Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tha thứ đến tận cùng

 

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe chỉ vỏn vẹn bốn câu vắn vỏi. Bốn câu này nằm trong bối cảnh sau khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu về luật Môsê. Đây là bản chỉ nam, kiện toàn luật Môsê mà Chúa muốn dạy các môn đệ của Ngài.

Trang Tin Mừng hôm nay, nằm trong phần chính của Bài Giảng trên núi... Trước mỗi lời dạy, Thánh sử Matthêu  luôn có câu mở đầu “ Anh em đã nghe luật dạy rằng mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự người ác....” Ý muốn nói : sự công chính của các môn đệ phải vượt lên trên cả cách giải thích lề luật theo lối truyền thống, nghĩa là  luật mới, luật của Chúa Giêsu khác xa hẳn luật cũ và có thể gọi là đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, là công bằng.

Trong chương 5, Tin Mừng Matthêu có chủ đề là Bài giảng Trên núi, chương này gồm những chủ đề nhỏ nhằm giáo huấn các môn đệ, những sứ giả của Tin Mừng, Không phải cùng một lúc hay trong một thời điểm mà Chúa Giêsu giảng dạy các điều này, nhưng ý tác giả muốn thu gom và dàn dựng toàn bộ lời nói của Chúa Giêsu  để giúp cho đời sống Cộng đoàn của Ngài.

Chúa Giêsu khởi sự nhắc các môn đệ về luật báo thù, "Anh em đã nghe Luật dạy : Mắt đền mắt, răng đền răng…”, luật báo thù này của người xưa căn cứ trên việc ăn miếng trả miếng, nghĩa là nếu có ai đó đã làm thiệt hại bạn, thì hãy làm hại lại người ta như vậy, hoặc bắt họ đền bù sao cho tương xứng với sự thiệt hại mình đã chịu. 

Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài có lối hành xử tốt hơn : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác”. Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc của luật báo thù, vì dù có hạn chế và được kiểm soát kỹ đến đâu đi nữa, thì việc báo thù cũng không khi nào có chỗ đứng trong đời sống Kitô giáo.

       Tha thứ không phải là một sự nhu nhược hèn kém, nhưng là một sự cố gắng để vượt lên trên những tự ái kiêu căng, để làm chủ bản thân khỏi những phàn ứng của bản năng, để sống cao thượng, độ lượng. Tha thứ cũng không có nghĩa là làm ngơ trước những sai lầm của người khác, nhưng là tìm cách giúp họ nhận ra sai lầm và giúp họ chỉnh sửa lại cuộc sống, cho họ có cơ hội để làm lại từ đầu.

Tha thứ cũng không chỉ là tạm quên những gì người khác xúc phạm đến mình, mà là phải xóa hẳn khỏi tâm trí của ta những bực bội những nghĩ ngợi về những tổn thương người khác gây cho mình, và còn phải đi một bước xa hơn đó là chủ động đi bước trước để làm hòa và nối lại tình nghĩa đã sứt mẻ, chữa lành dấu vết của tổn thương.

Hơn thế nữa Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay muốn chúng ta sống yêu thương tha thứ vì một lý do sâu xa hơn cao quý hơn đó là vì mỗi chúng ta là con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chúng ta là Đấng Thánh. Vì là con cái của Đấng Thánh, chúng ta sẽ không thể đế cho những cách cư xử của thế gian làm vấy bẩn phẩm giá thánh thiêng của mình, và vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, nên chúng ta cần tôn trọng phẩm giá và địa vị thánh thiêng của nhau và cùng giúp nhau nên thánh: Các người phải thánh thiện vì Ta, Đức Chúa Thiên Chúa của Các ngươi là Đấng Thánh. Các ngươi không được để lòng giận ghét anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách nó…Các ngươi không được óan hận, trả thù, nhưng phải yêu thương như anh em như chính mình. Vì Ta là Đức Chúa.

Tuy nhiên, với thời gian, lời dạy của Chúa đã bị người Do Thái uốn nắn và bóp méo, họ đã tìm cách thỏa mãn cho sự nóng giận, báo thù của mình khi đưa ra luật: Mắt đền mắt, răng đền răng mạng đền mạng, có nghĩa là luật cho phép được trả thù thương xứng 1-1. Nhưng Chúa Giêsu đã không chấp nhận sự trả thù như thế, Ngài đòi chúng ta phải tha thứ, không báo oán nhưng: Nếu ai bị vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái ra nữa.

