Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tâm tư đứt quãng...

imagesCác môn đệ xưa kia được Chúa sai đi rao giảng và khi trở về đã không ngớt kể cho Chúa và cho nhau nghe “mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông giảng dạy” (Mc 6,30). Cũng vậy, tâm tư tôi dù đang còn phiêu dạt nơi xứ sở với những con người, những hoạt động, đang thao thao bất tuyệt chuyện trò thì Lời Chúa nói với các tông đồ vang lên nhắc nhở “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Không biết các tông đồ xưa nghe câu nói ấy với thái độ nào, còn tôi, tôi thấy khó nghe theo. Chẳng ai đang nói chuyện mà muốn bị đứt quãng. Chúa làm tôi mất hứng. Dẫu vậy, tôi vẫn học các tông đồ “xuống thuyền sang bờ bên kia”. Khi thuyền thả neo, cũng là lúc thao trường sa mạc Chúa và Hội dòng dành cho tôi mở ra.

Sa mạc có đủ nắng, gió và ốm đau, tôi hứng trọn tất cả. Những ngày đầu tôi thấy khó tập trung. Để kéo mình ra khỏi ồn ào, tôi chỉ sử dụng một vũ khí “thinh lặng” trong thời kỳ thanh luyện. Trong lặng thinh, tôi nhận ra: Có những tình cảm không thể diễn tả bằng lời, có những nỗi niềm chỉ muốn được sẻ chia trong thinh lặng. Tôi ngồi đó nhìn Ngài như gửi vào đó tất cả nỗi niềm, những giang dở, khiếm khuyết của người con thơ. Đáp lại tôi là một sự lặng thinh mang hương vị của một tình yêu câm nín – vô thanh nhưng chất chứa một khối tình trọn vẹn – Một lần nữa tôi nhận ra: Sức mạnh của sự câm nín, tình yêu mang tên “câm nín” là tình yêu sâu thẳm khôn lường. Tình yêu ấy làm bật gốc những gì là ù lì, xơ cứng để thay vào đó sự chuyển động. Để trong sự chuyển động, tôi nghe được tiếng nói của chính mình. Tiếng ấy cho biết, tôi đã thực sự mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Hóa ra Chúa biết tôi hơn tôi biết chính mình. Ngài biết sau thời gian miệt mài đèn sách và mục vụ, tâm hồn người tu sĩ cần được nghỉ ngơi tĩnh lặng. Người tu sĩ cần ngồi lại bên Chúa để gạn lọc và duyệt xét, để canh tân và tiến bước.

Từng ngày nơi sa mạc Chúa dạy tôi: Dừng lại trên tất cả các nẻo đường, tìm hiểu những đường xưa lối cũ, phân định điều đúng để tiếp tục tiến bước (x. Gr 6,16a; Dnl 8,1-6 ), điều sai hãy can đảm làm lại (x. Kh 2,2-5). Đến đây tâm tư bớt xao động hơn bởi “thuyền đã xa bờ nhiều dặm”. Tôi chú tâm hơn trong việc nhận định và canh tân đời sống. Cũng thời gian này gợi lại cho tôi động lực ngày đầu bước đi và soi sáng cho tôi biết rằng tôi phải sống “nhịp sống Giêsu”, phải mặc lấy chính tâm tình của Chúa và rập theo cung cách sống của Người (x. Pl 2, 6-9).

Con người vốn dĩ thích an toàn, người tu sĩ không muốn dứt bỏ môi trường mình đang được chào đón nồng nhiệt. Thế nhưng, điều kỳ lạ đã xảy đến cho tôi khi tâm tư “bị” đứt quãng. Trong cái “bị” nhấc ra khỏi tâm tư dễ chịu, Chúa cho tôi nghiệm cảm điều tuyệt vời hơn: Bất cứ điều gì nằm trong giới hạn thì sẽ được an tĩnh. Thế giới bên ngoài bị đóng lại và xuyên qua cánh cổng, người ta có thể nhìn ra bên ngoài với lòng trìu mến có khoảng cách, dù vẫn say mê nó. Cũng thế, nếu ta biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn, nghĩa là không tham lam, không ích kỷ, không nắm giữ thì tâm hồn sẽ hài lòng, an tĩnh.

 Hoa Cát

603    14-09-2019