cố, khiến ông từ khước những lối thoát mà Đức Giêsu vì yêu thương, đã mở cho ông. Vì thế Đức Giêsu đã đau đớn thở than: “Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra còn hơn”

          đau đớn, nhưng Đức Giêsu thấyđược ý nghĩa của tấn thảm kịch này nằm trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Chúa Cha: Người phải chết để ứng nghiệm lời Kinh thánh; Người chấp nhận cái chết để chứng tỏ mình là Tôi Trung hằng vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Đức Giêsu biết Người sẽ phải trả giá chuộc đời, và trong tư thế chủ động, Người sẵn sàng trả giá ấy, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.

          Dùng từ “khốn” ở đây, Đức Giêsu vừa muốn nhấn đến sự hèn mạt mất nhân cách, sự ô trọc dưới dáng vẻ thanh cao đáng khinh và bị nguyền rủa, vừa cho thấy tai họa nặng nề ,vì “thà nó đừng sinh ra còn hơn.”

          Đức Giêsu cho thấy sự kinh khủng của thứ tội có chủ ý, có dáng dấp bóng hình quỷ dữ. Biết mình đang ủ tội, biết thầy rõ tội mình, nhưng vẫn làm ngơ trước lời kêu gọi của Chúa, vẫn cương quyết thực hiện cho đến cùng.

          Đang khi các môn đệ xôn xao hỏi Đức Giêsu: “chẳng lẽ con sao”, Giuđa cũng trơ trẽn ghé tai thầy với lời lẽ rất trọng vọng: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”  Đức Giêsu trả lời thẳng: “Chính anh nói đó!”

          Trong cơn đại dịch coronavirus nghiêm trọng, những nơi quy tụ đông người bị đình chỉ, kể cả việc cứ hành các thánh lễ. Ai cũng có những cảm nghĩ riêng, đồng tình hoặc bất ưng, nhưng cần xem lại trong tâm hồn mình, có sự vâng phục Hội thánh hoặc chiều theo khôn ngoan con người; có ủ ấp một tham vọng hoặc tiềm tàng một Giuđa tính toán, đặt Chúa vào thế buộc phải thực hiện theo ý mình hoặc loại bỏ Chúa ra vì ý muốn của mình? 

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

407    08-04-2020