Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thái độ chọn lựa

 

Trong cuộc sống trần thế, con người thường lẫn lộn giữa các giá trị, nhất là các giá trị thiêng liêng, tinh thần. Sự thẩm định chính xác đã khó khăn, sự chọn lựa, ưa thích cho đúng đắn lại càng khó khăn hơn vì nó liên hệ đến đời sống tâm linh. Biết chọn lựa cũng là biết từ bỏ mà không chút xót xa tiếc nuối. Con người thường lo nghĩ cái hiện tại hơn cái tương lai, cái tạm bợ đời này hơn cái vĩnh cửu cho đời sống mai sau. Thêm vào đó, con người còn bị ma quỷ cám dỗ, thế gian lôi kéo ham thích những sự thế gian xác thịt.

Trang Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".

Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quí giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.

Nước Trời là chính Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, là thiên đàng, là sự sống đời đời, là ân ban của Thiên Chúa, là sự thánh thiện của linh hồn.  Khi nói về Nước Trời giống như kho báu, và như viên ngọc quý, không có ý so sánh, nhưng để diễn tả rằng: ai tìm ra được Nước Trời thì hãy xem đó là kho tàng quý báu duy nhất của mình, đó là báu vật quý hoá và tốt đẹp nhất của mình, không còn có cái gì hơn nữa khiến chúng ta phải khao khát ước mong, và tha thiết tìm kiếm nó, phải nổ lực, phải cố gắng qua cửa hẹp, phải luôn hướng lòng trí về đó vì “ kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” ( Lc 12, 34; Mt 6, 21). Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa  ( Lc 12, 31)

Hẳn ta nhớ bài thơ "Viên Ngọc Quí Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau: Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ:

- Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quí mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quí hơn mọi viên ngọc quí. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Bài thơ trên đây có thể minh họa cho ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.

Khi ta tìm thấy, đã hiểu biết, đã tin vào Chúa vào sự sống đời đời, chúng ta sẽ yêu mến nó hết lòng, hết sức, hết tâm hồn và hết trí khôn, chúng ta sẽ lấy nó làm niềm vui lớn lao, niềm vui tuyệt đỉnh của cõi lòng chúng ta, chúng ta sẽ hân hoan vui vẻ từ bỏ tất cả, bán hết tất cả để chiếm đoạt cho  được kho báu ấy, chiếm hữu cho được viên ngọc quý ấy. Nhưng làm sao để tìm được Nước Trời? Đối với lương dân thì đó là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, được xem như một sự tình cờ, một cơ hội may mắn nào đó. Còn đối với người kitô hữu vì như lái buôn phải công phu học hiểu giáo lý của Chúa và đào sâu đức tin. Người lương dân cũng như người kitô hữu một khi đã tìm thấy kho báu và viên ngọc quý là Nước Trời rồi, họ phải làm gì để chiếm đoạt nó làm sở hữu của mình. Nước Trời thuộc về thần bí, tìm kiếm nó đã là một vấn đề khó khăn như là dấu kín trong ruộng, như là ở đâu mà ta không định vị được.

Khi tìm được rồi lại đem giấu kín, đó là chúng ta phải ôm ấp nó tận đáy lòng ta, để bắt đầu thực hiện những điều cần thiết để chiếm hữu nó. Chúng ta bước vào một hành trình thiêng liêng để tiến vào Nước Trời. Trước tiên chúng ta thực hiện việc Chúa đòi hỏi chàng thanh niên: “ Anh hãy bán tất cả những gì anh có…” ( Mt 19, 16 – 22).  

Nước Trời rất quý giá và sự đòi hỏi của Nước Trời rất quyết liệt. Chính đây là điểm mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn Nước Trời và một kho tàng là viên ngọc quý, đòi ta phải bỏ tất cả những gì mình có kể cả bản thân, việc đáp trả của chúng ta phải trọn vẹn, dấn thân hoàn toàn và trưng dụng tất cả những gì ta có, không được ngần ngại trước bất cứ một sự hi sinh nào, dẫu là chặt tay, chặt chân, móc mắt ( Mt 18, 8 – 9 ), cũng  không phải là giá quá đắt đối với đặc ân tham dự vào Nước Trời, kể cả sự hi sinh mạng sống mình “ ai yêu mạng sống mình thì mất còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được lại nó” ( Mt 16, 25 ).

Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.

Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật gương mẫu khi thấy kho báu và viên ngọc quý, họ đã ứng xử rất khôn ngoan, chọn lựa rất đúng đắn, chúng ta hãy làm như họ đã làm khi tìm ra Nước Trời.

 

 

 

994    31-07-2017