Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Tháng 11 nghĩ về chữ Hiếu


meCuộc đời là những tháng ngày dài để chúng ta sống và làm việc trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa đồng thời tri ân cha mẹ đã sinh thành, chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ ta. Nhờ đó, chúng ta được lớn nên, có cơm ăn, áo mặc, có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế nhưng liệu mấy người trong chúng ta biết dành chút thời gian ngắn ngủi trong ngày để suy nghĩ và biết nói lời thương yêu với cha mẹ mình hay không ? Ngược lại có khi lại trách móc, than phiền về cha mẹ già cả, quê mùa, nhiều chuyện. Ca dao Việt Nam có câu:      
              
 
“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Những câu ca dao trên diễn tả tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái thật to lớn như đỉnh núi Thái Sơn, dồi dào như nước nguồn không bao giờ cạn. Thực vậy, kể từ khi chúng ta được sinh ra cho đến khi lớn khôn thành người để đi đến những phương trời xa lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, cha mẹ đã phải chịu biết bao nhiêu vất vả, khó nhọc đổi lấy miếng cơm manh áo cho con. Những đêm trường giá lạnh hay nóng bức, cha mẹ phải thức thâu đêm ủ ấp, quạt mát cho con… Đáp lại chúng ta đã làm gì đền đáp công ơn to lớn của cha mẹ? Phải chăng việc báo hiếu là mỗi tháng gửi cho cha mẹ vài triệu là đủ? Quả thật, cha mẹ không cần chúng ta báo hiếu các ngài bằng tiền bạc, đồ ăn, cái mặc sang trọng. Nhưng các ngài cần ở chúng ta tình cảm sự quan tâm, chăm sóc, đỡ đần cha mẹ lúc tuổi già còn quý hơn cả tiền bạc. Một lời quan tâm hỏi thăm: hôm nay bố mẹ có khỏe không? Hay hôm nay bố mẹ làm gì?... cũng làm cha mẹ ấm lòng.
Chuyện kể rằng: “Vào thời nhà Tống, có một học giả tên là Hoàng Đình Kiên, mặc dù ông làm chức quan rất to. Nhưng hàng ngày, khi về nhà đều nhất định phải tự tay rửa bô cho mẹ. Cho dù người ở có nhiều đi nữa, thì việc này ông cũng không muốn để họ làm… Cho nên, có cha mẹ để phụng dưỡng, trong lòng rất yên tâm; có cha mẹ để phụng dưỡng, đó chính là phúc đức lớn nhất.”[1]

Sách châm ngôn nhắn nhủ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính
Và đừng để quên ơn mẹ đã mang nặng để đau
Hãy luôn nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục sinh thành
Công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng”. (Hc 7, 27-28)
Lời nhắn nhủ trong sách châm ngôn, như một lời thức tỉnh chúng ta suy ngẫm, và cảm nghiệm tình thương yêu mà cha mẹ đã và đang dành cho con cái. Theo kinh nghiệm của cổ nhân và người hiền đức, sống trọn chữ hiếu đối với cha mẹ thật là đơn giản, nhẹ nhàng. Họ chỉ cần biết lắng nghe, vâng lời trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày thế cũng là báo hiếu cha mẹ rồi. Thực vậy, khi sinh ra và nuôi chúng ta khôn lớn, cha mẹ nào cũng chỉ có một ước nguyện là thấy con mình ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và thành đạt trong tương lai. Nhưng trong thực tế, nhiều người con ngay từ nhỏ đã có những hành động thiếu đẹp, hay có những người khi thành đạt lại hắt hủi, khinh dể cha mẹ. Thậm chí đôi khi vì sợ mất danh tiếng, họ không đủ can đảm giới thiệu cha mẹ với bạn bè, đồng nghiệp.

Lúc ấy bạn có nhớ : “Khi bạn còn rất nhỏ… Bố mẹ dành rất nhiều thời gian, dạy bạn cầm thìa, dùng đũa, nên ăn như thế nào…
Dạy bạn mặc quần áo, đeo tất, buộc dây giày…
Dạy bạn rửa mặt, dạy bạn chải đầu…
Dạy bạn đạo lý làm người… Bạn có còn nhớ chăng thường xuyên ép hỏi bố mẹ, bạn từ đâu ra? Cho nên…
Cho nên, đến một ngày bố mẹ già đi… Xin đừng trách tội họ...
Khi họ bắt đầu quên cách buộc dây giày, quên đeo tất…
Khi đôi tay chải đầu của họ bắt đầu run rẩy không ngừng…
Xin đừng thúc giục họ, bởi vì khi bạn đang từ từ trưởng thành, thì họ lại dần dần già đi…
Chỉ cần bạn luôn ở trước mắt họ… Trái tim của họ sẽ thực sự ấm áp…
Nếu có một ngày, khi họ không còn đứng vững, muốn đi cũng không được…
Xin bạn hãy siết chặt lấy tay họ, ở bên cạnh họ chậm rãi bước đi…
Tựa như… năm đó bố mẹ nắm lấy tay bạn.”[2]

“Người con đạo hiếu suốt đời yêu mến cha mẹ” (ca dao Việt Nam), hay trong điều răn thứ bốn “Thảo kính cha mẹ”, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta luôn chu toàn bổn phận làm con. Bởi vậy, báo hiếu cha mẹ không phải là trách nhiệm riêng của người con trưởng hay người con út trong gia đình, mà phải là bổn phận và là trách nhiệm của tất cả mọi người con. Báo hiếu cha mẹ cũng không phải đợi đến khi nào cha mẹ già mới cần, trái lai, việc báo hiếu cần được làm ngay cả khi ta còn bé. Cho dù những hành động và việc làm của ta khi đó có khờ khạo, vụng về đi chăng nữa cũng sẽ làm cho cha mẹ thấy hạnh phúc. Vì thế chúng ta đừng bao giờ chần chừ tỏ lòng biết ơn và tri ân cha mẹ, bởi chúng ta không biết được cha mẹ sống được với chúng ta bao lâu.

[1] http://detuquy.com/cau-chuyen-nho/hieu/long-hieu-thao-lam-cam-dong-dat-troi-vua-thuan/
[2]http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/87/strcats/853/sw/h/charmode/true/default.aspx © TuDienDanhNgon.vn

  Maria Mai Khôi, Đaminh Bùi Chu

505    08-11-2018