Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tại sao phải đến với Mẹ Maria trong khi chúng ta đã có Chúa Giêsu ?

Tại sao phải đến với Mẹ Maria trong khi chúng ta đã có Chúa Giêsu?


 
Cách đây vài năm, tôi có một cuộc thảo luận với một người bạn theo Tin lành về việc người công giáo dâng mình cho Đức Maria. Tôi giải thích rằng về cơ bản đó chỉ là một cách nói theo nghĩa chúng tôi phó thác bản thân cho Đức Mẹ và đặt mình dưới sự bảo trợ của Mẹ để Mẹ có thể dạy chúng tôi nên thánh như Mẹ.

Mary_Jesus.jpg

Để giúp bạn của tôi hiểu rõ điều này, tôi đã dùng một ví dụ về môn bóng rổ. Tôi đã nói rằng nếu bạn muốn trở thành cầu thủ bóng rổ giỏi, thì bạn phải học từ người giỏi nhất. Nếu có thể, bạn nên đến gặp cầu thủ bóng rổ giỏi nhất mọi thời đại, Michael Jordan, anh ấy có thể giúp bạn nhiều hơn bất kỳ ai trên trái đất này.

 

 Tương tự, nếu chúng ta muốn trở nên người thánh thiện hết sức có thể, chúng ta cũng nên học hỏi nơi người tốt nhất. Chúng ta nên học nghệ thuật nên thánh từ người hoàn hảo nhất đã từng bước đi trên trái đất này. Sau đó tôi nói rằng người thánh thiện nhất xưa nay (theo Kitô giáo) đó chính là Đức Mẹ Maria, mà đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội đã giữ cho Mẹ khỏi tội lỗi, dù là nhỏ nhất trong thời gian Mẹ sống ở trần gian. Nhưng lúc đó bạn tôi xen vào nói - đó là Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, điều anh ta nói ngụ ý rằng việc dâng mình cho Mẹ Maria là không cần thiết, vì chúng ta có thể học hỏi từ chính Chúa Giêsu.

 

 Vậy làm thế nào chúng ta có thể trả lời cho kiểu lập luận đó? Nhìn bề ngoài, lập luận ấy có vẻ rất mạnh mẽ. Chắc chắn, Đức Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, cho nên không cần phải động não. Chúng ta nên bỏ qua người trung gian và đi thẳng đến nguồn gốc của mọi sự thánh thiện.

 

 Nhưng nếu chúng ta đào sâu hơn một chút, chúng ta thấy rằng nó thực sự không đơn giản. Để biết lý do tại sao, chúng ta hãy thay đổi chủ đề một chút và nhìn vào những lời giáo huấn trong Tân ước về những người có đời sống thánh thiện mà chúng ta cần noi theo. Nhiều đoạn văn nói với chúng ta rằng chúng ta nên bắt chước Chúa Giêsu – chẳng hạn như Ga 13:34; 1Pr 2:21 -, vì vậy theo logic lập luận của người bạn đó thì chúng ta không nên lấy các thánh tông đồ làm gương. Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo về sự thánh thiện, vậy việc gì chúng ta phải nhìn vào bất kỳ ai khác?

 

 Một lần nữa, điều đó nghe qua có vẻ thuyết phục nhưng nó không giống như điều Kinh thánh nói. Chẳng hạn thánh Phaolô thường bảo các độc giả của ngài hãy bắt chước ngài (1 Cor 4,16, Phil 3,17; 2Tx 3,7-9), và trong đoạn khác ngài còn nói: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1Cor 11,1). Phaolô không chỉ nói với những người con thiêng liêng của mình hãy noi gương ngài cách chung chung, mà ngài còn bảo họ hãy bắt chước ngài trong khi họ có thể nhìn vào Chúa Giêsu cách dễ dàng.  Ngay cả khi đang bắt chước Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng bảo mọi người hãy bắt chước ngài hơn là nhìn vào mẫu gương mà ngài đang noi theo.

 

Điều này không có nghĩa là thánh Phaolô không khuyến khích mọi người lấy Chúa Kitô làm gương mẫu. Trái lại, ngài nói rõ với các độc giả của ngài rằng họ nên làm điều đó (Phil 2, 5, Col 3,13), vì vậy quan điểm của ngài không phải là bắt mọi người bắt chước mình thay vì bắt chước Chúa Giêsu. Đúng hơn, mọi người nên bắt chước ngài cùng với Chúa Giêsu. Thực vậy, chúng ta có thể nói rằng, Phaolô muốn các độc giả của mình bắt chước Chúa Giêsu cách chính xác bằng cách bắt chước ngài.

 

 Và tại sao lại như vậy? Nói cách ngắn gọn, Thiên Chúa không muốn chúng ta tập trung nhìn vào Ngài để rồi chúng ta không còn thấy ai nữa. Ngài không chú tâm đến chúng ta theo kiểu riêng biệt đến nỗi chúng ta trở nên độc lập về mặt thiêng liêng với phần còn lại của Giáo hội. Không, giống như Ngài đã tạo dựng loài người chúng ta theo cách mà chúng ta cần nhau để tồn tại về mặt thể lý, thì Ngài cũng muốn chúng ta lệ thuộc vào nhau về mặt thiêng liêng. Mặc dù Chúa Giêsu có thể là mẫu gương thánh thiện duy nhất của chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta nhìn lên người khác.

 

 Và lấy nguyên tắc tương tự làm nền tảng cho việc chúng ta dâng mình cho Mẹ Maria. Chắc chắn, chính Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi sự thánh thiện, là thầy dạy của đời sống thiêng liêng, nhưng Ngài không muốn chỉ mình Ngài đóng vai trò đó. Thay vào đó, Ngài muốn chia sẻ điều đó với con cái của mình; Ngài muốn chúng ta học từ người khác.  Cụ thể hơn, chúng ta có thể nói rằng Ngài muốn dạy chúng ta qua mẫu gương và sự dạy dỗ của người khác.

 

 Vì vậy ý tưởng cắt bỏ người trung gian và bỏ qua Đức Maria thực sự mâu thuẫn với tinh thần của Tân ước. Chắc chắn tự Thiên Chúa có thể trực tiếp dạy chúng ta, nhưng Ngài chọn cách dạy và hướng dẫn chúng ta qua những người khác. Giờ đây, “người khác” tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể phó thác đó chính là Đức Maria, vì vậy thật hợp lý khi chúng ta dâng mình cho Mẹ và đặt mình dưới sự chở che của Mẹ để Mẹ có thể dạy chúng ta nên thánh giống như Mẹ.

 

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

1760    01-03-2021