Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Suy niệm Đàng Thánh Giá 2019

Trong bối cảnh của nạn buôn người đang lan tràn, ĐTC Phanxicô đã ủy thác cho sơ Eugenia Bonetti, một nữ tu chuyên phục vụ trong lãnh vực chống lại tệ nạn này, soạn bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Colosseo năm 2019 này. Bài suy niệm của sơ Eugenia Bonetti sẽ chú trọng đến những đau khổ của rất nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người.

Tiếp nối truyền thống của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, vào lúc  9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh, 19-4, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.

 Các bài suy niệm đàng thánh giá năm nay được ĐTC ủy thác cho Nữ tu Eugenia Bonetti, 80 tuổi (1939) thuộc dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi, chủ tịch Hiệp hội ”Slaves no more”, không là nô lệ nữa, một tổ chức dấn thân chống nạn buôn ngừơi. Chị Bonetti từng là thừa sai tại Kenya bên Phi châu trong 24 năm trời, rồi trở về Roma hoạt động trong nhiều sứ vụ khác, rồi tại Hiệp hội các Bề trên thượng cấp các dòng nữ Italia, đặc biệt dấn thân trong các hoạt động cứu giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Hồi tháng 9 năm 2013, khi gặp ĐTC Phanxicô, Chị xin ngài thiết lập Ngày thế giới suy tư và cầu nguyện chống nạn buôn người, cử hành vào ngày 8-2 mỗi năm.

* Dẫn nhập

40 ngày đã trôi qua từ khi chúng ta chịu xức tro và bắt đầu hành trình mùa chay. Hôm nay chúng ta cảm nghiệm lại những giờ cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, cho đến khi Ngài bị treo trên thập giá và thốt lên ”Mọi sự đã hoàn tất”. Tụ tập tại đây, nơi mà hàng ngàn người trong quá khứ đã chịu chết vì trung thành với Chúa Kitô, giờ đây chúng ta hãy đi lại ”con đường khổ giá” cùng với tất cả những người nghèo, người bị gạt ra ngoài xã hội và những “người bị đóng đinh mới” trong lịch sử ngày nay, nạn nhân sự khép kín của chúng ta, của quyền lực và những luật lệ, của sự mù quáng và ích kỷ, nhưng nhất là nạn nhân con tim trai đá của chúng ta vì dửng dưng lãnh đạm. Đây là một thứ bệnh mà cả chúng ta, các Kitô hữu, cũng bị. Ước gì Thập Giá của Chúa Kitô, dụng cụ chết chóc nhưng cũng là dụng cụ mang lại cuộc sống mới, nối liền trong vòng tay giữa trời và đất, nam và bắc, đông và tây, soi sáng lương tâm của các công dân, lương tâm của Giáo Hội, các nhà lập pháp và tất cả những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô, để Tin Mừng cứu độ đi tới với tất cả mọi người.

 * Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

 Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 7,21)

 ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ”Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai thi hành Thánh Ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.

 Lạy Chúa, có ai biết cách là môn đệ của Chúa cho bằng Đức Maria Mẹ Ngài? Mẹ đã đón nhận Thánh Ý Chúa Cha cả trong lúc đen tối nhất của đời Mẹ, và với tâm hồn tan nát, Mẹ đứng cạnh Chúa. Mẹ đã sinh ra Chúa, cưu mang, bồng ẵm Chúa, nuôi nấng Chúa trong yêu thương và đồng hành với Chúa trong cuộc sống trần thế, Mẹ không thể không bước đi cùng con đường dẫn đến đồi Canvê và chia sẻ với Chúa giờ phút bi thảm và đau thương nhất của Chúa và của cuộc đời Mẹ.

