Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Tha thứ và phục hồi phẩm giá con người

 

Trong thế chiến II, Nhật Bản xâm chiếm một số quốc gia và họ bắt các binh lính người Anh giam ở Thái Lan để cưỡng bách lao động là làm đường xe lửa trên chiếc cầu bắc ngang qua sông Mae Klong. Đường xe lửa này được mệnh danh là “Đường Rầy Tử Thần” (Death Railway) bởi vì quá nhiều tù nhân bị chết khi làm con đường này.

Một hôm khi nhóm tù nhân đi lao động trở về, họ phải đi qua hai trạm kiểm soát các dụng cụ. Ở trạm thứ nhất, lính Nhật thấy số cuốc xẻng bị thiếu một chiếc. Viên sĩ quan Nhật vô cùng tức giận và rút súng ra lệnh phải tìm cho bằng được chiếc cuốc bị thiếu hoặc một người phải chết thay. Trong bầu khí nặng nề đó, một tù nhân bước ra chịu chết. Viên sĩ quan Nhật lạnh lùng cầm lấy một chiếc xẻng đánh ông này thật tàn nhẫn cho đến chết. Đám tù nhân còn lại kéo lê cái xác đẫm máu của đồng bạn đi qua trạm kiểm soát thứ hai để trở về nhà tù. Nhưng ở trạm này, số cuốc xẻng lại không thiếu một chiếc! Điều đó có nghĩa đã có sự đếm sai ở trạm thứ nhất. Tin này sau đó được lan truyền khắp nhà tù: Một người vô tội đã chết để cứu những người khác! Ý nghĩa của cái chết này ảnh hưởng thật sâu đậm đến tinh thần các tù nhân toàn trại. Khi Đồng Minh chiến thắng nước Nhật, các tù nhân người Anh được giải thoát – bây giờ họ gầy gò như những bộ xương – đi ngang qua các binh lính Nhật, giờ đây là tù binh, nhưng thay vì đánh đập để trả thù, họ nói, “Không còn hận thù nữa. Không còn giết hại nữa. Điều chúng ta cần bây giờ là sự tha thứ.”

Câu chuyện này được kể lại và được dựng thành cuốn phim “Miracle on the River Kwai” (phép lạ trên sông Kwai) giúp chúng ta có thể thấy được một vài điểm quan trọng mà Đức Giêsu đã đề cập đến trong bài phúc âm hôm nay về sự tha thứ.

Điểm thứ nhất, sự tha thứ chấm dứt hậu quả của một hành vi sai trái. Khi ai đó lỗi phạm đến chúng ta, sự lỗi phạm đó có thật và gây thiệt hại. Nếu chúng ta trả thù, hậu quả của hành vi sai trái đó vẫn tiếp tục. Nếu các tù nhân Anh Quốc tiếp tục trả thù binh lính Nhật, sẽ có thêm người chết, sẽ gây ra đau khổ. Nhưng khi họ tha thứ, hậu quả của hành vi sai trái đã ngừng tại đó.

Mục đích thứ hai của sự tha thứ là để biến sự dữ thành sự thiện. Trả thù thì dễ nhưng đó là sự dữ, chỉ có sự tha thứ mới biến đổi sự dữ thành sự thiện. Đó cũng là câu chuyện của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Đức hồng y từng bị cộng sản cầm tù trong 13 năm. Tuy bị đối xử cách bất công nhưng cố hồng y vẫn yêu thương người cộng sản, bởi vì theo lời cố hồng y, “Chúa Kitô đã dậy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô Hữu.” Làm thế nào cố hồng y có thể không thù hận người giam cầm mình? Qua các sáng tác của cố hồng y, như cuốn Đường Hy Vọng, Năm Cái Bánh và Hai Con Cá, v.v., chúng ta biết cố hồng y đã biến sự dữ thành sự thiện. Thay vì dùng thời gian tù đầy để gậm nhấm sự đau khổ vì bất công và suy nghĩ cách trả thù, cố hồng y đã dùng thời gian đó để hoán cải những người canh tù, để suy nghĩ về lời Chúa và viết thành sách, để lại những tư tưởng quý giá cho hậu thế. Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã bị cầm tù về thể xác nhưng người không để sự dữ giam hãm đời mình trong hận thù và cay đắng. Người đã biến sự dữ thành sự thiện.

Mục đích thứ ba của sự tha thứ là để làm chủ chính mình. Vào năm 2004, bà Jo Nodding, người Anh, bị một thiếu niên 19 tuổi, tên Darren, dùng bạo lực để hãm hiếp bà. Sau phiên toà xử, Darren đã bị kết án chung thân khổ sai. Khoảng một năm sau, một tổ chức xã hội có tên Liên Lạc Các Nạn Nhân đã đến gặp bà và đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa bà và Darren với mục đích hoà giải và xây dựng.

Làm thế nào bà Jo có thể gặp lại can phạm đã gây đau khổ cho mình? Bà cho biết, sau khi bị hãm hiếp, bà luôn sống trong một tâm trạng sợ hãi, và hoang mang. Tâm trạng bất an ấy làm chủ đời bà. Bây giờ, việc gặp lại can phạm, bà cho đó là cơ hội để làm chủ tình hình, để lấy lại tâm trạng bình an mà can phạm đã cướp mất của bà. Sau những chuẩn bị lâu dài, mãi đến sáu năm sau (tháng Giêng 2010) cuộc gặp gỡ mới xảy ra trong khuôn viên nhà tù.

