Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Tâm sự đời tu của tôi và nghề dạy học

Khi còn ở giáo xứ, tôi đã được nhìn thấy những hình ảnh dấn thân, phục vụ thiếu nhi của các Cha, các Thầy Dòng Donbosco. Nhìn thấy các thầy hăng say với sự vụ như thế, tôi đã thắc mắc và hỏi một thầy: Thầy ơi sao thầy lại đi tu? Thầy cười thật tươi và nói rằng: nếu ai cũng lập gia đình và chỉ lo cho gia đình của mình thôi thì những người nghèo khổ, những trẻ em đường phố sẽ ra sao? Vì thế Thầy đi tu để có thể tự do phục vụ, để có thời gian lo cho những con người bất hạnh đó. Quả thực những hình ảnh thật đẹp nơi các Cha các thầy đã để lại trong tôi nhiều thao thức, và thế là từ đó tôi cũng muốn trở thành cánh tay nối dài của Chúa, muốn trở thành thợ gặt lành nghề để dấn thân phục vụ cho cánh đồng lúa chín vàng bao la của Chúa.

Khi biết tôi có ước vọng đi tu, ba của tôi đã hướng cho tôi học ngành mầm non. Ba tôi nói: ba thấy các Dì hay dạy các em bé, nên con hãy theo học ngành này để con có thể cùng với Quý Dì thi hành sứ mạng giáo dục cho các em nhỏ. Vì thế, vâng lời ba nên tôi đã chọn học ngành giáo dục mầm non.

Từ ngày bước vào Nhà dòng, tôi trở nên gắn bó với nghề giáo và môi trường giáo dục trẻ mẫu giáo đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của tình thầy trò thật thân thương, gần gũi. Tôi ấn tượng nhất khi tôi dạy lớp mầm, nhìn những ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên trong sáng của các bé 3 tuổi, tôi cảm nhận bàn tay Thiên Chúa thật diệu kỳ. Tôi nghĩ rằng không gì có thể mua được ánh mắt trong sáng đó, nó lung linh và huyền diệu làm sao.

Tôi yêu quý tất cả những thiên thần bé nhỏ Chúa đã gửi đến cho tôi chăm sóc, tôi niềm nở đón tiếp, và ân cần chăm sóc giáo dục các bé như người mẹ với tất cả tình yêu thương mà Thiên Chúa đặt để trong trái tim tôi. Khi nói chuyện với các thiên thần nhí tôi phải quỳ xuống để có thể vừa tầm với trẻ vì tôi hơi cao.

Trong lớp, có một cháu đã gây cho tôi nhiều sự chú ý ngay ngày gặp đầu tiên khi bé đến lớp. Cậu bé ấy 3 tuổi, ngày đầu đến lớp không hề rớt một giọt nước mắt nào nhưng chạy xung quanh lớp để lấy những đồ chơi trên kệ và chỉ chơi một mình, không cần quan tâm ai bên cạnh, ánh mắt của bé không bao giờ nhìn thẳng vào tôi khi tôi nói chuyện với cậu bé. Bên cạnh đó mẹ của bé có cho tôi biết một số biểu hiện của bé ở nhà như: chưa biết nói, rất hiếu động, hay giận hờn, thích làm theo ý mình… Bé chỉ biết nói chữ mẹ nên khi vào lớp bé gọi tôi là mẹ, còn ở nhà thì gọi mẹ và bà nội là mẹ. Bên cạnh đó bé cũng “cục tính”, khi không vừa lòng điều gì thì hất luôn bàn ghế và ngồi xuống đất ăn vạ và “tè dầm” trong quần luôn.

Với những biểu hiện bên ngoài như thế tôi dần dần tiếp cận và quan tâm đến cháu nhiều hơn. Tôi cũng luôn trao đổi với mẹ của cháu về tình hình trên lớp, còn mẹ thì cho biết những biểu hiện ở nhà. Nhờ sự trao đổi và cộng tác của cô và mẹ mà cháu đã có những tiến bộ từng ngày.

Ngoài những giờ dạy các bé như chương trình, tôi cũng dành thời gian để dạy riêng cho cháu qua những dụng cụ trực quan hình ảnh như thẻ số, thẻ các hình ảnh theo từng chủ đề để tập cho bé nói, qua những đồ chơi lắp ráp tôi dạy màu sắc cho bé. Khi tiếp cận và hiểu được bé, tôi nhận ra bé có rất nhiều điểm son cần phát huy. Điểm đặc biệt là bé rất thích học, khi nào đến tiết tạo hình là bé chạy thật nhanh về chỗ ngồi để chờ đợi cô phát vở cùng với ánh mắt háo hức muốn tô màu, bé rất thích tô màu và khả năng tập trung rất cao, khi nào tô xong mới chịu đứng lên. Bên cạnh đó tôi khám phá ra bé rất thích về lãnh vực phát triển thể chất, thích được gọi lên làm mẫu, thích được khen ngợi. Bên cạnh đó tôi cũng giúp bé biết làm những công việc tự phục vụ, bé có trí nhớ tốt và rất cẩn thận, xếp ly Inoc nhưng không bao giờ nghe tiếng động, bé rất để ý và nhẹ nhàng. Bé thích làm việc, thích giúp cô chuẩn bị bàn ăn.

Qua một năm học, với tình thương và sự quan tâm, tôi thấy bé thật sự tiến bộ rất nhiều. Bé đã nói nhiều hơn, hòa đồng với các bạn trong lớp. Bé rất thương hai cô trong lớp của mình. Mặc dù bé lên lớp chồi nhưng khi nhìn thấy hai cô, với gương mặt vui tươi hớn hở bé liền chạy đến để ôm chầm lấy hai cô rồi mới về lớp mình để học.

Qua sứ vụ giáo dục, tôi cảm nhận rằng dù các cháu có như thế nào thì bằng tình thương thật sự, ta sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào. Vì người ta thường nói ‘tình yêu có nhiều sáng kiến”. Niềm vui của tôi là nhìn thấy các cháu lớn lên từng ngày trong sự yêu thương. Tôi ước mong các cháu được hấp thụ những dưỡng chất tình thương trong cuộc đời để sau này tình thương ấy được lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Nt. Thanh Hương

574    22-11-2019