Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Sứ vụ Tông đồ của người giáo dân

Công đồng Vatican II dành riêng một chương 4 nói về vai trò người giáo dân trong Hội Thánh. Người giáo dân phải làm cho mọi người nhìn thấy sự hiện diện của Hội Thánh trong môi trường sống của mình.

Sứ vụ Tông đồ của người giáo dân

Vào thời cách nay đã khá lâu, lúc ấy con chỉ mới là một thanh niên  công giáo ,một vợ và ba con. Con cho rằng tuổi này mới chính là tuổi trưởng thành của một con người, được đi đó khắp nơi, được đào tạo nhiều ngành nghề chuyên môn. Con cho rằng mình đã lớn ,có thể làm chỗ dựa cho vợ con  khi một mình đi xây dựng tổ ấm ,dám đưa vợ đến một nơi hoàn toàn xa lạ để lập nghiệp.    

Nói tiếng lập nghiệp cho oai, chứ thật sự là con đi tìm cho mình một con đường sống, bởi vì cha mẹ con nghèo, anh em lại đông, quê hương con đất cày lên sỏi đá ở miền trung. Bởi trong thâm tâm con, một ước mơ đã được nhen nhúm từ khi còn là một thiếu niên. Miền Nam đất rộng người  thưa, may ra mình mang cái bản chất cần cù của người trung để ra đi tìm nguồn sống mới. Duyên trời xui khiến, nơi con đến cũng là một giáo xứ di cư của Giáo phận Xuân Lộc, con chỉ tìm đến ở nơi nào có nhà thờ . Con quan niệm nếu ở xa nhà thờ, xa Linh Mục thì vô phúc lắm, con phải mất 5 năm để tạm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới này. Nói thế có nghĩa là khi con ra đi với hai bàn tay trắng, vợ đang mang bầu sắp sinh, nhà không có, đất cũng không, mọi sự bắt đầu bằng con số không và tấm lòng kính mến Đức Mẹ. Nhưng nếu con không bám vào Mẹ Maria thì con biết bám vào ai bây giờ ! Mất 5 năm ổn định cuộc sống và xây dựng tổ ấm, sau đó con bắt đầu xin gia nhập Dòng Ba Đaminh. Ngày đầu, khi xin gia nhập, con 33 tuổi, tuổi còn rất trẻ. Cha Xứ hỏi con: “Sao anh còn trẻ không vào Liên minh Thánh Tâm với các bạn thanh niên mà lại làm bạn với các cụ già”/ con bèn thưa: “Con sợ khi chung đụng với các thanh niên, mà tính tình mình không tốt, dễ gây bất hòa, mất trật tự / nếu con vào Dòng ba Đaminh, ai cũng đáng tuổi cha chú con, con sẽ không dám gây gỗ với ai”. Tuy thế Cha Xứ vẫn không tin con, vì con là người trung, không phải người bắc, Ngài không dám dùng con, Ngài sợ con là người không tốt, không đáng tin. Con biết Chúa thử con nên con phó thác mọi sự cho Chúa và cứ đợi, đến khi Cha Xứ chấp nhận con thì con được bầu vào ban đại diện huynh đoàn ngay . Sau đó vì thấy con nhiệt thành nên Ngài coi con như cánh tay mặt của Ngài, con đã làm việc trong ban đại diện khoảng 20 năm, từ Xuân Lộc về đến Thị Nghè, con vẫn phục vụ nhiệt tình như thế. Điều này nói lên rằng:  Con là một giáo dân trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm phục vụ trong huynh đoàn lâu năm.

Bước sang lãnh vực đời sống xã hội, con là một doanh nhân nhỏ ,khởi đầu từ số không, hai bàn tay trắng, tính ra kinh nghiệm làm ăn, giao dịch, con đã lăn lộn trong nghề cũng khá lâu . Nhưng con xin bỏ bớt đi những năm tháng khó khăn lúc phải  đấu tranh gầy dựng và nuôi sống thương hiệu, con chỉ lấy con số tròn là 20 năm kinh nghiệm làm ăn, lăn lộn giữa chợ đời. Đến hôm nay nhìn lại cuộc đời mình trên thương trường, con thấy mình tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm quý báu , giúp mình có chỗ đứng trong xã hội, cũng như có chút kinh nghiệm sống đạo của một giáo dân trong lĩnh vực Hội đoàn . Con xin mọi người đừng cười con vì một câu chuyện dông dài như vậy , nhưng thực tế nếu muốn có nhiều kinh nghiệm sống thì phải có một quá trình phần đấu dài lâu chứ không thể chỉ là một sớm một chiều mà có bắng ấy thứ được .

