Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (4/4)

 

Trong một ẩn dụ hùng hồn, thánh Phaolô đã tóm lại quan điểm Tân Ước về tâm trạng cô đơn cách thích đáng. Trong thư gởi tín hữu Côrintô chương13, ngài viết: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương (như qua tấm kính tăm tối), mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.”

Điều thánh Phaolô thực hiện ở đây đối chiếu cách chúng ta sống và yêu hiện giờ với cách chúng ta sẽ sống và sẽ yêu thương khi Nước Thiên Chúa được thiết lập trọn vẹn. Giờ đây, trước khi chết, chúng ta sống và yêu như “qua tấm kính tối tăm.” Đời sống của chúng ta sống trong một màn sương mù vô thực, với những huyễn hoặc nào đó, với một tâm trạng cô đơn nào đó. Chúng ta không bao giờ nhìn được Thiên Chúa, tha nhân, và hiện thực đúng như bản chất (“mặt đối mặt”), nhưng chỉ nhìn thấy các phản ảnh nào đó mà thôi, cũng như chúng ta thấy hình ảnh trong tấm gương vậy. Do đó, chúng ta luôn tách rời phần nào khỏi tất cả mọi thứ khác, sống phía sau một tấm màn và phải lựa chọn trong một màn bí ẩn để cố gặp được Thiên Chúa và tha nhân cho trọn vẹn. Chỉ sau cái chết, tấm màn này mới được dỡ bỏ hoàn toàn. Rồi chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa, mặt đối mặt. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hoàn toàn hết cô đơn.

Hình ảnh này, thánh Phaolô đã rút ra từ một hình tượng cũ trong sách thánh Do Thái, cụ thể là chủ đề xuyên suốt về dung nhan Thiên Chúa. Trong sách thánh Do Thái, Thiên Chúa luôn luôn là Đấng ở sau tấm mạng, phần nào ẩn giấu. Không một ai đã từng được tận mắt thấy Thiên Chúa. Sách thánh cũng đưa ra ý niệm rằng không một ai có thể nhìn vào dung nhan Đức Chúa mà còn sống.

Chủ đề về dung nhan Thiên Chúa cùng phát triển với sách thánh Do Thái. Khởi đầu, ở một điểm nhất định, không chỉ nói đến tấm mạng của đức tin ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, mà còn về sự kiện rằng, là một con người, chúng ta sống đời sống của mình trong một bí ẩn nào đó, phía sau tấm màn phần nào ngăn cách chúng ta với tất cả những gì hữu thực và kềm giữ chúng ta trong cô đơn: “Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy nhan thánh!” Về mục đích, thật sự là họ đang nói: “Lạy Chúa, xin rũ bỏ bí ẩn, tháo bức màn, và tấm gương vô thực, cho chúng con thấy nhan Ngài và thấy những người khác! Xin hãy đẩy lùi tâm trạng cô đơn ra khỏi chúng con!”

Sách thánh Do Thái kết thúc với: “Chúng ta tìm gặp nhan thánh Ngài ở đâu?” “Ai có thể thấy được Thiên Chúa mặt đối mặt?” Nhưng những câu hỏi này không mang tính thần học chính yếu, không phải là “Thiên Chúa như thế nào?” hay thậm chí là “Ai có nhiều cơ may được lên thiên đàng nhất?” Cũng không đơn thuần là một lời gọi đức tin: “Lạy Chúa, xin giữ gìn đức tin của con!” Không, cuối cùng đó là một câu hỏi hiện sinh, đến từ nỗi đau của quả tim cô đơn đang nói với Thiên Chúa rằng chúng ta phải làm sao để xuyên phá nỗi cô đơn mà chúng ta đang phải sống, và xuyên phá màn sương vô thực ngăn cách chúng ta khỏi Ngài và khỏi tha nhân. Làm sao để chúng ta hoàn toàn không còn cô đơn nữa?

