Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thánh Carôlô Bôrômêô

Ngày 04 tháng 11
THÁNH CARÔLÔ BÔRÔMÊÔ
TỔNG GIÁM MỤC MILANÔ

Bôrômêô chào đời ngày mồng 02 tháng 10 năm 1538, thân sinh là ông Bôrômêô Arôma, con thứ năm hầu tước Gibert; thân mẫu Magarita Médici, chị ruột Đức Giáo Hoàng Piô IV. Khi vừa lên năm tuổi, Bôrômêô đã được gửi đi học. Ngày tháng trôi qua, mặc dầu trí khôn không vào hàng xuất chúng, nhưng do sự siêng năng cần mẫn, Bôrômêô chẳng mấy chốc đã qua hết bậc trung học, rồi lên đại học Pavia. Cuối năm 1559, khi vừa 21 tuổi, Bôrômêô được vinh dự lãnh cấp bằng tiến sĩ lưỡng luật, qua sự khảo hạch của giáo sư Phanxicô Alciat, một đại luật gia đương thời. Theo tục lệ thời bấy giờ, người ta có thể xin gia nhập hàng giáo sĩ từ hồi còn nhỏ. Chính vì thế nên vừa mới được 12 tuổi, Bôrômêô đã được nhận vào hàng giáo sĩ. Năm 1560, tức một năm sau ngày trúng tuyển tiến sĩ lưỡng luật, Bôrômêô được Đức Giáo Hoàng triệu về Rôma, ngài liền được phong tước vị Hồng y kiêm chức Giám quản địa phận Milan.

Làm Giám quản Milanô, nhưng ngài vẫn cư ngụ tại Rôma và kiêm nhiệm chức Quốc vụ khanh trong Giáo triều. Năm 1515, Đức Thánh Cha Phaolô III triệu tập Công đồng chung Tridentinô, nhưng phải mãi đến triều đại Đức Giáo Hoàng Piô IV công đồng này mới bế mạc một cách mỹ mãn. Được như vậy phần lớn là nhờ sự tận tâm tận lực của Hồng y Bôrômêô trong việc thu thập tài liệu và liên lạc giải quyết với các nhân viên trong Giáo triều Rôma và với các sứ thần cũng như các nghị phụ trong Công đồng. Ca ngợi lòng nhiệt thành của đức Hồng y Bôrômêô, một nghị phụ người Vênitia nói: "Ngài làm việc có khi suốt đêm, soạn lại các báo cáo và tin tức khắp nơi gửi về, lãnh ý và liệu thi hành chỉ thị của Đức Thánh Cha… Đúng ra, ngài là người chấp hành sứ vụ hơn là đứng địa vị một cố vấn".

Mặc dầu làm Tổng Giám mục Milanô, nhưng Hồng y Bôrômêô vẫn cư ngụ tại Rôma để giúp Đức Giáo Hoàng điều hành công việc trong Công đồng Triđentinô. Trong thời gian vắng nhà, ngài trao quyền quản trị Giáo khu cho Nicôla Ormanetô, một vị phụ tá rất lỗi lạc. Tuy nhiên, dù phụ tá lỗi lạc mấy đi nữa cũng không thể ích lợi bằng sự hiện diện của chính chủ chăn, nhất là vào thời kỳ các lạc giáo đang tác hại khắp miền. Bởi vậy, sau thời gian công tác tại hai miền Trung và Bắc Ý với tư cách là một đặc sứ, Hồng y Bôrômêô đã long trọng về nhận địa phận ngày 23 tháng 9 năm 1565. Nhưng chỉ một ít tháng sau, ngài lại phải tới Rôma để dự đám tang người cậu yêu quí là Đức Giáo Hoàng Piô IV và dự cuộc bầu cử Đức Tân Giáo Hoàng. Công việc hoàn tất, ngài lại trở về Milanô. Lần này ngài mới thực hiện sự điều khiển địa phận. Là một Hồng y Tổng Giám mục mới 28 xuân xanh mà phải gánh vác trọng trách của một tổng giáo khu rộng lớn như Milanô, phải chăng sự kiện ấy lại không cho ta thấy ngài là một nhà lãnh đạo lỗi lạc? Thật vậy, 18 năm trời cai quản giáo khu Milanô, đối với ngài là 18 năm làm việc vất vả nhất, song lại kết quả nhất trong cuộc đời. Mềm dẻo nhưng cương quyết, yêu thương nhưng không thiên vị… với những đức tính ấy, ngài đã dần cải tổ được cả hàng giáo phẩm lẫn giáo sĩ dưới quyền. Các Giám mục hồi đó thường hay sống xa địa phận, không mấy quan tâm đến việc chăn dắt con chiên. Trước tình trạng ấy, Hồng y Tổng Giám mục đã cương quyết khuyến cáo các vị về việc thi hành khoản luật trú sở mà Công đồng Tridentinô mới ban bố, và lời khuyến cáo đó đã có kết quả tốt đẹp. Các giáo sĩ cũng vậy, do sự tuyển dụng thiếu chắc chắn, nên có nhiều vị sống không đúng phẩm chức của mình. Trước cảnh sa sút ấy, Hồng y Bôrômêô quả thực là người đã làm sống lại lý tưởng cao cả của bậc tu trì.