 Lạy Chúa, bao nhiêu bà mẹ ngày nay đang trải qua kinh nghiệm của Mẹ Chúa và khóc thương vì số phận con cái của họ? Bao nhiêu bà mẹ, sau khi sinh con, nay đang thấy chúng đau khổ và chết vì bệnh tật, vì thiếu lương thực, nước uống, không được chăm sóc sức khỏe và không được những cơ may cho cuộc sống và cho tương lai? Chúng con cầu xin Chúa cho những người đang nắm giữ vai trò trách nhiệm, để họ lắng nghe tiếng kêu của người nghèo đang vọng lên tới Chúa từ các nơi trên trái đất. Tiếng kêu của tất cả những người trẻ, qua những cách thức khác nhau, đang bị kết án tử hình vì sự dửng dưng do những chính sách loại trừ và ích kỷ gây ra. Ước gì không một ai trong các con cái của Chúa thiếu công ăn việc làm và những gì cần thiết để có cuộc sống lương thiện và xứng đáng.

 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thi hành thánh ý Chúa:

 - trong những lúc khó khăn và nản chí

 - trong những lúc đau khổ thể lý và tinh thần

 - trong những lúc đen tối và cô đơn

** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác thánh giá

Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 9,23)

 ”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy”.

 Lạy Chúa Giêsu, thật là dễ đeo thập giá ở cổ hoặc treo thập giá như đồ trang trí trên các bức tường của các nhà thờ chính tòa đẹp đẽ hoặc trong các tư gia của chúng con, nhưng không dễ như thế khi gặp và nhận ra những thập giá mới ngày nay: những người không có gia cư nhất định, những người trẻ không có hy vọng, chẳng có công ăn việc làm và không có viễn tượng tương lai, những người di dân buộc lòng phải sống trong các nhà tồi tàn ven các thành phố của chúng con, sau khi đã đương đầu với những đau khổ khôn tả. Rất tiếc là những khu trại ấy, không có an ninh, bị đốt cháy và san bình địa cùng với giấc mơ và những hy vọng của hàng ngàn người nam nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bóc lột và quên lãng. Và rồi bao nhiêu trẻ em bị kỳ thị vì gốc gác của các em, vì màu da hoặc vì giai tầng xã hội! Bao nhiêu bà mẹ chịu tủi nhục khi thấy con cái bị nhạo cười và không được những cơ may như các bạn đồng lứa và cùng trường.

 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã nêu gương cho chúng con bằng chính cuộc sống của Chúa về cách thức biểu lộ tình thương chân thật và vô vị lợi đối với tha nhân, đặc biệt đối với những kẻ thù hoặc đối với những người không giống chúng con. Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần, cả chúng con, trong tư cách là môn đệ Chúa, chúng con đã công khai tuyên bố mình là người theo Chúa trong những lúc Chúa chữa lành và làm phép lạ, khi Chúa cho đám đông ăn no và tha thứ các tội lỗi. Nhưng không dễ hiểu Chúa như thế khi Chúa nói về việc phục vụ và tha thứ, từ bỏ và đau khổ. Xin giúp chúng con luôn biết dùng cuộc sống chúng con để phục vụ tha nhân.

 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con hy vọng”:

 - khi chúng con cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc

 - khi chúng con khó đi theo vết chân của Chúa

 - khi việc phục vụ tha nhân trở nên khó khăn

* Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I

 Trích sách Ngôn Sứ Isaia (Is 53,4)

 Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta”.

 Lạy Chúa Giêsu, trên con đường dốc dẫn lên đồi Canvê, Chúa đã muốn cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối của loài người. Giáo Hội ngày nay sẽ ra sao nếu không có sự hiện diện và lòng quảng đại của bao nhiêu người thiện nguyện, những người samaritano mới của ngàn năm thứ ba? Trong một đêm giá lạnh tháng giêng, trên một con đường ở ngoại ô Roma, 3 thiếu nữ Phi châu, chỉ lớn hơn tuổi niên thiếu một chút, co ro sát đất để sưởi ấm tấm thân nửa trần trụi của họ quanh một đống lửa nhỏ. Vài thanh niên, để giỡn chơi, khi lái xe ngang qua đó, đã ném những vật dụng dễ cháy vào đống lửa ấy, làm cho các thiếu nữ bị phỏng nặng. Cùng lúc ấy có một trong số bao nhiêu đơn vị người thiện nguyện trên đường phố chạy đến cứu các thiếu nữ ấy, đưa họ vào nhà thương để rồi đón nhận họ vào một “Ngôi nhà gia đình”. Bao nhiêu thời gian cần thiết để các thiếu nữ ấy được lành lặn, không những khỏi những vết bỏng nơi chi thể, nhưng cả những đau khổ và tủi nhục với một thân mình bị cắt xén và biến dạng mãi mãi?

