Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Tâm hồn biết ngợi khen

22 tháng 12

 1 Sm 1, 24-28; Lc 1, 46-56

TÂM HỒN BIẾT NGỢI KHEN

          Thời gian trôi qua nhanh quá ! Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh.

          Quả thế ! Đó là một niềm vui mà không chỉ được gói gọn ở trong một gia đình, một giáo xứ, hay một quê hương nào đó, nhưng là trên toàn thế giới. Niềm vui Giáng Sinh về là niềm vui khi Con Thiên Chúa đến làm người và ở giữa chúng ta, là niềm vui khi được Thiên Chúa hóa thân thành xác phàm để trở nên phận người nhỏ bé như chúng ta. Và niềm vui đó đã được chính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa cảm nhận một cách chân thực nhất qua bài Magnificat mà Mẹ đã thốt lên để tôn vinh Thiên Chúa như Lời Chúa của ngày hôm nay.

          Mẹ đã ca ngợi sự trung thành của Thiên Chúa trong việc giữ lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Nếu trong Vườn Địa Đàng, con người phạm tội và Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế đến, thì hôm nay, Đấng mà muôn dân mong đợi đã đến trong cung lòng Mẹ, Ngài sẽ cứu chuộc Israel và muôn dân....

          Mẹ vui mừng hớn hở ca khen Thiên Chúa trong sự khiêm nhường, đơn sơ chân thật và biết ơn của một cô gái thôn quê: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” 

          Lời lẽ trong bài ca Ngợi khen phản ảnh một tâm hồn luôn mở rộng đón nhận ân sủng Thiên Chúa cũng như sự thánh thiện và khiêm nhường của Mẹ. Lời kinh cho ta thấy rõ tâm trạng hạnh phúc vui mừng của Mẹ, là trọn tâm tình tạ ơn và ngợi khen của Mẹ, người “có phúc” vì “đã tin”. Đức tin của Mẹ đã tóm tắt lại tất cả những gì Kinh Thánh nói cho ta biết về Thiên Chúa và Mẹ đã dệt thành Một bài ca mới, là lời kinh tuyệt mỹ. Những yếu tố như phản ứng của mẹ con bà Êlisabeth, ân sủng của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Mẹ Maria, tất cả đều được nêu cao để giúp ta hiểu tột đỉnh của ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ. Lòng trí và trái tim của Mẹ luôn hướng về Trời Cao với sức hút từ tình yêu trong lòng tin. Mẹ luôn khiêm nhường, làm theo ý Chúa và phục vụ tha nhân, cụ thể trong cuộc thăm viếng hôm nay.

          Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy người ta chỉ có thể có được những tâm tình tri ân và cảm tạ chân thành đối với Thiên Chúa cũng như với tha nhân, khi xác tín được rằng tất cả những gì mình là và mình có đều là của Thiên Chúa ban cho, trực tiếp hay qua tha nhân, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Sm 1, 24-28: ở đây, cho thấy cơ sở của niềm tri ân và cảm tạ của bà Anna, người đàn bà hiếm muộn, vô sinh, tuổi đã xế chiều mà lại được sinh con, chính là xác tín rằng Samuen không phải là con “của” vợ chồng bà, mà là “của Đức Chúa ban cho” …

          Kế đến, tathấy trong Lc 1, 46-56 : ở đây, cho thấy cơ sở của niềm tri ân và cảm tạ của Đức Maria chính là xác tín rằng tất cả những gì Mẹ “có” và “là” đều là những ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ, đặc biệt, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, do Mẹ cưu mang và sinh ra…

          Niềm vui Giáng Sinh về là niềm vui khi Con Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta. Ngài đã đến để mang lấy thân phận con người, và hơn hết, Ngài cũng vui khi được mang lấy phận người để yêu thương, để chia sẻ và để cảm thông với kiếp người. Thiên Chúa đã yêu thương con người, một tình yêu vượt biên giới, một tình yêu không khoảng cách đã làm cho con người mang lấy một phẩm giá mới, phẩm giá của con cái Thiên Chúa.