Con nói ra như thế có nghĩa là: Sau cuộc đời bôn ba nhiều nơi, sống ở nhiều cấp độ thượng vàng hạ cám , gặp gỡ nhiều người, giao lưu với nhiều Giáo xứ khác nhau, con có thể rút được nhiều kinh nghiệm khi nhìn vào các anh em sau này đang phục vụ trong các Hội Đoàn. Chính vì có kinh nghiệm nên con có thể dễ dàng nhìn ra những mặt ưu, mặt khuyết của một số ban ngành đoàn thể hôm nay, và con cũng có thể hiểu tại sao công tác Tông Đồ giáo dân vẫn cứ mãi khó khăn không tiến lên được. Vậy thứ gì là rào cản ? Cần gỡ bỏ những thứ nào ?

Vậy con xin mọi người tìm hiểu:

- Công tác Tông đồ giáo dân có quan trọng không ?

- Ơn gọi Giáo dân là gì ?

- Mục tiêu của việc tông đồ giáo dân là gì ?

- Môi trường nào để hoạt động ?

- Hình thức hoạt động như thế nào ?

- Trật tự phải tuân theo và cách đào tạo ?

I. CÔNG TÁC TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG ?

Công đồng Vatican II dành riêng một chương 4 nói về vai trò người giáo dân trong Hội Thánh. Người giáo dân phải làm cho mọi người nhìn thấy sự hiện diện của Hội Thánh trong môi trường sống của mình.

II. ƠN GỌI CỦA GIÁO DÂN LÀ GÌ ?

Hội Thánh được thành lập nhằm mục đích truyền bá nước Thiên Chúa và giúp cho mọi người nhận ra và cùng hiệp thông để nhận lãnh ơn cứu độ; nhờ đó mọi người nhận biết Đức Yesus là Đấng Ki-tô. Trong hội Thánh có nhiều dạng phục vụ : các Giám Mục và các Giáo Sĩ tham gia thánh hóa và cai quản Hội Thánh. Người Giáo dân qua Bí Tích Thanh Tẩy cũng được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả của Đức Kito / giáo dân có bổn phận minh chứng giữa đời bằng việc sống đúng tinh thần phúc âm Kito giáo, họ cũng đang làm việc tông đồ như nắm men ở giữa thúng bột.

III. MỤC TIÊU CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN LÀ GÌ ?

Hội Thánh mang sứ điệp canh tân và cứu rỗi thế giới / giáo dân là công dân của thế trần, họ có bổn phận dùng chân lý Kyto giáo để hướng dẫn mọi người ,cả đạo lẫn đời. Người giáo dân sống giữa đời nên có nhiều cơ hội để làm chứng cho Chúa qua cách sống Tin Mừng của họ và các việc làm phát sinh do đời sống thánh thiện và cách sống bác ái của họ mang lại  / mọi hoạt động của giáo dân phải được dẫn dắt bởi ánh sáng của Tin Mừng và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nhờ ánh sáng đức tin và cách suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để tất cả mọi người đều nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở mọi lúc mọi nơi, hầu giúp cho mọi người nhận ra giá trị đích thực của Nước trời và giá trị thực tế của vật chất trần gian. Người giáo dân phải bắt chước Đức Kito, sống khiêm hạ, hiền lành, không háo danh, chỉ lo tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa, cho nên họ phải nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa qua tha nhân. Vì thế khi họ tặng gì cho người khác thì họ cũng tin rằng: họ đã tặng cho Thiên Chúa. Làm sao để những người chịu trợ giúp đó dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào người khác và có thể sống tự túc . Gương mẫu cho đời sống tông đồ giáo dân chính là hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria.

IV. MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG

Bổn phận người giáo dân là đưa mọi người đến với Hội Thánh, qua việc dạy giáo lý và rao truyền Lời Chúa, quản lý tài sản của Hội Thánh và phục vụ các linh hồn. Thứ đến là môi trường gia đình, chính cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy lẽ đạo cho con cái, giáo dục đức tin cho con em của mình, họ lựa chọn , giới thiệu và nuôi dưỡng ơn gọi. Giáo dân phải đem Tin Mừng gieo vào trong não trạng của các phong tục, tập quán, mọi cơ cấu nơi họ sinh sống. Lòng trung thành của giáo dân cũng là nghĩa vụ công dân đòi buộc họ phải tham gia vào lĩnh vực chính trị để bảo đảm rằng: Kito giáo cũng có tiếng nói chung trong lĩnh vực cộng đồng.*

V. HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Là công tác được thực thi bởi các cá nhân. Hình thức tông đồ này là việc làm chứng nhân của một đời sống Kito hữu bắt nguồn từ đức tin, cậy, mến. Việc làm chứng này hết sức quan trọng ở những vùng mà Hội Thánh bị bách hại / người giáo dân cũng có thể thực thi nhiệm vụ này qua bối cảnh các nhóm hay các hội đoàn, đây cũng là dấu chỉ của sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Đức Kito và Hội Thánh. Các hội đoàn cùng có chung mục đích truyền giáo nhưng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng phải luôn phù hợp với mục tiêu mà Hội Thánh đã đề ra.*