 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của bao nhiêu người samaritano mới của ngàn năm thứ ba ngày nay vẫn còn sống kinh nghiệm trên đường đi, với lòng yêu mến và cảm thương, cúi mình trên bao nhiêu vết thương thể lý và tinh thần của những người mỗi đêm sống trong sợ hãi và kinh hoàng của đêm đen, cô đơn và dửng dưng lãnh đạm. Lạy Chúa, rất tiếc là nhiều lần ngày nay chúng con không biết nhận ra ai đang ở trong cảnh túng thiếu, không thấy người bị thương và tủi nhục. Nhiều khi chúng con đòi hỏi các quyền lợi của mình, nhưng lại quên những quyền lợi của những người nghèo và những người rốt cùng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn đừng vô cảm trước những tiếng khóc, những đau khổ, tiếng kêu đau thương của họ, vì qua họ chúng con có thể gặp Chúa.

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương”:

 - khi chúng con dấn thân trở thành những người samaritano

 - khi chúng con cảm thấy khó tha thứ

 - khi chúng con không muốn nhìn thấy những đau khổ của người khác

 ** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 2,35)

 ”Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, để những tâm tư của nhiều người được tỏ lộ”.

 Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ dâng Chúa Hài Đồng Giêsu vào đền thờ theo nghi thức thanh tẩy, cụ già Simeon đã tiên báo cho Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Mẹ. Giờ đây là lúc lập lại lời thưa ”xin vâng” của Mẹ, lòng gắn bó của Mẹ với thánh ý Chúa Cha, cho dù phải tháp tùng Chúa Con đến nơi hành hình, thấy người bị đối xử như kẻ gian ác, tạo nên một đau khổ xé lòng Mẹ.

 Lạy Chúa, xin thương xót quá nhiều các bà mẹ để cho các con gái của họ ra đi, tìm về Âu Châu với hy vọng giúp đỡ gia đình trong cảnh nghèo khổ cùng cực, nhưng rồi các thiếu nữ ấy đã bị nhục nhã, bị khinh rẻ và nhiều khi cả cái chết nữa. Như cô Tina, bị giết chết dã man trên đường lúc mới 20 tuổi, để lại đứa con gái vài tháng.

 Lạy Mẹ Maria, trong lúc này, Mẹ trải qua cùng thảm trạng như bao nhiêu bà mẹ chịu đau khổ vì con cái ra đi đến những nước khác với hy vọng tìm được cơ may có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng đáng tiếc là, họ bị tủi nhục, khinh rẻ và bạo hành, dửng dưng, cô đơn và thậm chí cả cái chết. Xin ban cho họ sức mạnh và can đảm.

 Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con luôn biết nâng đỡ và an ủi, và hiện diện để giúp đỡ:

 - để an ủi những bà mẹ khóc thương cho số phận của con cái họ

 - để giúp đỡ người đã đánh mất mọi hy vọng trong cuộc đời

 - để trợ giúp người hằng ngày phải chịu bạo lực và khinh rẻ

* Chặng thứ V: Ông Simon vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu

 Trích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata (Gal 6,2):

 ”Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”.

 Lạy Chúa Giêsu, trên đường lên đồi Golgotha, Chúa cảm thấy nặng nề và khó khăn khi vác cây thánh giá gỗ thô ráp. Trong vô vọng, Chúa hy vọng có được cử chỉ giúp đỡ của một người bạn, của một người trong những môn đệ của Chúa, của một người trong những người mà Chúa đã giảm bớt đau khổ cho họ. Thật không may, chỉ có một người xa lạ, Simôn thành Kyrênê, vì bắt buộc, đã giúp đỡ Chúa. Ngày nay, đâu là những người thành Kyrênê mới của thiên niên kỷ thứ ba? Chúng con tìm họ ở đâu?