Lời này khiến cho nhiều người băn khoăn: Như thế có phải là sự thách thức hay nhu nhược không? Chúa Giêsu Không muốn thách thức người khác, nhưng đối với người Do Thái, khi vả má bên phải là cố ý làm nhục, còn khi yêu thương người ta “nựng nhau, chúc lành cho nhau” bằng tát nhẹ lên má bên trái. Như thế Chúa Giêsu muốn chúng ta phải biến đổi chính mình và biến đổi kẻ thù của mình biến người khác từ sự thù oán trở thành yêu thương, biến chính mình trở nên dễ thương trong mắt người khác. Còn hơn thế nữa, Chúa muốn chúng ta càng phải quảng đại hơn dù khi bị người khác ghét bỏ: Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng từ chối.

Trong cuộc sống thường ngày: yêu người mình yêu, thích người mình thích, hoặc yêu người yêu mình, thích người thích mình, đó là chuyện bình thường ai cũng có thể làm được, kẻ xấu cũng có thể làm được, kể cả một số loài vật cũng có thể làm được, thế nhưng hãy yêu kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ bách hại ngược đãi mình là một đòi hỏi không đơn giản, không dễ dàng, mà chỉ những ai ý thức về địa vị phẩm giá thánh thiêng của mình mới có thể làm được.

Thế nhưng đó lại là một đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu, và đòi buộc này đã trở thành điểm sáng trong Giáo lý của Chúa và khiến cho lời dạy và đòi buộc của Chúa khác với các tôn giáo khác. Phải yêu thương tha thứ cho người khác vì họ cũng được Thiên Chúa yêu thương, và vì họ cũng là con Thiên Chúa, như thế tức là yêu thương tha thứ vì Chúa và vì Thiên Chúa vẫn không ngừng ban ơn và che chở họ,Ngài cho mưa xuống trên người tốt và kẻ xấu, cho mặt trời soi sáng kẻ lành và kẻ gian.

Hãy bắt đầu từ việc yêu thương và tha thứ cho chính bản thân mình, vì một khi ta không thể tha thứ cho mình, thì ta cũng không thể tha thứ cho người khác được. Tha thứ cho mình không phải là dung túng sai lầm của mình, nhưng là khiêm tốn để nhìn thấy sự giới hạn của mình, biết phục thiện để sửa chữa. Kế đến là hãy tập để biết yêu thương tha thứ cho vợ chồng cho con cái, dỡ bỏ hàng rào nghi kị giận dỗi.

Hãy tha thứ cho con cái, cho con dâu, con rể khi có những bất hòa bất đồng để tạo nên một bầu khí gia đình đầm ấm yên vui. Đừng để lòng để dạ chấp nhất con cái, hãy kiên nhẫn để dạy bảo, hãy quảng đại để yêu thương và cho con cái có cơ hội để sửa chữa và thay đổi. Hãy quảng đại yêu thương, tha thứ và làm những điều tốt lành.

Kinh thánh dạy cho chúng ta thấy Chúa bị nguyền rủa mà Ngài không nguyền rủa lại, cứ phó mình cho Đấng phán xét chí công. Có quyền gây thiêt hại và trả thù là chính Chúa, nhưng Chúa đã không làm huống chi chúng ta là con cái Ngài. Việc cho áo trong áo ngoài, việc đi thêm vài dặm... cũng vậy. Khi làm vậy, không phải là để khuyến khích thêm tội ác. Nhưng hãy đem tinh thần yêu thương bác ái ra mà xử sự. Lối trả thù thua đủ, cãi vã, kiện tụng chỉ là oán chồng oán mà thôi, bạn hóa thành thù nhân.

Chúa Giêsu thiết định nét mới rất quan trọng để mở rộng luật Môsê : Nguời môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ thù hận, không được tìm cách báo thù cho dù đó là một sỉ nhục có tính toán và độc ác. Người môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ bám vào quyền lợi, cả quyền lợi pháp lý lẫn quyền lợi đương nhiên được hưởng ; không bao giờ nghĩ đến việc làm theo ý mình, nhưng nghĩ đến việc mở rộng lòng yêu thương, nâng đỡ. Người môn đệ Chúa Giêsu thì luôn nghĩ ra được cách sáng tạo trong sự phục vụ trao ban.

Vậy ra tình yêu mới là căn bản của sự sống. Sống mà có tình yêu, đấy mới là sống thật trong Chúa.

 

 

1132    18-06-2017