Trong bài giảng nổi tiếng nhất của Ngài, Chúa Giêsu đã giải đáp cho câu hỏi đó bằng: “Phúc thay những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Những lời này phải được hiểu theo một nền tảng nhận thức cụ thể. Các thính giả Do Thái của Chúa có được mối liên kết đó – rằng khi chúng ta xuyên cắt được bí ẩn đời sống, chúng ta sẽ phá được màn sương mù của cô đơn, gặp được Thiên Chúa và tha nhân mặt đối mặt, chừng nào chúng ta có được quả tim tinh tuyền. Trọn vẹn đời sống Kitô hữu (thời xưa gọi là “đời sống tâm linh” và ngày nay gọi là “linh đạo”) không gì hơn điều này, một nỗ lực để gạt đi những bức màn và tấm gương, những bí ẩn và bức tường, những rào cản và bóng tối, nỗi sợ và huyễn hoặc, mã ngoài và màn sương mờ mịt, ích kỷ và vô thực ngăn cách chúng ta khỏi Thiên Chúa và tha nhân. Đời sống Kitô hữu là một nỗ lực để xuyên phá màn sương vô thực, gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân mặt đối mặt. Đến khi điều này xảy đến trong đời sống chúng ta, chúng ta được bước vào vương quốc của Thiên Chúa và vào thông hiệp sự sống, điều sẽ cuốn trôi tất cả những nước mắt và đẩy xa nỗi cô đơn hoàn toàn. Đến khi điều này xảy đến trong đời sống, chúng ta bắt đầu đạt được thiên đàng đã được hứa cho chúng ta.

Tôi muốn minh họa ý tưởng tổng thể này trong cách thức hiện sinh hơn bằng hai bộ phim của nhà làm phim Thụy Điển Ingmar Bergman: Qua tấm kính tối tăm (Through a Glass Darkly) và Mặt đối mặt (Face to Face). Từ tiêu đề, chúng ta thấy rõ rằng hai bộ phim này nói đến các ẩn dụ dễ hiểu về điều mà thánh Phalô đã nói trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, chương 13.

Bộ phim Qua tấm kính tối tăm minh họa hiện sinh về điều nằm trong đời sống “giống như qua tấm kính tối tăm” Theo cách riêng của mình, bộ phim này cũng giống như thánh vịnh cổ xưa, nài van: “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy nhan thánh Ngài!” Tâm điểm câu chuyện phim là bí ẩn sự sống. Bốn nhân vật của Bergman – Karin, Martin, David, và Minus – bị giới hạn với nhau trong một gia đình, và họ cố gắng tuyệt vọng để chạm đến và yêu thương nhau, nhưng họ đã không thực sự làm được. Mỗi người bị mắc bẫy trong thế giới riêng của mình, trong một cái tôi cô đơn phía sau các rào chắn ngăn cách người này người kia, và như thế với đời sống nói chung. Karin, là người có vấn đề nhất, chịu một chứng suy tâm thần mãn tính làm cho cô mất liên hệ với thực tế và trở nên bị giam hãm trong bóng đêm của kinh hoàng sợ hãi, mộng mị và ảo tưởng. Nỗi đau và những đấu tranh của cô để chạm đến được người khác và được liên hệ với hiện thực cũng là kiểu mẫu của đấu tranh nơi mỗi người chúng ta. Suy thoái tâm thần của cô là biểu trưng cho điều mà thánh Phaolô muốn thể hiện khi ngài nói rằng giờ đây chúng ta đang nhìn Thiên Chúa và tha nhân như thể “qua tấm kính tối tăm.” Cách nào đó, chúng ta bị ngăn cách, khỏi hiện thực, khỏi đấu tranh để giữ mối dây liên hệ đó.

Là nạn nhân của chứng bệnh đó, Karin sống trong hụt hẫng và cô đơn, trừ một vài giây phút lúc này lúc kia, Karin không thể phá vỡ tấm kính đó, không thể thực sự gặp gỡ người khác và chia sẻ đời sống với họ. Cô đủ tỉnh táo để nhận biết điều gì đang diễn ra, và điều đó làm cho nỗi đau của cô hoàn toàn đau đớn và không thể chịu được. Cũng vậy sự tỉnh táo của cô làm cho cô chìm ngập trong những cảm xúc hoang mang và tuyệt vọng. Những nhân vật khác, cũng cố để thoát khỏi bí ẩn của riêng họ. Xét tận cùng, tất cả mọi người, đều đang nhìn cuộc đời như “qua tấm kính tối tăm.”

