Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tâm hồn khao khát Chúa khôn nguôi

 

Chúng ta bị ném vào cuộc sống điên cuồng xuất phát từ tình trạng không toàn thiện của mình. Chúng ta thức dậy, đi vào cuộc sống căng thẳng, quay cuồng, nhục dục, đầy dục tính, và với một tâm trạng bồn chồn xôn xao.

Lạ lùng thay, chính căn bệnh này lại là sức mạnh quan trọng nhất của cuộc sống. Nó là động lực của tình yêu và, một cách căn bản, chúng ta được hình thành bằng tình yêu, nhưng lại bị  biến dạng vì các lệch lạc của nó.

Shakespeare gọi đây là “những xung động bất tử” và các thi sĩ, triết gia, nhà thần bí luôn luôn nhận ra rằng, trong khao khát này, đây là tiếng vọng của bất tử.

Tôn giáo bao phủ khát vọng này bằng chay tịnh và thần bí.

Cuối cùng thì người ta thấy trong tâm trạng bồn chồn đau đớn này, chẳng có gì khác hơn là lòng khát khao Thiên Chúa trong chúng ta. Thánh Âu-tinh đã thấy đúng vấn đề và đã giải thích loại tình yêu này bằng một câu rất đúng: “Chúa đã dựng nên con, lạy Chúa, tâm hồn con chưa yên nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa.”

Nỗi khao khát hiểu theo tính cách tôn giáo là: Thiếu một chiếc xương sườn, ông A-dong khao khát bà Ê-va, đàn ông và đàn bà, đàn bà và đàn ông khao khát được hiệp nhất trong Chúa và trong nhau. Đây là nỗi khao khát cao cả, ái tình là ngọn lửa thiêng trong chúng ta, ngọn lửa từ chiếc đe của Chúa giam hãm trong chúng ta như con chim chiền chiện trong lồng, hót tiếng hót bất an vô vọng!

Dưới ánh sáng của tình trạng day dứt thiêng liêng này, chúng ta sống như người hành hương trong thời gian, khát khao có được sự toàn thiện trong cái vương quốc không bao giờ toàn thiện của thế giới này, mắc kẹt, theo ngôn từ của Karl Rahner, “trong nỗi day dứt của tình trạng không có đủ những thứ có thể đạt được, không hoàn tựu, nhưng lại biết trong cuộc đời này mọi bản nhạc đều chưa hoàn tất.”

Như thế, chúng ta theo đuổi nhau, ôm lấy nhau, yêu thương nhau, ghì chặt nhau để hướng đến một chân trời bất tận, dưới biểu tượng một hàng rào chắn mênh mông. Tình yêu, thần tượng lãng mạn, dục tính, đam mê đều là những chuyện thiêng liêng, được khiết tịnh và thần bí bao phủ.

Ngày nay hàng rào chắn này thấp hơn, thần bí và khiết tịnh ít thấy rõ hơn. Chúng ta không còn ghì chặt nhau để hướng đến chân trời bất tận, chúng ta không còn xem nỗi bứt rứt xao xuyến là hình thức diễn tả ước muốn siêu việt của chúng ta nữa.

Thường thường, chúng ta lại coi thường ước muốn này, biến nó thành một cái gì  cụ thể hơn. Từ nay, nó là nỗi khát khao có được cuộc sống tốt đẹp, làm tình giỏi, thành công, có những gì người khác có, có những chuyện dịu ngọt nho nhỏ của cuộc sống.

Không có gì là thần bí trong những chuyện này. Nhà triết học Platon, trong quyển sách Buổi Tiệc, mô tả các môn sinh ngồi xếp vòng: “Họ kể những câu chuyện thần tiên về ý nghĩa nỗi khát khao của họ.” Các nhà thần bí, trong các bài viết nói đến khát khao sâu xa được kết hợp với nhiệm thể Đức Ki-tô.