          Lời ngợi khen mà Mẹ Maria cất lên là lời ngợi khen của niềm vui khi Mẹ có Chúa ở cùng, không chỉ là một sự hiện diện thể lý trong cung lòng của Mẹ, nhưng còn trong chính sâu thẳm tâm hồn của Mẹ. Sự hiện diện đó làm cho Mẹ hoan hỷ và chan chứa niềm bình an, hạnh phúc.

          Thế nhưng rồi sau khi cảm nhận được sự yêu thương của Thiên Chúa, Mẹ cũng nhìn thấy được chính phận người của mình, và dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho Mẹ. Mẹ không khoe khoang kiêu kỳ vì sự yêu thương đó, nhưng Mẹ đón nhận trong sự khiêm nhường, sự khiêm nhường khi đứng trước tình yêu của Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn”. Quả thực, khi có Thiên Chúa ở cùng thì không có gì quý giá hơn, cao trọng hơn. Nhưng cũng từ đó để con người biết nhìn thấy sự nhỏ bé thấp hèn của mình trước tình yêu cao vời của Thiên Chúa mà biết sống tâm tình tạ ơn và khiêm nhường sâu thẳm.

          Không chỉ thế, niềm vui khi có Thiên Chúa ở cùng là niềm vui hoan ca để trao ban và chia sẻ cho người khác. Chính Mẹ Maria đã sống niềm vui đó và cũng đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa để cho mọi người của muôn thế hệ biết ca khen Thiên Chúa. Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ cũng muốn Thiên Chúa ở cùng tất cả mọi người. Niềm vui cần được chia sẻ, niềm vui cần được đến với người khác, có như thế thì niềm vui mới lan tỏa nơi sức sống của mọi người. Đón Chúa đến trong mùa Giáng Sinh là đón niềm vui nơi gia đình và xứ đạo của mình, nhưng đồng thời cũng biết đem niềm vui đó đến cho mọi người qua những cử chỉ, những lời nói và những hành động trao ban. Có như thế thì Hài Nhi Giêsu mới có thể mỉm cười và ấp áp trong đêm mà Ngài đến với con người.

          Bài Magnificat là bài ca tụng những kỳ công lạ lùng của Thiên Chúa đã làm để cứu chuộc nhân loại. Những sự lạ lùng của thời Cựu Ước như việc tạo dựng vũ trụ (St 5, 9), phép lạ Xuất hành (Xh 3, 24), việc ban hành lề luật. Đó là những kỳ công Chúa đã làm vv...(Tv 119,18), nhưng ở nơi Đức Maria, Thiên Chúa còn làm những điều cao cả hơn nữa: Người đã cho Đấng Cứu Thế sinh ra làm người.

          Mẹ Maria đã thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”, với phận người yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã đoái thương đến sự “nhỏ bé” để rồi Ngài nâng lên làm con cái của Ngài. Đó chẳng phải là một ân ban, một niềm vui khi có Thiên Chúa ở cùng hay sao. Chỉ khi có Thiên Chúa ở cùng, thì tâm hồn và cuộc đời mới có được niềm vui và ý nghĩa sống đích thực. Chúng ta có thể có những hang đá lộng lẫy, có sự trang hoàng rực rỡ màu sắc, nhưng nếu chúng ta không có Chúa đến và ở trong tâm hồn mình, trong cộng đoàn mình thì tất cả những thứ đó đều vô nghĩa.

          Cất cao lời tạ ơn Chúa còn giúp cho chúng ta nhận ra mình yếu đuối và đang được Thiên Chúa thương yêu. Đồng thời cũng bày tỏ lòng sám hối, biết ơn với Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành.

          Ta cần phải biết nhạy cảm để khám phá ra những kỳ công lạ lùng của Thiên Chúa nơi vũ trụ vạn vật, nơi xã hội và con người, nơi Hội Thánh, nơi những Kitô hữu, nơi chính bản thân mình để ca tụng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

 

 

1454    20-12-2018