Vài năm sau, Bergman làm một bộ phim với tựa đề Mặt đối mặt. Bộ phim này cũng có cùng chủ đề với Qua tấm kính tối tăm, nhưng được phát triển cao hơn. Câu chuyện mô tả sinh động nỗ lực để tự tử của một nữ bác sỹ tâm lý, Jenny, người thành đạt, có thanh danh, được yêu quý, và gần như là một người biết tự chủ. Nhưng rồi đến một lúc, cô cố gắng tự tử bằng thuốc ngủ. Nối tiếp theo đó là một chuỗi dài tiếp diễn giấc mơ của cô khi đang chìm dần trong giấc ngủ tiến đến cái chết. Tuy nhiên, ở đây, Bergman cố ý làm mờ đi phân biệt giữa huyễn hoặc và hiện thực của cô để chúng ta không còn biết được là Jenny đang thức hay đang ngủ. Chỉ đơn giản là chúng ta chia sẻ đấu tranh của cô khi cố để thoát khỏi màn sương mù đã không cho cô có một ý thức trọn vẹn. Suốt diễn tiến này, một chuỗi ẩn dụ sâu sắc được dùng đến: Đấu tranh của cô để giành lấy con đường đi đến ý thức hoàn toàn được trình bày như một dụ ngôn cho tất cả mọi đời sống. Chúng ta thấy Jenny tội nghiệp liên tục bị giữ trong màn sương, bị khóa kín sau những cánh cửa đóng kín, những cánh cửa hướng đến sự sống đã hứa và mối liên hệ với tha nhân lại không mở ra cho cô; kêu gọi những người thân cận mình nhưng lại là những người dường như không thể nghe thấy cô; và vật lộn để giành lấy con đường băng qua màn sương mờ hỗn độn, đến với hiện thực, để gặp một ai đó, bất kỳ ai.

Một người bạn tìm thấy cô trước khi quá muộn và đưa cô đến bệnh viện. Phần tiếp sau của bộ phim tập trung vào cuộc đối thoại của cô với nam bác sĩ đang cố giúp cô qua khỏi cơn nguy kịch. Trong phòng hồi sức, cô hỏi anh: “Anh muốn gì từ cuộc sống? Phải xảy đến điều gì để làm cho đời sống có ý nghĩa?” Anh trả lời, “Tôi muốn chỉ một lần có một điều gì đó có thật!” Jenny trả lời: “Có thật? Ý anh là sao?”

Anh bác sĩ trả lời, “Tôi muốn chỉ một lần vươn đến, nhìn thấy và chạm đến một ai đó và biết rằng người đó có thật như tôi đang có thật đây. Tôi muốn chỉ một lần xuyên cắt được tất cả những bức màn và rào chắn, những tấm gương và ảo tưởng, những bóng tối và vô thực chia cách chúng ta với người khác và rồi cảm nhận một điều gì đó có thật như chính tôi đây. Tôi muốn chỉ một lần được nhìn thấy mặt đối mặt. Rồi từ đó cuộc sống sẽ có ý nghĩa.”

Chẳng lẽ điều này cũng không làm cho đời sống riêng của mỗi người chúng ta có ý nghĩa hay sao? Chẳng lẽ đó không phải là điều mà thánh Phaolô đã tả trong chương 13 thư gởi tín hữu Corintô hay sao? Chẳng lẽ điều này không phải là ý nghĩa của nước Thiên Chúa hay sao? Chẳng phải Đức Kitô chính xác đã kêu gọi chúng ta xuyên phá những tấm gương và những bí ẩn, những bóng tối và huyễn hoặc, những mã ngoài và vô thực đã chia cách chúng ta với người khác và với Thiên Chúa để chúng ta có thể hoàn toàn gặp gỡ mặt đối mặt hay sao? Không phải Đức Kitô đã mời gọi chúng ta xuyên phá phản ảnh mờ tối đó hay sao? Chỉ cần thực hiện điều đó, là chúng ta đã có được thiên đàng và lời giải trọn vẹn cho tâm trạng cô đơn của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

359    18-09-2019