Ngày nay chúng ta hiếm khi ngồi lại với nhau và kể những câu chuyện thần tiên nói lên lòng khát khao, và, thường, cũng ít khi nói chuyện với nhau về nỗi day dứt được hoàn tựu trong nhiệm thể Đức Ki-tô.

Đa số các câu chuyện của chúng ta đều xoay vào các khát khao cụ thể. Nhận thức chúng ta có về chính mình ít mang lại cho chúng ta niềm tin rằng các day dứt và khát khao của chúng ta có tính huyền bí. Chúng ta không quen viện đến các từ ngữ cao cả, các biểu tượng của chúng ta thấp hơn.

Chúng ta lượng định rằng, các day dứt, khát khao của chúng ta ngắm đến những gì chúng ta có thể đạt đến ở đây và bây giờ: thành tựu, thành công, tình dục, tình yêu và khoái lạc hữu hạn.

Tất cả những chuyện này chẳng có gì là xấu, ngoại trừ, rốt cùng, nếu chúng ta để chúng giới hạn các ước muốn sâu đậm nhất thì khi đó chúng ta sẽ kết thúc trong thất vọng. Cuối cùng, chúng ta không còn tin mình có khả năng tìm lại được tính hợp nhất nguyên thủy trong vòng ôm của người khác, trong tương lai con cái hay trong chiêm nghiệm Thiên Chúa. Chúng ta không vươn lên cao. Chúng ta tầm thường hóa nỗi khao khát của mình.

Chúng ta không còn thấy trong nỗi khao khát day dứt thiên bẩm, linh thiêng, được Thiên Chúa khắc ghi này là bàn đẩy, đẩy chúng ta về vô tận nữa. Nó chỉ còn là một xung động quen thuộc, được chế ngự, vô cảm và điên cuồng. Chúng ta bứt rứt trong mệt mỏi (làm hao mòn sức sống) và không theo cách thiêng liêng (cái cho chúng ta năng lực).

Vậy thì chúng ta nên tự hỏi: Chúng ta là loại người tình nào?

Liệu chúng ta vẫn ném mình vào cuộc sống bằng một cơn điên cuồng, cơn điên làm chúng ta cảm nhận được tính tham lam quá độ của tâm hồn chính là lời kêu mời cho một tình yêu không bờ bến? Liệu chúng ta còn nhìn thấy mình đang theo đuổi nhau, ghì chặt nhau và yêu thương nhau trong chân trời vô tận? Liệu chúng ta có ý thức mình đang gặp nhau trên phần đất thiêng liêng, với tất cả thần bí và khiết tịnh mà tất cả điều này muốn bao gồm?

Hay là, chúng ta tin rằng cuộc đời tốt nhất không cần phải có thần bí, lãng mạn cao cả, ái tình cao cả, khiết tịnh cao cả? Liệu chúng ta còn kể cho nhau nghe những câu chuyện thần tiên về ý nghĩa các khát khao của chúng ta hay chúng ta ngăn cản nhau để đừng nhìn cao hơn?

Liệu chúng ta có khóc với nhau để khích lệ nhau trước sự bất mãn của tình trạng không toàn thiện của mình hay chúng ta cố gắng thuyết phục nhau, nếu cuộc sống chúng ta không toàn thiện, nếu bản nhạc chúng ta dang dỡ vì chúng ta có vấn đề?

Liệu chúng ta có dâng nỗi khao khát và tình trạng trống rỗng của mình lên Thiên Chúa hay chúng ta sẽ đòi hỏi cuộc sống phải cho chúng ta ngay ở đây, lúc này, bản nhạc toàn mỹ?

Liệu chúng ta có đón nhận với tình thương và lòng biết ơn tinh thần cuộc sống, dù cuộc sống căng thẳng, hay chúng ta sẽ sống trong sân hận ghen tương?

Tình thương chúng ta có hướng đến một chân trời vô tận hay chỉ hướng đến các dịu ngọt nho nhỏ của cuộc sống?

Chúng ta là loại người tình nào?

Nguyễn Kim An dịch

772    24-03-2019