Tuy nhiên, sự "sốt sắng việc nhà Chúa" của Đức Hồng y không phải là không gặp phản ứng mãnh liệt. Tháng 8 năm 1569, các kinh sĩ thánh đường Maria della Seala tại Milanô, do Thống đốc Alburquerque xúi giục, đã xua đuổi không cho ngài vào thánh đường của họ. Nhưng cuối cùng ngài đã chế phục được các kinh sĩ này. Với các tu sĩ dòng "Khiêm nhường", ngài còn phải đối phó gắt gao hơn nhiều. Dòng "Khiêm nhường" là một hội dòng có tính cách địa phương thuộc miền Milanô, nơi này rất giàu có nhờ việc buôn bán tơ lụa, và sự giàu có ấy đã làm cho họ mất hết lòng đạo đức sốt sắng. Tổng Giám mục Bôrômêô muốn tái lập trật tự cho họ. Nhưng một hôm đang khi đọc kinh với gia nhân ở nhà nguyện, ngài đã bị tu sĩ Donatô bắn lén. May mà súng thô sơ và tầm bắn hơi xa nên các viên đạn chỉ xuyên thủng áo mà không gây thương tích trầm trọng.

Ngoài các việc tái lập trật tự trong các dòng tu sẵn có, ngài còn thiết lập một hội dòng riêng cho địa phận, đó là dòng thánh Ambrôsiô (1578). Chính ngài nghiên cứu và soạn thảo qui luật cho hội. Hội dòng này đã làm ích cho địa phận không ít. Năm 1611, sau khi ngài được phong thánh, hội dòng đã lấy một tên khác là "Dòng hai thánh Ambrôsiô và Carôlô".

Việc đào luyện cán bộ truyền giáo cũng làm ngài bận tâm không ít. Bởi vậy, theo như quyết định của Công đồng Tridentinô, ngài đã xây dựng nhiều chủng viện để đào tạo giáo sĩ, đồng thời xây cất các trung tâm giáo dục và các trung tâm tĩnh niệm cho hối nhân. Riêng việc học hỏi giáo lý, ngài đã gây được một phong trào rất sôi động trong toàn địa phận. Chính ngài đã quảng diễn Phúc âm, tuy đơn sơ nhưng súc tích, ngài dùng hình ảnh và áp dụng thực tế nên thính giả rất hâm mộ.

Hằng năm ngài dành rất nhiều thời giờ để kinh lý địa phận riêng và các địa phận thuộc giáo tỉnh của ngài, kể cả những địa phận xa xôi hẻo lánh nhất. Đến đâu ngài cũng được giáo dân tiếp đón nồng nhiệt. Nhờ những cuộc kinh lý này, ngài hiểu thêm được đời sống thiêng liêng và vật chất của tín hữu, đặc biệt hơn hết là ngài điều tra tại chỗ được khả năng làm việc và nếp sống của các cha xứ, nhờ đó ngài đã đề ra nhiều biện pháp thích nghi để thăng tiến hàng giáo sĩ.

Lòng nhiệt thành của Đức Hồng y đối với công việc tông đồ thật vô cùng cao cả, mà đức bác ái của ngài đối với đồng bào đau khổ cũng không kém phần chói sáng. Người ta vẫn không quên đại họa dịch tả và nạn đói kém đã xảy ra tại Milanô vào hai năm 1576 và 1577. Làng Cocarno với nhân số 4.800 đã bị thần dịch cướp đi mất chỉ còn 700 người. Trước cảnh đau thương ấy, Đức Tổng Giám mục không hề từ nan mọi sự giúp đỡ nào mỗi khi có thể. Ngài đã bán tất cả đồ dùng trong nhà để lấy tiền cứu trợ. Ngài đã quên ăn, bỏ ngủ để thăm viếng và giúp các bệnh nhân dọn mình chết.

Chính vì sự tận tụy hy sinh ấy thêm vào sự lao nhọc tông đồ trong suốt hai mươi năm trường, ngài đã phải kiệt sức rồi nhuốm bệnh nặng. Đến chiều ngày thứ bảy, mồng 03 tháng 11 năm 1484. Ngài đã lìa cõi trần gian tục lụy, về hưởng hạnh phúc bất diệt nơi Chúa dành để cho các bề tôi trung tín.

Hằng năm, cứ đến ngày ngài tạ thế, giáo dân Milanô lại tổ chức những buổi lễ cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám mục thân yêu. Nhưng ngày 03 tháng 11 năm 1604, thay vì cầu nguyện cho ngài như mọi khi, người ta lại tổ chức một cuộc sùng kính công cộng hết sức long trọng. Thế rồi sang năm sau và năm sau nữa, thói quen đó cứ lan rộng dần ra khắp trời Âu. Tới năm 1640, Giáo hội chính thức tôn phong ngài lên bậc hiển thánh. Sự kiện này càng làm cho giáo hữu thêm lòng sùng mộ thánh nhân hơn nữa. Đời sống thánh thiện cũng như tài cai trị và đức bác ái nhiệt thành của ngài đã trở thành một tấm gương sáng trong, chẳng những cho toàn giáo dân mà còn cho cả các bậc vị vọng trong Giáo hội, chẳng hạn như cha Olier, đấng sáng lập hội Xuân Bích, Hồng y Bréuelle, và bao nhiêu Giám mục khác noi theo.

Xin thánh Bôrômêô cầu cho chúng con, nhất là cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ, được một tinh thần hăng say phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại, như ngài đã hăng say phụng vụ xưa. Amen.

1494    04-11-2019