 Con muốn nhớ lại kinh nghiệm của một nhóm các nữ tu với quốc tịch, nguồn gốc khác nhau hiện diện tại Roma hơn 17 năm qua. Vào mỗi thứ bảy, các nữ tu có mặt tại một trung tâm dành cho phụ nữ nhập cư không có giấy tờ, thường là phụ nữ trẻ, đang chờ đợi để biết số phận của họ, giữa việc bị trục xuất và khả năng được lưu lại.

 Chúng con đã thấy bao nhiêu đau khổ, nhưng cũng biết bao niềm vui nơi các phụ nữ này khi họ tìm gặp được các nữ tu đến từ đất nước họ, nói ngôn ngữ của họ, lau khô nước mắt cho họ, chia sẻ những giây phút cầu nguyện, lễ hội, làm cho họ cảm thấy nhẹ bớt những tháng dài giữa song sắt và những con đường bêtông.

 Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho tất cả những người thành Kyrênê trong lịch sử của chúng con. Để họ không bao giờ thiếu mong muốn đón tiếp Chúa dưới những diện mạo của những người rốt cùng trên mặt đất này. Xin cho họ ý thức rằng đón tiếp những người bé nhỏ của xã hội chúng con là tiếp nhận Chúa. Những người Samaritano này là những người lên tiếng cho những người không có tiếng nói.

 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang thập giá của chúng con ”:

 - khi chúng con mệt mỏi và chán nản

 - khi chúng con cảm thấy sức nặng của những yếu đuối của chúng con

 - khi Chúa yêu cầu chúng con chia sẻ những đau khổ của người khác

Chặng thứ 6: Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu

Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 25,40)

”Thầy bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Thầy vậy”.

Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới, không thể đến trường, trái lại các em bị khai bóc lột nơi hầm mỏ, trên các cánh đồng, nơi các vùng đánh cá, nạn nhân của những kẻ buôn người cho việc cấy ghép các cơ phận. Trên các con đường của chúng ta, các em bị sử dụng bị khai thác từ rất nhiều người, trong đó có cả các Kitô hữu, những người đã đánh mất ý nghĩa thánh thiêng của chính mình và của người khác.

 Như một đêm kia tại Rôma, một bé gái với thân thể ốm yếu, bị bắt gặp khi đang ở bên cạnh một chiếc xe sang trọng, và những người đàn ông đang lần lượt khai thác em. Em có thể chỉ bằng tuổi con gái của những người nàyẨSự mất cân bằng này có thể tạo ra bạo lực này trong cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ trải qua sự bất công, ngạo mạn, dửng dưng của những người ngày đêm tìm kiếm và sử dụng các em, và sau đó ném các em trở lại trên những con đường, tiếp tục trở thành những con mồi cho những kẻ buôn người tiếp theo.

 Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho đôi mắt của chúng con trở nên trong suốt để chúng con biết khám phá khuôn mặt Chúa nơi các anh chị em, đặc biệt nơi tất cả các trẻ em nhiều nơi trên thế giới đang phải sống trong cảnh bần cùng, đói khổ. Các trẻ em không có tuổi thơ hạnh phục, thiếu giáo dục, vô tội. Các em là những thụ tạo bị sử dụng như những hàng hóa ít giá trị, bị buôn bán cho những vui thú. Lạy Chúa, chúng con cầu xin lòng trắc ẩn, từ bi thương xót của Chúa cho thế giới bị bệnh này, xin giúp chúng con tái khám phá vẻ đẹp của chính chúng con và của những người khác đó là phẩm giá làm người, là thụ tạo giống hình ảnh của Chúa

 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy”:

 - khuôn mặt của những trẻ thơ đang cầu xin sự giúp đỡ

 - bất công xã hội

 - phẩm giá mà mỗi người mang trong mình và bị chà đạp


Ban Việt Ngữ Vatican News chuyển dịch


436    19-04-2019