VI. TRẬT TỰ PHẢI TUÂN THEO .

Chương V nói về sự liên hệ giữa giáo dân và hàng giáo phẩm. Bổn phận hàng giáo phẩm là phải hỗ trợ cho giáo dân trong công tác Tông Đồ, phối hợp để mang lại lợi ích chung cho giáo hội. Hàng giáo phẩm phải lo sao cho các chỉ thị của Hội Thánh được thi hành, Hội Thánh phải thực thi thẩm quyền hợp pháp của mình nhưng không gây phương hại đến quyền thành lập và tổ chức những công việc Tông đồ của giáo dân. Sắc lệnh cũng khuyến cáo rằng:  Quyền và bổn phận làm Tông Đồ là quyền và bổn phận chung cho tất cả mọi Kito hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, vì bổn phận xây dựng Hội Thánh, ai cũng có phần vụ riêng của họ. Giáo dân cũng cần hợp tác với những người có thiện chí , cho dù họ ở bên ngoài Kito giáo, mà sắc lệnh thường gợi ý rằng: “ Nên năng động hợp tác ,nhưng phải hết sức thận trọng”.

VII. ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Các nghị phụ dùng chương cuối của văn kiện để bàn cách làm sao đào tạo nhân lực cho Tông Đồ giáo dân cách thích hợp, chương trình đào tạo là một nỗ lực kéo dài suốt đời người và liên tục / việc huấn luyện phải dựa trên sự hướng dẫn của Thánh công đồng. Ngoài việc huấn luyện chung còn phải có những lớp huấn luyện chuyện biệt cho những lớp người có hoàn cảnh và nhân cách khác nhau tùy theo mỗi người / người giáo dân phải học sao để biết cách chu toàn sứ mệnh Chúa Kito mà Hội Thánh đã giao cho ,bằng đời sống đức tin, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần / họ phải được huấn luyện vững chắc về giáo lý, thần học, luân lý, tu đức. Cũng không nên coi nhẹ vấn đề văn hóa và cách thực hành. Việc giáo dục công tác Tông Đồ phải bắt nguồn từ việc giáo dục cho trẻ em, cũng như tập cho các thiếu niên quen với việc Tông Đồ và thấm nhuần tinh thần truyền giáo / cha mẹ lo cho việc khai tâm đức tin / các nhóm giáo dân, các hội đoàn, các giáo xứ cũng cần chuẩn bị chăm lo, giáo dục cho công tác Tông Đồ này. Ngoài ra còn có nhiều phương tiện giúp đào tạo giáo dục về vấn đề này, bao gồm: các đại hội, những buổi tĩnh tâm, hội nghị, sách vở, tạp chí,…. giúp đào sâu kiến thức về Kinh Thánh, về giáo lý, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh, để làm quen với môi trường sống của thế giới, và tìm ra cách áp dụng sao cho phù hợp.

Kết luận:

Cuối cùng, công đồng nhân danh Chúa, mời gọi mọi người giáo dân, đặc biệt là giới trẻ ,tham gia vào công tác này dưới sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Hãy mau mắn quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa Kito để tham gia công tác Tông Đồ giáo dân. Đời sống giáo dân đòi hỏi việc thực hành liên tục: đức tin, đức cậy, đức ái. Hãy tìm Chúa trong Tin Mừng, hãy tìm Thánh ý Chúa trong các biến cố, và hãy nhìn thấy Chúa Kito trong mọi người / hãy sống khiêm hạ, không mưu cầu danh lợi, không màng đến sự khen chê; chỉ chuyên lo làm đẹp lòng Chúa, luôn dám từ bỏ mọi sự vì danh Chúa Kito, chịu sự bách hại vì lẽ công chính, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi họ cần. Lòng yêu Chúa thúc đẩy chúng ta tích cực sống đạo và làm việc thiện, và cố lôi kéo mọi người về với Chúa Kito, chuyên cần học hỏi các giáo huấn của giáo hội để chứng tỏ lòng tuân phục, ngõ hầu chu toàn bổn phận giáo dân cách hết sức hiệu quả.**

Lạy Chúa ,xin ban cho chúng con thứ lửa nhiệt thành. Xin Chúa hãy sưởi ấm lòng chúng con, để chúng con không còn lạnh giá, mê ngủ, u mê, lười biếng , như từ trước đến nay nữa. Xin Chúa hãy đánh thức và làm gì đó cho chúng con mau tỉnh ngủ. Amen.  st

527    13-08-2018