Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Tại sao người Công giáo được kêu gọi nhân ái triệt để trong thời đại chính trị này.


Nét nhân cách cốt yếu của Charlie và Jo, là lòng nhân ái triệt để. Họ có 14 người con, trong đó có 7 người họ nhận nuôi, và ba bé bị khuyết tật. Mỗi khi một người con tròn 17 tuổi, họ lại nhận một em 17 tuổi người nước ngoài đến sống với cả nhà trong một năm ở trang trại gia đình tại Avondale, Pa. Những em này là du học sinh đến từ Đức, Phi Luật Tân, Bolivia, Ý, Trung Đông, và Chilê. Cả những người tị nạn từ Hungari, Maroc, và Việt Nam, cũng như các trẻ mồ côi người Mỹ, đều tìm được một nơi yên bình trong mái nhà của họ.

Khi đứa cháu đầu tiên ra đời trong gia đình lớn này, tôi dần thấy người nước ngoài cũng như thân thuộc, toàn cầu cũng như địa phương, và sự đa dạng cũng gần như là sự hoàn hảo.

Chính đức tin hình thành văn hóa gia đình tôi, và là cốt lõi của sự quảng đại và bao dung của ông bà tôi. Năm 1975, họ là những người đi đầu Dự án Ulster, đưa các thiếu niên Công giáo và Tin Lành ở Ireland đến Hoa Kỳ để phát triển tình bạn, nói về các cảm nghiệm và hy vọng cung, đồng thời phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn qua nhiều thế hệ của thù hận và bạo lực. Với sự quảng đại và nồng hậu vô điều kiện, Jo và Charlie là những chiến sỹ của công bằng xã hội và môi trường, là những người mạnh mẽ chủ trương hòa hình, đại kết và đối thoại liên tôn. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi thấy rõ ràng rằng Tin mừng là trung tâm cuộc đời ông bà mình.

Các nữ tu và linh mục từ khắp thế giới thường tìm đến nhà ông bà tôi. Tôi rước lễ lần đầu trong một thánh lễ cử hành tại phòng khách nhà ông bà. Các vị khách dến nhà tôi trao và nhận về mặt vật chất, trí tuệ và thiêng liêng. Chúng tôi thảo luận, đối thoại, cùng thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật, và cả mở tiệc nữa. Trong nhà ông bà tôi, Công giáo đồng nghĩa với lòng bác ái vui mừng và tinh thần hào hiệp của Tin mừng.

Hôm nay, giữa sự bất đồng gay gắt trong nước, trước mối lo lắng tăng cao của những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, và vào một thời kỳ rắc rối chính trị như thế này, thì điều khiến tôi đau lòng nhất chính là sự chia rẽ ngày càng tăng trong giáo hội chúng ta. Người Công giáo không miễn nhiễm với sự chia rẽ chính trị, dù cho đáng ra đức tin phải hiệp nhất chúng ta và đưa chúng ta vượt lên đảng phái. Chúng ta quá thường xuyên phân cực nặng nề, cả về chính trị lẫn thần học, vội vã xét đoán và gán nhãn người ta, hấp tấp lên án và chần chừ đối thoại

Chuyện này phải chấm dứt, nhất là khi chúng ta muốn nghiêm túc thực hiện các đòi hỏi của Tin mừng là phải trở thành những người đem lại hòa giải và hòa bình, xoa dịu đau khổ, tăng cường hy vọng và an ủi tha nhân. Vậy mà chúng ta lại đều đứng bên bờ vực chia rẽ. Tất cả chúng ta cần phải gặp gỡ và đồng hành với những người phía đối lập hơn nữa.

Làm người Công giáo trong thế giới ngày nay, điều khẩn thiết và thiêng liêng nhất, chính là trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Trở nên giống Chúa Kitô, thì ít nhất chúng ta phải nhã nhặn, khiêm nhượng, cởi mở, biết lưu tâm, biết tha thứ, và cảm thương.

Có lẽ chúng ta bất đồng về các chính sách, có lợi cho người này, có hại cho người kia. Nhưng nếu chúng ta tuyên xưng mình là Kitô hữu, thì không thể chối bỏ trách nhiệm của mình là bảo đảm cho mọi người, tất cả mọi người đều được tiếp cận với thức ăn, nhà ở, chăm sóc y tế, công việc, công lý, an toàn và hòa hình. Khoanh tay ngồi yên chính là đồng lõa.

Là một người Công giáo, một người Mỹ, và công dân toàn cầu, cũng như là cháu gái của ông bà Charlie và Jo, tôi nhận ra lời mời gọi khẩn thiết là tìm kiếm hòa giải, tăng cường đối thoại, xóa bỏ nỗi sợ, và biết yêu thương hơn, nồng hậu hơn, nhân ái hơn, đúng như lời dạy Tin mừng.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

 

1572    28-08-2017