Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Sức mạnh của Lời

Thứ Ba tuần XXII TN  

 

Lc 4, 31-37

 

SỨC MẠNH CỦA LỜI

Thỉnh thoảng Tivi chiếu lại những bộ phim thật về việc trừ quỷ của một số linh mục được Chúa ban ơn đặc biệt. Họ phải rất vất vả và nhiều lần kêu tên cực trọng Giê-su và dùng những nghi thức xua đuổi tà ma mới có thể xua trừ được ma quỷ. Trước khi quỷ xuất ra quỷ thường vật vả, làm hại tới đương sự, thậm chí có thể dẫn đến cái chết. Thế nhưng, Chúa Giêsu trừ quỷ thật uy quyền và mạnh mẽ.

Trang Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay cho thấy quỷ dữ hoảng sợ, và kêu la lên khi thấy Chúa Giê-su, và Ngài quát mắng, ra lệnh và nó để nó tuân phục mà xuất ra khỏi người bị quỷ ám. Lời giảng dạy đầy uy quyền và những phép lạ phi thường của Chúa Giê-su làm cho mọi người trong hội đường đều phải sửng sốt. Chúa Giê-su giảng dạy và hành động không giống như các bậc kinh sư hay bậc thầy nổi tiếng, Chúa Giê-su độc lập và tự do giải thích và ứng dụng luật pháp.  

Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.

Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi".

Ma quỷ biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”

Khởi đầu công cuộc rao giảng, Chúa Giê-su xuất hiện như một Bậc Thầy cao cả, đầy uy quyền không chỉ trong lời nói mà trong những hành động, đến nổi ma quỷ phải khiếp sợ, và Ngài có thể trục xuất quỷ dữ một cách dễ dàng và chúng phải tháo lui, điều đó Thánh Luca cho thấy rất rõ bản tính Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giê-su. Không chỉ đơn thuần Ngài là con bác thợ mộc và bà Maria ở Na-za-rét, mà là Đấng Thánh của Thiên Chúa đang đồng hành và hiện diện giữa loài người.

Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Thánh Gioan đã xác quyết trong khởi đầu Tin Mừng của ngài: “Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể.” Nơi Chúa Giêsu, Lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này,” thì phép lạ liền xảy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.

Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do Thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi.”

Lời là Lời chân thật. Ước gì Lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích của dối trá. Để Lời tuyên xưng vào cuộc sống chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì cuộc sống chúng ta có giá trị nhất.

Con người ngày nay cậy vào trí thông minh, nại đến quyền tự do của mình để can thiệp vào tiến trình sự sống là điều vốn thuộc quyền Thiên Chúa: họ chế tạo ra vũ khí hạch nhân, hoá học giết người hàng loạt; họ cổ võ phá thai, sinh sản vô tính, v.v… Họ không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời họ, không chấp nhận thuộc về Ngài qua việc tuân thủ những chuẩn mực luân lý, đạo đức của Ngài. Trong cuộc sống hằng ngày tôi có hành xử như thế không, khi tôi từ chối sống theo Lời Chúa răn dạy? Khi tôi không đón nhận những điều mà Chúa để cho xảy đến trong cuộc đời tôi? Tôi có phản kháng Ngài như ma quỷ: “Chuyện của tôi can gì đến ông?” hay không?

Cuộc sống của mỗi người trong lòng Giáo hội và xã hội hôm nay vẫn tiếp tục đối diện với những thế lực của những bóng tối, sợ hãi và sự dữ của Satan. Những thế lực của Satan trong bối cảnh hôm nay thật tinh vi, và làm cho ta đôi khi không thể tự chủ và cưỡng lại được. Những lúc này là lúc ta cần tin tưởng tuyệt đối vào uy quyền của Đức Giê-su, hãy để Chúa Giê-su có chỗ trong thâm sâu nhất của con người ta và như thế ta có thể nghe tiếng Chúa mạnh mẽ ra lệnh: “câm đi, hãy ra khỏi người này”

Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sĩ, bác sĩ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở châu Phi. Làm việc không mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố: "Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện.” Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa.

Dựa vào mạnh của Lời Chúa, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại lời nói của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta rất có kinh nghiệm về sức tác động của lời. Lời có thể gây dựng tình yêu hay hận thù; có thể hàn gắn một tình yêu đang rạn nứt hay phá vỡ một tình yêu đang tốt đẹp; lời có thể tạo thành những tình cảm tốt đẹp nhất, mà cũng có thể gây nên những tình cảm xấu xa nhất.

 

Và rồi, từ chính cái sức mạnh vô hình kỳ diệu của lời con người là một sự tham dự vào quyền năng tạo dựng siêu vượt của Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng đã dùng lời để nói với con người và cho con người được dùng lời diễn tả Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa và nói với nhau.

2551    04-09-2017