Trong cuộc gặp gỡ, bà đã kể lại mọi chi tiết của vụ hãm hiếp, từ đầu cho đến cuối, cũng như cảm tưởng sợ hãi và xấu hổ của bà, và Darren đã khóc hối hận. Trước khi cuộc gặp gỡ kết thúc bà nói với Darren, “Điều tôi sẽ nói với em là điều mà nhiều người rất khó hiểu, nhưng tôi tha thứ cho em về những gì em đã làm đối với tôi. Sự hận thù chỉ tiêu diệt con người, và tôi muốn em hãy vươn lên và thành công trong đời. Nếu em chưa tha thứ cho chính mình, thì tôi hy vọng trong tương lai em sẽ có thể.”

Sau đó bà Jo cho biết, “Tôi không nói như thế để bào chữa cho hành động sai trái của Darren, hoặc coi thường sự kiện đã xảy ra, nhưng vì tôi muốn chính tôi được thoát khỏi gánh nặng của sự muộn phiền, và tôi hy vọng Darren có thể học được điều gì đó để vươn lên, và tha thứ cho chính mình.”

Bà kết luận, “Khi rời căn phòng đó, tôi có cảm tưởng như mình bay bổng trên không. Cuộc gặp gỡ đó đã chấm dứt một giai đoạn, bởi vì tôi đã nói những gì tôi muốn nói và đã làm chủ lại cuộc đời mình. Tôi biết điều đó có ảnh hưởng mạnh đến Darren. Tôi không còn là nạn nhân, tôi là người sống sót. Tôi có thể biết chắc rằng từ một điều xấu xa đã xuất phát những điều tốt lành.”

Ba câu chuyện nói trên phản ánh nét đẹp của sự tha thứ, mà qua câu trả lời cho ông Phêrô, Đức Giêsu đã dậy chúng ta phải đối xử thế nào với những người xúc phạm đến mình. Tha thứ không phải là hèn nhát vì nó không dễ để thực hiện. Cần phải có sức mạnh mới có thể tha thứ và nghĩ cho cùng, sự tha thứ có lợi cho bản thân chúng ta.

Không những thế, trong dụ ngôn hôm nay còn có hai điểm quan trọng để khích lệ chúng ta hãy tha thứ: thứ nhất, những gì chúng ta có là do Thiên Chúa ban, nếu chúng ta có bị thiệt hại vì ai đó vay mượn mà không trả, nghĩ cho cùng, chúng ta cũng không mất gì.

Ý nghĩa này được thấy qua hai con nợ và hai chủ nợ. Một người nợ rất nhiều, nhiều đến độ nhà vua phải ra lệnh bán chính ông và vợ con ông để trả nợ. Nhưng sau khi ông nài nỉ, nhà vua đã thương xót và không những tha cho ông mà còn tha cả số nợ của ông. Ngược lại, một người khác nợ ông một món tiền rất nhỏ, nhưng ông lại không tha thứ mà nhất định đưa họ vào tù để trả nợ. Hành động này đến tai nhà vua và ông vô cùng tức giận đến độ ra lệnh tra tấn ông cho đến khi trả hết số nợ.

Sự tức giận của nhà vua khiến chúng ta phải ngạc nhiên vì dường như thái độ của nhà vua đi ngược với sự tha thứ. Nhưng chính sự mâu thuẫn đó khiến chúng ta phải nghĩ đến lý do. Người nợ đầu tiên, khi là con nợ, ông muốn được nhà vua thương xót. Nhưng khi là chủ nợ, ông lại muốn sự công bằng mà thực sự, số tiền ông cho vay mượn là tiền của nhà vua, chứ không phải của ông.

Tương tự, chúng ta nợ Thiên Chúa rất nhiều – từ mạng sống đến của cải và mọi ơn phúc. Lẽ ra chúng ta phải sử dụng đời sống và của cải để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân, nhưng chúng ta lại quan tâm đến chính mình nhiều hơn, và khi bị thiệt hại, chúng ta lại đòi hỏi sự công bằng. Đó là điều vô lý đối với Thiên Chúa.

Vấn đề tội lỗi cũng vậy – đây là điểm thứ hai của dụ ngôn. Khi phạm tội, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa vì không sử dụng tốt những gì Chúa đã ban. Nhưng thật may mắn, số nợ này đã được Chúa Giêsu đền trả bằng cái chết trên thập giá. Chúng ta được tha tội là vì lòng thương xót của Chúa Giêsu. Vì thế, khi chúng ta tha thứ cho người khác, chúng ta nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, đấng có quyền xét xử trên chúng ta. Ngược lại, khi không tha thứ cho người khác, điều đó có nghĩa chúng ta đòi hỏi sự công bằng và hành động đó có nghĩa chúng ta từ chối Chúa Giêsu là đấng xét xử. Hậu quả là tội của chúng ta vẫn còn và phải đền trả trong sự đau khổ. Đó là ý nghĩa của câu “… trong cơn thịnh nộ, nhà vua đã trao y cho quân lính hành hạ cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.”

Kitô giáo được tóm lược trong câu “Mến Chúa, yêu người”, và không có gì thể hiện sát thực câu nói này bằng sự tha thứ. Khi tha thứ, chúng ta nhìn nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và nhìn nhận bản tính yếu đuối của con người để thông cảm cho người khác. Sự tha thứ rất quan trọng đối với Chúa Giêsu nên Người đã dậy chúng ta trong kinh Lậy Cha mà chúng ta đọc trong mỗi Thánh Lễ. Khi tha thứ là khi chúng ta nâng đỡ nhau khôi phục lại phẩm giá con người. TVN

2457    25-09-2017